Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Chuyến du lịch tiền tệ ngược dòng thời gian ở Bảo tàng tài chính tiền tệ Hàn Quốc

2011-07-05

Chuyến du lịch tiền tệ ngược dòng thời gian ở Bảo tàng tài chính tiền tệ Hàn Quốc
Nói đến khu mua sắm số 1 trong lòng thành phố Seoul, người ta thường nghĩ đến Myeongdong, nơi tập trung rất nhiều các bách hóa, siêu thị nổi tiếng cùng với hàng dài các cửa hàng từ quần áo, mỹ phẩm đến đồ ăn. Đặc biệt, gần khu mua sắm Myeongdong còn có chợ Namdaemun bày bán rất nhiều các loại hàng hóa đa dạng. Có thể coi khu vực này là thiên đường mua sắm của Seoul. Vậy, Myeongdong có phải chỉ dành riêng cho mua sắm hay không? Không chỉ là khu mua sắm nổi tiếng, Myeongdong còn có nhiều địa danh du lịch ẩn chứa biết bao câu chuyện lịch sử. Và hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến thăm một trong những địa danh như thế. Đó chính là Bảo tàng tài chính tiền tệ Hàn Quốc được xây dựng trong một tòa nhà đã có lịch sử hơn 100 năm. Đây là nơi khởi nguồn của lịch sử tiền tệ và cũng là nơi lưu giữ tất cả thông tin về tiền tệ của Hàn Quốc cũng như các nước trên thế giới.

[Giới thiệu về Bảo tàng tài chính tiền tệ Hàn Quốc]

Xuống ở ga Hoehyeon, tuyến tàu điện ngầm số 4 hoặc ga Euljiroipgu, tuyến tàu điện ngầm số 2 của Seoul rồi đi bộ khoảng 5 phút là bạn có thể tới Bảo tàng tài chính tiền tệ trực thuộc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc. Bảo tàng nằm ở mặt đường lớn, đối diện với chợ Namdaemun. Du khách có thể dễ dàng nhận thấy một tòa nhà bằng đá hoa cương màu xám bạc, khác hẳn với những tòa nhà hiện đại quanh khu vực Myeongdong. Được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Phục hưng, nếu nhìn từ trên xuống tòa nhà giống như dấu thăng, còn nếu nhìn chính diện với trọng tâm là cửa ra vào thì tòa nhà này lại mang hình đối xứng. Cửa ra vào có mái hiên bằng và các trụ đỡ tròn hình khối. Phó phòng Yun Young-shik của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết : "Bảo tàng được xây dựng vào năm 1912. Ngày xưa, nơi đây được sử dụng làm trụ sở chính của Ngân hàng Joseon. Và sau này tòa nhà đã được chỉ định là khu di tích lịch sử số 280. Tòa nhà này đã bị cháy trong cuộc chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950. Sau đó, nó được xây dựng lại và trở thành văn phòng trụ sở chính của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc. Đến năm 2001, tòa nhà được cải tạo thành bảo tàng và hoạt động cho tới bây giờ".

Bảo tàng tài chính tiền tệ Hàn Quốc bắt đầu mở cửa đón khách tham quan từ tháng 6 năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ngân hàng trung ương Hàn Quốc. Hiện nay, có khoảng 18.000 loại tiền tệ trong và ngoài nước đang được trưng bày ở đây. Bảo tàng sẽ giúp bạn giải đáp tất cả những thắc mắc liên quan đến tiền tệ của Hàn Quốc và các quốc gia trên thế giới.

