Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Chợ Thổ sản giữa lòng thành phố Seoul

2010-05-11

Chợ Thổ sản giữa lòng thành phố Seoul
"Cái này để làm gì đấy ạ?" - "À, Cái này gọi là Norigae. Phụ nữ Hàn ngày xưa thường đeo trên mình làm đồ trang sức"... Đó là những đoạn hội thoại vui vẻ với khách nước ngoài khi họ mua đồ mỹ nghệ truyền thống của Hàn Quốc. Không gian của chợ Thổ sản Seoul nằm tại phường Sinseol, quận Dongdaemun càng trở nên đông vui nhộn nhịp với quang cảnh mua sắm, thu hút cả các vị khách nước ngoài. Hôm nay, chúng ta hãy cùng đến với một khu chợ của Seoul có đa dạng từ các mặt hàng thổ sản, món ăn dân gian đến các đồ dùng sinh hoạt, không thiếu một thứ gì cả...

[Lịch sử hình thành Chợ]


Chợ Thổ sản Seoul được dựng lên bên bờ suối Cheonggye bắt đầu từ tháng 4 năm 2008. Tuy nhiên, trên thực tế, chợ thổ sản tại đây đã có lịch sử từ rất lâu đời. Chợ Thổ sản này vốn có gốc từ chợ đồ cũ với tên gọi là Byeoruk nghĩa là chợ Con Bọ nằm ở phường Hwanghak xung quanh suối Cheonggye. Chợ Byeoruk có lịch sử hình thành từ thời thực dân Nhật thống trị ở Hàn Quốc. Ban đầu, đây là chợ bán các loại hoa quả, dầu…, sau cuộc chiến tranh Triều Tiên trở thành nơi kinh doanh của thương nhân đồ cổ. Từ những năm 1960-1970, những người bán đồ điện và các loại máy móc cũng tập trung về, biến nơi đây trở thành một khu chợ đồ cũ tổng hợp. Tuy nhiên, sau khi suối Cheonggye được tu tạo, chợ của phường Hwanghak cũng đã có nhiều đổi mới. Trưởng ban quản lý chợ Thổ sản Seoul Hwang Chung-seok giới thiệu: “Do việc tu tạo suối Cheonggye mà các cửa hàng xung quanh suối đều chuyển về khu chợ trời ở sân vận động Dongdaemun, hình thành nên chợ đồ cũ Byeoruk ở Dongdaemun. Tất cả đều chuyển về đó, nhưng rồi sân vận động Dongdaemun đã đổi thành Công viên văn hóa lịch sử Dongdaemun thì chúng tôi lại tiếp tục phải di chuyển, và địa điểm đó là chợ Thổ sản Seoul nằm ở phường Sinseol. Chợ này được mở từ ngày 26 tháng 4 năm 2008, đến nay đã được hơn 2 năm. Dạo này cả vào cuối tuần lẫn ngày thường chợ đều đông người, và tôi cho rằng, phần nào chợ đã bước vào giai đoạn ổn định.”

Quy mô của chợ Thổ sản Seoul mới hình thành này là 7.941m2 với 885 gian hàng. Gọi là chợ Thổ sản, sở dĩ vì đây vốn là điểm tập trung các mặt hàng đặc sản và các trò giải trí trong khu vực. Tuy nhiên, tại khu chợ này chúng ta cũng có thể thấy được tất cả những gì tiêu biểu của Hàn Quốc. Trưởng ban quản lý Hwang Chung-seok cho biết: “Có thể xem đây là chợ thổ sản với đặc điểm là có nhiều đặc sản của địa phương. Dù sao, là chợ của thành phố Seoul thì nó cũng phải đưa ra được những nét tiêu biểu của Hàn Quốc. Vì thế hiện có nhiều hàng hóa mang tính dân gian, những vật dụng của ngày xưa, hay những sản phẩm truyền thống. Những mặt hàng này được coi là đồ cổ, là đồ mà tổ tiên người Hàn ngày xưa sử dụng, chúng được bày bán ở đây, thể hiện những nét tiêu biểu của sản vật Hàn Quốc.”

