Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Nhà Quốc hội, nơi in dấu lịch sử chính trị của Hàn Quốc

2010-10-05

Nhà Quốc hội, nơi in dấu lịch sử chính trị của Hàn Quốc

Nhà Quốc hội là nơi 299 nghị sĩ do dân bầu ra, thay mặt người dân làm các công việc như thảo luận các vấn đề chính trị, quản lý tài chính nhà nước và thông qua luật pháp. Không gian này tưởng chừng xa vời và cứng nhắc, nhưng lại luôn thu hút đông đảo du khách đến thăm. Hôm nay chúng ta sẽ cùng thăm quan nhà Quốc hội, địa điểm mang dấu ấn lịch sử chính trị của Đại Hàn Dân Quốc.

Xuống ga tàu điện ngầm có tên gọi "Nhà Quốc hội" tuyến số 9 tại Seoul, ra cửa số 3, chúng ta sẽ thấy có một tòa nhà mái vòm tròn màu xanh nằm sau một thảm cỏ rộng mênh mông. Đây chính là nhà Quốc hội, nơi chúng ta có thể thấy được nền chính trị sôi động của Hàn Quốc. Kim Hye-gyeong phụ trách "Trung tâm tiếp đón khách tham quan Quốc hội" giới thiệu: “Khu nhà Quốc hội có 2 nơi được mở cửa công khai cho du khách thăm quan. Thứ nhất là phòng họp toàn thể của các nghị sỹ và thứ hai là Phòng lưu niệm chính trị lập hiến, nơi trưng bày hình ảnh của Quốc hội trong quá khứ. Đây là một tour du lịch đáp ứng lòng hiếu kỳ của những ai quan tâm tới chính trị Hàn Quốc. Khác với các nước phương Tây, Hàn Quốc theo chế độ đơn viện và tại khu nhà Quốc hội, chúng ta sẽ thấy được văn hóa chính trị của Hàn Quốc.”


[Trung tâm tiếp đón khách tham quan Quốc hội]

Để có thể tham quan nhà Quốc hội, bạn cần phải liên hệ đặt trước 3 ngày. Đến đây, nơi đầu tiên cần ghé qua là "Trung tâm tiếp đón khách tham quan Quốc hội". Tại đây, du khách sẽ làm một số thủ tục sau đó hướng dẫn viên sẽ dẫn bạn đi thăm các nơi. Hôm nay, đến với nhà Quốc hội có rất đông các bạn nhỏ, những chủ nhân tương lai của đất nước và tất cả đều có những lý do riêng để tìm đến đây. Chẳng hạn như: “Cháu đến vì muốn tìm hiểu xem các nghị sĩ Quốc hội làm gì.”; “Cháu đến vì muốn xem nhà Quốc hội thế nào, trông có khác với trên ti-vi không.”; “Cháu đến đây vì muốn biết thêm về Quốc hội và chính phủ.”

Bắt đầu tour thăm quan, du khách được xem những hình ảnh giới thiệu về Quốc hội tại “Phòng chiếu phim”. Khi đoạn phim giới thiệu kết thúc, chuyến thăm quan mới chính thức bắt đầu.

Đứng ở chính giữa đại sảnh của "Trung tâm tiếp đón khách tham quan Quốc hội", phía trước mặt chúng ta sẽ thấy có 2 đường cầu thang lên tầng 2, xòe ra 2 bên giống như đôi cánh chim đang dang rộng. Ở cầu thang phía bên trái có treo một loạt ảnh chân dung Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc qua các nhiệm kỳ trong lịch sử. Đây chính là đường lên “Phòng lưu niệm Chủ tịch Quốc hội”.

“Phòng lưu niệm Chủ tịch Quốc hội” trưng bày khái quát lý lịch, các hoạt động nghị viện, các vật phẩm, quà lưu niệm được tặng của những vị Chủ tịch Quốc hội trong lịch sử, kể từ sau khi Quốc hội lập hiến ra đời năm 1948. Ngay cạnh đó là “Gian tư liệu chính trị lập hiến”, nơi lưu trữ tư liệu lịch sử về Quốc hội. Tại đây, chúng ta sẽ được nghe hướng dẫn viên Kim Hye-gyeong trình bày về lịch sử của Quốc hội Hàn Quốc: “Quốc hội lập hiến được thành lập vào năm 1948, đến nay đã qua 18 khóa làm việc. Thời điểm năm 1948, 198 đại biểu của nhân dân đã được bầu ra qua bầu cử tại khu vực miền Nam, nay là Hàn Quốc. Khi đó, tòa Phủ tổng đốc Triều Tiên của thực dân Nhật trước đây nằm trong cung Gyeongbok được lấy làm nhà họp Quốc hội. Trong thời gian chiến tranh Triều Tiên, Quốc hội từng họp tại địa điểm gọi là Mudeokjeon nằm trong Khu ủy ban tỉnh Nam Gyeongsang, gần Busan. Sau khi chiến tranh kết thúc đã sử dụng cả Tòa Nghị viện của thành phố Seoul cạnh Tòa thị chính làm phòng họp Quốc hội. Nhà Quốc hội tại Yeouido hiện nay được khánh thành vào năm 1975.”