[Chiêm ngưỡng những đồng tiền cổ của Hàn Quốc]

Bước vào trong cửa chính, các bạn sẽ thấy phòng trưng bày tiền tệ ở tầng 1 có tên gọi “quảng trường tiền tệ” với sàn nhà gỗ và trần thạch cao. Điều đầu tiên thu hút sự chú ý của du khách ở gian phòng này là hình kim tự tháp trong suốt đặt dưới trụ tròn ở chính giữa. Hướng dẫn viên Kim Yu-mi giải thích : "Đến với quảng trường tiền tệ, du khách có thể chiêm ngưỡng những đồng tiền cổ và đồng tiền kỷ niệm của Hàn Quốc cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Bên trong kim tự tháp trong suốt là 6 loại tiền xu chính của Hàn Quốc, bao gồm cả loại tiền xu 1 won và 5 won hiện nay không còn sử dụng nữa. Tất cả những đồng tiền xu này trị giá 700 nghìn won, tương đương với 640 đô-la".

Chương trình tham quan Bảo tàng tài chính tiền tệ thường bắt đầu từ các hiện vật tiền cổ của Hàn Quốc được trưng bày theo từng niên đại bên cạnh công trình kiến trúc hình tròn ở giữa gian trưng bày. Đồng tiền cổ đầu tiên du khách ngắm nhìn là tiền cổ hình tròn lỗ vuông của các vương quốc cổ trên bán đảo Hàn Quốc. Hướng dẫn viên Kim Yu-mi cho biết : "Đồng tiền các bạn đang nhìn thấy ở đây là tiền cổ của thời đại Goryeo và đây là đồng tiền đầu tiên của Hàn Quốc “Geonwonjungbo (Càn nguyên trọng bảo)”. Vốn dĩ tiền cổ này có tên gọi khá dài là “Geongwonjungbo Baedonggukjeon (Càn nguyên trọng bảo bối đông quốc)”. Vì đồng tiền này được làm mô phỏng theo tiền Trung Quốc nên được đặt tên là “Càn nguyên trọng bảo” và người ta đã đặt thêm từ “bối đông quốc” để tạo sự khác biệt với tiền Trung Quốc".

Cách đây hơn 1000 năm, vào thời đại Goryeo, giao thương với nước ngoài rất phát triển và kéo theo đó là sự xuất hiện của tiền kim loại. Khởi đầu từ tiền cổ “Càn nguyên trọng bảo bối đông quốc”, Goryeo đã cho phát hành tiền “Dongguktongbo (Đông quốc thông bảo)” làm từ miếng bạc cắt nhỏ hoặc các bình bạc. Đến thời đại Joseon, tiền giấy đầu tiên của Hàn Quốc, có tên gọi “Joehwa (Chử hóa)” đã được đưa vào sử dụng cùng với tiền đúc cổ “Joseontongbo (Triều Tiên thông bảo)” và “Sipjeontongbo (Thập tiền thông bảo)”. Bên cạnh đó, có một đồng tiền khắc hình hoa và hoa quả đã thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Hướng dẫn viên Kim Yu-mi giải thích : "Ở thời đại Joseon cũng có một loại tiền kỷ niệm mang tên “Byeoljeon (Biệt tiền)” có nghĩa là tiền đẹp. Đồng tiền ở giữa được gọi là “Yeolsoepae” thường được mẹ cô dâu đưa cho con để treo ở trong phòng ngủ nhằm xua đuổi tà ma và mang lại may mắn".

