Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Thế hệ MZ tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-08-10

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Gần đây, thế hệ MZ là thế hệ đang thu hút sự chú ý của xã hội. Thuật ngữ này là sự kết hợp của thế hệ Millennials (thế hệ M) và thế hệ Z, dùng để chỉ những người sinh ra vào đầu những năm 1980 và đầu những năm 2000. Nếu thế hệ M đã trải qua quá trình quá độ để chuyển đổi từ tín hiệu analog (tín hiệu tương tự) sang kỹ thuật số, thì thế hệ Z lại được lớn lên trong môi trường kỹ thuật số và trở thành những người sử dụng kỹ thuật số bản địa. Thế hệ MZ có đặc điểm là ưu tiên hạnh phúc cá nhân, coi trọng việc chia sẻ hơn là sở hữu và thể hiện sức ảnh hưởng của mình qua điện thoại thông minh cũng như mạng xã hội. Vậy thế hệ MZ ở Bắc Triều Tiên thì sao? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về thế hệ MZ của miền Bắc cùng tiến sĩ Jeong Eun-mi đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc.

 

Ở Bắc Triều Tiên, thế hệ sinh ra và lớn lên cùng thời với thế hệ MZ tại Hàn Quốc được gọi là thế hệ mới hay thế hệ chợ tư nhân. Miền Bắc phân chia các thế hệ theo các mốc lịch sử quan trọng. Cụ thể, thế hệ cách mạng thứ nhất sinh từ năm 1910 đến năm 1930; thế hệ cách mạng thứ hai, hay còn gọi là thế hệ Chonlima (Thiên lý mã), là những người tham gia chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và góp phần khôi phục đất nước và phục hồi kinh tế sau chiến tranh. Thế hệ cách mạng thứ ba là thế hệ lãnh đạo ba cuộc cách mạng lớn, còn thế hệ cách mạng thứ 4 là những người trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ”. Thời kỳ này xảy ra vào giữa đến cuối những năm 1990, khi hệ thống bao cấp sụp đổ do nạn đói và khủng hoảng kinh tế, dẫn đến hậu quả là 3 triệu người dân Bắc Triều Tiên chết đói, những người sống sót phải bán tất cả những gì có thể tại chợ tư nhân để kiếm sống. Và thế hệ chợ tư nhân là những người được sinh ra hoặc trải qua tuổi thanh xuân trong khoảng thời gian này, ước tính có khoảng 3,5 triệu người, chiếm 14% tổng dân số của Bắc Triều Tiên.

 

Có thể thấy thế hệ chợ tư nhân có cách suy nghĩ khác với các thế hệ trước qua cuộc phỏng vấn với những người đào tẩu miền Bắc trong bộ phim tài liệu “Thế hệ chợ tư nhân” được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế về vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên lần thứ 9 năm 2019. Tờ Bưu điện Washington (Mỹ) đã đăng tải video về thế hệ này trên trang chủ và giải thích rằng hệ thống bao cấp của miền Bắc bị sụp đổ trong thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ” đã biến thế hệ chợ tư nhân thành những con người theo chủ nghĩa tư bản tự phát, đồng thời nhấn mạnh đây là một thế hệ dũng cảm, đã quen với việc khám phá vận mệnh của chính mình.

 

Điểm khác biệt lớn nhất của thế hệ chợ tư nhân là họ không được hưởng các lợi ích từ chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì không thấm nhuần các quy phạm và hệ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tập thể nên tinh thần đoàn kết của những người này với thể chế không cao. Thế nên họ coi trọng bản thân và gia đình hơn. Tôi cho rằng đây là một thay đổi rất quan trọng trong nhận thức. Thứ hai là sự phụ thuộc tuyệt đối vào thị trường. Trước đây, người dân chỉ cần trung thành với đất nước là có thể duy trì cuộc sống cơ bản. Giờ đây, chợ đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống vì hầu hết mọi người đều phải tự kiếm sống ở chợ.

 

Thế hệ chợ tư nhân của Bắc Triều Tiên không có lựa chọn nào khác ngoài việc trải nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp chuyện ra chợ để kiếm tiền và cái ăn. Do đó, những người này quen thuộc với nền kinh tế thị trường hơn là chế độ bao cấp xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, một trong những đặc điểm lớn nhất của thế hệ này là họ có thể ứng dụng kỹ thuật số.

