Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Đường Saemun và chuyến đi ngược dòng lịch sử cận hiện đại của Hàn Quốc

2010-11-09

Đường Saemun và chuyến đi ngược dòng lịch sử cận hiện đại của Hàn Quốc

[Đường Saemun]

Nói đến du lịch là nói đến những con đường. Du lịch theo những con đường lịch sử do con người tạo nên và nghe những câu chuyện chất chứa ở đó, chúng ta sẽ có thêm được nhiều suy nghĩ và cảm nhận. Đó chính là lý do mà người ta nói rằng “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Thành phố Seoul với hơn 600 năm tuổi cũng có một con đường mang trong mình lịch sử của thời kỳ cận đại của Hàn Quốc. Đó chính là đường Saemun. Ông Sa Jong-min Giám đốc bảo tàng lịch sử Seoul giải thích: “Đường Saemun là con đường lớn chạy dài từ giao lộ Gwanghwamun tới giao lộ Seodaemun và ga tàu điện ngầm Seodaemun. Khi xây thành quách ở Seoul, vua Thái Tổ triều Joseon đã cho dựng nên 4 cửa thành lớn, trong số đó có cửa Seodaemun (Tây Đại Môn) nằm ở gần đường hầm Sajik hiện nay. Theo thuyết phong thủy thì đây không phải điểm xây cửa thành, nên về sau nó đã bị phá bỏ và xây cửa khác ở đoạn giao lộ bệnh viện Gangbuk Samseong hiện nay. Vì thế mới có tên gọi đường Saemun có nghĩa là đường có cửa thành mới. Đây có thể xem là một con đường văn hóa tiêu biểu của Seoul, là khu vực tập trung nhiều cơ sở lưu trữ văn hiến, lịch sử của Hàn Quốc như viện bảo tàng, gallery, trung tâm văn hóa, triển lãm. Đứng đầu là Bảo tàng lịch sử Seoul, có tất cả 12 cơ quan bảo tàng, triển lãm tại khu vực này. Có thể kể đến Bảo tàng ngành cảnh sát, Bảo tàng Nông nghiệp, Bảo tàng Lịch sử Đội Cứu tế, bảo tàng lịch sử Trường học Baejae, Gallery Gyeonghyang, Gallery Jeong và Gian tư liệu lịch sử nhà thờ Saemunan.”
2 bên đường Saemun đều là những bảo tàng, gallery mỹ thuật và nhiều dấu tích di sản văn hóa, lịch sử. Nơi đây có nhà thờ, trường học, các công sở ngoại quốc với kiểu kiến trúc cận đại và đây đó là những phiến đá ghi ký hiệu và vị trí của các quan nha dưới thời Joseon. Bước vào thế kỷ 21, các viện bảo tàng ở nơi đây đang chuyển tải tới công chúng những câu chuyện quá khứ của Seoul. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đến với "Lễ hội văn hóa Đường Saemun" diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 10 vừa qua. Đây là một tour tham quan 12 viện bảo tàng trên một con đường để tìm về lịch sử thời cận đại của Hàn Quốc.
Điểm xuất phát của tour tham quan viện bảo tàng là Gian mô hình thành phố nằm trong Bảo tàng Lịch sử Seoul. Tại đây, du khách có thể bao quát hết được toàn bộ 605,25 km2 diện tích của thành phố Seoul trên mô hình thu nhỏ theo tỷ lệ 1/1500. Nhấn vào chữ đường Saemun trên máy tìm kiếm, chúng ta sẽ thấy hiện ra lịch sử của con đường và quá trình biến đổi của cửa Seodaemun. Từ đây, chúng ta cũng có thể tìm được đường tới các bảo tàng trên đường Saemun. Hướng dẫn viên Yoo Hye-seung cho biết: “Hãy để ý đến con phố ở phía trước đằng kia. Đường có 8 làn xe chạy đó được gọi là đường Saemun. Trước đây, nó được gọi là Sinmunno (Tân Môn Lộ), nhưng từ năm 2007 được đổi thành tên gọi thuần Hàn là Saemun. Đường này dài khoảng 1,1 km, từ phía ga Seodaemun đến quảng trường Gwanghwamun. Con đường này được chia thành đường Saemunan nghĩa là đường trong và đường Saemunbak có nghĩa là đường ngoài của cửa mới. Có thể hiểu đường Saemun là khu vực tính toàn bộ các con đường này, gộp lại với đường cung Gyeonghui và đường Jeongdong.”