Chợ Thổ sản Seoul rộng là thế, không biết phải bắt đầu tham quan từ đâu... Và ai sẽ là người hướng dẫn chúng ta tại đây nhỉ? Trong chợ có một trung tâm hướng dẫn tham quan. Tại đây, khách nước ngoài có thể được giúp đỡ bằng tiếng Anh và tiếng Nhật. Hướng dẫn viên giúp khách tìm đồ muốn mua và hướng dẫn họ cả về địa điểm bán hàng. Ai nấy đều cảm thấy hài lòng trước sự hướng dẫn tận tình và lịch sự của nơi đây. Một du khách người Nga cảm nhận: “Đây là lần thứ hai tôi thăm Hàn Quốc nhưng là lần đầu tôi tới chợ Thổ sản. Ở đây có những đồ vật mà người ta dùng từ trước giai đoạn công nghiệp hóa. Tôi háo hức vì được xem những sản phẩm trong sinh hoạt canh tác nông nghiệp. Tham quan ở đây cũng rất tiện lợi vì mọi thứ được sắp xếp theo chủ đề riêng, theo từng nhóm riêng. Được nghe những lời hướng dẫn tận tình, tôi thấy hay hơn nhiều.”


[Chợ Thổ sản Seoul và các sắc màu của cầu vồng]

Sau khi biết được một số thông tin về chợ Thổ sản Seoul tại trung tâm hướng dẫn, bây giờ chúng ta có thể yên tâm để bắt đầu một tour tham quan chợ. Một đặc điểm của chợ là các gian hàng được dựng nên theo từng sắc màu của cầu vồng để tiện lợi cho việc mua sắm của du khách. Trưởng ban quản lý chợ Hwang Chung-seok giải thích: “Chợ Thổ sản có kiến trúc 2 tầng. Các gian bán hàng được phân theo từng loại màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Qua cổng chính ở tầng 1, các bạn sẽ thấy khu hàng màu lục là nơi bày bán đồ cổ. Phía bên trái có các khu màu cam và màu vàng. Màu cam thường là nơi bày bán sản phẩm quần áo, còn màu vàng là nơi bán tạp hóa, đồ dùng sinh hoạt. Ở tầng 2, có các khu bán hàng màu chàm, màu tím và màu lam. Khu màu chàm là điểm bán quần áo, còn khu màu tím và màu lam chủ yếu là nơi dành để bán các vật dụng sinh hoạt, trong số đó có các đồ sinh hoạt, phục vụ sở thích, đồ thể thao, đồ xe máy, đồ phục vụ thú đam mê của từng người.”

Khu bán đồ cổ nằm ở tầng 1 đặc biệt thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Những món đồ cổ lâu ngày, đã qua tay nhiều người lại càng có vẻ gợi cảm, đưa mọi người quay lại với hồi ức xưa! Du khách Hàn Quốc tâm sự: “Có những thứ rất kỳ lạ, thường ngày hiếm thấy. Có những thứ mà ngày xưa tôi từng dùng, giờ được ngắm lại thấy rất vui. Cuộc sống gấp gáp vội vã đã khiến chúng ta nhanh chóng quên đi những thứ của ngày xưa, và chỉ luôn mơ tưởng tới những gì sẽ có sau này. Nhưng có thể nói, được nhìn lại những đồ vật mình thấy khi còn nhỏ, đôi khi lại tìm được chút yên tĩnh ở trong lòng. Đây như một không gian nghỉ ngơi trong cuộc sống thường ngày.”; “Chỉ cần biết cách xem đồ là có thể mua được hàng tốt. Tôi đang tìm các loại chén. Uống trà bằng chén trà sẽ cho vị ngon khác với thông thường. Vị của trà sẽ sâu và đậm hơn. Được thưởng thức như vua. Tôi thích ở đây vì có tình người.”

Tầng 2 trở thành trung tâm thời trang của chợ Thổ sản Seoul. Tại đây bạn có thể trở thành một tay ăn diện chỉ trong nháy mắt, và thực tế đang có nhiều du khách ra về với đầy hàng trong túi. Tại đây, khu bán hàng màu lam chuyên bán các loại quần áo truyền thống Hanbok, tơ lụa, thư họa, giấy truyền thống và luôn có đông khách nước ngoài tới tìm kiếm những sản phẩm độc đáo của Hàn Quốc. Một khách nước ngoài cho biết: “Chợ thổ sản này đã được một nữ tác giả người Pháp giới thiệu trên 1 quyển sách, tôi đọc được và đã tìm tới đây. Tôi định mua một cái nệm lâu đời bằng lụa. Tôi đã đi nhiều chợ nhưng thấy thích ở đây hơn vì mọi người đều vui vẻ.”

