Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Kim Yoon-tae, Giám đốc bảo tàng đa văn hóa thế giới, sứ giả truyền bá đa dạng văn hóa”.

2016-07-05

Chỉ cần xào các loại hải sản, rau củ sau đó đem rang cùng với cơm là chúng ta đã hoàn thành món Nasigoreng, một món cơm rang truyền thống đầy màu sắc của đất nước Indonesia khiến bất cứ ai cũng phải thèm thuồng. Còn gì tuyệt hơn khi được thưởng thức món ăn ngon do chính mình nấu nhỉ. Các em học sinh bày tỏ cảm nhận: “Đây là lần đầu tiên em được nếm thử và em thấy các món ăn của Indonesia rất nhiều màu sắc. Thật thú vị khi được biết thêm một nền văn hóa ẩm thực mới.” “Em chỉ có thể nói một từ thôi, đó là “ngon”.” “Em vừa được chiêm ngưỡng trang phục truyền thống lại vừa được làm thử món ăn của Indonesia nữa. Đồ ăn rất ngon và buổi trải nghiệm thật thú vị ạ.”

Sau khi no bụng với món Nasigoreng, các em học sinh tiếp tục di chuyển đến khu trải nghiệm nhạc cụ châu Phi.



Các em học sinh đến tham quan đều hòa mình cùng điệu nhảy đặc trưng của một bộ tộc ở châu Phi trong nền âm thanh rộn ràng của trống Bongo, bộ hai trống có kích thước to nhỏ khác nhau. (eff. out) Được trực tiếp tham gia chế biến món ăn, chơi thử nhạc cụ, mặc các bộ trang phục truyền thống và tìm hiểu văn hóa của nước khác, tất cả đều là những trải nghiệm thú vị mà Bảo tàng đa văn hóa thế giới ở phường Bulgwang, quận Eunpyeong, Seoul, đem đến cho khách tham quan. Với kiến trúc gọn ghẽ, tòa nhà năm tầng của bảo tàng luôn mở rộng cửa chào đón khách tham quan đến với không gian triển lãm hơn 4.000 đồ vật đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới. Một số phụ huynh học sinh và người dân cho biết: “Trẻ nhỏ khó có điều kiện đi du lịch nước ngoài nhiều, nên đây là một nơi lý tưởng để qua đó, chúng được tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.” “Các đồ đá quý trong gian trưng bày văn hóa Ai Cập được bài trí sinh động khiến tôi rất ấn tượng. Hay như trang phục truyền thống và búp bê của các nước cũng vậy. Được tận mắt nhìn thấy con thuyền đáy bằng Gondola, biểu tượng của Venice, Ý, tại đây là một trải nghiệm rất mới mẻ.” “Thật là một trải nghiệm thực tế hữu ích. Tại đây, tôi được xem đoạn video giới thiệu về con ngựa thành Troia của Hy Lạp và được trải nghiệm cả không gian bên trong lều Yurt, loại lều gỗ phủ vải bạt điển hình của Mông Cổ.”

