Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Văn hóa ăn uống ở Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-10-18

Vì một bán đảo thống nhất

Cái ăn cái mặc rất quan trọng trong đời sống con người. Trong đó, ăn uống phản ánh rõ đặc trưng của mọi dân tộc, kể cả dân tộc Hàn. Văn hóa ăn uống là tài sản chung của cả hai miền Nam Bắc trong suốt chiều dài lịch sử 5.000 năm. Tuy nhiên, nền ẩm thực của hai miền đang dần thay đổi sau khi bị chia cắt. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về văn hóa ăn uống của Bắc Triều Tiên cùng với giáo sư Jeon Young-sun từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk. 

Ở Hàn Quốc có câu “Người Hàn thì sống bằng cơm”, cho thấy cơm gạo là món ăn chính quan trọng nhất đối với người Hàn. Thế nhưng, thu nhập càng cao thì lượng tiêu thụ thịt càng tăng, người Hàn trở nên quen dần với nếp ăn uống của phương Tây và càng có nhiều người ăn những món từ bột mì thay vì gạo. Một số người Hàn thường ăn mì gói hoặc bánh gạo cay Tteokbokki ở nhà, ra đường thì hay ăn bánh mì cho đơn giản. Ở Bắc Triều Tiên cũng có sự thay đổi trong thói quen ăn uống như thế này. 

Kể từ sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế mang tên “cuộc hành quân gian khổ”, chính sách lương thực ở Bắc Triều Tiên đã thay đổi. Trước kia, trọng tâm của vấn đề lương thực là phương pháp nông nghiệp theo tư tưởng Chủ thể (Juche), một trong những phương pháp nông nghiệp được tiến hành dưới sự hướng dẫn của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, với mục tiêu tự cung cấp lương thực. Thế nhưng sau đó, sự phụ thuộc vào nông nghiệp đã giảm nhẹ, chính sách về các loài cây trồng khác như khoai tây đã bắt đầu thay đổi. Để bổ sung chất đạm, miền Bắc đã mở rộng toàn diện hoạt động nuôi thỏ, nuôi cá theo phương pháp nhân tạo, hay cá trê vùng nhiệt đới và gia cầm, góp phần thay đổi nền văn hóa ẩm thực của nước này một cách tự nhiên.

Sau khi trải qua giai đoạn “cuộc hành quân gian khổ”, tức cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 1990, nhận thấy nạn thiếu lương thực có thể đe dọa đến thể chế, Chính phủ Bắc Triều Tiên đã đề ra chính sách về nếp ăn uống để giải quyết nạn thiếu lương thực. Khi tình hình kinh tế dần được hồi phục, nhiều món ăn và văn hóa ẩm thực đa dạng đã bắt đầu xuất hiện. Kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un lên cầm quyền vào năm 2012, Bình Nhưỡng đã tăng cường bảo vệ “di sản văn hóa phi vật thể” theo luật để khuyến khích văn hóa ăn uống. 

Văn hóa của Bắc Triều Tiên luôn được phân biệt rõ ràng giữa văn hóa vật thể và phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể nhấn mạnh nhiều vào quy tắc kế thừa hiện đại. Vì thế, thay vì bảo tồn nguyên vẹn văn hóa truyền thống, nước này tập trung vào chính sách cải cách hoặc mở rộng theo hướng có lợi cho sinh hoạt của người dân. Những thứ có giá trị đáng để bảo vệ được xem như di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ủy ban di sản phi vật thể quốc gia sẽ quyết định một di sản nào đó có giá trị bảo vệ hay không, và đưa ra những chính sách bảo vệ tương ứng.

Ở Bắc Triều Tiên, văn hóa ăn uống là một phần của di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có các món ăn dân gian, hay phong tục ủ tương, muối kimchi Kimjang. Đặc biệt, muối kimchi Kimjang cũng là di sản tiêu biểu được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Phong tục muối kimchi Kimjang của Hàn Quốc được UNESCO công nhận vào năm 2013, còn Bắc Triều Tiên là năm 2015. Mặc dù văn hóa cả hai miền tương tự nhau, nhưng mùa đông ở miền Bắc dài gần 6 tháng, nên nước này có nhiều món ăn chế biến từ kimchi chứ không chỉ là món phụ cơ bản. Có thể kể đến như món mì lạnh kimchi. Trong khi tại Hàn Quốc có những nghệ nhân kimchi, tức những người kế thừa và phát triển ẩm thực truyền thống, thì Bắc Triều Tiên có phong tục muối kimchi Kimjang được đăng ký là di sản văn hóa phi vật thể.