Dù ít tiền bạn vẫn có thể mua được nhiều đồ. Có thể ví nơi đây như một khu chợ có vị ngọt ngào của sữa và mật quả cũng không ngoa. Đó chính là nhờ những khoang chợ phân theo các màu sắc của cầu vồng, làm toát nên vẻ rực rỡ có phần sang trọng, là tấm lòng hiếu khách, xởi lởi của người Hàn hay việc duy trì được những nét nghệ thuật, tay nghề xưa của chợ. Dù là một sản phẩm điện tử cũ, rất khó kiếm nhưng tới đây bạn vẫn có thể tìm hàng chữa được.


[Chợ đồ cũ Byeoruk]

Một ngày thăm chợ Thổ sản Seoul, nếu may mắn, bạn còn có thể tham quan được chợ đồ cũ Byeoruk. Chợ đồ cũ xuất phát từ văn hóa dùng tiết kiệm, chia sẻ, trao đổi và dùng lại của nhau. Một số người tham gia họp chợ kể: “Tôi tới bán giày thể thao và áo phông hàng hiệu. Đây là lần thứ 2 tôi ra chợ Thổ sản. Lần đầu tiên, bán hết được đồ nên tôi thấy thích và lại đến tiếp. Mọi người đến đây, tôi sẽ giảm giá cho.”; “Tôi đem tới đây mũ, ghế mát-xa, đồ điện, sổ điện tử. Tôi có ô-tô lâu rồi nên những thứ ngày xưa dùng trong xe tôi cũng có nhiều. Có cả nhiều thứ tôi mua khi đi leo núi nhưng chưa dùng đến. Hôm nay là lần đầu tiên tôi ra chợ Thổ sản thế này. Tôi đến đây không phải vì tiền. Có những thứ không dùng tới, tôi muốn đem cho người khác dùng, hoặc bớt tiền, bán theo giá thỏa thuận, hoặc trao đổi lẫn cho nhau. Nếu cần bạn cứ lấy đi! Không phải bận tâm gì về tiền nong cả.”

Chợ đồ cũ Byeoruk phục vụ khách trong nước mở cửa thường xuyên, còn chợ đồ cũ dành cho người nước ngoài thì mở vào ngày thứ Bảy cuối cùng trong tháng. Đặc biệt, đối với chợ cho người nước ngoài, nếu đúng thời điểm, cả khách du lịch cũng có thể tham gia họp chợ. Tiếng tăm của chợ cũng theo đó mà ngày càng được nhiều người biết đến. Trưởng ban quản lý Hwang Chung-seok giải thích: “Chợ đồ cũ Byeoruk bắt đầu có từ năm ngoái. Trong số người nước ngoài, có những người đang sống tại Hàn Quốc, có cả lưu học sinh, nhà kinh doanh, và gần đây có cả các gia đình đa văn hóa tham gia. Đây là cơ hội để họ đem những vật dụng ở đất nước của họ tới đây để bán, nên họ tham gia nhiều. Ai nấy đều thấy chợ đồ cũ của người nước ngoài là cơ hội tốt, vì thế chợ luôn hấp dẫn và càng được nhiều người nước ngoài đánh giá tốt. Bất cứ ai cũng có thể tới đây tham gia họp chợ.”

Các bậc phụ huynh và con cái ngày càng túm tụm đông hơn trước những sạp bày đồ trẻ em. Một cặp vợ chồng người Mỹ sắp trở về nước sau khi sống ở Hàn Quốc được 3 năm và họ cũng đang mở một sạp hàng với đầy các đồ chơi, sách tiếng Anh, quần áo trẻ em... Khi được hỏi, người chồng giải thích: “Chúng tôi đem đồ chơi của các con, những thứ bọn trẻ không chơi nữa ra đây để bán. Đây là lần đầu chúng tôi tới đây. Sống ở Hàn Quốc được 3 năm, giờ sắp quay trở về Mỹ, nên chúng tôi đem đồ đạc tới đây để thanh lý.”

Được mua, bán, và nhìn ngắm, có lẽ không gì hay hơn là được đi ngắm chợ. Chợ đồ cũ bắt đầu từ 12 giờ và kéo dài tới 3 giờ chiều. Mua được đồ chơi con mình thích với giá rẻ, hôm nay các bậc phụ huynh người Hàn Quốc mua sắm ở chợ cũng cảm thấy hết sức mãn nguyện: “Tôi mua được 2 thứ này giá rất rẻ. Có lẽ con tôi sẽ rất thích. Nghe nói 1 tháng họp chợ 1 lần, và tới đây tôi có cơ hội để có được nhiều đồ tốt. Rất hay vì được xem những thứ người nước ngoài dùng, có những thứ mà chúng ta không thể thấy ở Hàn Quốc.”; “Bây giờ tôi đang tìm kiếm sách tiếng Anh. Dù sao thì tìm sách trong số những cuốn đã được người nước ngoài chọn để đọc cho con họ cũng hơn là đi xem và chọn ngoài hiệu sách. Có nhiều chủ đề rất hay... Cách lựa chọn sách tiếng Anh của người nước ngoài và của người Hàn rất khác nhau. Tôi thấy hay ở điểm này.”

