Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Lễ hội cỏ bông lau lần thứ 9 của thành phố Seoul

2010-10-26

Lễ hội cỏ bông lau lần thứ 9 của thành phố Seoul

Qua thời điểm trung tuần tháng 10, lá phong đang chuyển đỏ dần từ miền Bắc về miền Nam. Trải qua đợt nóng bức và những cơn bão lớn của mùa hè, cây cỏ nay như đang dồn sức để tôn vinh cho cảnh sắc đọng lại lúc cuối thu. Và rồi, cũng đã đến lúc sắp phải chia tay với những tán lá phong rực rỡ.
Nói đến mùa thu Hàn Quốc, ai cũng sẽ nghĩ đến những sắc vàng, sắc đỏ rực rỡ khắp nơi của lá phong. Song, bên cạnh đó cũng còn một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp trắng xóa bạt ngàn của những bông cỏ lau có tên gọi Eoksae.

[Công viên Bầu trời]

Những bông lau cao quá đầu người đang xào xạc, rạp mình trước gió. Cỏ lau Eoksae nương mình vào thiên nhiên, thuận theo mọi điều kiện môi trường. Và người Seoul có thể chiêm ngưỡng cả một quần thể cỏ lau Eoksae ngay giữa lòng thành phố. Hôm nay chúng ta sẽ cùng đến với những làn sóng bạc trắng xóa của cỏ lau Eoksae tại công viên Bầu trời nằm trong khu công viên World Cup, tại phường Sangam.
Xuống ga tàu điện ngầm mang tên Sân vận động World Cup thuộc tuyến tàu số 6 của thành phố Seoul, du khách được chào đón bởi những tia nắng thu vàng rực rỡ dưới bầu trời cao và trong xanh. Quả đúng như câu "Thiên cao mã phì" mà người Hàn vẫn dùng để ví với mùa thu, mùa có thời tiết và phong cảnh đẹp, thích hợp cho cuộc sống của vạn vật. Ơ kìa! nhiều người ở đây đang kéo nhau tiến bước về cùng một hướng. Không biết họ đang đi đâu vậy? Khi được hỏi, một số du khách trả lời: “Nghe bảo cây lau ở đây cao bằng đầu người nên tôi tới xem thế nào. Tôi sẽ đi dạo, ăn cơm hộp và đọc sách ở công viên. Lâu rồi mới có thời gian đến đây, phải nghỉ ngơi, chơi đùa vui vẻ mới được.”; “Mọi người đều bảo công viên Bầu trời rất đẹp mà bây giờ tôi mới đến đây lần đầu. Tôi thấy quang cảnh rất là khác lạ, như cởi mở, thoải mái hơn trong lòng. Được đi bộ dưới bầu trời thu, thật là tuyệt!”
Mọi người đang đi lên các bậc cầu thang mang tên "Bậc thang bầu trời". Cầu thang lát gỗ, có nhiều đoạn nối xếp lên nhau thành những đường dích dắc hình chữ chi. Hệ thống loa phóng thanh liên tục hướng dẫn an toàn và giữ trật tự cho những dòng người lũ lượt, nối nhau đi lên cầu thang. Hơn 20 phút leo qua hết 291 bậc cầu thang mà ai nấy đều cảm thấy háo hức. Quả đúng như cái tên "công viên Bầu trời", lên đây, bầu trời dường như gần hơn với con người. Và cuối cùng thì cả một cánh đồng cỏ lau Eoksae bạt ngàn đang trải ra trước mắt du khách. Mọi người trầm trồ: “Ồ! Thật là đẹp... Tôi rất thích. Không ngờ bông lau lại nhiều đến vậy. Lên đây rất vất vả, nhưng mọi nỗi mệt nhọc đều tan biến mất... Thì ra mọi người tìm đến đây vì cảnh đẹp này.”; “Thích lắm! Suốt ngày chỉ thấy những nhà cao tầng và khu chung cư, bây giờ được ngắm phong cảnh ở đây, tôi cảm thấy rất là khoan khoái. Lên trên này quả không uổng công.”
Công viên Bầu trời có tổng diện tích là 330 nghìn m2, trong đó có tới 2 phần 3 được phủ cỏ bông lau Eoksae, tạo nên một quang cảnh bao la bát ngát. Những ngọn lau đung đưa trước gió như vẫy gọi du khách. Năm nào cũng vậy, cứ đến độ cuối thu, tại đây lại tổ chức lễ hội bông lau Eoksae. Năm nay lễ hội lần thứ 9 đã được khai mạc vào ngày 16 tháng 10 vừa qua. Trước hết, chúng ta hãy cùng nghe Im Byeong-wook, Trưởng ban bảo vệ môi trường, Phòng Dự án đô thị xanh phía Tây Seoul giới thiệu về công viên Bầu trời: “Nơi đây ngày xưa, vào những năm 1970, 1980 là khu chôn lấp rác thải ở Seoul, sau được tu tạo thành công viên. Bãi chôn lấp rác thải đã chuyển mình thành công viên và cỏ lau Eoksae cũng được trồng để đem đến cho người dân một môi trường sinh thái tự nhiên. Lễ hội cỏ bông lau này được tổ chức để người dân tham quan và hài hòa với cảm hứng mùa thu.”