[Gian tư liệu Lịch sử Nhà thờ Saemunan và Bảo tàng Lịch sử Đội Cứu tế]

Sau khi đã xác định được các vị trí trên đường Saemun, du khách bắt đầu chuyến tham quan bảo tàng. Chương trình bắt đầu từ Gian tư liệu Lịch sử Nhà thờ Saemunan, nằm cách khoảng 3 phút đi bộ từ Bảo tàng Lịch sử Seoul về phía ga tàu điện ngầm Gwanghwamun. Năm nay kỷ niệm 123 năm thành lập Nhà thờ Tin lành Saemunan. Nhà thờ này bắt đầu xuất hiện từ những buổi cầu nguyện đầu tiên của giáo sĩ truyền đạo người Mỹ Horace Underwood tại thư phòng của ông vào ngày 27 tháng 9 năm 1887. Đây được gọi là “nhà thờ mẹ”, một tổ chức giáo hội Tin lành đầu tiên của Hàn Quốc. Tại Gian tư liệu Lịch sử Nhà thờ Saemunan, mọi người có thể biết được về mọi thứ liên quan đến lịch sử nhà thờ của Hàn Quốc.
Nếu đã tham quan nhà thờ Saemunan thì không thể không ghé qua Bảo tàng Lịch sử Đội Cứu tế, một tổ chức của Đạo Tin lành. Tòa nhà bảo tàng này được xây dựng từ năm 1928, lúc bấy giờ là 1 trong 10 kiến trúc kiểu phương Tây lớn nhất của thủ đô Seoul. Chính vì vậy mà tòa nhà được được công nhận là vật kỷ niệm số 20 của thành phố Seoul vào năm 2003 và bảo tàng được mở cửa vào năm 2004. Tại đây, du khách được tham quan văn phòng truyền đạo đầu tiên của vị chức sắc Huh Ga-du, người đặt nền móng cho Đội Cứu tế của Hàn Quốc. Đồng thời mọi người cũng được tìm hiểu về thời kỳ đầu hoạt động của tổ chức này vào những năm 1930. Hướng dẫn viên Kim Hee-sook của bảo tàng giải thích thêm: “Bảo tàng Lịch sử Đội Cứu tế là nơi thu thập và lưu giữ các tư liệu lịch sử về Đội Cứu tế giai đoạn đầu của Hàn Quốc. Năm 1908, tổ chức này đã vào Hàn Quốc và hiện ở đây chúng tôi có đủ thông tin về lịch sử hoạt động của tổ chức này. Đối với các tín đồ của đạo Tin lành, họ sẽ được tiếp cận với những hình ảnh về giai đoạn đầu truyền đạo, hiểu về hoàn cảnh khó khăn của đất nước khi đó. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày về cuộc sống thời kỳ chiến tranh Triều Tiên hay giai đoạn Nhật thuộc. Nơi đây có các bức ảnh và tư liệu về hoạt động của mục sư, nhà truyền đạo và công việc cứu tế của họ.”

[Bảo tàng Lịch sử Trường học Baejae và Bảo tàng Báo chí]

