Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Cung Deoksu, cung điện thời kỳ Đại Hàn Đế Quốc

2010-11-16

Cung Deoksu, cung điện thời kỳ Đại Hàn Đế Quốc

Chúng ta đang đến với lễ đổi gác của Thủ môn quân, đội quân canh giữ cung điện xưa trước cửa Daehanmun (Đại Hán Môn) của cung Deoksu (Đức Thọ). Buổi lễ được tiến hành để du khách hình dung được đội Thủ môn quân đã ngày xưa đã đổi gác như thế nào. Tiếng trống vang lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu và điều thú vị là việc đánh trống này được dành cho một vị khách. Khi tiếng trống cất lên, nghi lễ đổi gác được mở màn với Thủ môn tướng, tướng trấn giữ cung điện oai nghiêm, bệ vệ dẫn đầu, theo sau là quân cầm cờ, quân canh và quân nhạc. Trình tự trông đơn giản nhưng được thực hiện nghiêm trang theo đúng nghi lễ trong cung đình xưa, cho thấy nét đặc trưng của xã hội phong kiến triều Joseon.

[Cung Deoksu]

Cung điện thời kỳ Joseon là biểu tượng quyền lực của nhà vua và vị thế của triều đình. Vì thế, khi muốn đề cao uy quyền của vua, điều đầu tiên là phải chỉnh đốn lại cung điện. Đây cũng chính là lý do vì sao mà dưới triều vua Gojong (Cao Tông), cha của vua là Heungseon Daewongun (Hưng Tuyên Đại Viện Quân) đã cho trùng tu lại cung Gyeongbok. Tóm lại, có thể nói hình dáng và quy mô cung điện của một thời đại chính là sự thể hiện sức mạnh của vua chúa trong thời đại đó. Nếu thăm hết được 5 cung điện ở Seoul là cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), Changgyeong (Xương Khánh), Changdeok (Xương Đức), Gyeonghui (Khánh Hi) và Deoksu (Đức Thọ), chúng ta sẽ hiểu được lịch sử phát triển cung điện của các triều đại ở Hàn Quốc. Quy mô của cung Deoksu mà chúng ta tham quan hôm nay đã bị thu hẹp nhiều bởi sự sụp đổ của triều đại Joseon. Cung điện này ghi dấu những bước thăng trầm của lịch sử cận đại Hàn Quốc.
Xuống ga tàu điện ngầm Tòa thị chính, ga giao cắt giữa tuyến tàu số 1 và số 2 tại Seoul, sau đó theo hướng đi về cung Deoksu, chúng ta sẽ thấy hiện ra trước mắt là cửa Daehanmun (Đại Hán Môn), cửa ra vào chính của cung điện. Thực tế, theo lịch sử thì đây vốn không phải cửa chính, Trưởng phòng hướng dẫn cung Deoksu Lee Sang-hee cho biết: “Về nguyên tắc, cửa chính của cung điện phải nằm ở hướng Nam. Ở cung Deoksu cũng vậy, cửa chính vốn là cửa Inhwa (Nhân hóa môn) nằm ở phía Nam. Thế rồi đàn tế Hwangu (Hoàn Khâu đàn) được xây dựng, nên trung tâm của cung điện chuyển từ phía Nam sang phía Đông. Vì thế, vào thời Joseon giai đoạn Đại Hàn Đế Quốc, thì cửa Daehan (Đại Hán Môn) được chọn làm mặt chính và trước đó một con đường đã được xây dựng. Cửa chính của cung Deoksu đã được chuyển sang phía Đông như vậy.”
Cửa cung có tên gọi cũ là Daeanmun (Đại An Môn), có chữ "An" nghĩa là "an nhàn, thoải mái", nhưng đến năm 1904, sau khi cung Deoksu bị cháy, nó đã được đổi thành Daehanmun, "Đại Hán Môn" với ý nghĩa là "cửa mở lên trời". Cung Deoksu nhỏ nhất trong số 5 cung điện ở Seoul. Đây vốn không phải là cung điện chính, chỉ là hành cung, nơi vua nghỉ chân tạm thời. Hướng dẫn viên về di sản văn hóa Hwang Eun-suk giải thích: “Cung Deoksu ban đầu vốn không phải nơi được xây làm cung. Năm 1592, thời điểm Nhật Bản xâm lược, vua Seonjo (Tuyên Tổ) phải lánh nạn về Uiju. Khi ông quay trở lại, cung chính là Gyeongbok, hay các hành cung, biệt cung như cung Changdeok đều bị tàn phá. Vì thế vua không có chỗ ở và phải tạm thời dùng cung Deoksu này. Đây vốn là tư gia của con cháu Wolsan Daegun (Nguyệt San Đại Quân), anh của vua Seongjong (Thành Tông) triều Joseon xưa kia. Sau khi cung Changdeok được khôi phục thì vua chuyển về đó, vì thế sau, trong suốt 274 năm cung Deoksu không có người ở.”