Chúng ta hay nói ngày nay là thời đại toàn cầu hóa với sự giao thoa giữa nhiều nền văn hóa khác nhau. Còn gì tuyệt vời hơn nếu được đặt chân và trực tiếp trải nghiệm tinh hoa văn hóa của thế giới. Nhưng thực tế điều đó lại không hề dễ dàng. Giám đốc Kim Yoon-tae của Bảo tàng đa văn hóa thế giới đã tạo ra không gian trải nghiệm văn hóa bằng mô hình các điểm đến nổi tiếng, các đồ vật bài trí đa dạng đại diện cho nhiều quốc gia khác nhau với mong muốn giúp mọi người dù không đi du lịch vẫn có thể giao lưu với thế giới. Mặc dù chi phí duy trì hoạt động không hề nhỏ nhưng bảo tàng hoạt động đến nay cũng đã được chín năm. Với sự hỗ trợ từ đại sứ các nước như cho thuê hoặc quyên góp đồ trưng bày, Giám đốc Kim Yoon-tae chia sẻ rằng dù mệt mỏi nhưng anh vẫn luôn cảm nhận được giá trị công việc của mình. Anh cho biết: “Tôi rất cảm kích sự giúp đỡ của đại sứ các nước tại Hàn Quốc đối với những hoạt động của bảo tàng. Họ chỉ bảo tôi rất nhiều điều về đa văn hóa, quyên góp các đồ vật bổ sung vào các khu còn thiếu và thi thoảng còn dành thời gian tư vấn cho tôi nữa. Bảo tàng đa văn hóa thế giới nay đã trở thành điểm dừng chân đầu tiên và cũng là cuối cùng trong thời gian nhiệm kỳ của mỗi đại sứ. Nguyên đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyên tặng cho bảo tàng bộ trang phục truyền thống đắt tiền, hay đại sứ Sri Lanka đã trực tiếp liên lạc với chính phủ nước họ đề nghị gửi bản kinh Phật 300 năm tuổi đóng góp vào không gian triển lãm chữ của bảo tàng. Nhờ sự giúp sức đó mà nhiều ý tưởng triển lãm ngày càng được đẩy mạnh. Đó là niềm vinh hạnh đối với chúng tôi.”

Khởi nguồn sáng tạo từ sở thích sưu tầm đồ lưu niệm
Trở thành giám đốc bảo tàng là điều mà anh Kim Yoon-tae chưa bao giờ nghĩ tới. Ít ai biết rằng, chàng thanh niên Kim Yoon-tae vốn đam mê âm nhạc nên đã từng theo đuổi sự nghiệp opera, nhưng lại có sở thích đi du lịch và sưu tầm các đồ lưu niệm của các nước trên thế giới. Anh chia sẻ: “Mọi người thường chụp ảnh khi đi du lịch nhưng riêng tôi, mỗi khi đi du lịch, tôi đều thích mua một món đồ gì đó của nơi tôi đến. Ví dụ, một quả cầu tuyết bên trong chứa cả một mô hình khu du lịch thu nhỏ chẳng hạn. Hay như khi đến Úc, tôi cũng mua cho mình một món đồ thủ công mỹ nghệ nhỏ. Phòng của tôi có một chỗ có thể coi là bảo tàng thu nhỏ, nơi đặt các món đồ tôi mua được vào đó. Tuy vậy, lúc đó, tôi vẫn không hề có ý định mở bảo tàng. Chỉ là tôi muốn lưu giữ lại những ký ức về từng hành trình đã đi qua, như mô hình thu nhỏ của kèn sừng Alpenhorn của Thụy Sĩ hay những mô hình thuyền Gondola của Venice, Ý.”



Theo đuổi sự nghiệp đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp, Kim Yoon-tae bắt đầu mở trung tâm dạy nhạc cho trẻ nhỏ. Trung tâm của anh không đơn thuần là dạy đàn hát mà được thực hiện bằng tiếng Anh dưới sự giảng dạy của giáo viên nước ngoài. Tuy nhiên, anh cảm thấy hơi khó chịu khi các lớp học ở trung tâm ngày càng chú trọng vào tiếng Anh mà bỏ bê âm nhạc và những chia sẻ văn hóa. Anh nói thêm: “Tôi luôn coi trọng việc thấu hiểu người khác và nền văn hóa của các nước khác. Thay vì chỉ lao đầu vào học tiếng Anh thì tôi muốn sự giao thoa văn hóa được quan tâm nhiều hơn thế. Vì thế mà tôi bắt đầu chú trọng vào giáo dục văn hóa. Tức là giáo viên nước ngoài giảng bài bằng tiếng Hàn, hay ví dụ thầy giáo người Ý sẽ mặc trang phục của Ý, đeo mặt nạ và biểu diễn nhạc cụ. Cứ thế, số lượng các đồ sưu tầm dần tăng lên.”