Sau khi tìm hiểu và ngắm nhìn các đồng tiền cổ Hàn Quốc theo chiều dài lịch sử từ thời đại Goryeo, Joseon đến thời cận hiện đại như Đế Quốc Đại Hàn, thời kỳ thống trị của thực dân Nhật và thời kỳ đấu tranh giành độc lập cho đến ngày nay, bây giờ là lúc du khách đến với các đồng tiền cổ của thế giới nằm ở phía bên phải cửa chính của phòng trưng bày. Đây là nơi trưng bày tiền cổ của Trung Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, châu Phi và châu Đại Đương. Hướng dẫn viên Kim Yu-mi cho biết : "Đồng tiền đầu tiên các bạn thấy là tiền “Bán lạng” của nhà Tần, Trung Quốc. Tiền “Bán lạng” hình tròn lỗ vuông được phát hành sau khi vua Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc và tiến hành cải cách tiền tệ. Đồng tiền này có ảnh hưởng lớn đến tiền tệ của các quốc gia Đông Nam Á trong suốt hơn 2000 năm. Đi vào phía bên trong, du khách có thể thấy tiền “Biệt tiền” của Trung Quốc và Nhật Bản, qua đó sẽ có được sự so sánh với tiền “Biệt tiền” của triều đại Joseon. Những đồng tiền kỷ niệm này đều có hoa văn độc đáo nhưng chúng lại có ý nghĩa rất khác nhau. “Biệt tiền” của Trung Quốc được làm dựa trên tư tưởng đạo gia hay tư tưởng lão tử trong khi “Biệt tiền” của Nhật Bản lại dựa trên tín ngưỡng hay mong muốn của cá nhân".

Tất cả những thông tin về vòng đời của tiền tệ được trưng bày ở phía sau phòng trưng bày ở tầng 1. Đến đây, du khách có thể hiểu hơn về nguyên liệu chế tạo, quá trình chế tạo và phương pháp chống làm tiền giả. Nước Úc và Mê-hi-cô đã sử dụng chất liệu polymer để in tiền trong khi các nước khác đều dùng những nguyên liệu khác nhau. Vậy còn Hàn Quốc đã sản xuất tiền bằng nguyên liệu nào : "Mọi người vẫn thường nghĩ rằng tiền được làm bằng giấy nhưng trên thực tế chúng lại được làm bằng sợi cotton. Sợi cotton chắc khỏe hơn giấy và tiền Hàn Quốc được làm hoàn toàn từ sợi cotton". Du khách có thể hiểu hơn về 15 đặc điểm chống làm giả tiền tệ của Hàn Quốc thông qua các thiết bị hình ảnh ở bên cạnh các vật trưng bày.

[Cùng đến thăm phòng trưng bày vàng thỏi]

Điểm dừng chân tiếp theo của chuyến tham quan ngày hôm nay là tầng gác nằm giữa phòng trưng bày tầng 1 và tầng 2. Khi bước vào tầng gác này sẽ mang đến cho du khách một cảm giác sáng chói vì ở đây là nơi trưng bày rất nhiều thỏi vàng. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu các câu chuyện đa dạng về vàng. Hướng dẫn viên Kim Yu-mi giải thích : "Tầng gác được chia thành 3 khu vực gồm phòng vàng tiền tệ, phòng tiền tệ quyên tặng và phòng thiết bị tiền tệ. Phòng vàng tiền tệ là nơi trưng bày vàng thỏi và vàng miếng theo tiêu chuẩn quốc tế. Một thỏi vàng có giá trị khoảng 600 triệu won, tương đương hơn 560 nghìn đô-la. Ngoài ra, ở đây còn trưng bày cả chiếc cân cỡ lớn để đo cân nặng của vàng thu được trong phong trào quyên góp vàng của người dân Hàn Quốc để khắc phục khủng hoảng tài chính năm 1997".

Ở phòng vàng tiền tệ trưng bày khoảng 10 thỏi vàng trị giá khoảng 5 triệu 600 nghìn đô-la. Tuy, quy mô trưng bày nhỏ nhưng đây là nơi trưng bày các vật có giá trị lớn nhất trong bảo tàng này. Bên cạnh phòng vàng tiền tệ là phòng thiết bị tiền tệ với các loại thiết bị đa dạng như máy đếm tiền, máy bó tiền và máy đóng gói tiền. Ngoài ra, du khách cũng có thể tận mắt thấy được quy trình tiền bỏ đi được tái sử dụng như thế nào : "Tiền bỏ đi sẽ được tái sử dụng làm chất giảm chấn trong ô tô hay vật tư làm sàn nhà. Một tấm vật liệu làm sàn thường tiêu tốn khoảng 43 triệu won (tương đương với 39 nghìn đô-la) loại tiền mệnh giá 10.000 won".

