Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tình hình kinh tế của Bắc Triều Tiên

2021-11-04

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong bối cảnh sắp đến thời hạn tổng kết một năm Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia 5 năm được đưa ra tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào tháng 1 năm nay, truyền thông Bắc Triều Tiên đang liên tục gây sức ép để các cơ quan đưa ra thành tựu. Theo đó, báo đài nước này đang thúc đẩy các chính quyền địa phương cạnh tranh với nhau, nhấn mạnh các bài phát biểu trước đây của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un và hối thúc người dân tạo nên thành quả thông qua thống nhất tư tưởng. Tuy nhiên, điều này chỉ cho thấy sự khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề về kinh tế của miền Bắc. Sau đây, nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện nghiên cứu thống nhất sẽ cho chúng ta biết chi tiết hơn về tình trạng kinh tế của Bắc Triều Tiên.

 

Đích thân Chủ tịch Kim Jong-un đã thừa nhận sự thất bại của Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia 5 năm được công bố tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 7 năm 2016. Trong Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 hồi đầu năm, miền Bắc đã công bố Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia 5 năm mới dựa trên nền tảng của kế hoạch cũ với chủ trương tự lực cánh sinh. Tuy nhiên, kế hoạch mới ngay từ đầu được cho là không khả thi vì được thực hiện dựa trên chính sách tự lực cánh sinh đã thất bại trước đó, đặc biệt là trong bối cảnh Bắc Triều Tiên phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19. Chỉ chưa đầy một tháng từ khi công bố kế hoạch 5 năm mới, tại Hội nghị toàn thể lần hai Ủy ban trung ương đảng Lao động vào tháng 2, Chủ tịch Kim Jong-un đã chỉ trích gay gắt những cơ quan đặt mục tiêu qua loa hoặc khoa trương. Sau đó, miền Bắc đã tổ chức nhiều hội nghị khác nhau nhằm giám sát việc quán triệt kế hoạch này. Song trên thực tế, tất cả các lĩnh vực đều không đạt được mục tiêu, khiến tình hình ngày càng trở nên khó khăn.

 

Theo báo cáo “Tình trạng giá lương thực tăng đột biến và cuộc sống người dân thêm khó khăn tại Bắc Triều Tiên" của Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), tình trạng giá ngũ cốc tăng cao vẫn ở mức nghiêm trọng bất chấp miền Bắc đã huy động toàn lực để giải quyết vấn nạn thiếu lương thực. Giá gạo và ngô tại nước này tăng lần lượt 1,7 lần và 2,4 lần so với đầu năm, khiến nhiều người không thể mua được lương thực, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.

 

Vào tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Kim Jong-un lần đầu tiên trong 10 năm cầm quyền đã thừa nhận tình trạng thiếu lương thực trong nước, đồng thời ban hành một chỉ thị đặc biệt để giải quyết vấn đề này, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình. Trước tình trạng không thể nhập khẩu màng chắn nilon từ Trung Quốc và thiếu phân bón, sản lượng lúa vẫn đảm bảo bằng mức năm ngoái, nhưng khoai tây và ngô bị mất mùa. Các thương mối người Bắc Triều Tiên ở thành phố Đan Đông (Trung Quốc) cũng được lệnh phải đảm bảo lương thực bằng mọi cách, kể cả phải mua chịu. Giá gạo và ngô có dấu hiệu ổn định trong tuần trước, nhưng vẫn ở mức cao suốt 5 tháng qua, cho thấy tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng.

 

Ngoài ra, do phong tỏa biên giới kéo dài, Bắc Triều Tiên gặp phải tình trạng thiếu hụt hàng hóa, gồm cả nhu yếu phẩm hàng ngày. Có thông tin cho biết nước này thiếu giấy và mực nhập khẩu nên phải in tiền tạm thời, hay còn gọi là “phiếu tiền” bằng giấy nội địa. Ngoài ra, vụ nổ Nhà máy hóa học thanh niên Namheung vào tháng 8 vừa qua được cho là do nhà máy hoạt động thiếu hiệu quả trong tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn.

 

Nền kinh tế Bắc Triều Tiên dựa vào thị trường chợ tư nhân. Tuy đã áp dụng chính sách quốc hữu hóa, một phần đáng kể hàng hóa tại chợ vẫn là hàng nhập khẩu. Đặc biệt, 4 loại thực phẩm chính là bột mì, đường, dầu đậu nành và gia vị được nhập khẩu hoàn toàn từ Trung Quốc, nhưng hiện đã hết hàng do biên giới bị đóng cửa gần hai năm. Giá ruột bút bi nhập khẩu đã tăng gần 100 lần ở một số khu vực. Bên cạnh đó, miền Bắc từ lâu đã phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế hạn chế hơn 90% thương mại của nước này, đẩy nền kinh tế đến bờ vực sụp đổ. Vì vậy, thể chế Bắc Triều Tiên không thể được coi là đang hoạt động bình thường.

 

Trước tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, Bắc Triều Tiên đang dần dần mở rộng các hoạt động thương mại tuy vẫn còn hạn chế. Theo cơ quan thuế quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 35.000 MW điện từ miền Bắc trong tháng 9, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy Bắc Triều Tiên đã xuất khẩu điện từ đập Supung trên sông Amnok (Áp Lục) sang Trung Quốc. Ngoài ra, nhờ hợp tác với Ấn Độ, miền Bắc đã nhập một số hàng hóa và vật tư y tế phòng dịch qua đường biển, mở ra triển vọng nước này sẽ sớm mở cửa biên giới trở lại.