Thay thế nhiều lớp học bằng các buổi học và trải nghiệm văn hóa theo từng quốc gia, Kim Yoon-tae cần thêm nhiều trang phục và phụ kiện của các nước trên thế giới. Nhiều lần anh đã phải ra nước ngoài để tìm kiếm những đồ vật cần thiết cho giờ học. Anh cho biết: “Nếu như nghe được ở Thượng Hải có triển lãm là lập tức tôi khăn gói đến đó, hoặc cứ đến kỳ nghỉ là tôi lại lên đường đi thu thập những đồ cần thiết. Tôi từng đến nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thụy Sĩ hay Ý. Bất cứ khi nào có thời gian là tôi lại đi. Ngay cả khi đi hưởng tuần trăng mật, tôi cũng thuyết phục vợ cùng đi thu thập đồ. Mặc dù muốn đi tuần trăng mật kiểu du lịch ba lô nhưng vì đồ đạc không để vừa nên chúng tôi quyết định đi du lịch tour để mang theo vali. Mục đích của chúng tôi không phải là du lịch mà là phải mua gì. Tôi luôn cố mua thật nhanh rồi mua thêm túi đựng ngay tại đó. Có lần tôi bị quá cân hành lý tại Trung Quốc và phải nộp phạt gần 700 USD. Nhưng tôi thấy rất hạnh phúc mỗi khi nghĩ đến việc mang được đồ về cho các em học sinh của mình.”

Nhìn những đồ vật bài trí khắp văn phòng làm việc và trong nhà đã khiến anh nảy ra ý tưởng mở một bảo tàng quy mô nhỏ.

Không gian văn hóa thế giới
Anh Kim Yoon-tae cho rằng thiết kế một bảo tàng nhỏ rồi đem trưng bày trang phục truyền thống, nhạc cụ, hộp nhạc, búp bê các loại, tiền giấy… của các quốc gia trên thế giới không những giúp mọi người hiểu hơn về công việc dạy nhạc mà anh đang thực hiện mà còn tiện lợi trong việc quản lý các đồ vật mà phải rất vất vả anh mới sưu tầm được. Từ suy nghĩ đến hành động, năm 2008, Kim Yoon-tae đầu tư mở bảo tàng đa văn hóa thế giới trong một ngôi nhà riêng mà anh thuê được tại khu phố trường Đại học Hongdae và từ đó trở thành giám đốc bảo tàng. Sau khi khánh thành không được bao lâu, mọi người bắt đầu đến tham quan bảo tàng. Từ đó, không gian phục vụ cho kinh doanh bắt đầu được lấp đầy bởi khách tham quan thông thường. Nhờ thế, anh bắt đầu đầu tư hơn cho hoạt động của bảo tàng.

Năm 2012, bảo tàng được khoác lên mình bộ cánh mới. Đó là một toà nhà năm tầng khang trang. Tầng một là không gian tái hiện lại các kiến trúc tiêu biểu của nhiều quốc gia như Nhà thờ lớn Vasily của Nga, nhà thờ chính tòa Milano (Ý), cối xay gió của Hà Lan, lều Yurt Mông Cổ, lăng mộ Taj Mahal của Ấn Độ.. Tầng hai trưng bày các nét đặc trưng văn hóa của Trung Quốc, Thái Lan và Ai Cập. Tầng ba gồm khu trưng bày đồ vật của Ý và các loại hộp nhạc, tầng bốn là tầng trải nghiệm để khách tham quan mặc thử trang phục truyền thống, chơi nhạc cụ và thưởng thức âm nhạc; và tầng năm trên cùng là không gian tổ chức triển lãm với nhiều chủ đề đa dạng. (BG out)
Để lấp đầy không gian rộng lớn của bảo tàng là cả quá trình trải qua nhiều gian nan. Anh Kim Yoon-tae đã phải chịu thua lỗ lớn trong quá trình đặt mua tượng binh mã Tần Thủy Hoàng khi đang làm mô hình Vạn Lý Trường Thành trong khu Trung Quốc. Anh cho biết: “Tôi đã mua tượng binh mã Tần Thủy Hoàng đúng với kích cỡ thực do chính nghệ nhân làm ra chứ không phải đồ lưu niệm. Tôi mang về Hàn Quốc 60 tượng, trong đó có 40 tượng cỡ nhỏ và 20 tượng cỡ lớn. Tôi đã trực tiếp đến kiểm tra tận mắt, trình bày ý tưởng với tác giả và đặt mua với kích cỡ phù hợp. Nhưng do là đồ dễ vỡ nên trong quá trình vận chuyển bằng công-ten-nơ, những tượng này đã bị hư hại nhiều. Tất cả đều bị dính nước nên chúng tôi phải vứt bỏ những tượng cỡ nhỏ, và nhiều tượng bị gãy tay hoặc vỡ phần vai. Trong số 60 tượng chúng tôi đã phải bỏ đi 20 và chỉ trưng bày được 40 bức tượng còn lại.”



