Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Lý do Bắc Triều Tiên tăng cường chỉ trích Hàn Quốc

2020-11-05

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Bắc Triều Tiên gần đây đã liên tục có các động thái công kích Chính phủ Hàn Quốc. Ngày 29/10, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chỉ trích những phát ngôn của Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Suh Hoon trong chuyến công du tới Mỹ gần đây của ông. Ngày 30/10, Bình Nhưỡng cũng yêu cầu Seoul phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về vụ quân đội miền Bắc bắn chết một quan chức thuộc Bộ Hải dương và thủy sản Hàn Quốc hồi tháng 9 với lý do Chính phủ Hàn Quốc đã không có biện pháp ngăn cản quan chức này vượt biên.


Ba ngày sau khi một công chức Hàn Quốc bị quân đội Bắc Triều Tiên bắn chết trên biển Tây vào ngày 22/9, miền Bắc xin lỗi về vụ việc và giải thích rằng sự việc xảy ra do công chức này đã vượt biên trái phép và có dấu hiệu bỏ trốn, nhưng phủ nhận hành vi thiêu hủy thi thể nạn nhân. Ngày 30/10, Bắc Triều Tiên một lần nữa khẳng định lập trường này và cho biết đã nỗ lực tìm thi thể nạn nhân để trao lại cho gia quyến nhưng không thành công. Miền Bắc nhấn mạnh Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về sự cố đáng tiếc này vì đã không kiểm soát tốt công dân của mình.


Đề cập đến vụ việc trên, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã trực tiếp nhắm vào đảng đối lập Sức mạnh quốc dân của Hàn Quốc. Dưới tiêu đề, "Hành động đối đầu của đảng bảo thủ miền Nam có thể dẫn đến hậu quả lớn hơn", bài báo đã chỉ trích gay gắt đảng đối lập và phe bảo thủ Hàn Quốc vì đã gây hỗn loạn xã hội nhằm ngăn cản hai miền Nam-Bắc giải quyết bất hòa.


Thay vì nhắm vào Chính phủ Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên tập trung chỉ trích các thế lực bảo thủ miền Nam, nhằm ngăn chặn vụ việc trở thành một vấn đề nhân quyền trên phạm vi quốc tế. Đảng Sức mạnh quốc dân ở Hàn Quốc cho rằng việc miền Bắc bắn chết và thiêu xác công chức Hàn Quốc nhưng lại cố gắng che đậy sự thật là một hành động vô nhân đạo. Một quan chức về nhân quyền của Liên Hợp Quốc gần đây cũng đã tố cáo Bắc Triều Tiên vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Có khả năng Bình Nhưỡng lo ngại vấn đề này sẽ gây trở ngại cho các cuộc đàm phán tương lai với Washington. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao Bắc Triều Tiên dùng đảng đối lập của Hàn Quốc làm tấm bia để chỉ trích.


Ngày 29/10, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đưa ra những chỉ trích gay gắt nhắm vào Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Suh Hoon. Cơ quan này sử dụng những lời lẽ khắc nghiệt như, "Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống miền Nam đã bí mật đến Mỹ và bêu xấu chúng ta." Việc Bình Nhưỡng lên án trực tiếp Chánh Văn phòng an ninh quốc gia dưới quyền Tổng thống Moon Jae-in là một điều khá bất ngờ, vì ông là người giám sát chính sách về Bắc Triều Tiên của chính quyền Seoul.


Trong chuyến thăm Mỹ, ông Suh Hoon phát biểu rằng không thể giải quyết tách rời vấn đề tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) với việc phi hạt nhân hóa miền Bắc. Rõ ràng, Bình Nhưỡng hy vọng có thể tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên mà không cần loại bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã đồng ý với nguyên tắc của Washington là chỉ tuyên bố kết thúc chiến tranh với điều kiện miền Bắc phi hạt nhân hóa. Thất vọng với điều này, Bắc Triều Tiên đã chỉ trích gay gắt những phát ngôn của ông Suh. Hơn nữa, đối thoại Mỹ-Triều có thể diễn ra sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nên miền Bắc đang gây áp lực lớn hơn đối với cả Seoul và Washington.


