Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba

2022-10-29

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 23/10 vừa qua, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái đắc cử chức Tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân sự trung ương. Ông Tập Cận Bình đã kiện toàn xong bộ máy lãnh đạo tối cao nhiệm kỳ tới, gồm toàn các nhân vật thân cận, củng cố hơn nữa thể chế một nhà lãnh đạo dài hạn tại quốc gia này. Dự báo cuộc cạnh tranh bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng Đài Loan, mối liên kết khăng khít giữa Trung Quốc với Nga và Bắc Triều Tiên, sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Hàn Quốc đang đối mặt với một thách thức mới ở mọi khía cạnh, từ ngoại giao, an ninh cho tới kinh tế.

 

Nhiệm kỳ cầm quyền thứ ba của ông Tập Cận Bình

Tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc vào ngày 22/10, Ủy ban trung ương đảng khóa 20 đã được bầu mới, trong đó 65% ủy viên bị thay thế. Tiếp đó, trong cuộc họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban trung ương đảng vào ngày 23/10, bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc đã chính thức được ra mắt. Có 4 gương mặt mới xuất hiện trong danh sách 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, tất cả đều là những người thân cận với ông Tập Cận Bình, trong đó có Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường. Những nhân vật không thân cận với ông Tập Cận Bình đều bị “ngã ngựa”. Đặc biệt, danh sách ủy viên Bộ Chính trị khóa 20 không có tên Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, người từng được kỳ vọng sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc.

Sau Đại hội đảng lần này, ông Tập Cận Bình đã củng cố vững chắc thể chế một nhà lãnh đạo, tập trung mọi quyền lực vào bản thân mình. Tại Đại hội đảng, các nhân vật tiềm năng đều đã bị loại bỏ, không còn nhân vật nào mới nổi đáng chú ý, nên giới phân tích dự báo ông Tập Cận Bình sẽ còn tiếp tục giữ vị trí nhà lãnh đạo trong một khoảng thời gian dài, không chỉ dừng lại ở nhiệm kỳ thứ ba này.

 

Thay đổi

Sự thay đổi bộ máy quyền lực của Trung Quốc nhiệm kỳ tới dự kiến sẽ tác động lớn tới tình hình bán đảo Hàn Quốc và thế giới. Nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chạy đua bá quyền với Mỹ, điều mà ông đã thực hiện suốt thời gian qua, cũng như quyết tâm thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Ngoài ra, Trung Quốc được cho là sẽ tăng cường mối quan hệ khăng khít với hai quốc gia là Nga và Bắc Triều Tiên. Khi đó, cục diện “chiến tranh lạnh mới”, sự đối đầu giữa các quốc gia phương Tây trong đó có Mỹ với các quốc gia chuyên chế trên đại lục Á-Âu gồm Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên sẽ ngày càng trở nên sâu sắc và căng thẳng hơn nữa. Trong đó, vấn đề nhạy cảm nhất trong cuộc đối đầu giữa hai thế lực này chính là vấn đề Đài Loan và vấn đề bán đảo Hàn Quốc. Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thị uy sức mạnh quân sự quyết liệt đối với Đài Loan, trong khi Bắc Triều Tiên liên tiếp có các động thái khiêu khích như phóng tên lửa, thậm chí có khả năng sắp sửa thử nghiệm hạt nhân lần thứ 7.

Nhiều ý kiến đáng lo ngại rằng chính sách cải cách, mở cửa của Trung Quốc sẽ có một bước lùi trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình, do trong thời gian qua, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không ngừng đẩy mạnh chủ nghĩa xã hội. Các nhân vật mang khuynh hướng cải cách như Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Uông Dương đều bị loại khỏi bộ máy lãnh đạo tối cao. Nhận thức được mối lo ngại này, Chủ tịch Tập Cận Bình liên tiếp nhấn mạnh về việc sẽ thúc đẩy hơn nữa cải cách, mở cửa, nhưng lại vẫn duy trì các chính sách hiện tại như kiểm soát doanh nghiệp tư nhân, tăng cường vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, chính sách “thịnh vượng chung” nhấn mạnh về sự phân phối đồng đều thành quả kinh tế cho tất cả người dân.

 

Tương lai quan hệ Hàn-Trung và tình hình bán đảo Hàn Quốc

Quan hệ Hàn-Trung đang đứng trước một thách thức mới. Ở khía cạnh an ninh, Bắc Triều Tiên đã ngay lập tức bày tỏ hoan nghênh việc Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, nhấn mạnh sẽ tiếp tục đoàn kết với Trung Quốc. Nhiều khả năng dưới sự bảo hộ của Trung Quốc, chính quyền miền Bắc sẽ có nhiều hành động liều lĩnh và mạo hiểm hơn nữa trong thời gian tới. Điều này sẽ khiến Hàn Quốc không còn cách nào khác là phải tăng cường liên minh Hàn-Mỹ và Hàn-Mỹ-Nhật, để đối phó với các động thái khiêu khích của miền Bắc, tiếp diễn vòng tròn luẩn quẩn.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Hàn Quốc, do đó nền kinh tế Hàn Quốc có khả năng sẽ trở nên khó khăn hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, việc tham gia vào liên minh chíp bán dẫn do Mỹ khởi xướng nhằm kìm hãm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc sẽ có thể khiến xuất khẩu, lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế Hàn Quốc, càng bị lung lay hơn trong thời gian tới. Thời điểm này đòi hỏi Chính phủ Hàn Quốc phải có sự phân tách rõ ràng giữa kinh tế và an ninh, cũng như có biện pháp đối phó một cách chặt chẽ ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến cho chỗ đứng của Hàn Quốc ngày càng bị thu hẹp hơn.

Lựa chọn của ban biên tập