Tại phía sát tường trong phòng triển lãm tầng hai nơi có mô hình Vạn Lý Trường Thành, các thanh kiếm mang nét đặc trưng của từng nước được bày trong tủ kính. Đây đều là kiếm thật nên việc mang chúng về Hàn Quốc không hề là dễ dàng. Giám đốc Kim Yoon-tae giải thích: Giống như mỗi nước có nền văn hóa khác nhau thì kiếm cũng có hình thù và kích cỡ khác nhau. Tôi sưu tầm kiếm của đấu sĩ La Mã, kiếm của Hy Lạp, dao găm vùng Trung Đông, kiếm Thổ Nhĩ Kỳ, kiếm dùng trong đấu bò, kiếm Nhật Bản. Vì đây là vũ khí nên chúng nhiều khi bị thu giữ và tháo rời tại cửa kiểm soát sân bay như lưỡi kiếm chẳng hạn. Tôi đã đến tận sở cảnh sát quận Eunpyeong để xin giấy phép mang dao kiếm. Ở quận Eunpyeong có lẽ tôi là người có nhiều giấy phép mang dao kiếm nhất.”

Gondola – biểu tượng của Venice thơ mộng
Gian triển lãm văn hóa nước Ý trên tầng ba trưng bày thuyền Gondola, phương tiện giao thông đường thủy của Venice. Đây là chiếc thuyền Gondola thật duy nhất tại Hàn Quốc. Giám đốc Kim Yoon-tae nói: “Tôi rất thích thành phố Venice và muốn đem cả thành phố đặt trong bảo tàng. Ban đầu tôi sưu tập được khoảng 70 mặt nạ của Ý theo từng chủng loại. Nhưng tôi vẫn chưa thấy thỏa mãn. Vì thế tôi muốn chiếc thuyền đáy bằng Gondola trưng bày tại đây phải là chiếc thuyền đang được sử dụng mới giúp khách tham quan có cảm giác như mình đang ở Venice. Thế là tôi đặt mua một chiếc thuyền đang sử dụng, đem tu sửa lại và gửi bằng đường biển. Phải mất chín tháng chiếc thuyền mới cập bến Hàn Quốc. Việc mang chiếc thuyền với chiều dài 11 mét đặt vào tầng ba cũng là điều khó khăn và tôi đã phải bỏ ra hơn 4.000 USD chỉ để di chuyển nó từ tầng một lên tầng ba.”

Gặp muôn vàn khó khăn, vất vả từ quá trình đặt mua đến vận chuyển, nhưng bù lại không gian triển lãm văn hóa nước Ý trong bảo tàng thu hút rất đông khách tham quan khiến Giám đốc Kim Yoon-tae cảm thấy rất hài lòng. Một khách tham quan cho biết: “Trong phòng có trưng bày cả mặt nạ của nước Ý với nhiều màu sắc rực rỡ mang đậm phong cách quý tộc thời xưa. Ngắm nhìn chúng khiến tôi cũng muốn đi dự tiệc và tưởng tượng ra một lễ hội mặt nạ đầy màu sắc. Chắc hẳn sẽ rất thú vị nếu một lần được dự sự kiện như vậy.”