 

Mặc dù đa số các tuyến đường bộ đến miền Bắc vẫn đóng cửa, các tàu chở hàng vẫn di chuyển giữa cảng Nampo (Bắc Triều Tiên) và cảng Đại Liên (Trung Quốc). Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng xác nhận vật tư y tế đã khởi hành từ cảng Đại Liên đến cảng Nampo. Ngoài ra, một phần nhu yếu phẩm cũng được chuyển vào miền Bắc bằng con đường tương tự. Khi đến Nampo, tàu sẽ cách ly ở ngoài cảng trong 14 ngày trước khi được phép cập bến, sau đó bốc dỡ hàng hóa và tiếp tục cách ly trong một thời gian nhất định để đảm bảo an toàn. Bằng cách này, miền Bắc vẫn có thể thực hiện một phần các hoạt động thương mại. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết lượng hàng hóa thương mại Trung-Triều trong tháng 9 dù vẫn thấp hơn bình thường nhưng đang có xu hướng tăng mạnh. Theo báo cáo trước Quốc hội của Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) vào cuối tháng 10, Bắc Triều Tiên có thể sẽ mở cửa biên giới và nối lại hoạt động vận chuyển bằng tàu hỏa vào tháng 11.

 

Bên cạnh đó, tại phiên họp toàn thể Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên tổ chức tại Đại lễ đường Mansudae ở Bình Nhưỡng vào ngày 29/10, miền Bắc đã thông qua các luật mới như Luật quản lý bảo hộ tách biệt thông tin, Luật triển lãm sản phẩm quốc tế, Luật thanh toán điện tử và Luật hóa đơn. Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho quá trình kỹ thuật số hóa nền kinh tế và tài chính trong nước, đồng thời mở rộng các hoạt động kinh tế với nước ngoài.

 

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế chợ tư nhân, Bắc Triều Tiên đang xúc tiến tăng cường tính minh bạch trong các giao dịch và phát triển xã hội kỹ thuật số. Ngoài ra, miền Bắc cũng đang dùng chợ tư nhân để bù đắp cho những thiếu sót của nền kinh tế kế hoạch. Nhưng chợ tư nhân có bản chất giao dịch ngầm nên dễ dàng trốn thuế và thoát khỏi sự kiểm soát của Chính phủ. Vì vậy, Bắc Triều Tiên tìm cách tăng cường khả năng kiểm soát của Nhà nước và tính minh bạch của các giao dịch bằng cách áp dụng giao dịch điện tử và hóa đơn. Bên cạnh đó, vấn đề kinh tế cũng là một lý do, bởi miền Bắc đang đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về tài chính và thiếu hụt ngoại tệ. Bằng cách sát nhập kinh tế chợ tư nhân vào nền kinh tế chính thức, Bình Nhưỡng có thể thu nhiều thuế hơn và nâng cao khả năng tài chính quốc gia.

 

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc và Nga gần đây đã đệ trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đề xuất nới lỏng một số biện pháp trừng phạt với Bắc Triều Tiên, trong đó có lệnh cấm các thiết bị xây dựng, sưởi ấm và đường sắt, thiết bị gia dụng và máy tính. Nhưng dự thảo này chỉ có thể được thông qua dưới sự nhất trí toàn thể của Hội đồng bảo an, nên để xuất của Trung Quốc và Nga khó có thể được chấp thuận dưới sự phản đối của Mỹ, Anh và Pháp. Trong khi đó, Washington cũng đang áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Bắc Kinh và Matxcơva. Do đó, có thể nói động thái của Trung Quốc và Nga chỉ mang ý nghĩa ủng hộ miền Bắc, đồng thời gây sức ép để Mỹ nới lỏng trùng phạt với hai nước này.

Mặt khác, Bắc Triều Tiên gần đây đang tăng cường chính sách thần tượng hóa Chủ tịch Kim Jong-un. Ông Kim đã đề ra học thuyết chính trị cơ bản của xã hội chủ nghĩa là “nền chính trị chủ nghĩa nhân dân là trên hết” tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8, đồng thời nhấn mạnh yếu tố "nhân dân" trong bài phát biểu kỷ niệm 76 năm ngày thành lập đảng vào tháng 10 vừa qua. Truyền thông nước này cũng để cao tầm quan trọng của người dân và tập trung vào việc ca ngợi Chủ tịch Kim. Có phân tích cho rằng động thái này liên quan đến những khó khăn kinh tế mà miền Bắc đang gặp phải. Hiện tại không có giải pháp cụ thể nào cho các vấn đề kinh tế của miền Bắc, bởi nước này chưa tiến hành tiêm vắc-xin COVID-19 cho người dân, và các lệnh trừng phạt quốc tế cũng khó có thể được nới lỏng trong một sớm một chiều. Kể cả khi mở lại biên giới, Bắc Triều Tiên cũng sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để các hoạt động thương mại trở lại như trước. Nếu Bình Nhưỡng không tiêm vắc-xin và thay đổi thái độ đối với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, cuộc khủng hoảng kinh tế có thể sẽ còn tiếp tục trong một thời gian đáng kể.

Lựa chọn của ban biên tập