Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Giám đốc Viện nghiên cứu mỹ thuật dân tộc Hàn Quốc Choi Wan-soo và những đóng góp cho Bảo tàng mỹ thuật Gansong

2016-06-07

Ông Tak Hyun-gyu, nhân viên nghiên cứu của Bảo tàng mỹ thuật Gansong đang giới thiệu đến người xem các bức họa chân dung xưa trong phần 6 của triển lãm bắt đầu từ ngày 20/4/2016 tại Trung tâm thiết kế Dongdaemun (Dongdaemun Design Plaza – DDP), trong đó gồm tác phẩm “Sự thanh nhàn khi đọc sách”, tác phẩm của họa sư Jeongseon (tên hiệu: Kyomjae, 1676-1759), một bậc thầy hội họa trong giai đoạn cuối của triều đại Joseon. Vốn không có tiền lệ giới thiệu các tác phẩm ra bên ngoài, việc tổ chức triển lãm lần này của Bảo tàng mỹ thuật Gansong đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người xem. Không gian nghệ thuật của triển lãm mang bầu không khí tĩnh lặng, và người xem thư thái đắm chìm trong những nét hấp dẫn của những tác phẩm nghệ thuật mang đậm phong cách của triều đại Joseon. Một số người đến xem triển lãm cho biết: “Chiêm ngưỡng các tác phẩm của những bậc thầy hội họa như Jang Seung-eop, Kim Hong-do, Jeong Seon, tôi cảm nhận được nét đẹp, bố cục hài hòa của hội họa Đông phương hay nét trầm lắng của các bức tranh thủy mặc cổ xưa. Có quá nhiều thứ để xem tại triển lãm này.” “Tôi đến triển lãm vì nghe nói ở đây trưng bày nhiều tác phẩm là bảo vật quốc gia. Tranh thật của họa sư Kim Hong-do hay Shin Yun-bok không phải ai cũng có cơ hội để chiêm ngưỡng. Được ngắm các tài sản văn hóa quý giá của quốc gia thật không uổng công.” “Nhà sưu tầm nghệ thuật Gansong sở hữu rất nhiều tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm khó có cơ hội được chiêm ngưỡng lần thứ hai.” “Không có từ nào để diễn tả hết nét đẹp trong tranh của họa sư Shin Yun-bok. Tôi cảm thấy thực sự cảm động khi đọc đoạn bút ký “Khi hàng vạn sức xuân đang căng tràn trong lồng ngực người họa sĩ, đầu bút sẽ vẽ nên bức chân dung của vạn vật”.” “Nỗ lực sưu tầm tranh với tinh thần muốn bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hóa nước nhà của Gansong khiến tôi rất thán phục.”



Bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Hàn Quốc, nơi lưu giữ những tài sản văn hóa vô giá
Bảo tàng mỹ thuật Gansong được thành lập từ năn 1938 và là bảo tàng tư nhân đầu tiên của Hàn Quốc. Cha đẻ của bảo tàng này là Jeon Hyung-pil, bút danh Gansong, nhà sưu tập những tài sản văn hóa vô giá từ thời cổ xưa của Hàn Quốc. Ông đã dành cả cuộc đời để tìm kiếm, sưu tầm, và lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả những tài sản nghệ thuật quý giá của quốc gia trong thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng. Ông sở hữu tài sản nghệ thuật đồ sộ gồm tranh thơ, đồ gốm, tượng Phật, sách cổ,…và đặc biệt là 200 bức tranh thơ của họa sư Jeong Seon (Kyomjae) cùng các tác phẩm của các họa sư lừng danh của Hàn Quốc như Kim Hong-do, Shin Yun-bok, Jang Seung-eop, Shin Sa-im-dang, Kim Jeong-hui,…Trong số này, bảy tác phẩm là quốc bảo, 10 tác phẩm là tài sản quốc gia và các di vật còn lại đều có giá trị lịch sử to lớn, xứng đáng được xếp vào hàng ngũ quốc bảo trong tương lai. Nhờ những nỗ lực của Gansong bất chấp các điều kiện tài chính khó khăn, người dân Hàn Quốc có cơ hội quay ngược trở về triều đại Joseon để tìm hiểu cuộc sống, con người lúc bấy giờ. Ông Choi Wan-soo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu mỹ thuật dân tộc Hàn Quốc cho biết: “Việc tổ chức triển lãm lần này quả là lựa chọn đúng đắn. Nền văn hóa vĩ đại trong suốt 500 năm triều đại Joseon được tái hiện rõ nét qua các bức chân dung từng thời. Nhân vật trong các bức tranh thuộc giai đoạn đầu của triều đại Joseon khi lý học của Chu Di, tông phái chính của Nho giáo phát triển, đều hiện lên trong trang phục của Trung Quốc. Khi đó con vật tiêu biểu là con trâu thay vì con bò dù Hàn Quốc không có trâu. Đến giai đoạn sau, từ thời họa sư Kyomjae đến thời họa sư Shin Yun-bok (hiệu Hye Won), tranh truyền thống của Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện, thể hiện tinh thần, sắc thái của dân tộc với hình ảnh các nhân vật trong trang phục truyền thống. Từ thời họa sư Jang Seung-eop, Hàn Quốc chuyển mình sang thời đại mới, và các nhân vật trong hội họa thời này lại khoác lên mình trang phục truyền thống của Trung Quốc. Khán giả có cảm tưởng được lên cỗ máy thời gian, quay ngược lại quá khứ để hiểu hơn về lịch sử quốc gia thông qua triển lãm lần này.”

Bằng giọng nói trầm và vang, Giám đốc Choi Wan-soo đưa người tham dự triển lãm cùng quay ngược lại thời đại Joseon 500 năm về trước. Bắt đầu làm việc tại Bảo tàng mỹ thuật Gansong từ 6/4/1966, Choi Wan Soo đã dành hơn 50 năm cuộc đời mình để canh giữ và bảo tồn những di sản văn hóa của dân tộc tại đây. Ông nói thêm: “Bảo tàng mỹ thuật Gansong là mái nhà thứ hai của tôi trong suốt 50 năm qua. Mỗi ngày làm việc tại nơi đây đều khiến tôi vô cùng say mê và hứng khởi. Các tác phẩm hội họa mà Gansong sưu tầm giúp tôi vươn đến cánh cửa tri thức rộng mở mà tôi hằng ước ao. Tôi rất hạnh phúc và không hề hối tiếc về điều gì khi làm việc tại đây.”

Đam mê nghiên cứu và quảng bá văn hóa nghệ thuật của dân tộc
Tọa lạc tại phường Seongbuk, Seoul, phòng nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu mỹ thuật dân tộc Hàn Quốc của Bảo tàng mỹ thuật Gansong mang sắc thái của không gian xưa cũ với bậc cầu thang lát đá hoa, chiếc bàn cũ kỹ hay tủ sách được lấp đầy bởi những cuốn sách cổ. Cửa sổ căn phòng gần như bị che khuất bởi kho tư liệu đồ sộ tại đây. Trong căn phòng này, Choi Wan-soo ngày ngày miệt mài và say mêm bên những công trình nghiên cứu văn hóa về một triều đại Joseon với những trang sử vàng chói lọi. Ông Choi Wan-soo chia sẻ: “Tôi có một niềm đam mê từ khi còn nhỏ. Đó là nghiên cứu và chứng minh sự ưu việt của nền lịch sử nước nhà. Tôi đặt mục tiêu thực hiện niềm đam mê này với niềm tự hào về nền văn hóa dân tộc đã ăn sâu trong máu từ lâu.”