[Thời kỳ Đại Hàn Đế Quốc]

Bị bỏ trống hoàn toàn trong suốt 274 năm, vậy điều gì đã khiến cho cung Deoksu có được vị trí quan trọng trong lịch sử cận đại của Hàn Quốc? Để tìm hiểu câu trả lời, chúng ta hãy cùng quay lại thời điểm năm 1897. Năm 1895, nơi đây đã xảy ra một sự kiện bi thương trong lịch sử Hàn Quốc. Hoàng hậu của một đất nước có chủ quyền bị người nước ngoài sát hại ngay chính trong cung điện của mình. Sau khi hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành) bị thực dân Nhật giết chết, vua Gojong (Cao Tông) cảm thấy tính mạng mình bị đe dọa, đã lánh nạn vào tòa công sứ Nga và bắt tay với người Nga. Hướng dẫn viên Hwang Eun-suk kể: “Sau khi ở Tòa công sứ Nga khoảng 1 năm, vua chuyển về cung Deoksu. Lúc bấy giờ đường Jeongdong, nơi có cung Deoksu chính là địa điểm tập trung nhiều trụ sở nước ngoài và nơi ở của các giáo sĩ truyền đạo. Do là nơi có các tòa công sứ của Anh, Đức, Pháp, Nga nên được xem là nơi an toàn hơn và có thể kiềm chế được Nhật ở một chừng mực nào đó.”
Tháng 2 năm 1897, vua Gojong chuyển nơi ở về cung Deoksu và cũng tháng 10 năm đó, vua đặt quốc hiệu là Daehan (Đại Hàn), cử hành lễ lên ngôi hoàng đế tại đàn tế Hwangu (Hoàn Khâu đàn). Vua tuyên bố Joseon trở thành quốc gia có hoàng đế chứ không phải xưng vương như trước đây. Hướng dẫn viên Hwang Eun-suk tiếp tục kể: “Hiện nay qua quảng trường Seoul chúng ta sẽ thấy có khách sạn Westin Chosun. Ngay bên cạnh khách sạn này chính là kiến trúc có tên gọi là Hwanggungu (Hoàng Khung Vũ). Nơi tổ chức lễ lên ngôi của vua Gojong (Cao Tông) nằm ở ngay bên cạnh chỗ này, lúc bấy giờ là vọng gác của đàn tế Hwangu (Hoàn Khâu). Ghi chép còn lại cho thấy, lễ lên ngôi hoàng đế rất hoành tráng, biểu thị ý nghĩa Joseon là một đất nước độc lập, không còn là thuộc quốc của Nhật Bản hay Trung Quốc nữa. Đối với người Nhật thì đây là địa điểm không mấy hay ho gì, nên họ đã phá bỏ một phần và xây khách sạn ở đó. Khách sạn Đường sắt Joseon (Triều Tiên) được dựng lên và sau này đổi tên thành khách sạn Chosun, rồi Westin Chosun như hiện nay. Ngày nay, kiến trúc lầu bát giác 3 tầng Hoàng Khung Vũ vẫn gợi nhắc chúng ta về thời điểm đó.”
Như vậy, cung Deoksu được xem là một địa danh lịch sử mở ra kỷ nguyên đế chế Hàn Quốc. Tuy nhiên, năm 1905, với việc ký kết Điều ước Ất Tị, quyền ngoại giao của Joseon thời Đại Hàn Đế Quốc đã bị tước bỏ. 2 năm sau, hoàng đế Gojong bí mật cử đại sứ tới La Hay, Hà Lan để thông báo cho phương Tây về tình cảnh bi đát này. Biết được ý đồ đó, thực dân Nhật đã ép vua Gojong thoái vị. Năm 1910, đất nước đã mất vào tay Nhật Bản và cung Deoksu cũng bị sụp đổ. Hướng dẫn viên Hwang Eun-suk nói: “Cung Deoksu lúc bấy giờ rộng gấp 3 lần hiện nay. Số căn nhà, lầu gác cũng nhiều hơn gấp 10 lần. Phải nói là cung điện có quy mô lớn hơn bây giờ nhiều. Sau khi Joseon bị sáp nhập vào Nhật Bản năm 1910, khu đất phía sau cung điện bị Nhật bán đi mất. Khoảng phía trước là Daehanmun (Đại Hán Môn), có con đường chạy qua là Taepyeongro (Thái Bình Lộ), đường cứ lấn dần vào phía trong, làm cho cung điện nhỏ lại chỉ còn bằng 1/3 ngày trước.”

