Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tác động của dịch corona-19 tới quan hệ liên Triều

2020-02-27

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Bắc Triều Tiên đã tiến hành đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc để phòng ngừa dịch corona-19. Mặc dù Bình Nhưỡng đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn virus lây lan, dự kiến quốc gia này sẽ gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng do vẫn phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế mạnh mẽ.

Các báo cáo từ một số nước cho thấy việc miền Bắc đình chỉ giao thương với Trung Quốc đã khiến giá các mặt hàng nhu yếu phẩm trên khắp cả nước tăng mạnh. Bắc Triều Tiên nhập khẩu bột, đường và dầu ăn hoàn toàn từ Trung Quốc. Sự khan hiếm ba mặt hàng thiết yếu này chắc chắn sẽ gây trở ngại cho sinh kế của người dân. Nhà bình luận chính trị Choi Young-il phân tích sâu hơn.


Cơ sở hạ tầng y tế Bắc Triều Tiên rất nghèo nàn, nhiều trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai ở miền Bắc bị suy dinh dưỡng. Tình  hình càng tồi tệ hơn khi nước này phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn virus corona-19 xâm nhập, dù đang phụ thuộc thương mại quá nhiều vào Bắc Kinh. Dự kiến nền kinh tế Bắc Triều Tiên vốn đã khó khăn sẽ càng kiệt quệ hơn, bởi dịch corona-19 khó có khả năng được dập tắt sớm.


Tại phiên họp toàn thể của đảng Lao động cuối năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã cam kết đạt “đột phá trực diện” để xây dựng nền kinh tế tự chủ. Nhà nước đã cố gắng khuyến khích người dân và ban ngành các cấp chung tay hiện thực hóa mục tiêu, nhưng lại gặp phải rủi ro không lường trước của dịch corona-19. Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đây là một thách thức quan trọng quyết định thành bại của cả chính quyền trong năm nay, đồng thời chứng minh năng lực lãnh đạo của ông trong quản lý rủi ro. Chủ tịch Kim phải hoàn thành cùng lúc hai mục tiêu quan trọng, đó là theo đuổi tự lực tự cường và vượt qua các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên trên thực tế, Bắc Triều Tiên đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Để xây dựng nền kinh tế tự chủ, Bình Nhưỡng cần huy động càng nhiều lao động càng tốt. Đồng thời, miền Bắc cũng phải kiểm soát đi lại của người dân để ngăn chặn dịch corona-19 bùng phát. Thêm vào đó, tình hình kinh tế của Bắc Triều Tiên không cho phép nước này đình chỉ trao đổi thương mại với Trung Quốc quá lâu. Và chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un cũng không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ với mối quan hệ liên Triều.


Nhiệm vụ quan trọng của Chủ tịch Kim Jong-un năm nay là đạt được một số thành quả kinh tế và đem về lợi ích cho người dân. Bản thân tôi khá quan ngại về khả năng thành công của mục tiêu này. Trong khi nền kinh tế Bắc Triều Tiên đang xuống dốc, hoạt động buôn lậu với Trung Quốc giờ đây gần như không thể thực hiện được do dịch corona-19. Về kênh thương mại chính thống, miền Bắc phải chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt do Liên hợp quốc và Mỹ áp đặt.

Với tình trạng bị cô lập hiện nay, có vẻ hợp tác kinh tế với Hàn Quốc là cách duy nhất để duy trì nền kinh tế. Đúng như dự tính, Hàn Quốc đã liên tục gửi tín hiệu rằng hai bên nên nối lại các dự án kinh tế xuyên biên giới, trong đó có tour du lịch cá nhân tới núi Geumgang. Các tour du lịch theo nhóm tới Bắc Triều Tiên hoặc nối lại dự án khu công nghiệp Gaeseong có thể gặp trở ngại, nhưng du lịch khách lẻ đến núi Geumgang, Bình Nhưỡng hoặc Gaeseong có thể được cho phép. Tình thế khó khăn do dịch bệnh bùng phát có thể sẽ khiến Bình Nhưỡng xem xét các đề xuất của Seoul. Câu hỏi đặt ra là khi nào.


Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ thiện chí giúp đỡ Bắc Triều Tiên. Ngày 13/2, cơ quan này cho biết Mỹ lo ngại sâu sắc về nguy cơ dễ bị tổn thương của người dân Bắc Triều Tiên đối với dịch corona-19, và Washington sẵn sàng tạo điều kiện cho các tổ chức y tế và viện trợ quốc tế đến Bắc Triều Tiên để ngăn chặn virus corona-19 có tính lây lan cao. Thông báo bất ngờ này được đưa ra sau khi Hội chữ thập đỏ quốc tế yêu cầuLiên hợp quốc tạm thời miễn trừ các biện pháp trừng phạt với Bắc Triều Tiên, tạo điều kiện cho các nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Ngày 18/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi miền Bắc quay lại đàm phán. Tổng thống Mỹ Donal Trump từng phát biểu sẽ không quan tâm đến đối thoại Mỹ-Triều từ giờ đến cuộc bầu cử Tổng thống. Nhưng giờ đây, Washington lại đang gửi những thông điệp hòa giải đến Bình Nhưỡng.