Choi Wan-soo năm nay tròn 74 tuổi, ông tốt nghiệp khoa xã hội của trường Đại học quốc gia Seoul và công tác tại Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc từ năm 1965. Một năm sau khi nhận công tác, ông bất ngờ được đề nghị đảm nhận vị trí trưởng phòng nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu mỹ thuật dân tộc Hàn Quốc do Bảo tàng mỹ thuật Gansong thành lập, phụ trách nghiên cứu các tác phẩm mỹ thuật của bảo tàng. Tuy ban đầu không hứng thú với bảo tàng mỹ thuật cá nhân, Choi Wan-soo đã thay đổi quyết định sau khi đến thăm bảo tàng. Ông Choi Wan-soo cho biết: “Toàn bộ sách trong căn phòng này khi đó đều được đặt ở các giá sách trên tầng hai của bảo tàng. Ngay cả bộ đại trường kinh Daejeongsinsudaejanggyeong (Đại Chính Tân Thụ Đại Trường Kinh) vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay với độ dày lên tới 100 cuốn, là bản in theo kỹ thuật hiện đại của cuốn Palmandaejanggyeong (Bát vạn đại trường kinh). Từ lâu tôi đã muốn sử dụng chúng để làm cơ sở nghiên cứu, nên ngay sau khi nhìn thấy bộ sưu tập tại đây, tôi đã lập tức đồng ý làm việc tại Bảo tàng mà không hề đưa ra bất cứ điều kiện gì. Tôi quyết tâm nghiên cứu tại bảo tàng này và chính bộ đại trường kinh là lý do níu giữ tôi ở lại.”

100 cuốn của Bộ đại trường kinh Đại chính tân thụ, chính là lý do khiến Choi Wan-soo quyết định là việc tại bảo tàng Gansong. Đây là bộ kinh mà ông đã phải vất vả mới mượn được trong thư viện của trường thời đại học. Ý nghĩ sẽ được đọc chúng hàng ngày ngay tại Bảo tàng mỹ thuật Gansong đã khiến ông đồng ý đảm nhận vị trí trưởng phòng nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu mỹ thuật dân tộc Hàn Quốc. Nhưng khi bắt tay vào làm việc, ông nhận thấy có rất nhiều việc cấp bách phải làm so với việc đọc bộ đại trường kinh. Đó là làm thế nào để xử lý hàng trăm cuốn sách chồng chất trong kho. Ông chia sẻ: “Trong thời gian tôi đi lánh nạn khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nổ ra, bảo tàng liên tục trở thành nơi chiếm đóng của quân đội nhân dân Bắc Hàn, quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc. Nhiều cuốn sách đã bị đem ra dùng làm giấy nhóm lửa. Sau khi lánh nạn và trở lại Seoul, một số người đã lấy trộm các tác phẩm và đem đi bán ở gần suối Cheonggye. Tôi đã cố gắng hết sức để có thể tìm lại tất cả những tài liệu bị đem bán. Khi trở lại Seoul, tôi phát hiện phòng kho đầy ắp sách bị mối mọt và chuột gặm nhấm. Việc đầu tiên tôi làm là sắp xếp lại sách. Chúng tôi phân hai người một nhóm, cùng nhau thu dọn từ sáng cho đến tối.”

Khám phá những tuyệt tác của các họa sư lỗi lạc
Kết thúc việc sắp xếp lại sách, ông bắt đầu mở các hộp đựng tranh thơ. Các bức tranh thơ là tài sản quý giá đến mức nhà sưu tầm Gansong đã mang theo trên đường lánh nạn và sẵn sàng bảo vệ chúng bằng cả tính mạng của mình. Những chiếc hộp được mở ra sau chiến tranh đã khiến thanh niên Choi Wan-soo khi ấy vô cùng xúc động. Ông chia sẻ: “Tim tôi như ngừng đập khi cầm trong tay những báu vật vô giá ấy. Tôi đã không thể sắp xếp gọn gàng những tác phẩm cổ xưa này khi mang đi lánh nạn. Tôi thâm chí còn không biết là có cả tranh ở trong đó. Tôi như ngừng thở khi nhìn thấy những bức tranh của họa sư Kyomjae với cảnh sông núi, cây cối và chân dung con người trong thời đại của ông. Tôi chợt nghĩ đấy sẽ là những bằng chứng tuyệt vời cho sự ưu việt của văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc.”