[Góc trải nghiệm đa dạng]

Bây giờ, chúng ta sẽ cùng đi lên phòng trưng bày ở tầng 2. Sau khi tìm hiểu về lịch sử tiền tệ và tất cả thông tin về vòng đời tiền tệ ở tầng 1 và tầng gác, tầng 2 sẽ là nơi du khách có được những trải nghiệm thực tế về tiền tệ. Tại không gian này có rất nhiều góc trải nghiệm đa dạng như đoán câu đố liên quan đến tiền, đóng dấu tiền xu, chà xát tiền xu của các nước trên thế giới, làm tiền xu hay làm tiền cho riêng mình.

Tại góc đóng dấu tiền xu, du khách có thể đóng thử nhiều loại tiền xu khác nhau như tiền cổ của nhà Tần Trung Quốc, tiền đồng của Đại Hàn Đế Quốc, đồng rúp của Mê-hi-cô hay đồng xu penni của Anh. Bây giờ, chúng tay hãy cùng đến góc trải nghiệm “Tôi cũng là nhân vật chính của tiền” để tạo nên những đồng tiền của riêng mình nhé. Góc trải nghiệm lần này là góc chà xát tiền xu. Sau khi đặt giấy lên đồng tiền và chà xát thật đều, bạn sẽ có được hoa văn của các đồng tiền trên khắp thế giới. Góc trải nghiệm này có tất cả các đồng tiền đang được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Du khách có thể lựa chọn đồng tiền mình yêu thích và chà xát hoa văn trên đó.

Trên tầng 2, ngoài góc trải nghiệm còn có cả phòng tiền tệ thế giới, nơi trưng bày các loại tiền được sử dụng ở các nước trên thế giới. Chiêm ngưỡng tiền của các nước mang đến cho du khách cảm giác như được tiếp cận với lịch sử thế giới. Có lẽ du khách sẽ mất khá nhiều thời gian để có thể thưởng thức những hình vẽ đa dạng trên các đồng tiền : "Trên bức tường trung tâm của phòng tiền tệ thế giới có rất nhiều hình ảnh đa dạng của tiền. Hình ảnh được sử dụng nhiều nhất trong số đó là hình ảnh chân dung nhân vật. Vì hình ảnh của một vĩ nhân được in trên tiền có thể nâng cao độ tin cậy đối với đồng tiền đó và vẽ hình nhân vật thường rất tỉ mỉ nên có thể tránh được việc làm giả. Đây là lý do vì sao hơn 70% các loại tiền tệ trên thế giới thường in hình chân dung trên đồng tiền của mình".

[Dừng chân tại không gian của những món quà lưu niệm ý nghĩa]

Điểm dừng chân cuối cùng trước khi du khách rời bước về nhà là cửa hàng bán đồ lưu niệm của bảo tàng với rất nhiều các loại tiền đồng kỷ niệm đa dạng. Những đồng tiền tranh mà bạn không thể tìm thấy trên thị trường sẽ là những món quà lưu niệm hết sức có ý nghĩa đối với chuyến thăm bảo tàng tài chính tiền tệ.

Chuyến tham quan Bảo tàng tài chính tiền tệ, nơi chứa đựng tất cả những thông tin về vòng đời của tiền tệ thường kéo dài 1 tiếng 30 phút. Tuy vậy, thời gian đã trôi qua thật nhanh với rất nhiều câu chuyện thú vị và những hoạt động trải nghiệm hấp dẫn. Sau khi được ngắm nhìn tiền vàng thỏa thích, không biết chừng vận may sẽ đến với bạn và mang đến cho bạn thật nhiều tiền. Hy vọng chuyến thăm Bảo tàng tài chính tiền tệ sẽ trở thành một kỷ niệm đáng nhớ đối với du khách.

Lựa chọn của ban biên tập