Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Hội trường tưởng niệm nghĩa sĩ Ahn Jung-geun

2011-08-16

Hội trường tưởng niệm nghĩa sĩ Ahn Jung-geun
30 du khách đang giành một phút mặc niệm trước bức tượng nghĩa sĩ Ahn Jung-geun, vị anh hùng đã lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc giúp Hàn Quốc thoát khỏi ách thống trị Nhật Bản. Địa điểm mà du khách đang đứng đây là hội trường tưởng niệm mang tên ông, tọa lạc tại công viên núi Namsan. Ahn Jung-geun đã giành trọn cuộc đời mình vì sự nghiệp giành lại độc lập, chủ quyền của đất nước, cho đến khi qua đời ở tuổi 32. Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Quốc khánh Hàn Quốc (15/8), hôm nay chúng ta hãy cùng ghé thăm Hội trường tưởng niệm nghĩa sĩ Ahn Jung-geun nhé!

[Vài nét về Hội trường tưởng niệm nghĩa sĩ Ahn Jung-geun]

Hội trường tưởng niệm nghĩa sĩ Ahn Jung-geun nằm ở phần đầu của con đường vành đai núi Namsan. Để đến đây, du khách có thể đi tuyến tàu điện ngầm số 3, xuống ga Chungmuro hoặc ga trường đại học Dongguk rồi bắt chiếc xe buýt màu vàng chạy theo tuyến đường vành đai núi Namsan. Xuống xe ở trạm Thư viện Namsan, du khách sẽ thấy phía sau có một quảng trường mang tên Baekbeom, và đây cũng chính là nơi tọa lạc của Hội trường tưởng niệm nghĩa sĩ Ahn Jung-geun. Tòa nhà bắt đầu được xây dựng vào năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày mất của ông, và chính thức mở cửa chào đón du khách từ ngày 26/10 năm ngoái. Cô Jeong Da-hye cho biết : "Hội trường tưởng niệm vốn dĩ đã được xây dựng vào năm 1970. Nhưng do quá cũ kỹ và chật hẹp nên đã được xây mới và khánh thành vào ngày 26/10/2010, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Ahn Jung-geun. Nhà tưởng niệm có tổng cộng 3 phòng trưng bày. Phòng số 1 ở tầng trệt, phòng số 2 ở tầng 1 và phòng số 3 ở tầng 2. Ngoài ra, ở đây còn có phòng trưng bày đặc biệt, nơi trưng bày những bút tích ông viết trong nhà giam, và một phòng trải nghiệm với những chương trình tương tác thú vị. Một điểm độc đáo mà du khách có thể bắt gặp tại hội trường là 12 thanh trụ, tượng trưng cho 12 nghĩa sĩ của ‘Đoạn chỉ đồng minh’, những người tự cắt một đốt ngón tay áp út thề đấu tranh vì tự do của Hàn Quốc".

Kinh phí để xây dựng hội trường mới, ngoài sự trợ cấp của chính phủ, còn có sự tình nguyện đóng góp của người dân với số tiền lên đến 3,4 tỷ won (tương đương 3 triệu USD). Qua đó cho thấy ông giữ một vị trí hết sức đặc biệt trong lòng người dân Hàn Quốc. Bước vào tòa nhà, du khách sẽ bắt gặp bức tượng Ahn Jung-geun mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc Hanbok đứng giữa đại sảnh. Nơi đây được gọi là Sảnh thờ. Cô Jeong Da-hye cho biết thêm : "Vị trí mà các bạn đang đứng đây được gọi là Sảnh thờ. Trung tâm của sảnh có bức tượng Ahn Jung-geun. Phía sau là cờ Thái cực được làm trong giai đoạn ‘Đoạn chỉ đồng minh’. Nếu nhìn kỹ các bạn sẽ thấy ngón tay áp út bên tay trái của bức tượng bị thiếu mất một đốt. Ngón tay này thể hiện cho lòng trung thành và tinh thần trách nhiệm của ông đối với nền độc lập của nước nhà. Ông cũng đã dùng máu từ chính ngón tay này để viết nên bốn chữ “Đại Hàn Độc Lập” nổi tiếng".

Đằng sau bức tượng là phòng tưởng niệm, nơi tự động phát ra những giai điệu thành kính mỗi khi có khách bước vào. Ngắm nhìn bốn chữ máu “Đại Hàn Độc Lập” in trên cờ Thái cực phía sau tượng, du khách không tránh khỏi sự xúc động trong lòng. Ahn Jung-geun bị bắt và bị xử tử bởi hành động ám sát Ito Hirobumi, Toàn quyền đầu tiên của Nhật Bản tại Hàn Quốc. Băng qua Sảnh thờ, chúng ta sẽ đến với phòng trưng bày số 1 để cùng tìm hiểu về quá trình tìm đường giải phóng dân tộc của ông nhé!

