Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Thành Seoul ở núi Bugak cùng 600 năm lịch sử của thành phố

2010-11-02

Thành Seoul ở núi Bugak cùng 600 năm lịch sử của thành phố

Ranh giới của thành phố được tính từ đâu tới đâu? Nếu không có biển chỉ đường thì có lẽ khó ai biết được. Thế nhưng, thời Joseon thì địa giới của thủ đô Seoul lại khác hẳn bây giờ, nó được tính theo những thành quách bao quanh. Hướng dẫn viên về di sản văn hóa Kim Jong-ho cho biết: “Thái tổ Lee Seong-gye là người lập ra nhà nước Joseon. Sau đó, việc đầu tiên là dựng nên thủ đô, xây cung Gyeongbok. Vua cho làm tường thành ở xung quanh để bảo vệ cung. Đó chính là thành Seoul. Tuy nhiên, đây không phải là những dãy tường bình thường mà nó là thành xây theo 4 ngọn núi bao quanh cung Gyeongbok. Phía Nam có núi Namsan, phía Đông là núi Naksan, phía Tây có núi Inwang và phía Bắc có núi Bugak. Thành quách xây xong thì lại phải có cửa để ra vào. Và vì thế, người ta làm ra 4 cửa lớn và 4 cửa nhỏ ở đoạn giữa các cửa lớn này.”
Thành Seoul được xây dựng nên vào năm 1396, năm thứ 5 triều vua Thái Tổ và trở thành ranh giới phân biệt trong và ngoài của Hanyang, tên gọi xưa của thủ đô Seoul. Tổng chiều dài của thành tới tận 18,2 km và hôm nay chúng ta hãy cùng đến với đoạn tường thành ở núi Bugak, để tìm về những câu chuyện còn ẩn chứa trong lịch sử 600 năm của Seoul.

[Khu thành quách Seoul ở núi Bugak]

Điểm khởi đầu cho tour đi bộ quanh thành Seoul đoạn núi Bugak chính là trạm nghỉ chân ở Hòn đá Ngựa nằm ở phía trên của công viên Waryong (Ngọa Long) thuộc quận Jongno. Nhưng trước khi đi, Hướng dẫn viên di sản văn hóa Park Mi-gyeong lưu ý mọi người một số điều: “Thành Seoul đoạn ở núi Bugak là địa điểm đặc biệt, nằm trong khu vực quân sự, nên khác với các ngọn núi khác trong thành phố, khi đến đây phải mang theo giấy tờ tùy thân mới thăm quan được. Công dân Hàn Quốc phải xuất trình 1 trong 3 loại giấy tờ tùy thân được nhà nước công nhận là bằng lái xe, chứng minh thư, hộ chiếu. Người nước ngoài thì cần có hộ chiếu hay thẻ đăng ký người nước ngoài. Bây giờ, đây vẫn là khu quân sự, khi thăm quan chúng ta vẫn thấy có cơ sở quân sự hay trạm gác. Vì là khu vực giới hạn bảo vệ an ninh, du khách không được phép chụp ảnh tùy tiện mọi nơi. Ở các chỗ nghỉ hay vọng đài quan sát thì có thể chụp ảnh được.”
Thành Seoul ở núi Bugak trở thành khu vực bảo vệ quân sự từ năm 1968, xuất phát từ sự kiện được cho là bộ đội đặc công của Bắc Triều Tiên đột kích vào Phủ tổng thống Hàn Quốc ngày 21/1 năm đó. Kể từ sau đó, đường trên núi Bugak đã bị ngăn lại và tới năm 2007 mới được mở cửa hoàn toàn. Sau gần 40 năm, người dân lại có thể tham quan đoạn tường thành này. Hướng dẫn viên về di sản văn hóa Park Mi-gyeong giải thích: “Trừ đoạn ở núi Bugak ra, các đoạn khác của thành Seoul đều mở cửa cho nhân dân thăm quan. Chỉ có đoạn thành ở núi Bugak là khu vực quân sự. Năm 2006, chính quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun đã quyết định mở cửa, ban đầu chỉ là 1 đoạn dài 1 km, từ đoạn tảng đá có tên gọi là Giá Nến cho đến cửa Sukjeong (Túc Tĩnh Môn). Năm tiếp theo mở cửa toàn bộ 3 km khu vực từ cửa Changeui (Chương Nghĩa Môn) đến cửa Sukjeong. Thành quách ở núi Bugak không cho dân thường đi lại trong suốt hơn 40 năm nên sinh thái tự nhiên ở đây được bảo vệ tuyệt đối. Các đoạn thành hầu như không có chỗ nào bị sụt lở, giúp du khách có thể thấy được hình ảnh nguyên vẹn từ thời Joseon.”
Bắt đầu từ khu nghỉ mang tên Hòn đá Ngựa, cách lối vào công viên Waryong khoảng 20 phút đi bộ, theo bảng chỉ dẫn, đi chừng hơn 600 mét, chúng ta sẽ đến với "Trung tâm hướng dẫn Hòn đá Ngựa" là một căn nhà gỗ ghép nằm giữa rừng. Du khách phải để lại giấy tờ tùy thân ở điểm hướng dẫn du lịch này. Tour thăm quan tại đây một ngày có 2 lượt vào 10 giờ sáng và 2 giờ chiều, có hướng dẫn viên đi kèm, giới thiệu chi tiết về lịch sử ở từng điểm tham quan.
Bắt đầu từ Khu nghỉ chân Hòn đá Ngựa, chuyến thăm quan tới các nơi như cửa Sukjeong (Túc Tĩnh Môn), hòn đá Giá Nến, Gokjang (Tường bao quanh), Cheongundae (Thanh Vân đài), qua đỉnh Baegak (Bạch Nhạc) của núi Bugak xuống đến cửa Changeui (Chương Nghĩa Môn), tất cả khoảng hơn 2 cây số. Trước hết chúng ta hãy cùng đến cửa Sukjeong để tản bộ men theo những thành quách của triều đại Joseon xưa.