Choi Wan-soo bắt đầu miệt mài nghiên cứu các bức tranh của họa sư Jeong Seon. Chỉ ngắm nhìn thôi mà ông đã có cảm giác như được trực tiếp hòa mình vào không gian của sông núi mênh mông, rộng lớn trong những bức tranh. Ông nói tiếp: “Tranh của Jeong Seon như chứa đựng cả thế giới thiên nhiên. Cả 12.000 đỉnh của rặng núi Geumgang ở Bắc Triều Tiên đã được họa sư Jeong Seon thể hiện vẹn nguyên bằng cách dung hợp hài hòa nguyên lý âm dương trong kinh dịch.”

Họa sư Jeong Seon (Kyomjae) đam mê theo đuổi hội họa cho đến năm 84 tuổi. Ông là một nhà tri thức tinh thông, am hiểu từ kinh dịch cho đến tứ tự tam kinh, là một cây đại thụ của làng hội họa Hàn Quốc khi đem sự hài hào âm dương của kinh dịch vào các bức vẽ của mình. Jeong Seon là người đã đưa nền văn hóa của triều đại Jeseon lên đến đỉnh cao. Thời đó, Jeong Seon là họa sư lừng danh nhất khu vực Đông Bắc Á, khiến cho các họa sư nhà Thanh cũng phải đem lòng đố kỵ. Mỗi khi các sứ thần nước ngoài đến Hàn Quốc, các quan thông dịch lại tìm đến nhà Jeong Seon với mong muốn mua được một bức tranh do ông vẽ, khiến nhà ông luôn tấp nập kẻ đến người đi. Chủ đề triển lãm đầu tiền của Bảo tàng mỹ thuật Gansong năm 1971 cũng chính là Kyomjae Jeong Seon. Cứ thế, Choi Wan-soo dành hơn 40 năm cuộc đời nghiên cứu các tác phẩm của họa sư Kyomjae Jeong Seon.

Gansong – không gian tinh hoa văn hóa của dân tộc
Sau Jeong Seon, một cây đại thụ khác trong làng hội họa tiếp tục hớp hồn Giám đốc Choi Wan-soo là nghệ nhân thư pháp Kim Jeong-hui (hiệu là Chusa) với những tác phẩm thư pháp làm say mê lòng người. Sau triển lãm khai mạc về Kyomjae Jeong Seon, giám đốc Choi đã lựa chọn các tác phẩm của Chusa cho triển lãm lần thứ hai và ba của mình. Mặc dù những triển lãm này đã giúp Bảo tàng mỹ thuật Gansong được biết đến là nơi lưu giữ những di sản văn hóa của đất nước, công tác nghiên cứu mới là trọng tâm của bảo tàng và triển lãm chỉ được tổ chức hai lần trong năm vào mùa xuân và mùa thu. Dù phải xếp hàng và đợi chờ hàng giờ đồng hồ, những người yêu thích hội họa vẫn tìm đến Bảo tàng mỹ thuật Gansong để chiêm ngưỡng những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Chứng kiến thành công ấy, ông Choi Wan-soo cảm thấy thật biết ơn và tự hào. Ông nói: “Tôi muốn tổ chức triển lãm và bố trí các tác phẩm sao cho người xem có thể am hiểu hơn về lịch sử và nhận ra tính ưu việt của văn hóa Hàn Quốc. Mọi người sẵn sàng xếp hàng đợi theo hàng dài để được tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm văn hóa vô giá của dân tộc và nhân loại do bảo tàng sở hữu. Thế rồi người này truyền tai người kia, và lượng khách đến bảo tàng ngày càng đông hơn. Nhìn thấy cảnh mọi người phải đứng đợi dưới cơn mưa mà tôi cảm thấy vô cùng có lỗi với họ. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng cảm nhận được niềm tự hào vô cùng lớn của người dân Hàn Quốc đối với nền văn hóa dân tộc. Điều đó khiến tôi thực sự hạnh phúc.”