 

Một trong những bối cảnh quan trọng cần chú ý là chính sách của Bắc Triều Tiên. Trong số những chính sách lớn của chính quyền Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un có dự án bồi dưỡng tài năng khoa học kỹ thuật toàn dân. Trong bài phát biểu đầu năm mới của năm cầm quyền đầu tiên 2012, ông Kim đã đề ra mục tiêu phát triển nhằm đưa đất nước trở thành cường quốc kinh tế tri thức. Cùng năm đó, miền Bắc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục 12 năm bắt buộc, tăng cường giáo dục công nghệ thông tin và thực hiện cải cách giáo dục. Để ươm mầm tài năng công nghệ thông tin, Bắc Triều Tiên thành lập 190 trường trung học kỹ thuật cao cấp trên cả nước và mở rộng giáo dục từ xa. Loạt chính sách đã góp phần cải thiện đáng kể khả năng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số của thế hệ trẻ miền Bắc. Ngoài ra, những người trẻ, vốn có nhu cầu thưởng thức văn hóa cao, đã tăng cường sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để xem các nội dung văn hóa đa dạng của nước ngoài. Với những lý do trên, thế hệ chợ tư nhân, hay còn gọi là thế hệ mới, đã trở nên quen thuộc với văn hóa kỹ thuật số.

 

Văn hóa bên ngoài bắt đầu du nhập vào Bắc Triều Tiên qua các chợ tư nhân vào thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ” những năm 1990. Bước vào những năm 2000, các Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã trở thành phương tiện mở ra sự trao đổi văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc. Từ giữa và cuối những năm 2000, sự du nhập văn hóa nước ngoài trở nên toàn diện, trong đó sự yêu thích văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã thực sự bùng nổ. Một người đào tẩu Bắc Triều Tiên đã trả lời phỏng vấn, cho biết 80% người dân miền Bắc biết đến phim truyền hình và âm nhạc Hàn Quốc, và một khi đã xem phim truyền hình Hàn Quốc thì không thể không xem tiếp.

 

Kết quả khảo sát do Viện nghiên cứu hòa bình thống nhất thuộc Đại học quốc gia Seoul thực hiện trên 227 người đào tẩu từ Bắc Triều Tiên từ năm 2018-2020 cho thấy, 87,2% người tham gia đã trải nghiệm các nội dung văn hóa Hàn Quốc ở miền Bắc. Riêng với độ tuổi 20 và 30, kết quả lên tới hơn 90%. Khảo sát cho thấy hầu hết tất cả người dân Bắc Triều Tiên đều đã trải nghiệm làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu ít nhất một lần.

 

Sinh năm 1984, Chủ tịch Kim Jong-un trên thực tế cũng thuộc thế hệ chợ tư nhân. Do ông Kim từng đi du học tại Thụy Sĩ nên đã có nhiều người thuộc thế hệ chợ tư nhân kỳ vọng nhà lãnh đạo sẽ linh hoạt hơn đối với văn hóa bên ngoài. Trên thực tế, sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đã nỗ lực thoát khỏi sự kiểm soát nghiêm ngặt và sự áp đặt văn hóa đặt nặng vào tư tưởng vốn có, nhằm nâng cao tiêu chuẩn văn hóa đại chúng của Bắc Triều Tiên lên một mức độ nhất định. Một ví dụ điển hình cho chính sách này chính là việc Chủ tịch Kim chỉ đạo thành lập nhóm nhạc nữ đầu tiên của miền Bắc mang tên Ban nhạc Moranbong vào tháng 7/2012. Ban nhạc này có sự phá cách như mặc trang phục hở vai, đeo phụ kiện sặc sỡ, trang điểm dày và cầm các nhạc cụ điện tử dưới ánh đèn laser. Đây được coi là biểu tượng của sự thay đổi dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un.

 

Đặc biệt, buổi biểu diễn ra mắt của ban nhạc này tại Nhà hát nghệ thuật Mansudae ở Bình Nhưỡng đã tạo một cú sốc lớn trong xã hội Bắc Triều Tiên. Cùng với việc trình diễn bài hát chủ đề của bộ phim “Rocky” và các phim hoạt hình Disney (Mỹ), sự kiện này đã đự báo cho một sự thay đổi trong lĩnh vực biểu diễn của miền Bắc. Tuy nhiên, khác với sân khấu hoành tráng này, các đoàn thể nghệ thuật Bắc Triều Tiên đã sử dụng nhiều nội dung đa dạng để thay thế văn hóa đại chúng Hàn Quốc nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền thể chế.

 

Trong báo cáo “Nhận định về thống nhất của người dân Bắc Triều Tiên sau 10 năm cầm quyền của Chủ tịch Kim Jong-un” do Viện nghiên cứu hòa bình thống nhất thuộc Đại học quốc gia Seoul công bố, ông Kim nhận được sự ủng hộ cao nhất từ người dân ở độ tuổi 20 với 71,1%. Tỷ lệ ủng hộ đã có sự gia tăng đều đặn sau khi Chủ tịch Kim lên kế vị, nhưng sau đó lại có xu hướng giảm kể từ năm 2018. Một người đào tẩu Bắc Triều Tiên trả lời phỏng vấn cho biết trái với kỳ vọng của thế hệ trẻ muốn đất nước có sự thay đổi và cởi mở, miền Bắc đã duy trì thể chế “bế quan tỏa cảng” trong suốt 10 năm.

