Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Bắc Triều Tiên

2019-01-10

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 7 đến 9/1 vừa qua. Đây là lần thứ tư ông Kim thăm Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền ở miền Bắc. Sự kiện đáng chú ý này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đề cập tới việc sớm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Chủ tịch Kim. Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm mới nhất của ông Kim báo hiệu sự mở màn của một cuộc chiến ngoại giao xoay quanh bán đảo Hàn Quốc trong năm nay. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Kim Jun-hyung của Đại học Quốc tế Handong phân tích sâu hơn về bối cảnh và tầm quan trọng của chuyến thăm.


Chuyến thăm vừa qua có nhiều mục đích. Trước tiên, Chủ tịch Kim Jong-un đã tới Bắc Kinh trong một động thái chiến lược nhằm thúc đẩy liên lạc với Trung Quốc, trước thềm cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thêm vào đó, Bắc Triều Tiên hy vọng có thể đảm bảo được sự ủng hộ từ Trung Quốc khi tổ chức đàm phán với Mỹ, bất kể kết quả của hội đàm sẽ là gì. Đối với Chủ tịch Kim, sự ủng hộ của Bắc Kinh sẽ là một dạng “bảo đảm” nếu đàm phán với ông Trump thất bại. Hoặc là, Bình Nhưỡng có lẽ muốn thể hiện nhiều sự coi trọng hơn với Bắc Kinh và xóa tan nghi ngờ rằng Trung Quốc đã bị đặt ra ngoài lề trong các nỗ lực xây dựng hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc.


Trong năm ngoái, nhà lãnh đạo miền Bắc đã thăm Trung Quốc tới ba lần. Những chuyến thăm đó, đặc biệt là chuyến đi hồi tháng 5 ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6, đã diễn ra trong bối cảnh diễn biến đối ngoại khá thuận lợi. Dựa trên thực tế này, tôi cho rằng chuyến thăm vừa qua của Chủ tịch Kim là nhằm tăng cường liên lạc với Trung Quốc, hơn là gây áp lực với Mỹ.


Nhiều người quan tâm tới lý do vì sao Chủ tịch Kim Jong-un lại thăm Trung Quốc vào thời điểm này. Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo miền Bắc đã rời ga Bình Nhưỡng trên chuyến tàu hỏa chuyên dụng ngày 7/1 theo lời mời của Trung Quốc và tới ga Bắc Kinh sáng ngày hôm sau. Ngày 8/1 là sinh nhật lần thứ 35 của Chủ tịch Kim, cũng chính là ngày Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp cấp Thứ trưởng đầu tiên tại Bắc Kinh nhằm giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước. Tất nhiên, việc ông Kim chọn Trung Quốc là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong năm 2019 là rất đáng chú ý, nhất là khi Bắc Triều Tiên và Mỹ đang xem xét khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai.


Tôi cho rằng Chủ tịch Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi quan điểm về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Hai bên có lẽ đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa rất rõ ràng của ông Kim và thảo luận các biện pháp đối phó với Mỹ. Trong khoảng 7 năm trước năm 2018, quan hệ Trung-Triều đã ở trong tình trạng xấu nhất. Nhưng hai đồng minh đặc biệt này đã mau chóng cải thiện quan hệ song phương trong năm ngoái. Và hai bên đã lại vừa chứng minh tình hữu nghị, bởi Trung Quốc dường như đã tổ chức mừng sinh nhật của Chủ tịch Kim nhân chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần này.


Năm nay, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thiếp lập quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có hợp tác kinh tế, trong cuộc hội đàm thượng đỉnh kéo dài một giờ đồng hồ vào chiều ngày 7/1. Tiếp theo sự kiện này là tiệc tối chào mừng và buổi lễ mừng sinh nhật của ông Kim do Trung Quốc tổ chức kéo dài tới 4 giờ đồng hồ, phản ánh quan hệ mật thiết giữa hai nước. Xét tới quan hệ hợp tác chiến lược giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, các nhà phân tích suy đoán rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sẽ sớm được tổ chức.