Truyền bá nét đẹp của nghệ thuật cổ xưa cho thế hệ nghệ sĩ hiện đại
Quảng bá những giá trị văn hóa vĩnh cửu của dân tộc Hàn Quốc và nâng cao lòng tự hào dân tộc của người dân là ước mơ thời niên thiếu của Choi Wan-soo. Để thực hiện được ước mơ của mình, ông đã dồn hết tâm huyết giúp các tài sản văn hóa của bảo tàng nghệ thuật Gansong tỏa sáng hơn nữa trên bầu trời nghệ thuật. Nhân viên nghiên cứu Tak Hyun-gyu của Bảo tàng mỹ thuật Gansong bày tỏ: “Choi Wan-soo hiểu rất rõ mọi tác phẩm nghệt thuật ở Gansong. Ông luôn làm việc kỹ càng, cẩn thận hết sức với khả năng đánh giá vô cùng tinh tế, nhạy bén. Tôi cho rằng các học trò của thầy khó có thể theo kịp thầy về mặt này. Thầy luôn nhấn mạnh rằng mỹ thuật là đời sống tinh thần của con người. Thông qua chúng, ta có thể quay ngược trở về quá khứ và tìm lại kí ức của chính mỗi chúng ta. Vì thế, thầy luôn nỗ lực nghiên cứu giúp công chúng hiểu rõ hơn tinh thần của các tổ tiên thời xưa. Thầy Choi Wan-soo không kết hôn mà dành cả đời cho hoạt động nghiên cứu nghệ thuật.”

Triển lãm văn hóa Gansong lần này thu hút sự tham dự của cả các nghệ sĩ truyền thông hiện đại. Trong số này, nghệ sĩ video Lee Lee-nam đã tái hiện lại tác phẩm “Cưỡi ngựa xem hoa” của họa sư Kim Hong-do trong đoạn video mang tên “Giấc mơ thần bí”. Những nỗ lực của Choi Wan-soo là sợi dây vô hình kết nối những con người hiện đại với tác phẩm nghệ thuật cổ xưa vô giá. Lee Lee-nam, một nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực khai thác thể loại mới cho biết: “Trong quá trình tìm tòi nghiên cứu các tác phẩm hội họa cổ xưa, tôi khám phá được nét đặc sắc trong cách phối màu. Hội họa cổ điển có sự khác biệt rất lớn. Tôi đang học về kỹ thuật hoạt hình và có ý định áp dụng hội họa cổ điển vào mỹ thuật hiện đại. Càng tìm hiểu, nghiên cứu, tôi càng cảm thấy hội họa thời xưa có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với thế hệ nghệ sĩ chúng tôi như thời nay.”

Giám đốc Choi Wan-soo bắt đầu tìm hiểu về lăng mộ của vua thời Joseon. Lăng mộ của vua triều đại Joseon với mọi ngóc ngách từ thiết kế cho đến các tượng đá xung quanh lăng đều mang giá trị của di sản văn hóa. Và những người khắc nên những bức tượng đá, hổ đá xung quanh lăng mộ là những nghệ sĩ đương đại lừng danh. Lăng mộ vua Joseon chính là nơi lưu giữ trọn vẹn nền văn hóa ưu tú của triều đại Joseon. Vì thế Giám đốc Choi mới quyết định tìm hiểu rõ hơn về quần thể di tích này. Ông Choi Won-soo từng nói rằng không có điều gì quan trọng hơn lòng tự hào dân tộc. Ông bày tỏ: “Chiêm ngưỡng những tài sản văn hóa của dân tộc là điều quan trọng. Mặc dù cũng có những di sản không được đánh giá cao về chất lượng. Và chúng ta cần hiểu được lí do tại sao. Chất lượng không tốt không có nghĩa là tác phẩm đó không quan trọng. Những di sản văn hóa xuất sắc nhất cần sự gìn giữ của toàn dân và coi đó là tài sản chung.”

Choi Wan-soo giống như một cậu bé thay vì một học giả mỗi khi ông nói chuyện về di sản văn hóa. Ông là người đem lòng yêu thương hết mực những nét văn hóa dân gian và cảm thấy hạnh phúc khi được gắn bó, bảo tồn và quảng bá những di sản văn hóa của dân tộc.

Lựa chọn của ban biên tập