Ngoài nhà thờ Saemunan và Bảo tàng Lịch sử Đội Cứu tế, Bảo tàng Lịch sử Trường học Baejae cũng có lịch sử hơn 100 năm thành lập. Từ Bảo tàng Lịch sử Seoul, đi sang phía đối diện chúng ta sẽ thấy xuất hiện một con đường cổ kính có tên gọi là đường Jeongdong. Theo con đường này, du khách sẽ gặp một tòa nhà cổ kính 3 tầng xây bằng gạch đỏ, nằm trên một quả đồi thấp. Đây chính là trường học Baejae xưa và du khách đang được nghe những lời giới thiệu về trường học này: “Năm 1885, nhà truyền đạo của Hội Giám Lý, giáo phái của Đạo Tin lành là Henry Appenzeller đã xây dựng nên trường này và được vua Cao Tông ban cho tên là Baejae (Bồi Tài) với ý nghĩa là đào tạo ra nhân tài. Trường học này truyền bá tình yêu và chân lý của đạo Cơ Đốc, đem lại cơ hội học tập cho nhiều người, mở cửa cho toàn dân thời Joseon tới học, không phân biệt địa vị, tuổi tác. Điều này thể hiện ý nghĩa tự do, bình đẳng, bởi người dân thời Joseon vốn bị phân biệt về giai cấp và giới tính ngay từ cách ăn mặc chứ chưa kể tới việc học hành.”
Trường học Baejae do nhà truyền đạo người Mỹ Henry Appenzeller dựng nên, là cơ sở đào tạo cận đại theo kiểu phương Tây đầu tiên tại Hàn Quốc. Đây chính là tiền thân của trường phổ thông trung học Baejae và trường đại học Baejae hiện nằm ở phường Godeok, phía Đông Seoul. Kiến trúc của trường vẫn còn nguyên như thủa đầu mới được xây dựng vào năm 1916. Hướng dẫn viên ở đây cho biết: “Trường học Baejae được xây dựng năm 1885, tới nay đã được 125 năm và Bảo tàng Trường học Baejae là nơi trưng bày lịch sử của trường học này cũng như lịch sử cận hiện đại của Hàn Quốc. Đây là cơ sở giáo dục cận đại đầu tiên tại Hàn Quốc. Đồng thời, trường học này được thành lập bởi các nhà giáo dục và nhà truyền đạo cho nên du khách có thể khám phá về lịch sử Đạo Tin lành Hàn Quốc tại đây. Du khách cũng có thể mặc đồng phục, ngồi trong phòng học có đầy đủ bảng, bàn ghế và xem đoạn video quảng cáo để trải nghiệm cảm giác thủa học trò xưa. Địa chỉ của bảo tàng này là Số 5 khu 34 đường Jeongdong.”
Những tờ báo là điều không thể thiếu khi nói đến lịch sử cận hiện đại của Hàn Quốc. Tuần báo Hanseong, tờ báo thời cận đại đầu tiên của Hàn Quốc đã ra số thứ nhất vào năm 1883. Thông qua báo chí, văn minh của phương Tây và tình hình thế giới đã đến được với người dân Hàn Quốc và họ bắt đầu được khai sáng từ đây. Bên cạnh đó, báo cũng đóng vai trò chống lại sự xâm lược của các thế lực bên ngoài. Và nếu muốn biết về lịch sử báo chí Hàn Quốc, hãy đến Bảo tàng Báo chí. Bảo tàng này hiện đặt tại tầng 3 và 4 của Trung tâm truyền thông Donga, gần Quảng trường Gwanghwamun, đoạn bắt đầu vào đường Saemun. Hướng dẫn viên Yoo Hye-seung giới thiệu: “Bảo tàng báo chí ở đây mở cửa vào năm 2000. Đây là bảo tàng đầu tiên và duy nhất tại Hàn Quốc chỉ trưng bày về báo chí. Trên thế giới cũng chỉ có mấy nơi có bảo tàng như thế này. Được biết, nguyên Chủ tịch báo Donga Ilbo là Kim Sang-man đã sưu tầm và lưu giữ các tài liệu và hiện vật liên quan đến tờ báo của mình từ sau ngày giải phóng và nhờ vậy đã xây dựng nên bảo tàng này.”
Bảo tàng Báo chí là nơi giới thiệu về lịch sử phát triển của ngành xuất bản báo chí Hàn Quốc, đồng thời có trưng bày hơn 80 loại báo của thế giới. Và địa điểm nổi tiếng nhất ở đây chính là gian trải nghiệm, nơi du khách có thể làm ra những trang báo cho riêng mình. Trong 12 loại phông ảnh, bạn có thể chọn lấy cảnh nền ưng ý nhất, sau đó tự lấy bức ảnh của mình ghép với khung cảnh nền đã chọn để đưa vào trang báo. Chỉ cần tự tay viết lời bình ở phía dưới và in ra là đã hoàn thành được một bài báo có ảnh và câu chuyện về mình. Nhiều du khách đã cho biết cảm tưởng sau khi tham gia chương trình trải nghiệm tại đây: “Tôi chọn cảnh hồ nước Cheonji ở núi Baekdu. Con tôi viết một bài có nội dung tưởng tượng là vừa đi hồ Cheonji ở núi Baekdu về. Tuy chưa bao giờ được đến đó nhưng cháu viết bài như đã được đi vậy.”; “Tôi đã chụp ảnh với suối Cheonggye. Thật là thú vị. Đây là một chương trình trải nghiệm mới lạ. Hôm nay tôi cảm thấy quan tâm hơn tới báo chí Hàn Quốc. Tôi thường chỉ xem tin tức thời sự trên ti-vi và không xem báo mấy, nhưng lần này được đọc báo, tôi thấy có rất nhiều điều mới. Tôi phải học thêm nhiều kiến thức thông qua báo chí. Tuy vẫn chưa định hướng được tương lai cho mình, nhưng tôi mong ước trở thành người xuất chúng, được đăng lên trang nhất của một tờ báo.”; “Rất hay! Trước đây tôi đã nhiều lần qua đây nhưng hôm nay đi cùng bọn trẻ mới thấy có nhiều điều mới lạ, còn chưa biết. Bọn trẻ cũng học được nhiều hơn, cảm thấy hiếu kỳ hơn, giống như được đến với một đảo báu vật vậy.”