[Điện Junghwa (Trung Hòa Điện) và Seokjojeon (Thạch tạo điện)]

Từ cổng chính, Tour tham quan cung Deoksu được bắt đầu từ điện Junghwa (Trung Hòa Điện). Qua cửa Daehanmun, du khách sẽ bước qua một chiếc cầu đá nhỏ gọi là Geumcheongyo (Cẩm Xuyên Kiều), sau đó qua cửa Junghwa (Trung Hòa Môn) để vào điện Junghwa. Cầu đá Geumcheongyo thường được xây tại lối vào của tất cả 5 cung điện lớn ở Seoul. Nó mang ý nghĩa là để tẩy rửa cho thể xác và tâm hồn trong sạch.
Điện Junghwa là điện chính của cung Deoksu, nơi hoàng đế Gojong lên ngôi và tiến hành các nghi lễ quan trọng của quốc gia như thiết triều, hội họp cùng quần thần, hay tiếp đón các sứ thần nước ngoài. Đây được xem là trái tim của nhà nước Đại Hàn Đế Quốc. Lee Sang-hee, Trưởng phòng hướng dẫn cung Deoksu giải thích: “Năm 1902 hoàng đế Gojong đã xây dựng nên điện này. Năm 1904, nó gặp hỏa hoạn và đã bị cháy hoàn toàn. Năm 1906, điện được xây lại, từ chỗ có 2 tầng, được rút xuống chỉ còn 1 tầng như hiện nay. Có thể nói, vua Gojong cho xây kiến trúc này theo kiểu truyền thống là để củng cố lại nhà nước Đại Hàn Đế Quốc và thể hiện sức mạnh của mình.”
Điện Junghwa mở cửa vào mỗi thứ Bảy hàng tuần, từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Điều gây sự chú ý đặc biệt của mọi người ở nơi đây chính là chiếc ngai vàng. Ngai vua có mái che bên trên giống như hình một chiếc mái nhà, với một cặp rồng màu vàng để tượng trưng cho uy quyền của hoàng đế.
Ra khỏi điện Junghwa, chúng ta sẽ thấy bên cạnh có một tòa nhà bằng đá cao 3 tầng. Đây chính là Seokjojeon (Thạch tạo điện), nơi làm việc của hoàng đế Gojong. Trưởng phòng hướng dẫn cung Deoksu Lee Sang-hee giải thích: “Điện đá này thể hiện quyết tâm hiện đại hóa đất nước của hoàng đế Gojong. Lúc bấy giờ, nơi đây được sử dụng làm nơi tiếp kiến quần thần và khách khứa của hoàng đế. Điện đá được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Anh tên là G. R. Harding và hoàn thành vào năm 1910. Công trình này cho thấy Hoàng đế Gojong một mặt tăng cường quyền lực của nhà vua và một mặt vẫn theo đuổi cải cách nhà nước Đại Hàn Đế Quốc. Lúc bấy giờ không ở đâu có nhà làm bằng đá cả. Đối với dân thường, đây có lẽ là một kiến trúc bằng đá ấn tượng, hơn nữa lại được làm theo kiểu phương Tây vốn chưa từng có trước đó. Điện đá đặc biệt ở chỗ biểu trưng cho ước muốn hiện đại hóa của hoàng đế Gojong.”
Tầng 1 của tòa nhà là nơi các hoạn quan và cung nữ tập trung đợi lệnh, tầng 2 là nơi làm việc và tầng 3 là không gian nghỉ ngơi của hoàng đế. Năm 1919, khi vua Gojong qua đời, thực dân Nhật đã mở cửa, biến nơi này thành một công viên, hạ thấp uy quyền của nhà vua triều đại Joseon.