[Lễ hội cỏ bông lau Eoksae]

Dẫn: Như vậy, cỏ bông lau Eoksae được đưa về trồng khắp trong công viên Bầu trời cũng có lý do của nó. Đó chính là vì công viên vốn là bãi chôn lấp rác thải trong suốt hơn 20 năm qua. Bae Yeong-ho Trưởng phòng dự án đô thị xanh khu vực phía Tây Seoul giải thích: “Từ năm 1976, rác thải của cư dân Seoul bắt đầu được chôn lấp ở đây. Tôi bắt đầu làm việc ở gần khu vực này từ những năm 1990. Cứ đến hè, mùi hôi lại bốc lên, đến mức ngồi trong văn phòng không thể làm việc nổi. Khi gas rác thải phát sinh từ đó còn gây ra nhiều vụ cháy, mỗi tuần có tới 2, 3 lần xe cứu hỏa phải tới để dập lửa.”
Địa điểm này luôn bốc mùi xú uế và thường xuyên xảy ra hỏa hoạn bởi khí gas rác thải. Nhưng đến trước khi tổ chức Giải Vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002, chính quyền thành phố đã quyết định biến khu bãi rác thành một công viên sinh thái. Công việc đầu tiên của dự án là làm cứng nền đất và xây dựng hệ thống thoát nước, biến nơi đây thành những thảm cỏ lớn. Cỏ bông lau Eoksae cũng đã được trồng vào thời điểm này. Trưởng phòng Bae Yeong-ho giải thích tiếp: “Cỏ bông lau Eoksae phù hợp với đặc điểm đất ở đây. Sở dĩ vì tại đây người ta trải một lớp ni-lông gọi là lớp chống thấm xuống để ngăn không cho khí gas của rác thải bốc lên, rồi sau đó mới rải đất lên trên. Vì thế mà môi trường ở đây trở nên khô, mà cây bông lau Eoksae lại sống rất tốt trong môi trường khô như vậy.”
Chúng ta đang đi trên con đường tản bộ nằm giữa cánh đồng bông lau với những cành cỏ lau cao tới đầu người, cọ vào nhau san sát. Từ xa nhìn lại chỉ thấy bông lau dập dờn, nhưng rẽ chúng ra và lách vào trong mới thấy, ở đây quả thật rất đông người, tưởng như có đến một nửa là người và một nửa là bông lau vậy. Hòa vào trong bụi cỏ cây, ai nấy đều mải mê bấm máy chụp ảnh.
Trong đám cỏ bông lau trắng xóa, mọi người có cảm giác như đang nằm giữa những đám mây. Và du khách bảo nhau kéo về phía đài quan sát để ngắm được cỏ lau Eoksae một cách trọn vẹn. Đài quan sát, một trong những địa điểm nổi tiếng của công viên Bầu trời, mới được dựng lên vào mùa thu năm ngoái với tên gọi là "Bát đựng trời". Sở dĩ như vậy là vì công trình kiến trúc sắt thép này mang hình một chiếc bát tròn, có đường kính đáy là 3,7 mét và đường kính phần đỉnh là 13,5 mét. Miệng bát hướng thẳng lên trời và bên trong có 3 tầng được sắp đặt sẵn ghế băng để phục vụ du khách. Từ đài quan sát này, có thể dễ dàng ngắm được toàn cảnh của công viên, cảnh sông Hàn và cả núi Bukhan ở phía Bắc của Seoul. Người xem cảm nhận: “Ôi! đẹp quá! Thấy cả sông Hàn nữa. Cảnh mùa thu thật đẹp. Xa xa đằng kia như có chiếc thuyền buồm vậy. Lên đây quả thật là có ý nghĩa. Dường như cả bầu trời đều được chứa đựng ở nơi này.”; “Lên đây cao nên thấy hết được mọi phong cảnh. Kia là cảnh sông Hàn đoạn ở phường Sangam rất đẹp. Khu vực này có nhiều cỏ bông lau càng tạo thêm không khí của mùa thu.”

