Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Yoon Ho-seob, nhà thiết kế áo phông vì môi trường xanh đầu tiên tại Hàn Quốc

2016-07-12

Vào một buổi sáng Chủ Nhật, khi cơn mưa mùa hè tưởng chừng như sắp sửa ập tới, một người đàn ông già kéo xụp chiếc mũ xuống đi tìm cho mình một chỗ ngồi ưng ý trên con phố đi bộ phường Insa, Seoul, và bắt đầu bày biện đồ. Những chiếc áo phông trơn màu trắng, màu nước và bút vẽ lần lượt được ông lôi ra. Những người đi đường bắt đầu tò mò không biết ông dùng chúng để làm gì. Ông bèn giới thiệu: “Tôi vẽ tranh về môi trường lên áo bằng mực tự nhiên, mực này không hề kích ứng với da.”

Nếu chỉ nghe giải thích sơ qua, nhiều người sẽ nghĩ ông vẽ tranh lên áo để bán, nhưng những chiếc áo ông vẽ ra hoàn toàn miễn phí. Nghe thế, một gia đình liền nhờ ông vẽ áo cho cả nhà. Trong lúc vẽ, ông bắt đầu kể chuyện.

Trên nền áo phông trắng, ông vẽ hình trái đất tròn màu xanh lá cây tươi mát, bên dưới ghi dòng chữ Everyday is Earthday (Mỗi ngày đều là Ngày Trái đất) cùng với tên của chủ nhân chiếc áo. Sau khi vẽ xong, ông đưa chiếc áo cho cháu bé với nụ cười mãn nguyện. Ông tin rằng khi mặc chiếc áo ấy, cháu bé sẽ sống có trách nhiệm hơn với trái đất và môi trường tự nhiên.



Nhà vận động môi trường tích cực
Người đàn ông cặm cụi vẽ những bức tranh lên áo bằng mực tự nhiên và chia sẻ những câu chuyện về môi trường ấy mang tên Yoon Ho-seob, năm nay đã bước sang tuổi 73. Thay vì đeo băng rôn, đi khắp nơi hô hào thu thập chữ ký, ông âm thầm bảo vệ môi trường theo cách riêng của mình với việc vẽ tranh về môi trường lên những chiếc áo phông. Những dòng chữ nhắn nhủ tuy ngắn ngủi và những hình vẽ tuy đơn giản nhưng lại gây ấn tượng mạnh, khiến người mặc dần thay đổi ý thức. Một số người cho biết: “Thật vui khi cháu vừa được nhận một chiếc khăn tay xinh xắn lại vừa được xem ông vẽ tranh. Cháu sẽ phải dùng giấy tiết kiệm hơn và không làm lãng phí nước mới được.” “Dạo gần đây người ta mua và bỏ phí quá nhiều đồ. Tôi cũng thường sử dụng đồ dùng một lần cho chú chó tôi đang nuôi. Nhưng từ bây giờ tôi sẽ phải cố gắng giảm bớt nhu cầu sử dụng đi thôi.” “Nhờ chiếc áo mà con tôi cũng sẽ ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Tôi sẽ coi mỗi ngày đều là Ngày Trái đất và cố gắng giữ gìn môi trường sạch đẹp.”

Đã 14 năm kể từ ngày Yoon Ho-seob bắt đầu đến con phố phường Insa vào mỗi Chủ Nhật hàng tuần và vẽ áo cho mọi người. Ông đã trở thành hình ảnh quá đỗi thân quen với những người hay lui tới con phố. Có người sẽ nghĩ việc tặng áo vẽ tranh về môi trường cho người qua đường sẽ khó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người. Nhưng Yoon Ho-seob vẫn luôn đặt niềm tin vào công việc đang thực hiện. Ông chia sẻ: “Từ một chiếc áo, tôi muốn cho mọi người thấy rằng việc tiết kiệm 1g, 1 mg hay chỉ 1 mm giấy thôi cũng có thể là bước đi đầu tiên trong công cuộc bảo vệ môi trường. Nhắc đến môi trường, mọi người sẽ nghĩ đến một điều gì đó lớn lao, phức tạp, và rất khó thực hiện chỉ với những hành động nhỏ. Ban đầu tôi cũng đứng ra thuyết phục và vận động mọi người rất tích cực. Nhưng bây giờ tôi quyết địnhsẽ truyền tải thông điệp tới mọi người từng chút một. Trong quá trình vẽ tranh, tôi vừa khéo léo gợi chuyện, vừa cho họ thấy bằng hành động thực tế. Những hành động nhỏ này dần dần sẽ in vào nhận thức của mọi người, rồi đến một lúc nào đó sẽ bùng phát lên thành những hành động lớn hơn nhằm bảo vệ môi trường.”

Đi đầu trong giảng dạy về thiết kế xanh
Với ý thức rõ ràng về bảo vệ môi trường và mang sứ mệnh nhà vận động đấu tranh vì môi trường, có thể nói Yoon Ho-seob là nhà thiết kế xanh đầu tiên tại Hàn Quốc. Khi Hàn Quốc còn chưa có khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế thân thiện với môi trường, ông là người đầu tiên đưa khái niệm môi trường vào trong thiết kế và trực tiếp soạn thảo chương trình giảng dạy. Sau khi đã nghỉ hưu, ông trở thành nhà hoạt động môi trường và coi mỗi ngày đều là Ngày Trái đất.

Môi trường không phải là mối quan tâm đầu tiên của Yoon Ho-seob. Ông vốn dĩ theo học chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng, sau đó làm việc tại một công ty quảng cáo. Ông đảm nhận thiết kế quảng cáo cho các công ty lớn trong và ngoài nước và trở thành nhà thiết kế tầm cỡ khi tham gia vào các dự án sản xuất quảng cáo và thiết kế poster cho các sự kiện tầm cỡ quốc tế như Đại hội thể thao châu Á năm 1986 và Thế vận hội Olympic năm 1988 được tổ chức ở Seoul, Triển lãm Biennale tổ chức tại thành phố Gwangju. Đặc biệt, sau khi tham gia Trại họp bạn hướng đạo thế giới lần thứ 17 diễn ra tại quận Goseong, tỉnh Bắc Gyeongsang, Yoon Ho-seob đã có trải nghiệm khiến ông quyết định rẽ hướng sự nghiệp. Ông kể lại: “Tôi bất ngờ nhận được câu hỏi về môi trường Hàn Quốc từ một sinh viên nước ngoài và đó lại là lĩnh vực tôi không nắm rõ. Sau khi tôi trả lời thì sinh viên nước ngoài đó tiếp tục hỏi sâu hơn đến mức tôi không thể trả lời được nữa. Tôi cảm thấy hổ thẹn khi bản thân không tìm được câu trả lời thích đáng. Những câu hỏi đó khiến tôi bắt đầu quan tâm hơn về vấn đề môi trường. Năm 1995, tôi được bổ nhiệm giảng dạy tại một đại học chuyên ngành. Tôi mở lớp học môn thiết kế thân thiện với môi trường và mở thêm chuyên ngành thạc sĩ về thiết kế xanh. Do lúc bấy giờ không có giáo sư nào chuyên về lĩnh vực này nên tôi đã mua sách để tự nghiên cứu.”

Vậy thiết kế xanh ở đây có nghĩa là gì? Ông Yoon Ho-seob giải thích: “Nhà thiết kế cần phải có nhận thức cao về môi trường sống xung quanh. Người thiết kế không chỉ chuyên tâm vào quá trình thiết kế mà còn cần giảm thiểu tối đa các tác hại đến môi trường sau khi những tác phẩm học thiết kế không còn được sử dụng. Cần phải đơn giản hóa thiết kế. Tự nhiên vốn đã là một thiết kế sẵn có. Vì thế tôi cho rằng cần giữ cho thiết kế tự nhiên chứ không nên để bàn tay con người can thiệp quá nhiều.”

Ý tưởng độc đáo từ những chiếc áo phông cũ
Trong thiết kế, cần cân nhắc đến toàn bộ quá trình trước, trong và sau khi sử dụng thiết kế nhằm giảm thiểu các yếu tố gây hại đến môi trường. Đó chính là thiết kế xanh. Trong quá trình giảng dạy môn thiết kế xanh, nhận thức của Yoon Ho-seob dần thay đổi. Thế rồi triển lãm cá nhân với chủ đề áo được tổ chức vào năm 2000 đã đưa ông đến con phố phường Insa. Ông nói thêm: “Tôi đã tổ chức triển lãm cá nhân về chủ đề áo vào năm 2000 vì tôi nghĩ rằng chắc chắn mình có rất nhiều áo. Không ngờ là tôi lại có nhiều áo đến như vậy trong khi ngoài kia còn rất nhiều người nghèo đói phải mặc quần áo rách rưới. Riêng áo phông tôi đã có tới 63 chiếc và trong số đó tôi chỉ mặc có năm đến mười chiếc. Bản thân tôi cũng không thể tha thứ cho chính mình. Tôi tự hỏi liệu tôi có còn tư cách để giảng cho người khác về môi trường trong khi bản thân lại quá lãng phí như vậy. Vì thế nên tôi lôi chúng ra khỏi tủ quần áo và quyết định đem chia sẻ cho những người khác theo cách riêng của mình là vẽ tranh về môi trường lên áo sau đó tặng cho mọi người. Cuối tuần đó tôi xách túi áo ra khỏi nhà và chọn con phố phường Insa làm nơi dừng chân. Tôi nhận được sự hưởng ứng ngay từ ngày đầu tiên, và công việc đó được duy trì cho đến bây giờ.”

Ông Yoon Ho-seob đã giúp những chiếc áo mãi nằm trong ngăn tủ và không bao giờ được mặc, đến với những chủ nhân mới. Không phải ngẫu nhiên mà ông lại quyết định vận động vì môi trường bằng cách vẽ tranh môi trường lên áo như vậy. Ông cho biết: “Tôi trực tiếp gặp gỡ và vẽ áo cho mọi người. Trong khi nói chuyện thì những nội dung về môi trường sẽ được thảo luận một cách hết sức tự nhiên. Rồi tôi vẽ hình trái đất lên áo để người mặc nó có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ ngôi nhà chung. Mỗi bức vẽ trên áo sẽ trở thành một thông điệp nhắn nhủ tới mọi người phải bảo vệ môi trường.”

Và như thế, mỗi người mặc chiếc áo có hình trái đất, hình cây, con cá heo hay những động vật có nguy cơ tuyệt chủng khác do ông Yoon Ho-seob vẽ sẽ trở thành sứ giả truyền tải thông điệp về môi trường. Ngày càng có nhiều học trò muốn sát cánh cùng ông trong hoạt động này. Hiện tại, cứ Chủ Nhật hàng tuần, ông lại vẽ áo cùng hai, ba người học trò của mình. Chị Hwang Hyeon-jin, một học trò của ông Yoon Ho-seob, cho biết: “Thầy Yoon Ho-seob làm công việc này đã được hơn 10 năm và tôi thường cùng tham gia với thầy mỗi khi có thời gian, vừa để thầy đỡ buồn, đồng thời cũng có thể hỗ trợ thầy giải thích về công việc thầy đang làm và nói qua về những vấn đề môi trường mà Hàn Quốc đang gặp phải. Dù đây đơn giản là truyền tải thông điệp đến mọi người qua tranh vẽ thay vì cầm biển hô hào khẩu hiệu hay biểu tình giống như các tổ chức môi trường, công việc thầy Yoon đang làm nhận được phản ứng rất tích cực. Tôi cũng đang cố gắng học hỏi để tiếp bước thầy.”

Thay đổi nhận thức từ hành động thực tế
Từ khi bắt đầu vẽ tranh về môi trường lên áo phông, việc đầu tiên ông làm là đem bán chiếc tủ lạnh đang dùng. Thời ông còn bé, hầu như không có nhà nào có tủ lạnh để dùng và điều này cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Ông Yoon Ho-seob nói: “Tôi nhét quá nhiều thức ăn vào tủ lạnh nên khi mở ngăn đông lạnh ra là đồ ăn lập tức rơi ra ngoài. Thế là tôi quyết định bán nó. Không còn tủ lạnh nên tôi có thể tiết kiệm điện và thức ăn thừa cũng không có. Đồ ăn thừa là một trong những tác hại ảnh hưởng lớn đến môi trường. Với việc không sử dụng tủ lạnh và do đó không còn đồ ăn thừa, tôi đã đóng góp nhằm loại bỏ được một mối nguy hại lớn cho môi trường.”

Ngay sau khi bán tủ lạnh, ông mua về một khay đựng thức ăn. Từ đó ông chỉ mua lượng thức ăn vừa đủ và để vào khay này. Nhờ thế mà đồ phải rửa cũng giảm đi. Đến năm 2011, khi sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản xảy ra, ông nhận ra được mối nguy hại của nhà máy điện nguyên tử và quyết định cắt giảm lượng điện và nước sinh hoạt. Thầy Yoon Ho-seob nói: “Tôi hạn chế tối đa việc sử dụng điện và nước sinh hoạt và sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời. Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản, tôi muốn thử xem nếu mất điện thì cuộc sống sẽ như thế nào giống như việc tôi từng thử với chiếc tủ lạnh. Những người khác không hiểu nổi việc tôi đang làm. Cần một thời gian dài để thay đổi nhận thức của người khác, nhưng điều quan trọng với tôi bây giờ là sử dụng năng lượng thiên nhiên càng sớm càng tốt. Vì thế mà tôi đã lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. Tôi không muốn sử dụng nguồn năng lượng gây chất phóng xạ cho thế hệ sau này.”

Ông Yoon Ho-seob là người dám làm những việc mà người khác không thể hiểu được. Bỏ ra 13 triệu won (tức hơn 12.000 USD) mua tấm pin năng lượng mặt trời để sử dụng điện từ năng lượng tự nhiên không phải là lựa chọn của nhiều người. Nhưng những việc làm này của ông Yoon Ho-seob đang khiến những người xung quanh ông cũng dần thay đổi. Sự thay đổi bắt đầu từ những học trò của ông. Chị Yoon Ji-young, sinh viên cao học ngành thiết kế xanh của Đại học Kookmin, chia sẻ: “Tôi đã giảm bớt chi tiêu. Những người sống ở thành thị thường tự thỏa mãn hoặc chứng tỏ bản thân bằng việc tiêu tiền, nhưng điều đó không còn đúng với tôi nữa. Tôi tự chế tạo hay tái sử dụng những đồ vật trong khả năng của mình, ví dụ như làm cuốn nhật ký chẳng hạn. Những đồ có thể tái sử dụng tôi đều tận dụng tối đa. Cả quần áo tôi cũng cố gắng mặc lâu nhất có thể. Tôi cố gắng không thải nhiều rác ra môi trường.”

Người học trò theo ngành thiết kế xanh hoạt động với bút danh là GreenC của ông Yoon Ho-seob cũng đã bán tủ lạnh giống như thầy chị từng làm. Dù nhiều lần không khỏi lung lay trước sự cám dỗ của chiếc tủ lạnh mỗi khi mùa hè đến, chị vẫn quyết tâm chịu đựng. Chị GreenC nói: “Tôi cũng không dùng tủ lạnh nữa rồi. Tôi mua thức ăn vừa đủ, mua đồ dùng thực sự cần thiết và cố gắng làm sao để đơn giản hóa cuộc sống. Tủ lạnh dùng để dự trữ đồ ăn nhưng tôi thường không ăn hết chúng nên thường bỏ phí rất nhiều thức ăn. Từ đó tôi bắt đầu thực hiện thói quen nấu đủ ăn, mua đủ dùng. Song tôi cũng gặp phải không ít khó khăn vì rất khó có thể mua thực phẩm hay các đồ dùng khác với số lượng ít như mong muốn do các siêu thị hay cửa hàng ngày nay thường bán đồ với số lượng khá lớn.”

Truyền tải thông điệp xanh đến thế hệ tương lai
Bắt đầu từ năm 2008, ông Yoon Ho-seob tổ chức “Triển lãm mùa hè xanh” hàng năm nhằm khuyến khích người dân quan tâm hơn đến môi trường. Từ năm 2013, với sự tham gia của các em học sinh nhỏ tuổi trong “Triển lãm mùa hè xanh”, các hoạt động vì môi trường đang mang lại hiệu quả hơn nữa. Gần đây, ông Yoon thậm chí đã nhận được lời mời tới các trường tiểu học dạy về môi trường. Thầy Yoon Ho-seob cho biết: “Mỗi khi gặp những đứa trẻ, tôi đều yêu cầu chúng đặt câu hỏi về môi trường lên trang chủ của tôi. Sau đó tôi sẽ cố gắng nghĩ ra câu trả lời thích hợp nhất. Không chỉ những đứa trẻ đó mà bạn bè, bố mẹ chúng cũng sẽ đọc được câu trả lời. Khi tôi đến gặp các em tại trường, chúng chạy ào ra sân trường đón tôi. Tôi vẽ tranh cho chúng và nói đủ mọi thứ chuyện tôi muốn kể. Thật khâm phục khi một ông già và những đứa trẻ đáng tuổi cháu mình lại có thể nói chuyện hợp nhau đến thế. Tôi mong rằng mình có thể đi mãi trên con đường này để có thể tiếp tục truyền cảm hứng cho những thế hệ tiếp sau nữa.”

Với ông Yoon Ho-seob, không gì vui hơn khi được nói chuyện với những tâm hồn trẻ thơ cách ông những 60 tuổi, và đặc biệt là về chủ đề môi trường. Khi những thế hệ tương lai có sự trưởng thành trong nhận thức về vấn đề môi trường, thì trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, sẽ ngày càng xanh tươi và khỏe mạnh. Môi trường không phải là thứ để con người chi phối và kiểm soát. Môi trường là những tài nguyên mà chúng ta được mẹ thiên nhiên cho phép sử dụng và cần được tôn trọng, bảo vệ. Đó là thông điệp xanh mà nhà thiết kế Yoon Ho-seob muốn truyền tải thông qua những bức vẽ.

Lựa chọn của ban biên tập