[Cửa Sukjeong (Túc Tĩnh Môn)]

Đi bộ khoảng 15 phút chúng ta sẽ gặp cửa Sukjeong. Đây là cửa ở phía Bắc của Seoul nên còn gọi là Bukdaemun (Bắc Đại môn). Hướng dẫn viên Kim Jong-ho giới thiệu: “Cửa Sukjeong là một trong 4 cửa lớn của kinh thành xưa. Quan đại thần giai đoạn đầu triều Joseon là Jeong Do-jeon cho xây các công trình kiến trúc theo 5 giá trị của Nho giáo gồm "Nhân", "Nghĩa", "Lễ", "Trí", "Tín". Cửa Sukjeong này thuộc vào "Trí". Tuy nhiên, chúng ta thấy tên gọi cửa Sukjeong theo tiếng Hán là "Túc Tĩnh Môn" không có chữ "Trí" trong đó. Cửa này vốn ban đầu từng có tên là Sojimun nghĩa là "Chiếu trí môn", biểu thị ý nghĩa "Trí". Chúng ta hãy cùng lên ngắm tòa lầu bên trên cổng thành.”
Theo bậc cầu thang lên "Văn lầu", lầu quan sát của cổng thành, du khách cảm nhận được những làn gió thu thật sảng khoái. Từ đây có thể nhìn bao quát hết toàn bộ khu vực phía Bắc của Seoul. Hướng dẫn viên Kim Jong-ho nói: “Nhìn ra phía ngoài thành các bạn có thấy tòa nhà mái ngói lớn kia không. Đó chính là Samcheonggak (Tam Thanh Các), xưa kia là nhà hàng cao cấp, bây giờ là quán ăn truyền thống Hàn Quốc. Chúng ta đang ở phía Bắc mà. Đây là quận Seongbuk.”
Nhìn lên mái của cổng Sukjeong, mọi người thấy có nhiều tượng điêu khắc các con vật xếp thành hàng. Hướng dẫn viên Kim Jong-ho giải thích: “Quý vị có nhìn thấy các tượng điêu khắc bằng đá? Người ta gọi đây là Japsang (Tạp tượng). Chúng mô phỏng các nhân vật trong truyện Tây Du Ký của Trung Quốc. Ngồi ở phía trước là pháp sư Đường Tăng, sau đó là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh. Tượng này được đưa lên mái nhà để ngăn chặn ma quỷ, xua đuổi xui xẻo. Tất cả đều là chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, kiểu kiến trúc của Hàn Quốc cũng vậy. Số lượng của các bức tượng cũng đều là số lẻ 3, 5, 7, 9. Số của tượng Japsang càng nhiều thì nó càng thể hiện kiến trúc có sức mạnh.”
Xung quanh cửa Sukjeong có rất nhiều cây thông. Đã có thời việc qua lại ở đây bị cấm vì cho rằng có nhiều âm khí. Ở đây người ta đã trồng cây thông và chăm nom chúng cẩn thận. Nhờ vậy mà bây giờ du khách càng thấy sảng khoái hơn khi được ngắm những rặng thông được gìn giữ từ xa xưa.

