Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Mục đích chuyến thăm Hàn Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun

2020-07-09

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã có chuyến thăm ba ngày tới Hàn Quốc từ ngày 7/7. Ông đã có cuộc gặp gỡ ngắn với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha vào sáng ngày 8/7 trước khi gặp Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Sei-young và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Lee Do-hoon. Ngày 9/7, ông gặp tân Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Suh Hoon, thảo luận về các vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Đây là chuyến thăm Hàn Quốc sau 7 tháng của Thứ trưởng Biegun, cũng là chuyến thăm Seoul đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Sự hiện diện của ông Stephen Biegun ở Seoul đã thu hút nhiều chú ý từ dư luận trong bối cảnh quan hệ liên Triều ảm đạm và làm dấy lên hy vọng về khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay. Nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon phân tích sâu hơn.


Chuyến thăm Hàn Quốc của Thứ trưởng Biegun có liên quan nhiều đến căng thẳng hiện tại giữa hai miền Nam-Bắc. Bắc Triều Tiên đã đánh sập Văn phòng liên lạc liên Triều tại Gaesung và gây áp lực với Hàn Quốc. Tôi tin rằng Tổng thống Moon Jae-in muốn giải quyết việc này càng nhanh càng tốt. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 30/6 vừa qua, ông Moon đã đề cập đến sự cần thiết phải tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Bình Nhưỡng và Washington trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Hàn Quốc đang muốn sớm xúc tiến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba. Đó là lý do tại sao Thứ trưởng Biegun đến Hàn Quốc giữa mùa dịch.


Dư luận hiện đang hết sức quan tâm đến thông điệp mà Thứ trưởng Biegun nhắm đến Bình Nhưỡng. Một số ý kiến thậm chí còn suy đoán ông Biegun có thể gặp gỡ các quan chức Bắc Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Tuy nhiên, ông đã bác bỏ ngay nhận định này, khẳng định chuyến thăm lần này chỉ để gặp gỡ đồng minh Hàn Quốc. Thứ trưởng Biegun cũng khẳng định đã không nhận bất cứ yêu cầu nào từ Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui hay Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, đồng thời nhấn mạnh chính sách của Washington không bị quyết định bởi các hành động của Bình Nhưỡng.


Thông điệp mà Thứ trưởng Biegun muốn nhắn gửi là đặt ưu tiên hàng đầu cho đối thoại Hàn-Mỹ, Nhật-Mỹ và không cần thiết phải nỗ lực một cách vô lý để cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên ở thời điểm hiện tại. Tôi thấy khá lạ là ông Biegun đã không đề cập đến miền Bắc dù chỉ là hình thức, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe gần đây đã đưa ra một tuyên bố. Khi Thứ trưởng Biegun ở Seoul vào cuối năm ngoái, ông đã đề xuất gặp gỡ các đại diện của Bắc Triều Tiên nhưng bị từ chối. Vì vậy, có lẽ lần này, ông không muốn đợi chờ trong vô vọng một cuộc gặp nào, khi mà Bắc Triều Tiên không tỏ vẻ quá quan tâm tới chuyến thăm Hàn Quốc của ông.


Như nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon vừa phân tích, ngay trong ngày đầu tiên Thứ trưởng Biegun thăm Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã bày tỏ quyết tâmkhông muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Mỹ. Vụ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kwon Jong-gun đã ra tuyên bố trên danh nghĩa cá nhân là không có ý định ngồi vào bàn đối thoại với quan chức Mỹ và kiên quyết từ chối nỗ lực hòa giải của Hàn Quốc. Lập trường này tương tự phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Choe Son-hui đưa ra ngày 4/7 vừa qua. Tại sao Bắc Triều Tiên lại đưa ra các tuyên bố dứt khoát như vậy ngay thời điểm Thứ trưởng Biegun thăm Hàn Quốc?


Động thái trên đến từ một trong hai lý do sau. Thứ nhất, Bình Nhưỡng tin rằng Tổng thống Donald Trump khó có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, nên đàm phán với Tổng thống Mỹ kế nhiệm sẽ tốt hơn thay vì tiếp tục đối thoại với chính quyền Tổng thống Trump. Thứ hai, việc miền Bắc thực hiện một loạt các hành động táo bạo gần đây là để giành thế thượng phong trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Bắc Triều Tiên luôn sử dụng chiến lược kinh điển “bên miệng hố chiến tranh” để tối đa hóa khả năng thương lượng. Thêm vào đó, nước này đã “tay trắng ra về” ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. Rõ ràng, Bình Nhưỡng không muốn tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán, trừ khi họ nhìn thấy triển vọng đạt được một số mục tiêu cụ thể hơn.


Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã đến viếng cung Thái Dương Kumsusan nhân kỷ niệm 26 năm ngày mất ông nội là cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Trước đó, đã xuất hiện nhiều đồn đoán xung quanh tình hình sức khỏe ông Kim, khi ông không đến viếng cung này vào dịp Tết Thái Dương 15/4, ngày sinh của ông nội Kim Nhật Thành, cũng là ngày lễ lớn nhất ở Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim không xuất hiện trong một dịp lễ quan trọng của quốc gia. Vì vậy, việc nhà lãnh đạo Kim xuất hiện trong ngày giỗ của ông nội tại chính thời điểm Đặc phái viên Mỹ đang ở Seoul khiến nhiều người kỳ vọng ông sẽ gửi thông điệp nào đó tới Nhà Trắng, nhưng thực tế điều này đã không xảy ra.