[Jeukjodang (Tức Tộ Đường), Junmyeongdang (Tuấn Minh Đường) và Seokeodang (Tích Ngự Đường)]

Bên cạnh điện đá Seokjojeon là các cung điện và lầu gác truyền thống, hoàn toàn đối lập với vẻ phương Tây của Seokjojeon. Thoạt trông đây như 1 tòa kiến trúc truyền thống, song thực tế nó lại là 2 công trình riêng biệt. Đó chính là Jeukjodang (Tức Tộ Đường), nơi Gwanghaegun (Quang Hải Quân) vị vua đời thứ 15 của triều Joseon lên ngôi và Junmyeongdang (Tuấn Minh Đường), nơi nuôi dạy Deokhyeongju (Đức Huệ Ông Chủ), con gái duy nhất của vua Gojong sinh ra tại cung Deoksu.
Cạnh Jeukjodang và Junmyeongdang là Seokeodang (Tích Ngự Đường). Đây là tòa nhà có tầng lửng duy nhất còn lại ở cung Deoksu. Trông trang nhã, không trang trí mái hiên rực rỡ theo kiểu Dancheong truyền thống, địa điểm này từng là nơi ở tạm thời của vua Seonjo (Tuyên Tổ) khi Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Hàn Quốc vào năm Nhâm Thìn, 1592. Hướng dẫn viên Hwang Eun-suk giới thiệu: “Seokeodang (Tích Ngự Đường) mang ý nghĩa là nơi vua ở ngày xưa. Đó là vị vua đời thứ 14 của Joseon là Seonjo (Tuyên Tổ). Đây là địa điểm vua trở về sinh sống sau khi lánh nạn ở Uiju (Nghĩa Châu) và cũng là nơi vua qua đời. Khác với các tòa nhà khác, tòa nhà mộc 2 tầng này không trang trí mái hiên nhiều màu sắc theo kiểu Dancheong. Lý do có lẽ là vì khi đó đất nước đang trải qua thời kỳ gian khó bởi chiến tranh.”

[Hamnyeongjeon (Hàm Ninh Điện), Deokhongjeon (Đức Hoằng Điện) và Jeonggwanheon (Tĩnh Quan Hiên)]

Tiếp theo chúng ta hãy cùng đến với Hamnyeongjeon (Hàm Ninh Điện) nơi vua Gojong sống cuối đời. Đây là phòng ngủ của vua và là nơi vua qua đời ở tuổi 68 vào năm 1919. Cạnh đó là Deokhongjeon (Đức Hoằng Điện). Trước khi được sử dụng làm nơi tiếp khách, tòa điện này là nơi thờ hoàng hậu Myeongseong và được gọi là Gyeonghyojeon (Cảnh Hiếu Điện), cho thấy nỗi lòng luôn nhớ về hoàng hậu của hoàng đế Gojong.
Trước khi rời cung Deoksu, địa điểm cuối cùng du khách ghé qua là Jeonggwanheon (Tĩnh Quan Hiên). Đây là không gian mở tiệc trà hay yến tiệc thời kỳ Đại Hàn Đế Quốc, thay thế cho những tòa đình trong vườn của cung điện truyền thống. Năm 1900, kiến trúc sư người Nga Aleksey Seredin-Sabatin đã thiết kế nên công trình này, kết hợp hài hòa phong cách truyền thống của Hàn Quốc và của phương Tây. Có thể xem Jeonggwanheon là kiến trúc cận đại lâu đời nhất trong cung Deoksu. Tòa nhà có hình dáng rất sặc sỡ và độc đáo, phần ban công ở chính diện và hai bên được trang trí bằng kim loại với màu vàng óng rực rỡ, tường xây đa dạng bằng các loại gạch đỏ và xám. Và đặc biệt, có một tấm bảng giới thiệu, cho biết vua Gojong từng ngồi thưởng thức cà phê tại đây.

Cung Deoksu lưu giữ nguyên vẹn lịch sử của Đại Hàn Đế Quốc, mở ra thời kỳ quốc gia có hoàng đế và đồng thời cũng là nơi chứng kiến nỗi nhục mất nước vào tay thực dân Nhật. Dù nhỏ và đơn giản nhất trong số 5 cung điện ở Seoul, song cung Deoksu lại chứa đựng khát vọng xây dựng Joseon thành một quốc gia cận đại của hoàng đế Gojong. Đó chính là lý do khiến chúng ta nên đến với những con đường, khoảng sân hay tòa nhà trong cung điện này.

Lựa chọn của ban biên tập