[Nơi gặp gỡ giữa con người và thiên nhiên]

Ngắm cỏ bông lau Eoksae từ đài quan sát, mỗi người đều có những hình thức biểu lộ tình cảm khác nhau. Người thì sung sướng nhảy múa, người thì vẫy tay như chào gọi ai, có người lại khoan khoái thả mình trong làn gió mát của mùa thu. Xung quanh đài quan sát "Bát đựng trời" có trồng 6 cây đậu tía. Hãy tưởng tượng những cành đậu tía đang theo dòng thời gian, lan phủ ra khắp nơi, bạn sẽ thấy khung cảnh cổ kính đến nhường nào.
Khi đang còn vẩn vương với bao suy tư, nghĩ ngợi trước những khóm cỏ bông lau muôn hình muôn vẻ, từ lúc nào không hay trời đã ngả về chiều. Tại công viên bầu trời, nơi chỉ vươn tay ra là như có thể chạm được tới trời, cảnh hoàng hôn ở phía bên kia sông Hàn quả là thật tuyệt, khó có thể bỏ qua. Để thu được hết cảnh đẹp này trong tầm mắt, du khách kéo nhau lên quả đồi ngay phía sau đài quan sát: “Trời lúc chiều tà thật là tuyệt. Khung cảnh này rất hài hòa với những bông cỏ lau. Tôi thấy như đang ở tuổi thanh xuân vậy. Hoàng hôn giống như cuộc đời của chúng ta ... phải sống cho thật có ý nghĩa.”; “Tôi thấy tâm trạng rất vui. Cảnh ở đây rất huyền ảo. Hoa Cosmos nở thật là đẹp. Thực không ngờ ở đây có khoảng thời gian thú vị nhường này.”
Mặt trời về chiều đỏ rực một vùng, dường như sắp rơi hẳn vào trong chiếc "Bát đựng trời", đó chính là khung cảnh ta có thể chứng kiến ở công viên Bầu trời. Lúc này, có lẽ nên đặt tên cho đài quan sát là "Bát đựng hoàng hôn" mới đúng. Những ráng hoàng hôn ửng hồng, những ánh bạc của cánh đồng cỏ bông lau và những làn gió mát thổi về từ sông Hàn, tất cả đang đem đến cho du khách nét đặc sắc nhất của mùa thu.
Khi mặt trời lặn, cũng là lúc hệ thống chiếu sáng bừng lên, đem đến cho công viên một vẻ hiện đại mà lãng mạn. Đặc biệt, một loạt đèn lồng xanh đỏ được thắp sáng trên cầu thang ở lối vào công viên Bầu trời tạo nên khung cảnh lộng lẫy, quyến rũ mọi người tới chụp ảnh. Dịch vụ này chỉ có vào dịp lễ hội. Những ngày này, công viên đều mở cửa tới 10 giờ tối cho dân chúng thưởng thức cảnh đêm của Seoul. Im Byeong-wook, Trưởng ban bảo vệ môi trường, Phòng Dự án đô thị xanh khu vực phía Tây Seoul cho biết: “Ngày thường chúng tôi chỉ mở cửa tới 8 giờ tối. Lý do là để cho động thực vật hoang dã được nghỉ về đêm, đồng thời, cũng là để đảm bảo an toàn cho khách, vì hiện khu vực này vẫn còn khí gas và nước ở tầng sâu thoát ra.”

