Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 4% trong năm 2021

2022-01-29

Tin tức

ⓒYONHAP News

Sau khi tăng trưởng âm vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng dương trở lại trong năm 2021 ở mức 4%, thể hiện là một nền kinh tế vững mạnh trước khủng hoảng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường trước sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, cộng thêm tình hình lạm phát toàn cầu, nên tỷ lệ tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm 2022 được dự báo sẽ thấp hơn năm 2021.

 

Tăng trưởng 4%

Ngày 25/1, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế quý IV/2021 tăng trưởng 1,1% so với quý III. Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng GDP của cả năm đạt 4%, bằng với dự báo trước đó của BOK và là mức cao nhất trong vòng 11 năm sau mức 6,8% năm 2010. Tỷ lệ tăng trưởng quý I và quý II năm 2020 từng rơi xuống mức âm do dịch COVID-19 bùng phát. Sang quý III cùng năm, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,2%, rồi tiếp tục đà tăng trưởng dương 6 quý liên tiếp, cho tới quý IV/2021. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người sau khi giảm xuống 31.000 USD đã tăng lên thành 35.000 USD trong năm 2021. Xét theo lĩnh vực, xuất khẩu đã chuyển từ giảm 1,8% năm 2020 thành tăng trưởng 9,7% trong năm 2021 nhờ kết quả kinh doanh tích cực của ngành ô tô, chíp bán dẫn. Tiêu dùng tư nhân chuyển từ giảm 5% sang tăng 3,6% nhờ hiệu quả từ việc Chính phủ lập ngân sách bổ sung, chi trả gói hỗ trợ khẩn cấp cho người dân. Đầu tư thiết bị vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao, tăng 8,3% sau mức tăng 7,1% năm 2020. Tiêu dùng Chính phủ tăng 5,5%, cao hơn mức tăng 5% năm 2020. Xét theo ngành công nghiệp, ngành chế tạo có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 6,6%. Phần lớn các ngành khác như dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp, điện khí đều tăng trưởng dương, trong khi ngành chế tạo giảm 2,2%.

 

Phân tích

Các chỉ số thống kê cho thấy xuất khẩu đóng vai trò “đầu tàu” kéo đà tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc. Thêm vào đó, sự hồi phục tiêu dùng tư nhân cũng đóng vai trò lớn đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao. BOK đánh giá trong năm ngoái, bất chấp sự lây lan của COVID-19, các nước phát triển đã nối lại hoạt động kinh tế nhờ sự bao phủ vắc-xin, khiến xuất khẩu của Hàn Quốc, trọng tâm là ngành ô tô và chíp bán dẫn, đạt tăng trưởng tích cực. Về tiêu dùng tư nhân và ngân sách bổ sung, BOK phân tích các chủ thể tiêu dùng đã thích ứng dần với dịch COVID-19, nên tiêu dùng tư nhân tăng; thêm vào đó là việc Chính phủ nới lỏng biện pháp phòng dịch và lập ngân sách bổ sung cũng đã tác động đưa kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 4% trong năm 2021.

Tuy nhiên, BOK nhận định chưa thể tính toán cụ thể hiệu quả từ gói ngân sách bổ sung quy mô gần 50.000 tỷ won (41,7 tỷ USD) trong năm ngoái đã tác động tới tiêu dùng tư nhân như thế nào.

 

Ý kiến lo ngại

Nhiều ý kiến vẫn đang lo ngại về tình hình kinh tế năm nay trước tình hình biến thể Omicron bắt đầu lây lan nhanh trong nước, cộng thêm các yếu tố bất ổn bên ngoài như tỷ lệ lạm phát toàn cầu, rủi ro từ thị trường bất động sản Trung Quốc. Trên thực tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo điều chỉnh về triển vọng tăng trưởng kinh tế công bố ngày 25/1 đã hạ dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay, từ mức 4,9% như dự báo hồi tháng 10 năm ngoái xuống 4,4%. IMF cũng hạ 0,3% dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2022, từ mức 3,3% xuống 3%. Về phần mình, BOK nhận định kinh tế thế giới vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu về chíp bán dẫn của Hàn Quốc vẫn rất lớn, nên dù tiêu dùng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 đi chăng nữa thì kinh tế Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục duy trì được đà hồi phục trong năm nay.

Lựa chọn của ban biên tập