[Tìm hiểu tiểu sử của Ahn Jung-geun]

Cô Jeong Da-hye cho biết : "Đây là không gian dùng để giới thiệu với du khách về xuất thân, quá trình trưởng thành, cũng như về gia thế của Ahn Jung-geun. Nhìn vào tiểu sử của ông, chúng ta có thể biết được ông còn có tên gọi khác là Ahn Eung-chil. Khi mới chào đời, người ta thấy trên ngực và bụng của ông có 7 nốt ruồi ứng với 7 ngôi sao của chòm sao Bắc Đẩu (Bắc Đẩu thất tinh). Vì nghĩ rằng cơ thể ông hấp thụ sinh khí của sao Bắc Đẩu nên gia đình đặt tên ông là Eung-chil".

Phòng trưng bày số 1 mang nội dung giới thiệu về xuất thân, quá trình trưởng thành và gia thế của Ahn Jung-geun. Ông sinh ngày 2/9/1879, tức là sau thời điểm hiệp ước Ganghwado, hiệp ước thôn tính Hàn Quốc của Nhật Bản. Ở đây còn trưng bày cả những bài học giáo của ông từ thuở niên thiếu. Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, đối với Ahn Jung-geun, phong trào giải phóng dân tộc dường như đã trở thành một định mệnh. Cô Jeong Da-hye giải thích : "Gia đình ông nổi tiếng là một gia đình có truyền thống cách mạng. Thành quả đạt được trong suốt quá trình tham gia phong trào giải phóng dân tộc của 15 người trong gia đình ông đều được trưng bày tại đây. Trong số hiện vật trưng bày, các bạn sẽ thấy có 2 chiếc huân chương Đại Hàn Dân Quốc. Một chiếc là bản nguyên gốc còn một chiếc là bản phục chế để bảo quản. Nhằm tôn vinh công lao to lớn của Ahn Jung-geun trong công cuộc kiến quốc, năm 1962 chính phủ Hàn Quốc đã quyết định trao tặng ông chiếc huân chương cao quý này".

Ở cuối phòng trưng bày là sơ đồ phả hệ của gia đình Ahn Jung-geun. Nhìn vào đây, du khách một lần nữa lại thấy được toàn bộ thành tựu mà gia đình yêu nước này đã cống hiến cho Hàn Quốc. Họ là Jeung-geun và Gong-geun, em ruột của ông; là Myeong-geun, em họ của ông; hay thậm chí là những người cháu trai của ông…Tổng cộng 15 người trong gia đình ông đều đã phục vụ tích cực trong đội quân độc lập. Rời phòng trưng bày số 1, chúng ta hãy cùng lên tầng 2 để đến với phòng trưng bày số 2 nhé! Tại phòng trưng bày này du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu cụ thể hơn về những hoạt động của Ahn Jung-geun.

[Quá trình tìm đường cứu nước của Ahn Jung-geun]

Cô Jeong Da-hye giới thiệu : "Bước vào phòng trưng số 2, điều đặc biệt nhất đập vào mắt du khách là sơ đồ hoạt động cách mạng của Ahn Jung-geun, từ lúc trở thành tín đồ đạo Thiên chúa cho đến lúc gia nhập ‘Đoạn chỉ đồng minh’. Sơ đồ không chỉ đơn thuần giải thích các sự kiện, mà còn cung cấp các cột mốc thời gian chi tiết và hình ảnh sinh động. Có tổng cộng 4 phím nhấn biểu thị cho 4 địa điểm hoạt động chủ chốt của ông. Khi ấn vào mỗi phím, bạn sẽ được xem một đoạn video. Cùng lúc đó chiếc bóng đèn tương ứng với địa điểm ông đang hoạt động cũng sẽ được bật sáng trên sơ đồ để giúp du khách dễ theo dõi. Ví dụ, khi ấn phím số 3, bạn sẽ được xem quá trình hoạt động của ông từ lúc ám sát Toàn quyền Ito Hirobumi cho đến khi bị giam cầm trong nhà tù Lữ Thuận, Trung Quốc".