[Bảo tàng Nông nghiệp]

Nếu như bạn yêu thích lịch sử và muốn trải nghiệm văn hóa truyền thống, hãy đến với Bảo tàng Nông nghiệp nằm ở phía ga Seodaemun trên đường Saemun. Bảo tàng bắt đầu mở cửa từ năm 1987 và là nơi chúng ta có thể cảm nhận được cuộc sống của người làm nông nghiệp xưa. Hướng dẫn viên tại bảo tàng giải thích: “Đây là bảo tàng Nông nghiệp, mở cửa từ năm 1987. Để gây được hứng thú cho các em nhỏ, bảo tàng đã cải tạo và mở cửa lại vào năm 2005, đưa vào các trang thiết bị hiện đại với những khái niệm mới lạ. Tầng 1, tầng 2 và tầng 1 của tầng hầm là nơi trưng bày về tổ chức hợp tác nông nghiệp Nonghyup cùng với các chương trình trải nghiệm thực tế. Mọi người hãy tham quan thoải mái, 20 phút nữa chúng ta sẽ gặp ở trước cửa bảo tàng...”
Thế giới đang được số hóa nhanh chóng, nhưng ngành nông nghiệp thì vẫn cần đến bàn tay con người. Nếu bạn không có lòng nhiệt tình thì chắc chắn cây cối sẽ không thể đơm hoa kết trái và sẽ chẳng có vụ mùa bội thu. Từng là một quốc gia nông nghiệp, Hàn Quốc có rất nhiều di sản nông nghiệp quý báu để lại cho thế hệ mai sau. Sau khi tham quan bảo tàng Nông nghiệp người dân mới càng cảm thấy coi trọng những giá trị này: “Tôi thấy thực sự biết ơn người nông dân. Đến đây tôi mới biết Hàn Quốc có nhiều thứ như canh tác ruộng vườn, trồng lúa gạo, rất đáng tự hào. Có nhiều nông cụ truyền thống rất hay. Trong cuộc sống nhà nông, mọi người quy tụ về chợ, trao đổi mua bán, và có các lễ hội như chọi bò v.v... đúng là có rất nhiều thứ để giới thiệu.”

Đường Saemun chỉ hơn 1 km, đi bộ chưa đầy 15 phút, thế nhưng khi đã biết đến những câu chuyện ở đây thì quả thực khó có thể bỏ qua chốn này. Đúng như triết gia người Đức Friedrich Wilhelm Nietzsche đã nói "Những thứ quan trọng nhất đều nằm trên con đường", những dấu ấn quan trọng của lịch sử cận hiện đại của Hàn Quốc cũng đang ở ngay chính trên con đường Saemun này.

Lựa chọn của ban biên tập