Bắc Triều Tiên đã đe dọa sẽ gửi một món quà Giáng sinh bất ngờ đến Mỹ vào năm ngoái, và giới phân tích đã lo lắng về những hành động khiêu khích có thể xảy ra của miền Bắc. May mắn là cho đến nay, Bắc Triều Tiên đã kiềm chế mọi động thái kích động. Nhưng một khi Bắc Triều Tiên từ bỏ mọi hy vọng vào Mỹ, tôi nghĩ nước này sẽ tiến hành thử hạt nhân cường độ cao và thúc đẩy phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, đây sẽ là tin xấu đối với ông Trump, bởi ông này luôn rêu rao là đã kiểm soát tốt Bắc Triều Tiên. Vì vậy, chính quyền Trump cần quản lý tình hình theo cách phù hợp, và có lẽ đã cảm thấy cần gửi một số thông điệp hòa giải tới Bình Nhưỡng. Washington có thể sẽ lần lượt chấp nhận một số yêu cầu của Bình Nhưỡng. Vẫn phải chờ xem liệu sẽ có đột phá nào để đàm phán Mỹ-Triều có bước tiến mới sau hội nghị thượng đỉnh thất bại ở Hà Nội.


Giới phân tích nhận định Liên hợp quốc có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, dù chỉ là tạm thời, để ngăn chặn các hành động khiêu khích cường độ cao và thúc đẩy miền Bắc liên lạc với Mỹ.Vấn đề cốt lõi là khi nào dịch corona-19 được kiểm soát. Nếu tình hình vẫn không được cải thiện cho đến tháng 3 hoặc tháng 4, đúng vụ mùa trồng lúa ở Bắc Triều Tiên, quốc gia này có thể sẽ thực hiện các hành động khiêu khích vũ trang nhằm hướng sự bất mãn của công chúng ra cộng đồng quốc tế. Miền Bắc vẫn giữ bình tĩnh trong năm nay, nhưng giới chuyên gia tin rằng đây chỉ là diễn biến tạm thời, và Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục khiêu khích trước cuộc bầu cử Tổng thống để kiểm soát Mỹ.


Nền kinh tế Bắc Triều Tiên đã đến giới hạn. Miền Bắc đã chịu đựng bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, nhưng không thu được gì. Ngược lại, ông Trump khó có thể để tâm đến các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên từ nay cho đến cuộc bầu cử Tổng thống. Tình huống này không mấy dễ chịu đối với miền Bắc. Họ chỉ có hai lựa chọn ở thời điểm hiện tại, hoặc đối thoại hoặc khiêu khích. Chiến lược truyền thông năm nay của nước này có thể là thu hút sự chú ý của Mỹ thông qua các hành động khiêu khích. Tất nhiên, các cuộc khiêu khích vũ trang không nhằm mục đích đối đầu quân sự với Mỹ, mà chỉ là chiến lược để tìm ra bước đột phá trong các cuộc đàm phán, và vượt qua giới hạn kinh tế của Bắc Triều Tiên


Không chỉ Bắc Triều Tiên mà Hàn Quốc cũng đang ở trong tình trạng khó khăn do dịch corona-19. Từ đầu năm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhiều lần nhấn mạnh chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng tốc các nỗ lực thúc đẩy đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều cũng như quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, việc Bắc Triều Tiên đóng cửa với thế giới bên ngoài khiến sáng kiến hòa bình của chính quyền Seoul khó có thể tìm bước tiến trong thời điểm hiện tại. Ban đầu, Tổng thống Moon dự định tìm cách tạo điều kiện cho một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều khác thông qua chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 3. Nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đang tập trung nỗ lực ngăn chặn dịch corona-19 lây lan trong nước, nên có thể ông sẽ tới Hàn Quốc sớm nhất là vào tháng 6. Ngoài ra, tiềm năng đối thoại Mỹ-Triều là khá thấp, bởi Mỹ đã bước vào giai đoạn chuẩn bị cho bầu cử Tổng thống.

Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng có thể tạo ra cơ hội. Trong khi Bắc Triều Tiên đang gặp khó khăn về kinh tế, chính phủ Hàn Quốc ắt có thể làm điều gì đó.


Nỗi lo sợ về dịch corana-19 đã buộc Bắc Triều Tiên phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc, quốc gia mà họ phụ thuộc rất nhiều, trong khi mối quan hệ với Mỹ đã sẵn bế tắc. Vì vậy, Bắc Triều Tiên có thể sẽ thay đổi chiến lược và hướng tới trao đổi kinh tế với Hàn Quốc, điều mà trước đây họ không quan tâm. Chính quyền Seoul cần chú ý đến bất kỳ tín hiệu đối thoại nào từ Bình Nhưỡng, và biến nó thành cơ hội để phá vỡ bế tắc trong quan hệ liên Triều.

Lựa chọn của ban biên tập