Tôi tin rằng Chủ tịch Kim Jong-un đã trao các vai trò riêng cho em gái Kim Yo-jong và các quan chức cấp chuyên viên. Vì vậy, nếu có một động thái nào từ ông thì rất có thể sẽ là một lá thư tay gửi đến Tổng thống Trump. Về mặt chính thức, Bắc Triều Tiên sẽ cử một quan chức có vai vế như Thứ trưởng Choe Son-hui để trao đổi một cách cương quyết với Washington, còn Chủ tịch Kim sẽ tiếp tục đảm nhiệm trọng trách của một lãnh đạo mềm mỏng bằng cách gửi một bức thư tay tới Tổng thống Mỹ. Về phần mình, ông Trump khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng sẽ gặp Chủ tịch Kim một lần nữa nếu điều đó hữu ích. Ông Trump cũng chia sẻ đang duy trì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Trong bối cảnh này, nếu không cử một đặc phái viên, có khả năng ông Kim sẽ gửi thư tay tới ông Trump sau chuyến thăm của Thứ trưởng Biegun.


Thứ trưởng Biegun khẳng định ông không có kế hoạch gặp gỡ các quan chức Bắc Triều Tiên trong chuyến thăm lần này, nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục nỗ lực nối lại đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng với sự giúp đỡ từ Seoul. Tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc, ông Biegun nói rằng Mỹ ủng hộ hợp tác liên Triều để ổn định tình hình chính trị trên bán đảo Hàn Quốc và sẵn sàng linh hoạt để đạt được thỏa thuận cân bằng nếu Bắc Triều Tiên quyết định quay trở lại đàm phán.


Dường như Washington sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng bất cứ lúc nào. Mặc dù Bắc Triều Tiên đã rất gay gắt với Mỹ gần đây, nhưng không thể khẳng định hoàn toàn Chủ tịch Kim muốn thực sự chấm dứt các cuộc đàm phán. Ông có thể không muốn hội đàm thượng đỉnh lần nữa với Tổng thống Trump, nhưng có khả năng đã gửi những thông điệp như vậy để gia tăng sức thương lượng. Có thể nói, Bắc Triều Tiên đang “nói một đàng muốn một nẻo”. Tức là bên ngoài tỏ vẻ thờ ơ, nhưng bên trong lại mong muốn một hội nghị thượng đỉnh với Mỹ. Dường như Bình Nhưỡng muốn truyền tải thông điệp sẽ không tham gia các cuộc đàm phán nếu tiếp tục không thu được gì như hội nghị thượng đỉnh vừa qua.


Các chuyên gia tin rằng sẽ khó có thể tiếp tục bất kỳ cuộc đàm phán nào, dù là hội nghị thượng đỉnh hay đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên, trừ khi Washington đưa ra các điều khoản phi hạt nhân hóa mới, đủ hấp dẫn để lôi kéo Bình Nhưỡng. Đây là lý do tại sao chuyến thăm của Thứ trưởng Biegun không được kỳ vọng sẽ giúp tái kích hoạt đàm phán Mỹ-Triều. Lý do thực sự khiến ông Biegun ở Seoul có thể chỉ đơn thuần là để làm quen với các quan chức an ninh quốc gia mới của Hàn Quốc, như chính ông khẳng định “chuyến thăm để gặp gỡ đồng minh thân thiết Hàn Quốc”. Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, các quan chức và nhà ngoại giao an ninh quốc gia mới đang sẵn sàng khởi động lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc trong bối cảnh thách thức nối lại các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên ngày càng tăng.


Đội ngũ an ninh quốc gia mới nhất của Hàn Quốc chắc chắn là nhắm đến miền Bắc, phản ánh cam kết mạnh mẽ của Tổng thống Moon Jae-in trong cải thiện quan hệ liên Triều. Ông Moon đang cố gắng sử dụng tất cả các nguồn nhân lực có sẵn để nối lại đàm phán với Bắc Triều Tiên. Cụ thể, ông đã tập hợp một nhóm các chuyên gia mà miền Bắc có thể coi là đối tác đủ điều kiện, đó là lý do tại sao một số người Hàn Quốc nghĩ rằng các tân quan chức an ninh quốc gia có vẻ quá thân thiện với Bắc Triều Tiên. Tôi cũng lo ngại rằng các chính sách của Seoul có thể bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Bình Nhưỡng, trong khi Hàn Quốc cần duy trì mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ với Mỹ. Tuy vậy, cũng có nhiều hy vọng cho một bước ngoặt đầy kịch tính trong quan hệ liên Triều khi nhiệm kỳ tổng thống Moon kết thúc. Chúng ta có thể kỳ vọng về một giải pháp rất sáng tạo cho bế tắc hiện tại.


Cách tiếp cận dù sáng tạo đến đâu cũng thành vô dụng nếu miền Bắc không hưởng ứng. Nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui một mực khẳng định sẽ không có cuộc đàm phán nào và thậm chí chế nhạo Tổng thống Moon vì đã đóng vai trò “trung gian”, hòa giải cho Washington và Bình Nhưỡng.

Không rõ Bắc Triều Tiên có muốn từ chối hoàn toàn việc ngồi lại vào bàn đàm phán Mỹ-Triều hay không, hay những động thái gần đây chỉ là để có được lá bài đàm phán tốt hơn trong tương lai? Điều này vẫn còn bỏ ngỏ. Cần phải theo dõi phản hồi của Bình Nhưỡng sau chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ kiêm Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên Stephen Biegun đến Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập