Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Jang Seong-woo, nghệ nhân làm giấy truyền thống Hanji của Hàn Quốc

2016-08-02

Tại Jangjibang, một xưởng làm giấy truyền thống của Hàn Quốc nằm tại vùng quê thanh bình xã Cheongpyeong, huyện Gapyeong (tỉnh Gyeonggi), ông Jang Seong-woo, chủ xưởng giấy, đang đặt những tờ giấy ướt đặt lên cầu là cỡ lớn để làm khô chúng.

Chỉ sau khoảng 30 giây, những tờ giấy khô ráo, vừa dai vừa bền được ra đời. Giữa cái nóng mùa hè lên tới 35 độ C, đứng làm việc giữa không gian nóng như lò thiêu, những giọt mồ hôi không ngừng rơi trên khuôn mặt người nghệ nhân. Ông Jang Seong-woo nói: “Phòng này nóng như phòng xông hơi đúng không ạ? Để làm ra những tờ giấy cực mỏng, cần phải đóng kín cửa để ngăn gió. Vì chỉ một làn gió nhỏ thôi cũng đủ thổi bay giấy. Thế nên hầu như ngày nào tôi cũng tắm trong mồ hôi vậy.”

Giữa cái nóng trong “lò thiêu” lớn ấy, khuôn mặt của người nghệ nhân vẫn chẳng tỏ chút khó chịu. Ông trìu mến nhìn thành quả của mình là những tờ giấy đang chất cao dần lên. Nghệ nhân Jang chia sẻ: “Con người có tuổi thọ giới hạn, và tôi nghĩ rằng những mảnh giấy tôi làm ra còn sống lâu hơn cả tôi. Nhìn từng lớp giấy mềm mượt và bóng loáng là tôi lại cảm thấy vô cùng hài lòng.”



Đối với nghệ nhân làm giấy truyền thống Hanji của Hàn Quốc Jang Seong-woo, bao nhiêu giọt mồ hôi đổ ra là bấy nhiêu lòng tự hào về công việc ông đang thực hiện. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm giấy Hanji lâu đời, cụ của Jang Seong-woo là Jang Se-kwon là một nghệ nhân Hanji lừng danh. Bố của ông là Jang Yong-hoon là nghệ nhân phụ trách bảo tồn và truyền tải nghệ thuật làm giấy Hanji, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia số 117. Jangjibang - “Phòng làm giấy của gia đình họ Jang” là nơi Jang Seong-woo gửi gắm tình yêu và lòng tự hào khi là thế hệ thứ tư tiếp nối truyền thống làm giấy Hanji lâu đời của gia đình. Giáo sư Kim Hyung-jin thuộc Khoa kỹ thuật sinh học lâm nghiệp trường Đại học Kookmin nói: “Jangjibang là nơi lưu giữ bí quyết làm giấy Hanji truyền thống được truyền lại từ thế hệ cha ông đi trước. Đặc biệt, không chỉ sở hữu kỹ thuật xuất sắc, nghệ nhân Jang Seong-woo vẫn luôn cố gắng giữ nguyên quy trình chế tạo Hanji từ thuở xưa. Trực tiếp trồng dướng (dó), cây bụp mỳ (cho sợi dây) và sử dụng các nguyên vật liệu từ các loài thảo mộc tự trồng là điểm tạo nên sự khác biệt của jangjibang so với những cơ sở sản xuất giấy Hanji khác.”

Lớn lên cùng nghề làm giấy truyền thống Hàn Quốc Hanji
Sinh ra trong gia đình có người bố là nghệ nhân làm giấy Hanji lừng danh, giấy Hanji là hình ảnh vô cùng quen thuộc trong đời sống thường ngày của Jang Seong-woo từ khi ông còn là một cậu bé. Cứ đến kì nghỉ là ông lại bắt tay giúp bố làm giấy trong thời gian rảnh rỗi. Đến năm 1990, Jang Seong-woo chính thức nối nghiệp gia đình ngay sau khi giải ngũ. Giám đốc Jangjibang, ông Jang Seong-woo chia sẻ: “Tôi bắt đầu phụ giúp bố sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Sau hai tháng phụ việc, tôi tỏ ý với bố muốn trực tiếp làm ra những tờ giấy Hanji. Bố tôi đã cho tôi tham gia vào các công đoạn làm giấy từ việc xử lý nguyên liệu cho đến xeo giấy. Và rồi sau khi nhìn những thành phẩm của tôi, ông bảo chúng có thể đem bán được. Nhờ được làm quen với nghề làm giấy truyền thống Hanji từ khi còn nhỏ nên tôi đã học hỏi khá nhanh.”

Được truyền dạy từ người bố là nghệ nhân, chàng thanh niên Jang Seong-woo khi ấy đã sở hữu kỹ năng làm giấy Hanji khéo léo vượt trội. Từ kỹ thuật pha trộn nguyên liệu đến sự khéo léo của đôi bàn tay khi thực hiện xeo giấy, tất cả các bước đều được ông Jang thực hiện xuất sắc không thua kém gì bố của mình. Ban đầu, Jang Seong-woo không có ý định làm công việc này lâu dài. Chỉ đến khi gặp người khách Nhật Bản tìm đến xưởng làm giấy để đặt hàng, Jang Seong-woo mới đưa ra quyết định về sự nghiệp làm giấy của mình. Ông cho biết: “Một ngày, một nghệ sĩ người Nhật tìm đến gia đình tôi. Thế rồi ông ấy quỳ xuống lạy bố tôi. Ông ấy nói rằng cuối cùng mình đã gặp được người thực sự biết làm giấy. Ông ấy đã đi khắp Hàn Quốc, nhưng chỉ đến khi nhìn thấy bố tôi làm giấy thì ông nghĩ rằng bố tôi mới là nghệ nhân làm giấy thực thụ. Tôi có thể nhận ra sự ngưỡng mộ của người khách Nhật Bản dành cho bố tôi. Điều đó khiến tôi thêm chắc chắn rằng đây sẽ là công việc đầy tự hào mà tôi có thể cống hiến cả cuộc đời mình.”

Sáng tạo với tâm thế vững vàng
Kể từ sau đó, nghệ nhân Jang Seong-woo bắt đầu lục tìm tài liệu về giấy truyền thống Hàn Quốc Hanji cũng như giấy Washi truyền thống của Nhật Bản và học về giấy Hanji một cách hệ thống. Quá trình tìm hiểu về Hanji cũng đã tạo nên sự thay đổi trong con người ông. Ông dần hiểu được rằng các công đoạn làm giấy như xeo giấy đòi hỏi phải được thực hiện trong tâm thái nhẹ nhàng nhất có thể. Ông cho biết: “Sự nóng vội sẽ cho ra những sản phẩm không đạt chất lượng. Nếu như làm giấy trong lúc trạng thái tinh thần không tốt, giấy sẽ không được mượt. Nhất là công đoạn xeo giấy đòi hỏi người nghệ nhân phải có tâm trạng ổn định. Vì thế vào những ngày có tâm trạng khác thường là tôi ngừng làm việc. Nghề làm giấy yêu cầu không được lơ là, suy nghĩ vẩn vơ.”

Nghệ thuật làm giấy truyền thống thủ công
Giấy Hanji được làm từ vỏ cây dướng (dó), có đặc điểm cho sợi dài và dai. Tuy nhiên, dướng (dó) nhập lại có sợi ngắn và bở nên loại dướng (dó) dùng làm Hanji nhất định phải là loại dướng được trồng trong nước. Cây dướng được thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Cây dướng sau khi được hấp trong vòng sáu đến bảy tiếng sẽ được bóc vỏ và ngâm trong nước. Công đoạn tiếp theo là tạo nước tro bằng cách đổ nước và tro đốt từ thân cây đậu, cây lúa mạch, và cây ớt. Vỏ cây dướng sau khi ngâm trong nước sẽ được luộc trong khoảng tám đến chín giờ đồng hồ. Vỏ cây dướng (dó) sau khi luộc sẽ trở nên mềm và dẻo. Bước tiếp theo của công đoạn làm giấy là loại bỏ những nốt sần của vỏ cây cũng được thực hiện bằng tay. Và công việc này đang được người mẹ năm nay đã ngoài 80 của ông Jang trợ giúp.