[Khu thành quách và những câu chuyện lịch sử]

Cách cửa Sukjeong chừng 15 phút đi bộ là tảng đá có tên gọi Giá Nến vì hình dáng của nó giống với chiếc giá nến. Nơi đây ghi dấu một phần lịch sử đau thương của Hàn Quốc. Hướng dẫn viên Kim Jong-ho giới thiệu: “Tảng đá cao chừng 15, 16 mét, bằng đến khoảng tầng 3 hay tầng 4 của một khu chung cư. Tảng đá này nằm trên một trục thẳng nối tới cung Gyeongbok, vì thế nó được coi là tảng đá linh thiêng. Thời Nhật thuộc, trên đỉnh tảng đá bị đóng một cọc sắt để chặn dòng nguyên khí. Bây giờ cọc sắt đã được nhổ đi, thay vào đó là một cọc gỗ để đánh dấu.”
Du khách cảm nhận được quá khứ đau buồn khi đứng trước một tài sản văn hóa bị tàn phá. Địa điểm tiếp theo là Gokjang. Đây vốn là một phần tường thành nhô ra ngoài để phòng ngự, chống quân địch trèo lên thành. Không biết có phải công trình được xây dựng để quan sát động thái của kẻ địch hay không, mà cảnh trí từ đây nhìn quả thật tuyệt.
Cảnh đẹp hiện ra trước mắt du khách, tuy nhiên tại khu tường thành ở núi Bugak, việc chụp ảnh bị giới hạn ngoài những nơi được cho phép. Từ khu tường thành Gokjang đi bộ khoảng 20 phút sẽ đến Cheongundae (Thanh Vân Đài). Hướng dẫn viên Kim Jong-ho đang hướng mọi người đi ra phía bên ngoài: “Bây giờ chúng ta đang ở ngoài thành. Từ phía ngoài mới có thể bao quát hết được bức tường thành này. Thành quách ở Seoul được đắp lên từ năm 1392, 5 năm sau khi hoàn thành cung Gyeongbok. Ban đầu núi Bugak được gọi núi đá vì có nhiều đá. Người ta dùng đá ở quanh đây để xây tường thành. Các phiến đá có hình tròn hoặc nhiều hình dạng khác, nên công trình trông lỏng lẻo như đoạn phía bên phải. Đây chính là tường thành từ ban đầu được xây nên dưới thời vua Thái Tổ. Đến năm thứ tư đời vua Sejong (Thế Tông), tường thành được tu bổ nhưng cũng không để lại dấu vết gì ở đây. Rồi sau đó, tường thành được làm dưới thời vua Sukjong (Túc Tông) thì hiện nay ai cũng thấy được sự kiên cố của nó. Trong các đoạn thành ở Seoul, đoạn ở đây là còn được giữ nguyên vẹn như xưa.”
Những phiến đá lồi lõm như miếng men tương, những tảng đá có hình dáng chắc chắn, sắc nhọn... mỗi thời đại, kiểu loại đá được sử dụng đều khác nhau, và chỉ nhìn vào hình dáng của đá cũng có thể phân biệt được thời dựng nên thành. Nếu quan sát đá kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ còn thấy có chữ khắc trên đá. Hướng dẫn viên Kim Jong-ho tiếp tục cho biết: “Mọi người có thấy tên khắc trên đá không? Đây gọi là Gakja (Khắc Chữ) có nghĩa là chữ khắc. Là chữ viết để thể hiện ai chịu trách nhiệm xây nên thành này. Ở đây viết là Bài tướng Oh Jae-min, Giám quan Lee Dong-wan, Biên thủ Yong-seong. Bài tướng là nói đến tên của người chỉ huy như tiểu đội trưởng, trung đội trưởng trong quân đội bây giờ vậy. Giám quan là nói đến người giám sát, còn Biên thủ là người đứng đầu thi công, phụ trách về kỹ thuật. Nếu có vấn đề gì về sau với công trình tường thành, thì họ là người chịu trách nhiệm.”
Như vậy, từ 600 năm trước, Hàn Quốc đã cho thấy hình thức ghi danh của kiến trúc. Tiếp theo, du khách được đến với Cheongundae (Thanh Vân Đài) và tới đây coi như đã đi được nửa chuyến thăm núi Bugak. Mọi người có thể nghỉ ngơi và ngắm toàn cảnh cung Gyeongbok.
Đường lên đỉnh núi Bugak cũng gợi nhắc về một sự kiện lịch sử bi thương của Hàn Quốc. Đó chính là nơi diễn ra sự kiện tập kích của Bắc Triều Tiên vào ngày 21 tháng 1 năm 1968. Tại đây có một cây thông già đang gục xuống và trên thân cây, ở bốn phía có nhiều lỗ hổng. Hướng dẫn viên Kim Jong-ho kể: “Nghe kể lại, trước kia cây bị 15 phát đạn bắn vào. Khi đó người ta quết sơn lên, đánh dấu những chỗ nào có vết đạn. Cây đã bị hư hỏng nhiều do bị trúng đạn. Tất nhiên khi xảy ra vụ đọ súng ở đây thì nhiều cây khác cũng có dấu đạn. Thế nhưng chỉ cây thông này được dựng lên để biểu trưng cho thảm họa.”
Thương tích mà cây thông mang trên mình cho thấy vụ đột kích dữ dội đến mức nào và tình hình căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc lúc bấy giờ. Từ địa điểm này, đường tản bộ tiếp theo trong hơn 20 phút ngày càng trở nên dốc và khó đi hơn. Cuối cùng thì mọi người cũng tới được đỉnh núi Bugak ở độ cao 342 mét so với mực nước biển. Theo sự giải thích của hướng dẫn viên mọi người mới biết được tầm quan trọng của ngọn núi: “Nơi chúng ta đang đứng là đỉnh Baegak (Bạch Nhạc), tên cũ của núi Bugak. Ký hiệu trên đỉnh núi vẫn ghi là núi Baegak. Từ địa điểm này, chúng ta có thể khẳng định rằng về mặt phong thủy, cung Gyeongbok nằm ở vị trí rất đẹp. Trong từ Baegak tiếng Hán là "Bạch Nhạc", có từ "Nhạc" nghĩa là cao lớn. Vốn chỉ những ngọn núi lớn mới được dùng chữ "Nhạc" này. Đó là những núi như Seorak nghĩa là "Tuyết Nhạc sơn" hay núi Chiak nghĩa là "Trĩ Nhạc sơn". Thế nhưng ở đây, một ngọn núi nhỏ chỉ cao 342 mét cũng được dùng chữ "Nhạc" sở dĩ là vì nó có tầm quan trọng, là núi chính, nằm thẳng với cung Gyeongbok.”