[Phòng lưu niệm chính trị lập hiến]

Từ sau năm 1975, nhà Quốc hội đã chứng kiến những thay đổi trong đời sống chính trị của Hàn Quốc. Phía bên phải của tòa nhà trung tâm là “Phòng lưu niệm chính trị lập hiến”. Tại phòng trưng bày số 1 của nơi đây, hiện có các tư liệu liên quan đến lịch sử phát triển của các chính đảng, chế độ bầu cử nghị sĩ Quốc hội, các hoạt động chủ yếu của Quốc hội trước đây. Qua đó, du khách có thể hiểu bao quát được dòng lịch sử chính trị của Hàn Quốc.

Theo cầu thang trung tâm lên tầng 2, trước mắt chúng ta hiện ra là “Phòng lưu niệm Tổng thống Hàn Quốc”. Nơi đây có trưng bày về hoạt động, công lao và vật dụng của các vị tổng thống xuất thân từ nghị sĩ Quốc hội. Tại “Phòng lưu niệm Tổng thống”, có không gian tái hiện bàn làm việc của tổng thống, và du khách có thể ngồi vào chụp ảnh kỷ niệm. Đến với Phòng trưng bày số 2 của “Phòng lưu niệm chính trị lập hiến”, mọi người có thể dùng màn hình cảm ứng để trực tiếp tìm hiểu về quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, tại “Gian trải nghiệm nghị sự Quốc hội”, du khách có thể trực tiếp tham gia phiên họp mô phỏng theo kỳ họp Quốc hội. Đến đây, ai cũng có thể trở thành nghị sĩ.

Trong phòng có 45 chiếc ghế ngồi, và phía chính diện là một màn hình lớn, khách thăm quan tại đây trở thành nghị sĩ thông qua hệ thống camera. Hình ảnh của họ được ghép với hình ảnh của phiên họp quốc hội và được trình chiếu trên màn hình, giúp họ trực tiếp trải nghiệm quá trình làm luật. Bắt đầu chương trình trải nghiệm, các em nhỏ hô vang: “Tôi là nghị sĩ Quốc hội”.

Màn hình trình chiếu cảnh Chủ tịch Quốc hội xuất hiện, gõ búa khai mạc... từng cảnh từng cảnh hiện ra, y trang như những gì đã diễn ra trong phiên họp toàn thể của Quốc hội. Tại đây, các nghị sỹ có thể biểu quyết thông qua 1 dự luật bằng cách ấn vào nút bấm màu đỏ hoặc màu xanh cạnh ghế ngồi. Tuy phần trải nghiệm chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng các em nhỏ, những vị lãnh đạo tương lai của đất nước đã ứng xử rất chân thành và nghiêm túc.


[Phòng họp chính của Quốc hội]

Kết thúc chuyến thăm “Phòng lưu niệm chính trị lập hiến”, du khách sẽ đến với tâm điểm của chuyến thăm quan. Theo hướng dẫn viên, mọi người di chuyển tới Phòng họp chính của Quốc hội.

Tòa nhà chính của Quốc hội Hàn Quốc rộng 14 ha trên tổng diện tích đất sử dụng khoảng 33 ha, lớn nhất ở châu Á. Mái vòm hình tròn màu xanh của tòa nhà tượng trưng cho sự tập trung ý nguyện của người dân. Được biết, các tấm đồng dưới mái vòm này nặng tới cả nghìn tấn. Ngoài ra, các cột trụ đều có hình bát giác, là tượng trưng cho 8 tỉnh trên toàn quốc. Hướng dẫn viên Kim Hye-gyeong giải thích: “Có lẽ người Hàn Quốc, tất nhiên đa phần cả người nước ngoài đều thấy tòa nhà rất lớn, nổi bật ngay trước mắt. Đặc trưng về mặt kiến trúc là có 24 chiếc cột. Đây là biểu tượng của 1 năm có 24 tiết khí, 1 ngày có 24 giờ, và đó là lời hứa sẽ làm việc tận tình vì nhân dân suốt 24 giờ, trong cả 1 năm của Quốc hội. Mái vòm lớn của tòa nhà thể hiện cơ cấu 299 nghị sỹ Quốc hội đều ngang bằng nhau, và mọi khác biệt ý kiến đều được hài hòa hóa thông qua đối thoại, thỏa hiệp và thuyết phục lẫn nhau.”