Các hoạt động quảng bá văn hóa đa dạng
Lớp học trải nghiệm tại Bảo tàng đa văn hóa thế giới đang được thực hiện dưới sự hướng dẫn của người bản địa. Được trực tiếp giới thiệu văn hóa đất nước mình tới bạn bè Hàn Quốc, những người nước ngoài làm việc tại đây đều thấy rất hài lòng. Cô Khaliun đang giảng dạy lớp văn hóa Mông Cổ chia sẻ: “Số lượng người nước ngoài tại Hàn Quốc đang ngày càng tăng. Giữa các nước có sự khác biệt về văn hóa khiến mọi người không hiểu rõ nhau. Bảo tàng đa văn hóa thế giới giúp học sinh cũng như các bậc phụ huynh trực tiếp nhìn và trải nghiệm, giúp họ hiểu hơn về văn hóa các quốc gia khác trên thế giới. Điều này giúp cho người Hàn Quốc hiểu hơn về người nước ngoài và mang họ lại gần nhau hơn qua văn hóa.”

Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu văn hóa thế giới qua các vật phẩm trưng bày và lớp học trải nghiệm, Giám đốc Kim Yoon-tae còn tổ chức chương trình “Bảo tàng đến thăm nhà” cùng các hoạt động hỗ trợ gia đình đa văn hóa. Phó giám đốc bảo tàng, bà Im Ha-na cho biết: “Vẫn có rất nhiều người chưa có cơ hội đến bảo tàng của chúng tôi vì lý do sức khỏe hoặc bận rộn công việc. Vì thế chúng tôi tự tìm đến nhà, trường học để giới thiệu và cho họ trực tiếp trải nghiệm. Ngoài ra, chúng tôi cũng mời các nghệ sĩ nước ngoài và tổ chức chương trình âm nhạc đa văn hóa, đồng thời tổ chức lễ cưới miễn phí cho các đôi kết hôn quốc tế. Năm nay là năm thứ sáu chúng tôi thực hiện các hoạt động này và nếu như không có ý thức về trách nhiệm cộng đồng thì có lẽ chúng tôi đã không thể làm được.”

Sứ giả mang văn hóa mọi miền tới Hàn Quốc
Năm 2017 sắp tới là năm bảo tàng đa văn hóa thế giới đón sinh nhật tròn 10 tuổi. Với những cống hiến, nỗ lực trong công cuộc quảng bá đa dạng văn hóa mà Bảo tàng đa văn hóa thế giới đang bước sang trang mới trong sự nghiệp giao lưu văn hóa dưới sự sát cánh của đại sứ các nước. Giám đốc Kim Yoon-tae đang nỗ lực giới thiệu những nền văn hóa còn chưa được nhiều người biết đến. Dù là nước lớn hay nhỏ, phát triển hay không, anh cho rằng mọi nền văn hóa đều có giá trị và phải được quảng bá, gìn giữ. Anh bày tỏ: “Nước có bề dày văn hóa không nhất thiết phải là nước lớn. Từ châu Phi cho đến các nước nhỏ nhất cũng đều có nền văn hóa đặc trưng của họ mà chúng ta cần khám phá. Châu Phi là châu lục lớn nhất mà đa số người Hàn Quốc vẫn coi châu luc này như một quốc gia. Trong suy nghĩ của họ, châu Phi đơn thuần là vùng đất của người da đen, của những loài động vật và được bao phủ bởi những cánh rừng. Đó không phải là thái độ đúng đắn với văn hóa. Vì vậy, chúng tôi giới thiệu không chỉ những nước nổi tiếng mà cả những quốc gia ít người biết đến. Mỗi lần như vậy, chúng tôi tìm sự giúp đỡ của đại sứ nước đó để tổ chức chương trình với nội dung thú vị giúp mọi người hiểu và thêm yêu đất nước đó. Phía bảo tàng đang nỗ lực hết mình để phát huy vai trò giúp mọi người có hiểu biết sâu rộng hơn về thế giới, để sau này các bậc phụ huynh có thêm sự lựa chọn về điểm đến du lịch cho con em mình.”

Giới thiệu văn hóa độc đáo của các nước trên thế giới và dạy người khác biết cách thấu hiểu giá trị cũng như thừa nhận sự khác biệt trong văn hóa, có thể nói giám đốc Kim Yoon-tae và Bảo tàng đa văn hóa thế giới đang thực hiện rất tốt vai trò là một sứ giả đa văn hóa trong thời đại hội nhập ngày nay.

Lựa chọn của ban biên tập