Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Thủ tướng Hàn-Nhật hội đàm tại Tokyo

2022-10-01

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nhân chuyến thăm Tokyo dự lễ quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã có buổi hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào ngày 28/9, thảo luận về phương án cải thiện quan hệ song phương, trong đó có việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến.

 

Nội dung hội đàm

Phát biểu tại cuộc hội đàm cùng ngày, Thủ tướng Han nhấn mạnh Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước láng giềng gần gũi, đối tác quan trọng cùng chia sẻ giá trị chủ nghĩa dân chủ và nguyên tắc kinh tế thị trường. Từ sau khi ra mắt vào tháng 5 năm nay, Chính phủ mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol luôn quan niệm rằng việc sớm cải thiện và phát triển quan hệ Hàn-Nhật là phù hợp với lợi ích chung hai nước.


Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Hàn Quốc cho biết ông Kishida đã chỉ ra rằng giữa hai nước còn nhiều việc cần làm, không chỉ tại khu vực châu Á mà trên toàn thế giới. Trong đó, Seoul và Tokyo cần hợp tác để đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng. Đáp lại, Thủ tướng Han cũng đồng tình với những phát biểu này của ông Kishida. Trước câu hỏi của phóng viên về việc hai bên đã thảo luận tới đâu về vấn đề bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, ông Han trả lời hai bên nhất trí sẽ chỉ thị cho Bộ trưởng Ngoại giao mỗi nước tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.

Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản cũng ra thông cáo báo chí cho biết Thủ tướng hai nước đã nhất trí đẩy nhanh trao đổi giữa cơ quan ngoại giao song phương, để đưa quan hệ Hàn-Nhật quay trở lại lành mạnh và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

  

Dự báo về quan hệ Hàn-Nhật

Thủ tướng Han Duck-soo nhấn mạnh cuộc hội đàm lần này đã tạo ra được một bước ngoặt để cải thiện quan hệ Hàn-Nhật. Trong thời gian qua, Chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol luôn thể hiện quyết tâm cải thiện quan hệ với Nhật Bản, tích cực tìm kiếm phương án giải quyết các vấn đề mâu thuẫn giữa hai bên. Hai nước đã tổ chức tổng cộng 4 cuộc hội đàm Ngoại trưởng. Trong tuần trước, Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida đã có cuộc hội đàm ngắn bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).

Tuy nhiên, vẫn khó để đánh giá quan hệ Hàn-Nhật đã rẽ sang một bước ngoặt mới để cải thiện quan hệ như lời của Thủ tướng. Mặc dù hai nước cùng thể hiện quyết tâm tìm kiếm phương án cải thiện quan hệ, nhưng vẫn chưa đề ra phương hướng rõ ràng. Hiện tại, vấn đề nổi cộm nhất trong quan hệ song phương chính là việc bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến. Tòa án tối cao Hàn Quốc đã công nhận trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp thời chiến Nhật Bản đối với các nạn nhân người Hàn bị cưỡng ép lao động thời chiến, đồng thời ra phán quyết bán tài sản trong nước của các doanh nghiệp này để bồi thường cho phía nguyên đơn. Trong khi đó, doanh nghiệp và Chính phủ Nhật Bản đang phản đối quyết liệt phán quyết của Tòa án Hàn Quốc, khiến quan hệ giữa hai nước vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Bộ Ngoại giao cho biết lãnh đạo hai nước vẫn chưa trao đổi cụ thể về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến. Cả trong cuộc gặp với Tổng thống và Thủ tướng Hàn Quốc, Thủ tướng Kishida đều không đề cập ý kiến cụ thể về vấn đề này. Lãnh đạo hai bên chỉ dừng lại ở việc đồng tình cần nhanh chóng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề.

Tuy nhiên, cân nhắc tới việc Ngoại trưởng hai nước đã 4 lần hội đàm trong thời gian qua, có ý kiến phỏng đoán rằng có thể hai bên đã đưa ra được một phương án và thảo luận ở mức độ nhất định. Nhưng việc lãnh đạo Hàn-Nhật không hội đàm thượng đỉnh chính thức mà chỉ trao đổi ngắn bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, có thể phỏng đoán rằng Seoul và Tokyo vẫn còn mâu thuẫn ý kiến lớn về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến.

Vừa qua, Nhật Bản đã quyết định nối lại chế độ miễn thị thực với khách nhập cảnh ngắn hạn, nhằm thúc đẩy giao lưu nhân sự. Nước này cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác Hàn-Nhật, Hàn-Mỹ-Nhật nhằm đối phó với vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Dựa trên lập trường hiện nay của Tokyo, có thể thấy hai nước sẽ tiếp cận các vấn đề khác trước khi thực sự bắt tay vào giải quyết các vấn đề nổi cộm song phương.

Lựa chọn của ban biên tập