Muối kimchi Kimjang là văn hóa truyền thống tại bán đảo Hàn Quốc, nhằm chuẩn bị một lượng lớn kimchi để trải qua một mùa đông dài khắc nghiệt. Vì có mùa đông dài, người dân Bắc Triều Tiên thường muối một lượng lớn khoảng vài trăm bó kimchi trong một lần.

Một chương trình phát sóng ở miền Bắc nói rằng muối kimchi Kimjang là văn hóa ẩm thực đặc trưng của nước mình và là niềm tự hào dân tộc. Nước này thường muối kimchi vào khoảng giữa tháng 10 và tháng 11. Thời gian muối kimchi sớm, lượng cũng khá nhiều, nên ở miền Bắc có nhiều loại kimchi đa dạng.

Bắc Triều Tiên thường trải qua mùa đông chủ yếu với mỗi món kimchi, đến mức món ăn này được gọi là “lương thực nửa năm”. Giống với miền Nam, kimchi của miền Bắc thường có những điểm khác biệt về phương thức muối và mùi vị tùy theo từng địa phương. Các loại kimchi nổi tiếng tại Bình Nhưỡng là kimchi nước củ cải trắng Dongchimi, ở thành phố Gaesung (tỉnh Bắc Hwanghae) là kimchi gói bossam, các vùng núi phía Bắc như tỉnh Ryanggang là kimchi rau cải Gat-kimchi. Ngoài phong tục muối kimchi Kimchang, món mì lạnh Bình Nhưỡng cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
 
Mì lạnh Bình Nhưỡng đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vào năm 2022. Để trở thành di sản văn hóa, quá trình làm nên mì lạnh, các kiến thức hay bí quyết về mì lạnh phải được tích lũy trong thời gian dài và được duy trì liên tục đến cả thời hiện đại. Mì lạnh Bình Nhưỡng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới do những phong tục liên quan đến món ăn này được đánh giá có ý nghĩa về mặt lịch sử, cũng như được tiếp nối cho đến ngày nay. Có thể nói Bắc Triều Tiên rất tự hào về món mì lạnh Bình Nhưỡng.

Miền Bắc có một bài hát gọi là “Mì lạnh Bình Nhưỡng là nhất”, cho thấy tình yêu lớn của người dân miền Bắc dành cho món ăn này. Quán mì lạnh Bình Nhưỡng nổi tiếng nhất ở Bắc Triều Tiên mang tên “Okryugwan” bán được bình quân hơn 10.000 bát mì lạnh mỗi ngày. Lịch sử của món mì lạnh Bình Nhưỡng, làm từ kimchi nước củ cải trắng Dongchimi và nước dùng từ thịt, cùng với mì lúa mạch, cũng được giới thiệu trên TV.

Theo Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV), món mì lạnh Bình Nhưỡng xuất hiện từ triều đại Goryeo (thế kỷ X-XIV). Người ta thường ăn mì lạnh Bình Nhưỡng vào đêm trước rằm tháng Giêng âm lịch, với mong ước trường thọ; hay vào những dịp có hỉ sự, nhằm chia sẻ niềm vui và thắt chặt đoàn kết với người thân và hàng xóm. Vì thế, mì lạnh Bình Nhưỡng đã trở thành món ăn dân tộc mang tính biểu tượng đại diện cho Bắc Triều Tiên. Theo luật bảo vệ di sản văn hóa được ban hành năm 2012, miền Bắc có nhiều món ăn dân tộc hơn. 

