Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc tiến gần tới Top 4 cường quốc xuất khẩu vũ khí

2022-10-08

Tin tức

ⓒYONHAP News

Xuất khẩu công nghiệp quốc phòng

Viện nghiên cứu kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc (KIET) ngày 3/10 công bố báo cáo “Phân tích chế độ hỗ trợ xuất khẩu công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc và bài toán đặt ra nhằm lọt vào Top 4 cường quốc xuất khẩu công nghiệp quốc phòng”. Báo cáo dự báo rằng trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc sẽ vượt ngưỡng 20 tỷ USD, với điều kiện là các doanh nghiệp trong nước ký kết hợp đồng xuất khẩu vũ khí thành công với các quốc gia là Australia, Malaysia, Na Uy từ nay cho tới cuối năm. Nếu tiếp tục xu hướng như hiện nay thì Hàn Quốc sẽ có thể tiến vào hàng ngũ 4 cường quốc hàng đầu về xuất khẩu công nghiệp quốc phòng.

Trong vòng 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc thường chỉ đạt 2-3 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, môi trường an ninh toàn cầu gần đây đang có sự thay đổi mạnh mẽ, khiến nhu cầu nhập vũ khí của các nước tăng vọt. Năm ngoái, Hàn Quốc đã xuất khẩu được 7,25 tỷ USD vũ khí, quy mô cao kỷ lục trong lịch sử. Vậy nhưng tới quý III năm nay, kim ngạch xuất khẩu công nghiệp quốc phòng đã vượt ngưỡng 10 tỷ USD, một lần nữa xác lập kỷ lục mới.

 

Các hợp đồng xuất khẩu lớn trong năm 2022

Thành tích xuất khẩu vượt trội trong năm nay có được là nhờ các doanh nghiệp trong nước đã đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu và chủng loại vũ khí xuất khẩu. Trong báo cáo trên, KIET chỉ ra rằng trong quá khứ, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu xuất khẩu vũ khí sang thị trường châu Á và Bắc Mỹ. Nhưng gần đây, thị trường xuất khẩu đang được mở rộng sang khu vực Trung Đông, châu Âu, Trung Nam Mỹ, châu Đại Dương và tới cả châu Phi. Ngoài ra, chủng loại vũ khí xuất khẩu được chuyển từ trọng tâm là đạn dược, tàu chiến sang nhiều loại đa dạng hơn như phương tiện cơ động, máy bay, vũ khí dẫn đường, vũ khí hỏa lực.

Thành tích xuất khẩu trong ba quý đầu năm nay có sự đóng góp lớn từ hợp đồng xuất khẩu vũ khí ký kết với Ba Lan. Chính phủ Ba Lan dự kiến nhập khẩu vũ khí quy mô lớn từ Hàn Quốc có tổng trị giá 14,8 tỷ USD, gồm xe tăng K-2, xe bọc thép, máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50. Vào tháng 7 vừa qua, hai bên đã ký kết hợp đồng lần một trị giá 5,76 tỷ USD. 

Các loại vũ khí xuất khẩu được ưa chuộng trong năm nay của Hàn Quốc là xe tăng K-2, pháo tự hành K-9, máy bay FA-50. Các loại vũ khí này có tính năng ưu việt hơn hẳn so với vũ khí cùng loại của các nước phát triển, lại có giá thành phải chăng.

Hiện tại, các doanh nghiệp trong nước đang xúc tiến ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu vũ khí quy mô lớn. Cụ thể là hợp đồng xuất khẩu xe bọc thép Redback trị giá từ 5-7,5 tỷ USD với Australia, xuất khẩu xe tăng K-2 cho Na Uy và Ai Cập có giá trị lần lượt là 1,7 tỷ USD và từ 1-2 tỷ USD, xuất khẩu máy bay FA-50 quy mô 700 triệu USD cho Malaysia. Nếu trúng thầu tất cả các đơn hàng này thì kim ngạch xuất khẩu công nghiệp quốc phòng cả năm của Hàn Quốc sẽ có thể đạt hơn 20 tỷ USD.

 

Bài toán đặt ra

Báo cáo trên chỉ ra một vấn đề là chế độ hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp không theo kịp đà tăng của kim ngạch xuất khẩu công nghiệp quốc phòng. Báo cáo chia chế độ hỗ trợ xuất khẩu công nghiệp quốc phòng thành 13 lĩnh vực, để so sánh với chế độ của các nước phát triển. Trong đó, có 8 lĩnh vực mà Hàn Quốc vẫn chưa theo kịp với các nước phát triển. Đặc biệt, chế độ hợp đồng xuất khẩu liên Chính phủ của Hàn Quốc bị cho là vẫn còn thụ động, chưa hỗ trợ một cách tích cực cho doanh nghiệp, nguồn quỹ hỗ trợ xuất khẩu cũng chưa thể bằng các nước phát triển.

Ngoài ra, báo cáo cũng đề xuất Chính phủ xuất khẩu “gói hợp tác công nghiệp quốc phòng thông minh”, trong đó hỗ trợ trọn gói về đào tạo, công nghệ, tài chính khi xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài, điều đang được áp dụng tương tự tại Mỹ và Pháp. Viện nghiên cứu cũng cho rằng Chính phủ cần lập “chiến lược xuất khẩu công nghiệp quốc phòng thế hệ thứ ba” trong đó tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa chủng loại vũ khí xuất khẩu, mở rộng xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm, đa dạng hóa về chủ thể và phương thức xuất khẩu. Chỉ có như vậy, Hàn Quốc mới có thể đứng vào hàng ngũ 4 cường quốc hàng đầu về xuất khẩu vũ khí.

Lựa chọn của ban biên tập