 

Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều người đào tẩu Bắc Triều Tiên, đặc biệt là thế hệ trẻ, đã thể hiện sự bất mãn với việc pháp luật bỏ qua cho tầng lớp tinh hoa và con cái của các quan chức cấp cao vì quyền lực và chỉ trừng phạt tầng lớp yếu thế. Ngoài ra, người trẻ cũng bất mãn về việc miền Bắc không thể cung cấp cho họ các nội dung văn hóa đa dạng và chất lượng cao để xoa dịu những bất công trong cuộc sống. Đặc biệt, sau khi thấy được thế giới tự do và bình đẳng qua các video đó, họ lại càng nhận ra sự đối lập và trở nên bất mãn với thể chế vì chính quyền không thể cho người dân được điều gì ngoài sự kiểm soát.

 

Sau khi ra lệnh loại bỏ hiện tượng phi chủ nghĩa xã hội tại Hội nghị Bí thư chi bộ đảng Lao động tháng 12/2017, Chủ tịch Kim Jong-un đã trực tiếp khởi động cuộc đấu tranh nhằm nhổ bỏ gốc rễ của phong trào này trong bài phát biểu đầu năm mới 2018.

 

Nếu tiếp tục tiếp xúc với các video và mô phỏng văn hóa đại chúng của Hàn Quốc, người dân Bắc Triều Tiên có thể sẽ trở nên ngưỡng mộ thể chế tự do ở miền Nam. Đây cũng chính là yếu tố uy hiếp cơ bản nhất có thể làm lung lay thể chế miền Bắc. Trong một bài báo thuộc ấn bản tháng 7 của một tạp chí thuộc đảng Lao động vào năm 2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Ryanggang cho rằng các ấn phẩm tuyên truyền bất hợp pháp cũng như quần áo và đồ vật có hoa văn bất thường đang xâm nhập vào Bắc Triều Tiên thông qua nhiều con đường khác nhau. Ông cũng cho rằng kẻ thù nguy hiểm nhất không phải là kẻ thù bên ngoài biên giới mà là xu hướng không lành mạnh, dị hợm, đi ngược với lối sống xã hội chủ nghĩa. Bài báo cho thấy quan chức miền Bắc đang hết sức cảnh giác và thậm chí cảm thấy bị đe dọa bởi tác động nghiêm trọng của các tư tưởng và văn hóa nước ngoài đối với chế độ.

 

Tháng 12/2020, Bắc Triều Tiên đã thông qua Luật Bài xích văn hóa tư tưởng phản động. Nội dung cụ thể của luật này dù không được tiết lộ, nhưng trong đó quy định hình phạt cao nhất là tử hình cho tội danh lưu hành các ấn phẩm văn hóa nước ngoài, trong đó có của Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên không chỉ khống chế và kiểm duyệt thế hệ chợ tư nhân mà còn huy động những người trẻ cho các sự kiện lớn. Trong buổi duyệt binh đánh dấu 90 năm ngày thành lập Quân đội cách mạng nhân dân Bắc Triều Tiên vào tháng 4 vừa qua, nhiều thanh niên đã được huy động để tham gia xếp thành các chữ như “quyết tử ung vệ” (thà chết để bảo vệ đất nước) hay “phú quốc cường binh” (nước có binh lực hùng mạnh). KCTV đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã chụp ảnh kỷ niệm với những thanh thiếu niên này. Tại Bắc Triều Tiên, các bức ảnh chụp cùng nhà lãnh đạo tối cao được gọi là “ảnh số 1” và có sức ảnh hưởng đáng kể. Có phân tích cho rằng lần chụp ảnh kỷ niệm này đã được truyền thông miền Bắc đưa tin rộng rãi để đặc biệt nhắm vào thế hệ trẻ đã quen với kinh tế thị trường.

 

Các bản tin của Bắc Triều Tiên cho biết sau khi lễ duyệt binh kết thúc, thanh thiếu niên từ khắp cả nước đã tập hợp lại và chụp ảnh với Chủ tịch Kim Jong-un tới 20 lần. Động thái này dường như để nhắc nhở thế hệ trẻ rằng nhà lãnh đạo rất coi trọng họ. Trên thực tế, miền Bắc thường động viên người trẻ đến những khu vực và địa điểm sản xuất khó khăn nhưng gần như không cho họ lợi ích vật chất nào. Việc được chụp ảnh với nhà lãnh đạo tối cao sẽ trở nên hữu ích cho sự nghiệp sau này của họ, cho thấy động cơ chính trị của động thái này. Có thể cho người tham gia một phần lợi ích đáng kể, đây một chiến lược thống trị cho hiệu quả cao với chi phí thấp.

Lựa chọn của ban biên tập