Ở miền Bắc, hầu hết các khía cạnh của văn hóa truyền thống đã hoàn thiện vào thời kỳ Goguryeo (năm 37 trước Công nguyên-668), và kéo dài đến thời Goryeo (thế kỷ X-XIV), trong khi triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) thường bị nhận định với góc độ tiêu cực, do hệ thống giai cấp thống trị và bị trị. Tương tự, văn hóa ẩm thực cũng đã bị đánh giá tiêu cực cùng với trang phục. Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2012, miền Bắc đã công nhận nhiều khía cạnh truyền thống văn hóa của thời kỳ Joseon. Trong đó, lẩu Sinseollo đã được giới thiệu là một món ăn dân tộc quốc tế tại Trường Đại học tổng hợp Kim Nhật Thành. Theo mô tả của miền Bắc, đây là món ăn được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu theo phương thức độc đáo, có hương vị đặc biệt và giàu dinh dưỡng, với bát đĩa đẹp, cho phép người dùng được trải nghiệm hương vị tuyệt phẩm của ẩm thực Joseon. Do đó, món ăn này đã được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới.

Vào thời của cựu Chủ tịch Kim Jong-il, lẩu Sinseollo đã bị nhìn nhận tiêu cực. Tuy nhiên, món ăn này đã trở nên vô cùng nổi tiếng tại Okryugwan. Truyền thống về nếp ăn uống của miền Bắc liên tục được đánh giá tích cực, và có nhiều phong tục được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Việc nuôi ong lấy mật ở Bắc Triều Tiên đã phát triển qua các triều đại Gojoseon (năm 2333-108 trước Công Nguyên), thời kỳ Tam Quốc cùng tồn tại ba triều đại Goguryeo, Baekje và Silla (năm 18 trước Công Nguyên-668), được xem là một công việc đáng tự hào vì mang lại nhiều sản phẩm và hoa quả. Do đó, vào năm 2017, phong tục nuôi ong đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, cùng với phong tục làm mắm tép bằng loại tép nhỏ đánh bắt ở vùng biển phía Tây. 

Có thể thấy sự khác biệt giữa hai miền Nam Bắc khi Hàn Quốc thì tập trung vào những di sản mang giá trị lịch sử và có ý nghĩa, trong khi Bắc Triều Tiên thì đưa những món ăn được người dân biết đến rộng rãi và ưa chuộng lên làm di sản phi vật thể. Do đó, việc nuôi ong lấy mật hay làm mắm tép được đưa vào danh sách di sản này. Trên thực tế, để tìm ra những phong tục mang giá trị như thế này, miền Bắc đã tổ chức các cuộc thi nấu ăn tại các nhà hàng tiêu biểu.

Thông qua các cuộc thi nấu ăn, Bắc Triều Tiên đã tìm ra và bảo tồn các văn hóa ẩm thực. Đây là sự kiện lớn và là nơi các đầu bếp được cơ quan Nhà nước và địa phương tuyển chọn trình bày các món ăn truyền thống và đặc sản. Khoảng một nửa các món ăn dự thi tại Triển lãm ẩm thực dân tộc toàn quốc là di sản văn hóa phi vật thể. Thế nhưng, vì sao miền Bắc phải mở các cuộc thi nấu ăn để tìm kiếm món ăn dân tộc? 

Mục tiêu đầu tiên của việc tổ chức kỳ thi nấu ăn là để giúp người dân hiểu rõ về giá trị xuất sắc của văn hóa dân tộc nước nhà, kích thích lòng tự hào và yêu nước, nhấn mạnh chủ nghĩa ưu tiên tổ quốc hàng đầu. Mục tiêu thứ hai liên quan đến việc định hình hệ thống sinh hoạt tiêu dùng. Ở Bắc Triều Tiên, nhiều nhà hàng hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của đảng. Để thúc đẩy hoạt động, các nhà hàng này cần phát triển nhiều món ăn mới và khám phá ý nghĩa của chúng. Do đó, miền Bắc không ngừng tổ chức các cuộc thi nấu ăn.

Bắc Triều Tiên đang thực hiện các chính sách cải thiện văn hóa ăn uống với lý do chính trị và kinh tế. Mặc dù có nhiều món ăn được lọt vào danh sách di sản phi vật thể, song cần phải theo dõi xem liệu việc quản lý và kiểm soát di sản văn hóa có dẫn đến sự cải thiện văn hóa ăn uống và kế thừa truyền thống của miền Bắc hay không.

Lựa chọn của ban biên tập