[Một con đường quý hiếm men theo tường thành]

Lên đến đỉnh Bugak, có thể thấy rõ thành quách Seoul và 4 ngọn núi lớn quây quanh cung Gyeongbok. Điểm cuối cùng trong tour du lịch thành Seoul đoạn núi Bugak là cửa Changeui (Chương Nghĩa Môn), nằm giữa Seodaemun (Tây Đại Môn) và Bukdaemun (Bắc Đại Môn). Người ta cũng thường lấy tên khe suối ở đây để gọi tên cửa này là Jahamun (Tử Hà Môn), có nghĩa là "ráng sương màu tía". Đây cũng là cửa thành duy nhất trong số 9 cửa thành của Seoul được mở suốt ngày đêm. Ngôi đình nhỏ cạnh cửa thành cũng mở cửa liên tục cho du khách đến nghỉ chân. Vậy cuối cùng du khách cảm nhận thế nào về chuyến thăm thành cổ Seoul: “Tôi thấy vui vì có thể nhìn lại lịch sử. Thật không ngờ khung cảnh lại đẹp đến vậy. Đi bộ theo tường thành đối với tôi rất có ý nghĩa.”; “Đi vất vả hơn tôi tưởng, nhưng tôi thấy rất vui và tự hào vì có một địa điểm lịch sử như thế này ở Seoul. Đây sẽ là một danh thắng không kém gì Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc.”; “Thành Seoul thật là trang nhã và đẹp. Tôi rất tự hào, thành giữ nguyên vẹn được dáng vẻ xưa và mang đậm tính Hàn Quốc. Tôi khuyên mọi người nên đi thăm nơi này.”

Thành quách của Seoul vẫn đang âm thầm bao quanh và bảo vệ trung tâm thành phố. Với chương trình tham quan trong vòng 2 tiếng theo tường thành Seoul, chúng ta sẽ lạc vào những khu rừng rậm với các loài động thực vật tự nhiên quý hiếm và cả những câu chuyện từ xa xưa. Đây là con đường quý, lưu giữ lịch sử hơn 600 năm của thành phố này.

Lựa chọn của ban biên tập