Người mua đã vậy, người bán cũng không kém phần vui mừng. Một người Ý và người Trung Quốc đang bán hàng tại đây tâm sự: “Đây là lần thứ 3 tôi tham gia chợ Thổ sản, một trung tâm toàn cầu ở Seoul, tôi thấy rất hay. Hay ở chỗ được mặc cả với người Hàn. Đến Seoul các bạn hãy ghé qua mua đồ cổ ở chợ Thổ sản thử xem nhé.”; “Tôi bán đồ vì muốn được giao lưu văn hóa vui vẻ với mọi người. Ở Trung Quốc tôi chưa tham gia họp chợ thổ sản như thế này bao giờ. Đặc trưng của chợ Thổ sản Hàn Quốc, có thể nói là có nhiều người nước ngoài từ các nước tới, được tham gia vào những hoạt động như thế này, được giao lưu với văn hóa của nhiều quốc gia tôi thấy rất thích. Seoul là thành phố rất tuyệt vời, có những hoạt động như thế này, rất là hay. Có cơ hội, hãy đến chơi với Seoul của Hàn Quốc.”


[Khu trải nghiệm văn hóa truyền thống]

Một điều hấp dẫn của chợ Thổ sản Seoul mà chúng ta không nên bỏ qua, đó chính là Khu trải nghiệm văn hóa truyền thống, mở cửa từ ngày 1 tháng 4 vừa qua. Tại đây, khách tham quan có thể trải nghiệm miễn phí về văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. An Ji-hye của Trung tâm trải nghiệm văn hóa truyền thống cho biết: “Seoul đón chào năm 2010 - năm du lịch Hàn Quốc và Trung tâm trải nghiệm văn hóa truyền thống đã được mở cửa trong chợ Thổ sản. Đây là nơi có thể trải nghiệm văn hóa truyền thống cho khách trong và ngoài nước. Tại đây mọi người có thể trang trí mặt nạ truyền thống Hahoe, làm quạt, làm đèn, hay làm khay, làm khung treo mặt nạ với công nghệ giấy truyền thống Hàn Quốc v.v... Đồ làm ra chúng tôi tặng khách đem về sử dụng hay để kỷ niệm. Nhiều người nước ngoài rất thích ở đây.”

Trung tâm trải nghiệm văn hóa truyền thống mở cửa từ 10 giờ 30 sáng đến 6 giờ chiều. Trung tâm sẽ hoạt động đến ngày 30 tháng 11 năm nay, tất cả trong vòng 8 tháng. Một phụ nữ Hàn Quốc lấy chồng người Đức đang rất muốn cho con mình hiểu biết về văn hóa truyền thống của Hàn Quốc và chị tỏ ra mãn nguyện khi có được cơ hội này tại chợ Thổ sản Seoul: “Hôm nay, tại Trung tâm trải nghiệm văn hóa, tôi đã làm được mặt nạ và hòm giấy. Vật liệu dễ làm, không mất nhiều thời gian, nhân viên giúp đỡ tại đây lại tận tình nên tôi đã làm được cái hộp để đựng vòng cho bọn trẻ. Còn chiếc mặt nạ, tôi sẽ cho các con để chúng chơi cùng búp bê.”

Không gian mua sắm giữa lòng thủ đô giống như một công viên giúp cho mọi người tìm ra những đồ vật quý hiếm. Chợ Thổ sản Seoul thấm đượm tình của những con người bình dân và những sản vật của Hàn Quốc. Phần thưởng dành cho khách tham quan là một khu chợ đông vui nhộn nhịp và không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống. Nơi đây có sự gặp gỡ của nhiều sản phẩm đa dạng từ các thời đại với nét văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. Biết đâu chừng, những thứ này sẽ thức tỉnh cho tâm hồn nghệ thuật đang tiềm ẩn ở bạn.

Lựa chọn của ban biên tập