Nhà Quốc hội bên ngoài có mái vòm hình tròn nhưng vào trong chúng ta sẽ thấy đây là một kiến trúc có 1 tầng hầm và 7 tầng trên mặt đất. Khu hành lang trung tâm có khoảng không thông suốt lên tận tầng trên cùng nhìn rất thoáng đãng. Vừa hay, nghị sĩ Lee Gyeong-jae của đảng Đại dân tộc bước ra đón khách: “Chào mừng các bạn đến với Quốc hội! Nơi các bạn đang ở là Phòng họp chính của Quốc hội. Đây là nơi các đại biểu đưa ra quyết định cuối cùng cho các vấn đề.”

Trong phòng họp chính của Quốc hội, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách chính là biểu trưng của Quốc hội Hàn Quốc nằm ngay phía sau ghế Chủ tịch. Đó chính là quốc hoa của Hàn Quốc, loại hoa dâm bụt có tên tiếng Hàn là Mugunghwa mang ý nghĩa “bất tử”. Bên trong hoa có chữ "Quốc" viết bằng chữ Hán và bên ngoài có viền vàng. Nghị sĩ Lee Gyeong-jae giải thích về cấu trúc phòng họp chính của Quốc hội: “Ở phía trước đằng kia có Taegeukgi (Thái Cực kỳ), quốc kỳ Hàn Quốc, cái ghế cao là chỗ Chủ tịch Quốc hội điều khiển cuộc họp. Phía dưới ghế Chủ tịch, ở chính giữa là bục phát biểu. Chắc mọi người đều biết bục phát biểu rồi chứ ạ? Đó là nơi nghị sĩ diễn thuyết hay đưa ra câu hỏi. Ở phía dưới một chút là chỗ thành viên nội các đứng trả lời các vấn đề. Phía dưới bục phát biểu có 4 chiếc ghế là nơi các nhân viên của Quốc hội ngồi ghi chép lại nội dung cuộc họp. Họ phải tốc ký, ghi lại nội dung câu hỏi và trả lời không thiếu một chữ nào cả. Các bản ghi chép này được lưu giữ lại, sau này khi có ý kiến thắc mắc, người ta có thể xem lại là khi đó ai đã nói thế này hay thế kia.”

Phòng họp chính của Quốc hội được thiết kế thành 3 tầng. Các hàng ghế được bài trí theo hình nan quạt, tỏa ra xung quanh với trung tâm là ghế Chủ tịch Quốc hội. Tất cả ghế ngồi ở đây đều có thể di chuyển được và phòng họp có thể chứa tối đa 400 chỗ, dự phòng trường hợp số nghị sĩ chính thức tăng lên khi 2 miền Nam-Bắc thống nhất.

Bên cạnh các điểm thăm quan chính như “Phòng lưu niệm chính trị lập hiến” hay phòng họp chính của Quốc hội, còn phải kể đến “Thư viện quốc hội”. Đây là nơi lưu giữ lượng tư liệu đồ sộ, đầy đủ các loại sách báo, luận văn tại Hàn Quốc.

Chuyến thăm quan khu nhà Quốc hội như vậy đã kết thúc và mỗi du khách đều có cảm nhận riêng. Khi được phỏng vấn một số người cho biết: “Luật của nhà nước thường rất xa vời, nhưng tới đây có thể biết được khó khăn của các nghị sĩ Quốc hội và thấy chính trị của đất nước xa cách với mình chỉ là cảm nhận bề ngoài.”; “Nhìn từ bên ngoài thì không biết mình có thể vào tòa nhà này được không. Nhưng vào trong, thăm quan Quốc hội, chào hỏi nhân viên ở đây thì mới thấy Quốc hội không phải là gì xa lạ lắm.”; “Trải nghiệm hoạt động nghị sự thì thấy không có gì lạ lẫm, xa vời, mà nó trở nên quen thuộc và thật hữu ích. Tôi biết thêm được nhiều thông tin về Quốc hội. Khi được nhìn ngắm và xem tận mắt một tổ chức của nhà nước, người dân mới thấy không có gì xa lạ cả, và họ càng quan tâm nhiều hơn đến chính trị.”
Quốc hội Hàn Quốc là nơi các nghị sĩ đại diện cho nhân dân thảo luận các vấn đề về cơ chế và pháp luật cần thiết nhằm cải thiện đời sống của dân thường. Lịch sử chính trị của Hàn Quốc vẫn đang được lưu chép lại tại đây từng ngày. Và nếu muốn biết về tình hình chính trị của Hàn Quốc, nhà Quốc hội chính là nơi có thể giúp bạn thỏa lòng hiếu kỳ.

Lựa chọn của ban biên tập