Các quan chức Mỹ đã đề cập cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 là thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã gợi ý rằng sự kiện trên sắp được tổ chức. Dường như đàm phán cấp chuyên viên đang được lên kế hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội đàm thượng đỉnh. Trong bối cảnh trên, chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Chủ tịch Kim Jong-un hàm ý rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đang được hình thành và sẽ sớm diễn ra.


Chủ tịch Kim Jong-un đã có chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên tháng 3 năm ngoái, ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Bắc Triều Tiên. Ông Kim cũng tổ chức hội đàm thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5 và 6/2018, trước và sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 tại Singapore. Do đó, có khả năng Bình Nhưỡng và Washington sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán sau chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Kim trong tuần này. Mặt khác, sự phối hợp sơ bộ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đó là bởi Mỹ có thể nghi ngờ rằng Bắc Kinh, người chống lưng chính của Bình Nhưỡng, đang cố gây ảnh hưởng tới các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc.


Dường như rất nhiều chiến lược gia của Mỹ nhìn nhận chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua của Chủ tịch miền Bắc là nhằm gây sức ép với Washington. Tất nhiên, Mỹ không hài lòng về điều này. Thời báo phố Wall cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực củng cố lập trường của mình trong đàm phán thương mại với Mỹ bằng việc mời nhà lãnh đạo miền Bắc tới thăm, trong khi tờ Bưu điện Washington cho rằng Chủ tịch Kim đã đưa ra lời cảnh báo úp mở tới Tổng thống Trump bằng chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc tuần này. Bất cứ sự tiếp xúc nào giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đều có thể gây ra áp lực với Washington. Bắc Kinh có thể hợp tác với Bình Nhưỡng khi Bắc Triều Tiên tìm kiếm phương án hai, như đã nêu trong diễn văn nhân dịp năm mới của Chủ tịch Kim, đó là sẽ chọn lối đi khác nếu Mỹ cứ khăng khăng gây sức ép và cấm vận. Chúng ta phải lưu ý tới vai trò của Trung Quốc trong tình huống này.


Sự dính líu của Trung Quốc vào hội đàm Mỹ-Triều có thể làm phức tạp thêm tình hình đối ngoại khu vực. Bắc Triều Tiên có một đồng minh đáng tin cậy là Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh có thể một lần nữa nêu bật vai trò quan trọng của mình trong đàm phán phi hạt nhân hóa. Nhưng quan hệ Trung-Triều thân thiết hơn có thể sẽ là tin tức không mấy vui vẻ đối với Mỹ.


Nhìn chung, ông Kim đang gửi đi nhiều thông điệp tới Tổng thống Trump thông qua chuyến thăm Trung Quốc, trong bối cảnh quan điểm giữa hai bên về vấn đề phi hạt nhân hóa vẫn là rất khác biệt. Chưa thể xác định một cách chắn chắn việc Bắc Triều Tiên đưa ra cam kết mạnh mẽ về Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới đàm phán song phương trong tương lai.


Điều then chốt là Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump sẽ trao đổi những gì và liệu thỏa thuận giữa họ có thể bị đảo ngược hay không. Tôi không cho rằng một lộ trình cho sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc có thể được công bố tại một cuộc gặp đơn lẻ. Nhưng nếu Bắc Triều Tiên có những biện pháp khả thi, như phá hủy từng phần các vũ khí hạt nhân, và nếu Mỹ cũng có những biện pháp đáp lại như giảm nhẹ cấm vận miền Bắc, dù chỉ là phần nào thôi, thì đó sẽ là một tín hiệu đáng hy họng. Tôi cho rằng ba tháng đầu năm nay là thời điểm rất quan trọng, khi số phận của bán đảo Hàn Quốc có thể sẽ thay đổi.


Chúng ta cùng dõi xem liệu chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Chủ tịch Kim Jong-un sẽ có tác động cụ thể như thế nào tới cục diện bán đảo Hàn Quốc thời gian tới, trước mắt là tiến triển trong đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều và quan hệ liên Triều.

Lựa chọn của ban biên tập