Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc tháng 9 giảm gàn 20 tỷ USD

2022-10-08

Tin tức

ⓒYONHAP News

Dự trữ ngoại hối

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 6/9 công bố dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc tính tới cuối tháng 9 đạt 416,77 tỷ USD, giảm 19,66 tỷ USD so với cuối tháng 8, mức giảm sâu nhất trong vòng gần 12 năm, sau mức giảm 27,4 tỷ USD tháng 10/2008, thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã giảm 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 3, tới tháng 7 tăng đã trở lại, nhưng sau đó quay lại đà giảm trong tháng 8 và 9.

Trong dự trữ ngoại hối, các loại chứng khoán có giá đạt 379,4 tỷ USD, giảm 15,53 tỷ USD; tiền gửi đạt 14,19 tỷ USD, giảm 3,71 tỷ USD. Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đạt 14,15 tỷ USD, giảm 310 triệu USD. Vị thế ròng tại IMF (IMF Reserve Position), tức quyền được rút một phần tiền trong khoản đóng góp nghĩa vụ cho IMF, giảm 100 triệu USD, còn 4,23 tỷ USD. Các tài sản này đều giảm nhẹ so với một tháng trước. Tuy nhiên, riêng dự trữ vàng vẫn giữ nguyên so với tháng 8 là 4,79 tỷ USD, do được thể hiện bằng mức giá mua vào, không phản ánh giá thị trường. Tính tới cuối tháng 8, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đứng thứ 8 thế giới, sau các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Nga, Ấn Độ, Đài Loan, Ả-rập Xê-út; đủ để không phải lo lắng về khủng hoảng tiền tệ.

 

Phòng thủ tỷ giá và dự trữ ngoại hối

Việc dự trữ ngoại hối giảm mạnh là bởi Chính phủ đã bơm một lượng lớn đồng USD ra thị trường, nhằm phòng thủ cho tỷ giá, tức bán ra tài sản đồng USD để hạ tỷ giá hối đoái won/USD. Trên thực tế, vào đầu năm nay, tỷ giá won/USD ở ngưỡng 1.100 won đổi 1 USD, sau đó đã tăng vọt lên ngưỡng 1.400 won đổi 1 USD vào tháng 9. Tại thị trường ngoại hối Seoul, tỷ giá hối đoái đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/9 ở mức 1.362,6 won đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ sau phiên giao dịch ngày 1/4/2009, thơi kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tỷ giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/9 tiếp tục tăng lên tới 1.430,2 won đổi 1 USD. Tỷ giá ở ngưỡng 1.400 won đổi 1 USD là điều chưa từng thấy nếu không phải tình huống xảy một cuộc khủng hoảng nào đó. Cuối cùng, Ngân hàng trung ương đã quyết định bơm một lượng lớn đồng USD ra thị trường, vậy nhưng tỷ giá hối đoái vẫn duy trì ở ngưỡng cao. Về điều này, BOK đánh giá việc bơm đồng USD ra thị trường đã giúp ích trong việc phục hồi chức năng cho thị trường. Biện pháp can thiệp này không nhằm mục đích là đạt tới một mức tỷ giá nhất định, mà là nhằm ngăn chặn tâm lý đám đông trên thị trường trong trường hợp xảy ra bất cân bằng cung cầu.

 

Khủng hoảng tiền tệ?

Thông thường, Ngân hàng trung ương chỉ đưa ra số liệu thống kê về dự trữ ngoại hối theo tháng, không tổ chức họp báo riêng. Tuy nhiên lần này, một quan chức cấp Vụ trưởng của BOK đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của báo giới, cho thấy Ngân hàng trung ương đã cân nhắc tới ý kiến lo ngại từ thị trường, giải đáp thắc mắc nhằm dập tắt ý kiến tranh cãi về nguy cơ xảy ra khủng hoảng tiền tệ.

Trên thực tế, mặc dù dự trữ ngoại hối giảm gần 20 tỷ USD, nhưng so với quá khứ, quy mô ngoại hối của Hàn Quốc đã lớn hơn rất nhiều, nên nếu xét về tỷ lệ thì mức giảm tháng 9 chỉ là 4,5%, cao thứ 32 trong lịch sử. Ngân hàng trung ương tự tin rằng quy mô dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đang ở mức đầy đủ, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, dù quy mô lớn nhưng tỷ lệ tài sản nước ngoài của Hàn Quốc đang chiếm tới 37% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). BOK đưa ra các số liệu cho biết tỷ lệ nợ nước ngoài ngắn hạn của Hàn Quốc đã giảm dần, quy mô dự trữ ngoai hối đang ở mức cao so với các quốc gia có cùng xếp hạng tín nhiệm khác. Do đó, bản thân cụm từ “khủng hoảng tiền tệ” là chưa thích hợp để miêu tả nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay.

Lựa chọn của ban biên tập