Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc sửa đổi toàn diện Chương trình giáo dục sau 7 năm

2022-11-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Để chuẩn bị cho việc triển khai toàn diện học chế tín chỉ ở bậc trung học phổ thông từ năm 2025, và đáp ứng nhu cầu về việc tăng cường giáo dục kỹ thuật số, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã lần đầu sửa đổi toàn diện “Chương trình giáo dục” sau 7 năm, trong đó điều chỉnh về môn học, sách giáo khoa, phương hướng giáo dục tại các bậc học.

    

Nội dung “Chương trình giáo dục” sửa đổi

Bộ Giáo dục ngày 9/11 đăng công báo dự thảo sửa đổi “Chương trình giáo dục”, áp dụng với các bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường giáo dục đặc biệt. Đây là lần đầu tiên Chương trình đào tạo được sửa đổi toàn diện kể từ sau năm 2015.

Trọng tâm của dự thảo sửa đổi lần này là tăng cường giáo dục về kỹ thuật số trong bối cảnh tốc độ chuyển đổi số đang diễn ra ngày một nhanh sau đại dịch COVID-19 và việc chuyển sang áp dụng học chế tín chỉ với toàn bộ các trường trung học phổ thông. Dự thảo có nội dung mở rộng hơn quyền lựa chọn môn học cho học sinh. Trước tiên, ở bậc trung học phổ thông, Chương trình giáo dục mới cho phép học sinh được lựa chọn môn học căn cứ theo hệ thống tín chỉ mới. Theo đó, từ nay trở đi, học sinh sẽ có thể học những môn học mà mình yêu thích, phù hợp với khả năng học tập và định hướng nghề nghiệp của bản thân. Số tiết học về công nghệ thông tin được tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, để bồi dưỡng năng lực kỹ thuật số cho học sinh, lĩnh vực toán học “ma trận” được đưa trở lại vào chương trình giảng dạy môn Toán. Ngoài ra, Chương trình giáo dục mới tăng thêm các nội dung giáo dục về an toàn sau khi xảy ra thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon, trong đó phần lớn nạn nhân là giới trẻ.

    

Tranh cãi

Nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh một số điều chỉnh của Bộ Giáo dục về cách diễn đạt ở các môn Lịch sử, Xã hội, như về chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cụm từ “chủ nghĩa dân chủ”, vấn đề người thiểu số tính dục, bình đẳng giới.

Trong dự thảo sửa đổi ban đầu, nhóm nghiên cứu chính sách đã sử dụng cụm từ “chiến tranh Triều Tiên”, nhưng sau đó diễn giải thêm rằng “chiến tranh Triều Tiên bắt nguồn từ việc miền Bắc đánh chiếm xuống miền Nam”, dựa theo các ý kiến góp ý. Cụm từ “chủ nghĩa dân chủ” được sửa thành “chủ nghĩa dân chủ tự do” và “trật tự cơ bản dân chủ tự do”, căn cứ theo ý kiến của phe bảo thủ, cho rằng phải thêm vào cụm từ “tự do” bởi trong Hiến pháp Hàn Quốc hiện hành, được sửa đổi năm 1987, cũng nhắc tới “trật tự cơ bản dân chủ tự do”. Phe tiến bộ thì phản đối, cho rằng cách diễn đạt “chủ nghĩa dân chủ tự do” trên thực tế mang ý nghĩa là “chống Bắc diệt Cộng” từ thời chính quyền độc tài. Liên quan tới “người thiểu số tính dục”, cụm từ “người khuyết tật, người nhập cư nước ngoài, người thiểu số tính dục” được đổi thành “người thiểu số bị phân biệt đối xử với các lý do như giới tính, độ tuổi, chủng tộc, quốc tịch, khuyết tật”. Cụm từ “bình đẳng giới” được đổi thành “định kiến về giới”. Bộ Giáo dục giải thích sự thay đổi này phản ánh ý kiến từ người dân, cho rằng việc ghi rõ về nhóm “người thiểu số tính dục” sẽ kích động giới tính thứ ba, và có thể khiến các em học sinh bối rối trong giai đoạn nhận thức về giới tính của bản thân.

 

Ý kiến trái chiều

Các tổ chức giáo viên trong nước đang phản ứng trái chiều về dự thảo sửa đổi Chương trình giáo dục mà Bộ Giáo dục vừa công bố. Hiệp hội các tổ chức giáo viên Hàn Quốc đánh giá tích cực, cho rằng nội dung sửa đổi lần này đã phản ánh lo ngại và yêu cầu từ người dân và giới giáo dục đối với những vấn đề gây tranh cãi thời gian qua, tính chỉnh thể quốc gia, cách diễn đạt lịch sử. Ngược lại, Công đoàn giáo viên toàn quốc lại cho rằng nội dung sửa đổi lần này là một bước lùi của Chương trình giáo dục, chỉ phản ánh lập trường của các thế lực bảo thủ, cũng như theo đường lối “thân doanh nghiệp, chống người lao động” của Chính phủ đương nhiệm Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Lựa chọn của ban biên tập