Bà Jo Jeong-ja, mẹ của nghệ nhân Jang Seong-woo, đến nay đã có hơn 50 năm kinh nghiệm tách sần vỏ dướng (dó). Do trung bình một ngày dành ra tám tiếng để làm công việc quen thuộc của mình, tay bà hầu như cả ngày đều ngâm trong nước. Bà cho biết: “Tôi không nỡ để con trai một mình vất vả. Giấy Hanji là một trong những di sản văn hóa cần được bảo tồn. Tôi coi việc làm giấy là một công việc vô cùng thiêng liêng. Gấp rồi xếp từng tờ giấy giống như xếp những tấm vải dệt tay ngày xưa. Từng tờ bóng loáng, mềm mượt như tơ vậy.”

Với hơn 50 năm kinh nghiệm, loáng một cái, bà Jo Jeong-jađã loại bỏ sạch sẽ những nốt sần trên vỏ cây dướng (dó). Vỏ cây dướng sau khi đã loại bỏ nốt sần sẽ được xay nhuyễn và trộn với nước có chứa chất lỏng chiết từ rễ và thân cây bụp mỳ. Sau khi đã thực hiện xong các công đoạn trên, ta đặt tấm mành nứa vào trong khuôn gỗ làm thành liềm xeo. Liềm xeo được chao đi chao lại trong bể bột giấy sao cho một lớp bột giấy dính trên liềm. Độ dày trung bình của một tờ Hanji là 0.05mm. Lớp Hanji tán đều trên mặt liềm xeo sẽ được đặt trên tấm nhiệt để làm khô, sau đó dùng gậy đập để tạo độ bóng, tăng độ dai và co dãn của giấy. Cứ như thế, người nghệ nhân phải trải qua hơn 20 công đoạn khác nhau để có thể làm ra một tờ giấy Hanji. Đặc biệt, Hanji được sản xuất tại Jangjibang được làm từ những cây dướng không bón phân hóa học, sử dụng thuốc diệt cỏ, và trải qua các công đoạn không sử dụng bất kỳ chất phụ gia hóa học nào. Do đó, người sử dụng không cần lo lắng giấy sẽ bị oxy hóa. Chính những điểm này đã tạo nên loại giấy Hanji cao cấp với tuổi thọ nghìn năm. Giám đốc Jang Seong-woo chia sẻ: “Tôi trồng dâu tằm trên diện tích 4.000㎡ đất, và tôi phải bón phân xanh và dọn cỏ trên từng đó diện tích hoa màu. Tôi tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Đó là điểm độc đáo của Jangjibang để làm ra loại giấy Hanji có thể sử dụng lâu dài. Các dụng cụ truyền thống và cổ xưa nhất cũng được tận dụng để tạo ra loại giấy cổ xưa nhất. Phương châm của tôi là làm giấy từ những nguyên liệu tự nhiên, cũng giống như việc không cho mì chính vào món ăn vậy.”

Những thư tịch cổ có tuổi thọ hàng trăm năm như bộ kinh Vô Cấu Tịnh Quang Đà La Ni thời đại Silla thống nhất thế kỷ VIII; Thư tịch cổ Thư viện Hoàng gia “Oegyujanggak” (Ngoại khuê chương các) thế kỷ XVIII; Joseon vương triều thực lục; “Seungjeongwon Ilgi” (Nhật ký Ban thư ký hoàng gia) trong suốt 500 năm của triều đại Joseon; hay nhật ký chiến tranh mang tên “Nanjung Ilgi” (Loạn Trung Nhật Ký) của Đô đốc Yi Sun Shin thế kỷ XVII, có thể giữ gìn được màu sắc rõ nét đến ngày nay là nhờ vào tuổi thọ bền lâu của giấy Hanji.

