Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Môn Taekwondo ở Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-10-04

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News
Không khí của Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 19 tổ chức tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc khai mạc ngày 23.9 vừa qua, đang ngày càng nóng lên. Và Taekwondo chính là môn thể thao đã mang về tấm huy chương Vàng đầu tiên cho đoàn thể thao Hàn Quốc. Với 5 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, đội tuyển Taekwondo quốc gia Hàn Quốc giữ vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng môn Taekwondo. Quay lại sau 5 năm vắng bóng trong các đại hội thể thao lớn của quốc tế, nhưng Bắc Triều Tiên lại không cử vận động viên Taekwondo nào tham gia ASIAD, dù nước này luôn chủ trương rằng họ là “cái nôi” của Taekwondo đang nổi tiếng trên thế giới. Ngày 1/9/2023, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên thông báo về việc đoàn thể thao nước này về nhất toàn đoàn tại Giải vô địch Taekwondo thế giới lần thứ 22, diễn ra từ ngày 18-26/8 tại Kazakhstan. Vậy lý do Bắc Triều Tiên không cử vận động viên Taekwondo nào tham gia ASIAD lần này là gì? 
Taekwondo trở thành môn thi đấu chính thức tại ASIAD Seoul năm 1986. Còn tại Thế vận hội, Taekwondo được thi đấu thử nghiệm lần đầu tại Olympic Seoul năm 1988 rồi được chọn làm môn thi đấu chính thức kể từ Olympic Sydney năm 2000, và có tên trong hạng mục tranh tài ở cả Olympic Paris năm 2024 và Olympic Los Angeles năm 2028. Môn võ Taekwondo được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là môn thi đấu chính thức tại Thế vận hội là do Liên đoàn Taekwondo thế giới (WT)  của Hàn Quốc dẫn dắt. Còn giải đấu diễn ra tại Kazakhstan vào tháng 8 vừa qua lại được tổ chức bởi Liên đoàn Taekwondo quốc tế (ITF) của miền Bắc, hoàn toàn khác biệt với Taekwondo tại Olympic hoặc ASIAD. 
 
Taekwondo có chung một nguồn gốc. Điểm khác biệt lớn nhất là ở các tổ chức dẫn dắt môn võ này. Có hai tổ chức lớn là Liên đoàn Taekwondo thế giới (WT) do Hàn Quốc khởi xướng thành lập vào năm 1973 và Liên đoàn Taekwondo quốc tế (ITF) do Bắc Triều Tiên khởi xướng thành lập vào năm 1966. Taekwondo đã trở thành môn thi đấu thử nghiệm tại Olympic Seoul năm 1988 và Olympic Barcelona năm 1992, trước khi được chính thức chọn là môn thi đấu tại Olympic Sydney năm 2000. Chỉ có các quốc gia thành viên trong Liên đoàn Taekwondo thế giới được tham gia thi đấu chính thức tại Thế vận hội, nên thành viên của Liên đoàn Taekwondo quốc tế không thể tham gia Olympic hay Đại hội Thể thao châu Á.
 
