Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chính phủ giải ngân sớm ngân sách bổ sung nhằm vực dậy sức sống nền kinh tế

2019-09-04

Tin tức

Chính phủ giải ngân sớm ngân sách bổ sung nhằm vực dậy sức sống nền kinh tế

Công bố “Đối sách vực dậy sức sống nền kinh tế”

Chính phủ Hàn Quốc đã công bố “Đối sách vực dậy sức sống nền kinh tế”, một biện pháp đối phó với nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại. Hiện tại, kinh tế Hàn Quốc đối mặt với tình trạng trì trệ kéo dài của xuất khẩu và đầu tư, đồng thời xu hướng tăng tiêu thụ đình trệ. Do vậy, Chính phủ muốn bơm tiền một cách tích cực và kịp thời để ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế, khôi phục xu thế tăng. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki cho biết, hiện nền kinh tế Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ suy giảm do kinh tế toàn cầu có xu hướng đình trệ, bất ổn gia tăng, kèm theo đó là việc Nhật Bản áp dụng biện pháp trả đũa kinh tế chống lại Hàn Quốc. Theo ông Hong, đối sách lần này được Chính phủ cân nhắc kể từ khi công bố phương hướng điều hành chính sách kinh tế trong nửa cuối năm 2019 vào tháng 7 vừa qua. Đây là một minh chứng cho thấy Chính phủ nhận định thực trạng kinh tế hiện tại là nghiêm trọng.


Đặt mục tiêu giải ngân 75% ngân sách bổ sung trong tháng này

Nội dung chính của đối sách vực dậy sức sống nền kinh tế là việc giải ngân ngân sách bổ sung. Trước tiên, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 75% ngân sách bổ sung, tức 3.700 tỷ won (hơn 3 tỷ USD) trong tháng này. Cùng với đó, Chính phủ sẽ thay đổi kế hoạch điều hành 14 ngân quỹ, rót 1.600 tỷ won (1,3 tỷ USD) trong nửa cuối năm nay và khuyến khích các cơ quan Nhà nước đầu tư sớm trong thời gian còn lại của năm một số dự án, thay vì triển khai vào năm sau như kế hoạch, có quy mô 1.000 tỷ won (gần 830 triệu USD). Như vậy, quy mô đầu tư của các cơ quan Nhà nước năm 2019 sẽ lên thành 55.000 tỷ won (45,4 tỷ USD). Cùng với đó Chính phủ sẽ xúc tiến các phương án thúc đẩy xuất khẩu như hỗ trợ doanh nghiệp và mở rộng chính sách ưu đãi. Trên thực tế, từ lâu, Chính phủ đã triển khai chính sách mở rộng tài chính và dốc toàn lực để củng cố sức sống kinh tế. Đối sách vừa công bố là một chính sách bổ sung, đưa tỷ lệ giải ngân ngân sách của Chính phủ lên mức cao nhất từ trước tới nay. Đúng như ví von của Phó Thủ tướng Hong Nam-ki, Chính phủ đang “vắt lại khăn khô” để khôi phục nền kinh tế, ít nhất là ngăn chặn đà suy giảm trong nước.


Thực trạng của nền kinh tế Hàn Quốc

Nền kinh tế Hàn Quốc gặp phải khó khăn là do những yếu tố bất lợi như mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung, thị trường chíp bán dẫn trì trệ và việc Nhật Bản siết chặt hạn chế xuất khẩu đối với Hàn Quốc. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có xu thế giảm trong khi tâm lý đầu tư của các doanh nghiệp và tâm lý tiêu dùng giảm xuống. Chính phủ từng hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay xuống còn 2,4-2,5%. Dù sao, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Chính phủ vẫn ở mức cao hơn so với dự báo của các tổ chức khác. Trong khi đó, chỉ số niềm tin kinh doanh (ESI), gộp chỉ số lòng tin của doanh nghiệp (BSI) và chỉ số lòng tin người tiêu dùng (CSI) trong tháng 8 đạt 88,4 điểm, ở mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2012. Nếu loại bỏ các yếu tố biến thiên, như biến động theo mùa, thì chỉ số niềm tin kinh doanh trong tháng này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 10 năm qua, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tác động sâu sắc là tháng 5 năm 2009. Ngoài ra, tỷ lệ giá tiêu dùng trong tháng 8 cũng giảm 0,038%, lần đầu tiên đạt tăng trưởng âm kể từ sau khi Hàn Quốc bắt đầu đưa ra thống kê vào năm 1965. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Hàn Quốc đang mất dần sức sống. Vì vậy, Chính phủ hy vọng các chính sách tài chính tích cực có thể tạo ra sức sống mới cho khu vực tư nhân.

Lựa chọn của ban biên tập