Giấy Hanji ưu việt mang tầm thế giới
Mới đây, tính ưu việt của giấy truyền thống Hàn Quốc đã được đánh giá cao tại Ý, và Giám đốc Jang Seong-woo đã được mời đến Ý để tổ chức buổi trình diễn làm giấy Hanji tại đây. Một viện nghiên cứu vật liệu Ý cũng đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy giấy Hanji truyền thống của Hàn Quốc có tuổi thọ tối đa đến 8.000 năm. Giáo sư Kim Hyung-jin của trường Đại học Koomin cho biết: “Đã có trường hợp sử dụng giấy Hanji để phục chế lại quả địa cầu của Giáo hoàng Gioan XXIII, và phục nguyên lại bản đồ bảo tàng Vatican sử dụng giấy Hanji. Việc sử dụng giấy truyền thống của Hàn Quốc để khôi phục những tài sản văn hóa của Ý cho thấy nước Ý có mối quan tâm rất lớn đối với giấy truyền thống của Hàn Quốc.”

Nhóm phục chế di vật của Tòa thánh Vatican hiện tại đang tích cực xem xét việc sử dụng giấy Hanji để phục chế lại các tài sản văn hóa quan trọng. Đặc biệt hơn nữa, một trường học Hanji dự kiến sẽ được khánh thành vào tháng 11 năm 2016 tại Ý. Ông Jang Seong-woo chia sẻ: “Tôi được biết sẽ có khoa nghiên cứu Hanji tại Ý, và đề án này đang được thảo luận giữa Bộ ngoại giao hai nước. Tôi dự định sẽ đến Ý vào tháng 11 để xây dựng các chương trình giảng dạy tại khoa Hanji. Vì thế mà bể bột giấy và liềm xeo đã được chuyển sang Ý trước, và sau này tôi chỉ cần mang nguyên liệu đến thôi.”

Vậy là nghệ nhân làm giấy Hanji Jang Seong-woo của Jangjibang không bao lâu nữa sẽ giảng dạy cách chế tạo giấy Hanji cho các sinh viên nước ngoài trên cương vị là giáo sư của trường Hanji tại Ý. Ông Jang vẫn đau đáu về việc đào tạo người kế nhiệm. May mắn thay, ông lại có mối duyên gặp gỡ với chàng thanh niên mong muốn được tiếp bước ông. Jang Seong-woo đang nhiệt tình truyền dạy những kinh nghiệm của bản thân cho cậu học trò Park Je-gyun, của mình. Anh Park Je-gyun chia sẻ: “Có cơ hội được tiếp nối à duy trì truyền thống là một điều tuyệt vời và tôi có rất nhiều kỳ vọng với công việc này. Tuy nhiên, để làm được điều này lại không hề đơn giản. Mặc dù công việc này vô cùng tốn sức lực, được làm điều gì đó từ chính đôi tay của mình khiến tôi cảm thấy công việc của mình trở nên ý nghĩa hơn. Thầy Jang Seong-woo là một người bận rộn. Thầy có rất nhiều việc và dù sức khỏe không được tốt, thầy vẫn luôn đảm bảo thực hiện tốt nhất mọi công việc của mình. Tôi thấy mình còn phải học hỏi rất nhiều điều từ thầy. Ban đầu chắc chắn tôi đã khiến thầy vất vả hơn rất nhiều, nhưng nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy mà tôi đã tiếp thu tốt những kinh nghiệm thầy truyền dạy.”

Hanji – sản phẩm của sự cần mẫn, siêng năng
Hàn Quốc đang sở hữu những di sản tư liệu của thế giới. Sở dĩ những tài liệu ghi chép lịch sử còn được gìn giữ mà không nhuốm màu năm tháng là bởi chúng được viết trên nền giấy Hanji truyền thống. Giờ đây, với tâm huyết của những người nghệ nhân như Jang Seong-woo, Hàn Quốc đang nỗ lực để đưa Hanji vào danh sách di sản văn hóa của thế giới. Người nghệ nhân bày tỏ: “Ông nội tôi từng nhắn nhủ với bố tôi rằng hãy làm ra loại giấy có thể lưu giữ, gìn giữ được thật lâu. Và lời nhắn nhủ đó được truyền lại cho tôi. Không dối trá, lừa lọc, và sống chăm chỉ, trung thực, cần mẫn, siêng năng là phương châm sống mà tôi luôn tuân thủ. Điều đó giúp tôi tạo nên những trang giấy Hanji thực sự.”

Lựa chọn của ban biên tập