Mặc dù Taekwondo có nguồn gốc lâu đời trong nền văn hóa truyền thống của bán đảo Hàn Quốc, nhưng lại phát triển theo hướng khác biệt ở hai miền Nam-Bắc. Môn Taekwondo hiện đại bắt đầu được hệ thống hóa tại Hàn Quốc vào những năm 1960. Trong thời kỳ đó, võ sư Choi Hong-hi được đánh giá có vai trò quan trọng với sự phát triển và truyền bá của Taekwondo. Ông đã thành lập Liên đoàn Taekwondo quốc tế (ITF) vào năm 1966 và lãnh đạo tổ chức này cho đến khi ông phải lánh nạn sang Canada vào năm 1972. Sau đó, vào năm 1973, Liên đoàn Taekwondo thế giới được thành lập tại Hàn Quốc với tên gọi ban đầu là World Taekwondo Federation (WTF) sau đổi thành World Taekwondo (WT). Tiếp đó, trong khi Taekwondo mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại Hàn Quốc, ông Choi Hong-hi dẫn đầu đoàn ITF đến Bắc Triều Tiên vào năm 1980 để truyền dạy Taekwondo. Điều này giải thích tại sao Hàn Quốc quản lý WT còn Bắc Triều Tiên dẫn đầu ITF.
Sau khi Taekwondo của Hàn Quốc trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympic Sydney năm 2000, môn võ này đã phát triển và trở thành một môn thể thao đại chúng. Trong khi đó, Taekwondo thuộc Bắc Triều Tiên vẫn được đánh giá là tập trung vào khía cạnh tự vệ và võ thuật hơn là thi đấu thể thao. Thực tế, Taekwondo mà đoàn thể thao Bắc Triều Tiên trình diễn tại Giải vô địch Taekwondo Thế giới tại Muju (tỉnh Bắc Jeolla) năm 2017 và tại Olympic PyeongChang 2018 có một số điểm khác biệt so với Taekwondo của Hàn Quốc. 
Theo các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên, từ những năm 1980, nước này đã bắt đầu xem Taekwondo như quốc võ và truyền bá rộng rãi đến công chúng. Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) từng đưa tin ca ngợi rằng Taekwondo tại nước này phát triển được như ngày hôm nay, là nhờ vào sự quan tâm của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung). Theo một người dân tị nạn Bắc Triều Tiên, có xuất thân là vận động viên Taekwondo của nước này, chính quyền miền Bắc luôn nhấn mạnh rằng cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và cố Chủ tịch Kim Jong-il đóng vai trò lớn trong việc tạo ra và phát triển Taekwondo tại miền Bắc. Bắc Triều Tiên đã xây dựng cơ sở lớn dành riêng cho Taekwondo mang tên “Hội trường Taekwondo” vào năm 1992. Bên cạnh đó, nước này cũng thành lập các trường Taekwondo tại các tỉnh, thành để đào tạo tuyển thủ và huấn luyện viên. Cũng theo người tị nạn này, các trường Taekwondo bao gồm có lớp chuyên, lớp trung cấp và đội vận động viên. Lớp trung cấp là nơi học sinh nhỏ tuổi có thể tham gia vào sau giờ học để tập thể dục. Các buổi học thêm về thể dục được đưa vào chương trình đào tạo 12 năm của miền Bắc. Sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, ông đã cho tổ chức Giải vô địch Taekwondo thế giới vào năm 2017. Bắc Triều Tiên đã cho sản xuất hàng loạt chương trình truyền hình về Taekwondo. Miền Bắc cũng sử dụng môn võ này như một công cụ để duy trì thể chế của mình. KCTV từng giới thiệu rằng Taekwondo là một môn võ truyền thống của dân tộc. Thông qua các chiến dịch truyền thông khác nhau, Bắc Triều Tiên nỗ lực để tuyên bố nước mình là “cái nôi” của Taekwondo. Sự thật là Taekwondo được hệ thống hóa tại Hàn Quốc và được phổ biến tại Bắc Triều Tiên vào những năm 1980. Mặc dù có nguồn gốc chung nhưng đã xuất hiện sự khác nhau qua hàng chục năm phát triển riêng biệt. Một người tị nạn Bắc Triều Tiên xuất thân là vận động viên Taekwondo đã chia sẻ rằng kỹ thuật đá chân của Taekwondo Hàn Quốc là rất ấn tượng. Kỹ thuật đá chân của Taekwondo miền Bắc yếu và tốc độ không nhanh bằng.  Thuật ngữ về các đòn đánh trong Taekwondo của hai miền cũng khác nhau, chẳng hạn như bài quyền “Poomsae” của Hàn Quốc ở Bắc Triều Tiên gọi là “Tul”, thuật ngữ “đối kháng” ở Hàn Quốc gọi là “Georugi”, còn miền Bắc lại sử dụng từ “Matsogi” (đối đầu). 
 
Hàn Quốc là nước lãnh đạo Liên đoàn Taekwondo thế giới (WT) trong khi Bắc Triều Tiên có Liên đoàn Taekwondo quốc tế (ITF). Do đó, nên gọi chính xác môn võ miền Nam là WT Taekwondo còn môn võ miền Bắc là ITF Taekwondo. Trong thi đấu đối kháng, WT Taekwondo sẽ áp dụng quy tắc trừ điểm nếu sử dụng đòn đánh bằng tay vào mặt đối thủ. Trong khi đó, ITF Taekwondo xem đòn này là một kỹ thuật quan trọng. ITF cho phép tuyển thủ mang găng tay và băng cổ tay để tấn công vào mặt đối thủ, trong khi WT Taekwondo thi đấu với nón bảo hộ đầu và áo bảo hộ thân trên tại Thế vận hội và các cuộc thi quốc tế khác. Về hệ thống hạng cân, WT Taekwondo có 8 hạng cân cho nam và nữ, trong khi ITF Taekwondo có 5 hạng cân.
 
