Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên phát hành phiếu tiền

2021-12-02

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Bắc Triều Tiên vừa qua đã phát hành phiếu tiền với mệnh giá 5.000 won (5,5 USD). Mặt trước phiếu in dòng chữ “Ngân hàng trung ương Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên” cùng tên gọi “phiếu tiền”. Ngoài ra, loại phiếu này còn biểu thị năm phát hành là “Năm Juje (chủ thể) 110”, tức năm 2021; và giá trị tiền tệ “năm nghìn won” viết bằng chữ cùng hình ảnh Khải Hoàn Môn tại Bình Nhưỡng. Phiếu tiền có chức năng tương tự tiền mặt, ban đầu có tên gọi là “phiếu tiền đổi từ ngoại tệ” dùng để đổi ngoại tệ tại các cửa hàng đổi tiền ở các nước bị cô lập kinh tế như Bắc Triều Tiên hay Xô Viết.

Năm 1979, Ngân hàng trung ương Bắc Triều Tiên lần đầu tiên phát hành "phiếu tiền đổi từ ngoại tệ”. Ở miền Bắc, do không thể trực tiếp dùng ngoại tệ  nên người dân có ngoại tệ phải đổi qua phiếu này để mua sắm. Năm 1988, Ngân hàng ngoại thương Bắc Triều Tiên phát hành phiếu tiền. Tuy nhiên sau đó, cùng với sự lan rộng của thị trường chợ tư nhân, việc sử dụng rộng rãi đồng USD, đồng nhân dân tệ và sự xuất hiện của các cửa hàng đổi tiền tư nhân, người dân miền Bắc ngày càng ít sử dụng phiếu tiền, dẫn đến việc loại phiếu này bị bãi bỏ sau các biện pháp cải cách kinh tế 1/7 mà cố Chủ tịch Kim Jong-il đưa ra năm 2002. Sau đây, nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện nghiên cứu thống nhất sẽ cho chúng ta biết thêm chi tiết về phiếu tiền của miền Bắc.

 

Việc người dân ngày càng ít sử dụng phiếu tiền có liên quan đến sự mở rộng của nền kinh tế chợ tư nhân. Nền kinh tế thị trường phát triển hơn chế độ bao cấp dẫn đến lưu thông hàng hóa phát triển và lưu thông tiền tệ trở thành trọng tâm. Hơn nữa, nền kinh tế chợ tư nhân lại phụ thuộc vào ngoại thương, nên kéo lưu thông ngoại tệ mở rộng. Các biện pháp cải cách kinh tế 1/7 của Bắc Triều Tiên đã thúc đẩy lưu thông tiền tệ, khiến đồng USD và nhân dân tệ được ưa chuộng hơn vì giữ giá tốt hơn so với đồng won của miền Bắc. Vì vậy, thay vì đổi phiếu tiền, người dân bắt đầu trực tiếp đổi USD và nhân dân tệ để mua bán, khiến loại phiếu này dần mất đi chức năng ban đầu.

 

Người dân Bắc Triều Tiên phụ thuộc vào ngoại tệ nhiều hơn sau cuộc cải cách tiền tệ vào năm 2009. Khi đó, trong vòng 7 ngày, người dân miền Bắc phải đổi tiền cũ sang tiền mới với tỷ lệ 100:1, nghĩa là 100 won cũ đổi 1 won mới. Mỗi hộ gia đình chỉ được đổi không quá 100.000 won, nếu vượt quá giới hạn này thì sẽ phải gửi vào ngân hàng. Tuy nhiên sau đó, hạn chế này đã được nới lỏng phần nào. Cải cách tiền tệ năm 2009 đã làm lung lay niềm tin của người dân vào đồng nội tệ.

 

Đồng USD và nhân dân tệ bắt đầu mang tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định ở Bắc Triều Tiên sau cuộc cải cách tiền tệ năm 2009, khi các thương nhân tại chợ nhận thấy Ngân hàng trung ương có thể biến đồng won của nước này thành giấy vụn bất cứ lúc nào. Cải cách tiền tệ được Nhà nước Bắc Triều Tiên thực hiện với hai mục đích là tăng khả năng can thiệp vào thị trường chợ tư nhân nhằm ngăn chặn sự phát triển của các giao dịch chợ đen làm lung lay vị thế của nền kinh tế kế hoạch, đồng thời phá giá đồng nội tệ để tăng khả năng thống trị và tịch thu tài sản tư nhân. Vì vậy, cải cách tiền tệ đã trở thành một cú sốc lớn và bị người dân phản đối gay gắt. Để xoa dịu lòng dân, Thủ tướng miền Bắc đã công khai xin lỗi. Cùng với đó, Bình Nhưỡng đã xử tử công khai hàng chục quan chức liên quan. Sau sự kiện này, người dân miền Bắc đã chuyển sang giao dịch trực tiếp các hàng hóa thiết yếu bằng USD hoặc nhân dân tệ, đẩy nhanh quá trình USD hóa.