[Địa điểm học tập thực tế về môi trường và hệ sinh thái]

Bãi lấp rác thải tượng trưng cho sự ô nhiễm và hủy hoại thiên nhiên giờ đã trở thành một công viên thân thiện với môi trường. Những làn sóng cỏ bông lau đang dập dờn kia ngày càng được mọi người yêu thích. Ở đây hiện đang diễn ra các tiết học về môi trường và các cuộc trải nhiệm thực tế về hệ sinh thái, giúp các em học sinh thấy được tầm quan trọng của thiên nhiên. Park Ji-yeong của phòng Dự án đô thị xanh phía Tây Seoul giới thiệu: “Công viên có nhiều chương trình được chia ra theo các chủ đề khác nhau. Đó là 4 chương trình gồm tham quan sinh thái, lớp học về môi trường, chương trình sinh thái và khóa học trồng cây xanh cho người dân. Chẳng hạn như lớp học về môi trường giới thiệu về lịch sử biến bãi lấp rác thải thành công viên trên đảo Nanji. Người dân được xem các hình ảnh video liên quan đến quá trình này, sau đó tới phòng trưng bày để xem lại về công đoạn xử lý khí gas và nước của rác thải. Tiếp theo, mọi người sẽ tham quan công viên Bầu trời để học tập thực tế về sự biến đổi của nơi đây. Chương trình học tập sinh thái lại là chương trình giúp cho người dân và các em nhỏ thấy được tầm quan trọng của thiên nhiên thông qua giới thiệu về các loại cây cỏ, côn trùng, ong bướm, chim chóc và động vật sống ở đảo Nanji.”
Tham gia một tour thăm quan công viên cùng với chuyên gia về sinh thái tự nhiên, du khách được nghe những câu chuyện về quá trình xây dựng, hình thành công viên. Họ cảm nhận được tầm quan trọng của tự nhiên và thấy biết ơn những nỗ lực gìn giữ môi trường sinh thái: “Thật ngạc nhiên khi nghe người ta nói nơi cháu đang đứng trước kia là bãi rác. Hôm nay cháu cùng với mẹ và gia đình sẽ có những kỷ niệm đẹp ở đây.”; “Tôi rất thích vì bãi rác thải nay đã biến thành một công viên đẹp như thế này.”; “Không ngờ một bãi lấp rác thải lại được trồng cỏ bông lau Eoksae đẹp như thế này để đem lại niềm vui cho mọi người. Chúng ta đang ngồi trên bãi rác mà chúng ta thải ra. Thật vui vì được gần với bầu trời, được ngắm nhìn cỏ bông lau... Hãy đến chơi công viên Bầu trời nhé!”

Trên mảnh đất mà rác thải chất thành núi trong suốt 15 năm, nhờ bàn tay của con người, nay đã xuất hiện một công viên sinh thái đẹp đẽ và thoáng đãng. Nơi đây, cỏ bông lau đang vẫy tay như bày tỏ lòng biết ơn vì đã cho chúng cơ hội được sống, mang tới cho con người cảm nhận về sự kết hợp hài hòa và trân trọng với thiên nhiên. Hãy đến với những phong cảnh đẹp trữ tình của Công viên Bầu trời!

Lựa chọn của ban biên tập