Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Bắc Triều Tiên và kỳ vọng khôi phục đối thoại Mỹ-Triều

2019-09-03

Tin tức

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Bắc Triều Tiên và kỳ vọng khôi phục đối thoại Mỹ-Triều

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Bắc Triều Tiên

Chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Ngoại trưởng kiêm Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị nhận được sự quan tâm đặc biệt trong bối cảnh đối thoại Mỹ-Triều đang rơi vào bế tác. Nhân dịp kỷ niệm tròn 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc thúc đẩy tăng cường quan hệ hợp tác, trong khi Washington và Bình Nhưỡng liên tiếp gửi cảnh báo cho nhau, cho thấy đối thoại đang dần mất đi động lực. Trong cuộc hội đàm, hai bên nhấn mạnh về tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị, hòa bình, giao lưu và hợp tác. Tuy nhiên, các nhà phân tích đang chú ý đến nội dung thảo luận giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng bởi chuyến thăm không thể được cho là chỉ mang tính hình thức. Các chuyên gia phân tích, mục đích chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc là gửi thông điệp thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều và bàn thảo về chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un. 


Đối thoại Mỹ-Triều tiếp tục bế tắc

Tiến trình đối thoại Mỹ-Triều có vẻ như không thoát khỏi bế tắc, thậm chí rơi vào tình thế khó khăn hơn. Sau khi hai bên bất ngờ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại Bàn Môn Điếm hồi cuối tháng 6, có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ sớm tiến hành đàm phán cấp chuyên viên. Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc đàm phán này vẫn chưa diễn ra. Trong khi đó, miền Bắc tiếp tục có “hành động khiêu khích ở mức vừa phải” khi liên tục phóng tên lửa tầm ngắn và pháo phản lực. Về phần mình, Washington không thay đổi chiến lược thúc đẩy đối thoại thông qua việc tiếp tục thực hiện cấm vận Bình Nhưỡng. Có thể thấy, cuộc “đấu khẩu” Mỹ-Triều đang diễn biến ngày càng căng thẳng hơn.


Washington và Bình Nhưỡng chỉ trích lẫn nhau

Thời gian gần đây, Mỹ xếp hai công dân Đài Loan và ba công ty vận tải biển của Đài Loan và Hồng Kông vào danh sách cấm vận, do nghi ngờ có hành vi chuyển tải trái phép trên biển, vi phạm lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Cùng với đó, ngày 27/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mô tả động thái của miền Bắc là "hành vi bất hảo", sau khi Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho ngày 23/8 gọi ông Pompeo là “thuốc độc” đang làm hỏng chính sách ngoại giao của Washinton và nhấn mạnh rằng “Nếu Mỹ vẫn mơ đạt được mọi thứ nhờ các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên thì Washington đã tính toán sai lầm”. Đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, miền Bắc ngày 31/8 ra bình luận dưới danh nghĩa Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui. Trong bài bình luận, Bắc Triều Tiên nhấn mạnh hiện cơ hội đàm phán Mỹ-Triều ngày càng xa vời và Washington đang thúc đẩy Bình Nhưỡng xem xét lại các chính sách đã thực hiện từ trước tới nay. Phát biểu của ông Pompeo được hiểu là miền Bắc đã không thực hiện cam kết là không thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm trung-xa, đóng cửa bãi thử hạt nhân. Trước đây, Bắc Triều Tiên vẫn thường tăng cường quan hệ với Trung Quốc mỗi khi đối thoại Mỹ-Triều gặp khó khăn. Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã 4 lần đi thăm Trung Quốc để bàn thảo “theo thời gian thực” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về cuộc đối thoại Mỹ-Triều. Cùng với đó, ông Kim đã đi thăm Nga vào tháng 4 vừa qua và nhấn mạnh quan hệ hữu nghị với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trái ngược với tình hình quan hệ hợp tác ba bên Hàn-Mỹ-Nhật đang lỏng lẻo do quan hệ căng thẳng Hàn-Nhật, quan hệ hợp tác giữa Nga-Trung-Triều đã tăng cường mạnh mẽ. Thực tế này khiến Bình Nhưỡng tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn với Washington. 


Hy vọng mở ra cục diện mới trong đối thoại Mỹ-Triều

Nhiều chuyên gia phân tích, Mỹ và Bắc Triều Tiên đang thực hiện cuộc đấu trí trước khi diễn ra đàm phán cấp chuyên viên. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại nguy cơ tình hình này dẫn đến việc đàm phán Mỹ-Triều bị hủy bỏ. Bình Nhưỡng đề nghị thời hạn thực hiện đối thoại là cuối năm nay, trong khi Washington sẽ tập trung chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ từ đầu năm 2020, nên có thể mất đi động lực đối thoại Mỹ-Triều. Như vậy, dư luận đang quan tâm đến việc liệu chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc có thể mở ra cục diện mới trong đối thoại Mỹ-Triều hay không.

Lựa chọn của ban biên tập