Một trong những khác biệt lớn nhất trong ITF Taekwondo là sự xuất hiện của bài quyền “Juche Tul”, tương đương với một trong số các bài quyền “Poomsae” của WT Taekwondo. Truyền thông nước này từng đưa tin rằng, bài quyền “Juche Tul” của ITF Taekwondo được công nhận là một hệ thống động tác đòi hỏi kỹ thuật cao. Thực tế, bài quyền này bao gồm tổng cộng 45 động tác. Đây cũng được cho là một phương thức cho ý đồ truyền bá tư tưởng Juche (Chủ thể) của Bắc Triều Tiên ra toàn cầu. 
 
“Juche Tul” được thêm vào trong các bài quyền “Tul” của ITF Taekwondo, gồm tổng cộng 45 đòn và đòi hỏi kỹ thuật cao. Miền Bắc giải thích rằng việc di chuyển trong khi thực hiện các đường quyền “Juche Tul” tạo thành hình dáng của núi Baekdu (Bạch Đầu). Tuy nhiên, thể thao không nên mang màu sắc chính trị. Điều này lý giải tại sao ITF không thể mở rộng ra toàn cầu và số lượng quốc gia thành viên không tăng lên.
 
Taekwondo ở Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã phát triển theo từng cách riêng biệt, nhưng đã kế thừa lịch sử của sự thống nhất và hòa hợp. Giao lưu Taekwondo giữa hai miền bắt đầu tăng tốc sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000. Đội Taekwondo của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã thực hiện các buổi biểu diễn chung tại Seoul và Bình Nhưỡng. Năm 2014, hai nước đã ký kết một văn kiện tuyên bố tinh thần tôn trọng và công nhận lẫn nhau. Sau đó, hai nước cũng đã kết hợp để thử nghiệm cho “đồng diễn Taekwondo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên”. Sân khấu đồng diễn đầu tiên là vào năm 2014 tại lễ kỷ niệm 150 năm di cư của người Goryeo diễn ra tại đảo Sakhalin, Nga. Tiếp đó là tại Giải vô địch Taekwondo thế giới Muju 2017 và Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Hai nước cũng đã có những hợp tác với mong muốn để Taekwondo được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận chung. Ngay cả khi quan hệ giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bị đóng băng sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019, đoàn Taekwondo hai nước vẫn tiếp tục biểu diễn chung tại châu Âu. Ông Kim Dong-sun chia sẻ về ý nghĩa và triển vọng của giao lưu Taekwondo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên: 
 
Sau khi Taekwondo trở thành môn thi đấu thử nghiệm tại Olympic Seoul năm 1988, vấn đề giao lưu Taekwondo giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm. Sau 30 năm, nhân Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, hai miền đã có các buổi biểu diễn chung tại Seoul và Bình Nhưỡng. Tháng 11 cùng năm, việc ký kết thỏa thuận về sự hợp tác trong thống nhất Taekwondo và việc UNESCO công nhận Taekwondo đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong giao lưu thể thao giữa hai miền.
Hợp tác giữa Liên đoàn Taekwondo thế giới (WT) và Liên đoàn Taekwondo quốc tế (ITF) có thể nâng cao tầm quan trọng của môn võ này trong cộng đồng thể thao quốc tế, tạo ảnh hưởng tích cực đến việc đưa Taekwondo thành môn thi đấu chính thức trong Olympic mùa hè và Olympic dành cho người khuyết tật. Đặc biệt, việc các vận động viên miền Bắc thuộc ITF tham gia vào Thế vận hội không chỉ đòi hỏi họ phải hiểu về luật thi đấu WT, mà còn tạo cơ hội cho hai bên hợp tác tập luyện và trao đổi nhiều kỹ thuật đa dạng. Cuối cùng, điều này cũng có thể dẫn đến sự hợp nhất hai liên đoàn WT và ITF.
 
Trong quá trình giao lưu Taekwondo giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, có rất nhiều ý kiến cho rằng Taekwondo của hai nước là có chung một nguồn gốc.   Ông Ri Yong-son, Chủ tịch ITF chia sẻ rằng mình muốn đóng góp vào quá trình thống nhất bán đảo Hàn Quốc thông qua phương tiện là môn võ Taekwondo. Phó Chủ tịch danh dự của WT Lee Dae-sun cũng từng phát biểu rằng nhờ có Taekwondo, việc giao lưu giữa hai nước sẽ trở nên sôi nổi hơn, góp phần thúc đẩy giao lưu và hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Sau 20 năm kể từ khi Taekwondo trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympic, Taekwondo đã củng cố vị thế của mình như một môn thể thao toàn cầu. Hy vọng rằng Taekwondo sẽ tiếp tục kết nối bán đảo Hàn Quốc và tạo ra nhiều thành quả hợp tác hơn nữa.  

Lựa chọn của ban biên tập