Sang tháng 11, Bắc Triều Tiên vẫn liên tục chỉ trích Hàn Quốc, đặc biệt là với các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Ngày 1/11, ấn phẩm tuyên truyền hàng tuần của miền Bắc mang tên Tân báo Thống nhất (Tongil Sinbo) tuyên bố rằng Chính phủ Hàn Quốc đang bị đồng minh Mỹ khinh thường và lạnh nhạt. Ngày 2/11, trang "Dân tộc chúng ta", trang web tuyên truyền đối ngoại với Hàn Quốc của miền Bắc, đã đề cập đến khả năng Hàn Quốc triển khai thêm một tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) của Mỹ và gọi đây là một hành vi liều lĩnh. Việc Bình Nhưỡng chỉ trích liên minh Hàn-Mỹ có vẻ là để tìm kiếm chiến lược nối lại đối thoại với chính quyền mới của Mỹ.


Bình Nhưỡng đã áp dụng chính sách đàm phán trực tiếp với Washington không thông qua Seoul. Đối với Bắc Triều Tiên, vai trò của Hàn Quốc chỉ đơn giản là hỗ trợ quá trình cải thiện quan hệ Mỹ-Triều. Đó là lý do tại sao miền Bắc thường cố gắng vạch rõ ranh giới giữa Hàn Quốc và Mỹ.


Các nhà phân tích suy đoán rằng Bắc Triều Tiên chỉ trích miền Nam với hy vọng khôi phục quan hệ liên Triều, chứ không phải để phá vỡ nó. Thay vì phóng thử tên lửa trong thời điểm trước và sau khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như trong quá khứ, lần này Bình Nhưỡng đã giảm mức độ khiêu khích bằng cách chỉ thị các cơ quan tuyên truyền chỉ trích Seoul. Bắc Triều Tiên có thể sẽ kiềm chế các hành động gây hấn cho tới khi nước này xác định các chiến lược với Mỹ tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 dự kiến diễn ra vào tháng 1 năm sau.


Bắc Triều Tiên vẫn kỳ vọng đạt được một số thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán tương lai với Mỹ. Nếu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba được tổ chức, Bình Nhưỡng có thể sẽ đạt được nhiều lợi ích như mong muốn. Nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa tầm xa hoặc thử nghiệm hạt nhân, Mỹ sẽ gây áp lực lên miền Bắc và cắt đứt khả năng đối thoại. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động khiêu khích trực tiếp và tập trung theo dõi động thái của chính quyền mới tại Mỹ.


Trước tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc Seoul phải chịu trách nhiệm trong vụ việc công chức bị quân đội miền Bắc sát hại, Bộ Thống nhất và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã kêu gọi miền Bắc nối lại các đường dây liên lạc quân sự liên Triều để nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc. Tuy nhiên, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon cho rằng chính quyền Seoul cần phải đáp trả mạnh mẽ những chỉ trích cực đoan của Bình Nhưỡng.


Theo ông, Chính phủ Moon Jae-in luôn giữ thái độ ôn hòa đối với Bắc Triều Tiên vì miền Bắc cam kết mạnh mẽ cải thiện quan hệ liên Triều. Nhưng Hàn Quốc cũng nên tỏ lập trường cứng rắn khi cần thiết. Tất nhiên, lập trường cứng rắn ở đây không có nghĩa là hành động quân sự mà là đưa ra thông điệp mạnh mẽ. Ví dụ, nếu Bắc Triều Tiên chỉ trích Chánh Văn phòng Suh Hoon một cách gay gắt, thì chính quyền Seoul cần giải thích chi tiết những nhận xét của ông Suh cũng như phản bác lại những chỉ trích đó.


Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã kết thúc và Hàn Quốc đang tất bật đưa ra các chiến lược ngoại giao mới cho quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều. Dư luận đang hết sức quan tâm về phản ứng của Bắc Triều Tiên đối với Hàn Quốc sẽ có sự thay đổi ra sao dưới thời Chính phủ mới của Mỹ.

Lựa chọn của ban biên tập