 

Sau khi tăng cường lệnh cấm sử dụng ngoại tệ vào năm ngoái, Bắc Triều Tiên gần đây đã phát hành phiếu tiền với tên gọi đã giản lược bớt cụm từ “đổi từ ngoại tệ”. Việc phát hành loại phiếu này một lần nữa được giao cho Ngân hàng trung ương, thay vì Ngân hàng ngoại thương. Theo tài liệu nội bộ của Chính phủ miền Bắc, phiếu tiền được coi là nội tệ tạm thời, được phát hành nhằm giải quyết vấn đề lưu thông tiền tệ do cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu gây ra, đồng thời để khắc phục các khó khăn do phong tỏa biên giới.

Được biết, truyền thông Bắc Triều Tiên đến nay vẫn chưa đưa tin chi tiết về phiếu tiền, dẫn đến nhiều suy đoán khác nhau về mục đích phát hành phiếu tiền của nước này. Có phân tích cho rằng đây là cách miền Bắc thu lại nguồn ngoại tệ mà người dân đang sở hữu trong bối cảnh nước này gặp tình trạng thiếu hụt ngoại tệ kéo dài do phong tỏa biên giới vì đại dịch và lệnh trừng phạt quốc tế; trong khi một số ý cho rằng Bình Nhưỡng phát hành phiếu tiền để tăng khả năng tài chính quốc gia.

 

Hiện tại, có ba cách giải thích cho động thái này của Bắc Triều Tiên. Thứ nhất, do miền Bắc không thể nhập khẩu mực và giấy in tiền nên phải tạm thời in phiếu tiền bằng nguyên liệu nội địa. Thứ hai là nước này áp dụng tỷ giá hối đoái thấp hơn thực tế để thu về ngoại tệ. Thứ ba, phiếu tiền có thể đóng vai trò như trái phiếu, thúc đẩy lưu thông tiền tệ mà không cần tăng tổng lượng tiền dễ gây lạm phát. Tuy nguyên nhân chính chưa được tiết lộ, qua tình trạng phiếu tiền chất lượng kém, dễ bị rách, có thể khẳng định Bắc Triều Tiên đang gặp vấn đề thiếu hụt mực và giấy in tiền. Nhà nước miền Bắc thậm chí còn cưỡng chế người dân lưu thông phiếu tiền rách.

 

Tuy nhiên, do nhận thức ngoại tệ có giá trị ổn định hơn nội tệ đã ăn sâu vào niềm tin của người dân Bắc Triều Tiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về lợi ích của việc phát hành phiếu tiền với nền kinh tế miền Bắc.

 

Tôi cho rằng phiếu tiền sẽ không đem lại hiệu quả. Người dân Bắc Triều Tiên đã mất lòng tin vào Ngân hàng trung ương sau cuộc cải cách tiền tệ thất bại, trong khi chính quyền miền Bắc cũng chưa đưa ra định nghĩa rõ cho loại phiếu này. Các thương nhân tại chợ miễn cưỡng nhận hoặc thậm chí không nhận phiếu tiền khi thanh toán. Phiếu tiền trị giá 5.000 won Bắc Triều Tiên nhưng chỉ được dùng để giao dịch với giá trị là 4.000 won hoặc 3.000 won. Ngoài ra, còn có hiện tượng làm giả phiếu tiền. Không phản ánh đúng giá trị thị trường, loại phiếu này không thể trở thành giải pháp hiệu quả cho các vấn đề của miền Bắc mà ngược lại có thể khiến thị trường nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn.

 

Trong bối cảnh toàn thế giới đang lo ngại về biến thể COVID-19 mới mang tên Omicron, Bắc Triều Tiên cũng tỏ ra cảnh giác bằng cách đưa tin về mức độ nguy hiểm và cách các nước trên thế giới đối phó với biến thể này. Theo đó, miền Bắc có khả năng sẽ tăng cường các biện pháp phòng dịch và hoãn việc mở cửa biên giới Trung-Triều, khiến cho khó khăn kinh tế càng trở nên nghiêm trọng.

 

Chính sách phong tỏa biên giới là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng khó khăn kinh tế của Bắc Triều Tiên. Thay vì nới lỏng chính sách đóng cửa, miền Bắc đang có xu hướng tăng cường các biện pháp phòng dịch. Trong bối cảnh biến thể Omicron xuất hiện, có dự đoán cho rằng Bình Nhưỡng sẽ đóng cửa biên giới Trung-Triều cho đến khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 diễn ra, khiến cho kinh tế nước này, bao gồm cả tình hình tiền tệ, sẽ lâm vào tình trạng khó khăn hơn.

 

Bất chấp các giải pháp vượt qua khủng hoảng kinh tế, trong đó có chính sách phát hành phiếu tiền, Bắc Triều Tiên khó có thể giải quyết được những khó khăn kinh tế hiện tại nếu không có phương án khắc phục các vấn đề cơ bản.

Lựa chọn của ban biên tập