Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Mỹ hạ lãi suất cơ bản và tác động tới kinh tế Hàn Quốc

2019-08-03

Tin tức

ⓒYONHAP News

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 31/7 công bố hạ 0,25% lãi suất cơ bản, từ mức 2,25-2,5%, xuống còn 2-2,25%. Phản ứng về động thái này, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) Lee Joo-yeol đánh giá quyết định của FED là phù hợp với kỳ vọng ban đầu, đồng thời để ngỏ khả năng hạ thêm lãi suất cơ bản trong nước.

 

FED hạ lãi suất

Cục dự trữ liên bang Mỹ đã mở cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) trong vòng hai ngày, trước khi đưa ra quyết định hạ lãi suất. Trong thông cáo công bố sau cuộc họp, FED cho biết việc hạ lãi suất là do tỷ lệ lạm phát dưới mức mục tiêu đề ra, và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm.

 

Cùng với đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ tuyên bố chấm dứt thu hẹp quy mô tài sản sở hữu sớm hơn hai tháng so với kế hoạch ban đầu là vào cuối tháng 9. Có nghĩa là FED sẽ kết thúc sớm chính sách “thắt chặt tiền tệ”, dừng việc bán ra trái phiếu sở hữu nhằm thu hồi đồng USD trên thị trường. Thu hẹp tài sản là một khái niệm đối lập với “nới lỏng định lượng”, tức ngân hàng trung ương một nước mua vào trái phiếu để bơm tiền ra thị trường.

 

Quyết định trên của Cục dự trữ liên bang Mỹ đã “đạp đổ” kỳ vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó, Tổng thống Trump đã yêu cầu FED cắt giảm 0,5% lãi suất. Chủ tịchFED Jerome Powell nêu rõ việc hạ lãi suất là một sự “điều chỉnh giữa chu kỳ”, mang tính chất “bảo hiểm” cho nền kinh tế Mỹ. Có nghĩa rằng việc hạ lãi suất không mang tính chất là một chính sách tiền tệ dài hạn của FED. Chủ tịch FED khẳng định cam kết sẽ hành động một cách thích hợp nhằm duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, để ngỏ khả năng sẽ có thểhạ thêm lãi suất trong thời gian tới.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Mặc dù các chỉ số kinh tế Mỹ đều đang trên đà hồi phục, là yếu tố để Cục dự trữ liên bang có thể nâng lãi suất, nhưng cơ quan này đã ra quyết định ngược lại, nhằm đối phó một cách chủ động với các điều kiện kinh tế thế giới, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, tập trung ở khu vực châu Âu và Trung Quốc, và mâu thuẫn thương mại lan rộng trên toàn cầu.

 

Nền kinh tế Mỹ đã đạt tăng trưởng trong suốt 121 tháng, tính tới tháng 6 vừa qua, đà tăng trưởng dài nhất trong lịch sử. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức thấp nhất trong vòng một nửa thế kỷ. Thị trường chứng khoán New York liên tục xác lập mức điểm cao kỷ lục. Hạ lãi suất là một chính sách tiêu biểu nhằm mục đích kích thích kinh tế. Do đó, với tình hình kinh tế Mỹ hiện nay thì lẽ phải hành động ngược lại là tăng lãi suất. Tuy nhiên, Washington không thể tiếp tục thực hiện chính sách một cách độc đoán, đi ngược với xu hướng chung của kinh tế thế giới. Mức lãi suất hiện nay của Mỹ cũng đang là mức thấp. Do vậy, FED nhận định cần chủ động hạ lãi suất để ngăn chặn trước suy thoái, bởi một khi đã rơi vào suy thoái thì nền kinh tế sẽ khó trụ vững trước việc hạ lãi suất.

 

Tác động tới kinh tế Hàn Quốc

Thị trường tỏ ra thất vọng trước quyết định của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Bởi lẽ, người đứng đầu FED khẳng định biện pháp hạ lãi suất lần này không phải là sự khởi đầu cho một chuỗi hạ lãi suất dài hạn, trong khi các nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất một cách liên tục và tối đa. Mặc dù vậy, đây vẫn là một quyết định mang ý nghĩa lớn, cho thấy Mỹ đã chấm dứt chu trình thắt chặt tiền tệ kéo dài hơn ba năm qua, chuẩn bị thực hiện một bước ngoặt chính sách mới. Trước đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cũng đã hạ lãi suất cơ bản. Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ hạ lãi suất và để ngỏ khả năng sẽ còn cắt giảm tiếp, giúp thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tiền tệ của Hàn Quốc. Thống đốc BOK đánh giá phát biểu của Chủ tịch cục dự trữ liên bang Mỹ ít "ôn hòa" (Dovish) hơn, tức ít khả năng FED sẽ nới lỏng tiền tệ bằng cách hạ tiếp lãi suất. Do FED tuyên bố sẽ có các biện pháp cần thiết để duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế Mỹ, nên BOK sẽ tiếp tục theo dõi các bước đi trong thời gian tới của Cục dự trữ liên bang Mỹ.Thống đốc Lee khẳng định có thể xem xét giảm lãi suất trong nước nếu các điều kiện kinh tế xấu đi.

Lựa chọn của ban biên tập