Tranh thủ cuộc chiến tranh Nga-Nhật, Ahn Jung-geun đã sang Trung Quốc và phát động phong trào cứu quốc tại Thượng Hải. Trong thời gian này, vì phụ thân qua đời nên ông phải quay về Hàn Quốc và tích cực tham gia vào công cuộc cải cách giáo dục nước nhà. Bằng chứng là việc ông đã bán hết toàn bộ gia sản của mình để lấy tiền thành lập trường Samheung, nơi nuôi dưỡng những nhân tài cứu quốc. Đến đầu năm 1907, ông tiếp tục lãnh đạo phong trào trả lại tiền nợ mà Hàn Quốc đã vay của Nhật Bản. Cũng trong năm ấy, vua Gwangmu bị Nhật Bản ép phải thoái vị vì đã cử đặc sứ đến La Hây (Hà Lan). Tình cảnh lúc bấy giờ khiến Ahn Jung-geun cảm thấy mình không thể làm được gì nhiều nếu chỉ ở trong nước. Cho nên ông đã quyết định lưu vong sang Nga, triệu tập nghĩa binh để tiến hành cuộc chiến giành lại độc lập cho Hàn Quốc. Vào tháng 3/1909, tại một ngôi làng nhỏ ở Kraskino (Nga), ông đã cùng 11 đồng chí khác thành lập ‘Đoạn chỉ đồng minh’. Khung cảnh thành lập ‘Đoạn chỉ đồng minh’ lúc bấy giờ cũng được tái hiện lại ở phòng trưng bày số 2 này. Cô Jeong Da-hye giải thích : "Việc thành lập ‘Đoạn chỉ đồng minh’ và tuyên ngôn của họ đã được tuyên bố trên tờ báo Khuyến nghiệp tân văn. Chúng tôi đã cho phóng to nội dung và trưng bày tại đây. Nội dung của bài báo đã giải thích cho hành động cắt 1 đốt ngón tay của họ. Thứ nhất là để thể hiện tinh thần vị quốc vong thân, thứ hai là để thể hiện thái độ đồng tâm hiệp lực của 12 nghĩa sĩ ái quốc".

12 đồng chí của ‘Đoạn chỉ đồng minh’ đã đồng tâm nhất trí hiến thân mình để giành lại nền độc lập cho Hàn Quốc và gìn giữa hòa bình cho cho khu vực Đông Á. Trong số hiện vật trưng bày, du khách còn có thể bắt gặp bức huyết thư với những bút tích thấm đẫm máu, chiếc bình dựng thủ cấp của Ahn Jung-geun và máu của những người đồng chí của ông, cùng những đoạn video tái hiện lại bối cảnh lúc đó.

[Những bước ngoặc cuộc đời của Ahn Jung-geun]

Phòng trưng bày số 3 là nơi cung cấp cho du khách thông tin về những sự kiện mang tính chất bước ngoặc trong cuộc đời Ahn Jung-geun, bao gồm cả vụ ám sát Ito Hirobumi tại nhà ga Cáp Nhĩ Tân năm 1909. Ngay khi vừa bước vào phòng trưng bày, du khách sẽ được xem một đoạn video tái hiện bối cảnh vụ ám sát Ito Hirobumi cách đây 102 năm, được thể hiện bằng tượng sáp. Cô Jeong Da-hye cho biết : "Đoạn video mà các bạn đang xem tái hiện lại cảnh Ahn Jung-geun bị bắt giam vào ngày 26/10/1909, sau khi vụ ám sát xảy ra. Điểm dừng chân tiếp theo của chúng ta sẽ là mô hình tòa án thành phố Lữ Thuận".

Ngay bên cạnh chỗ chiếu video là nơi trưng bày khẩu súng mà Ahn Jung-geun đã dùng để bắn Ito Hirobumi, cùng rất nhiều các bài báo nước ngoài viết về sự kiện gây chấn động này. Tiến thêm vài bước nữa du khách sẽ bắt gặp mô hình tòa án thành phố Lữ Thuận, nơi ông bị kết án tử hình. Trước những câu hỏi chất vấn của các thẩm phán Nhật Bản, ông đã đáp trả hết sức hiên ngang và không hề tỏ ra run sợ. Quan sát mô hình, du khách có thể phát hiện tượng sáp của Ahn Jung-geun mấp máy môi mỗi khi đến đoạn phát ra âm thanh trả lời. Mô hình sống động đến nỗi người xem có cảm giác như được quay trở về một thế kỷ trước. Ngay bên cạnh mô hình tòa án là không gian tái hiện lại nhà tù Lữ Thuận, nơi ông bị giam cầm cho đến ngày bị hành hình. Cô Jeong Da-hye giới thiệu : "Đây là mô hình nhà tù Lữ Thuận đã được chúng tôi tái hiện chân thực đến từng chi tiết, thậm chí đến cả chiếc bô mà Ahn Jung-geun từng sử dụng". Để có thể hiểu được nguyên nhân khiến Ahn Jung-geun quyết định ám sát Ito Hirobumi, du khách có thể xem qua một đoạn video về bối cảnh lúc bấy giờ.

Rời nhà tù Lữ Thuận, trước mắt du khách sẽ là một quang cảnh khác, cảnh Ahn Jung-geun nhắn gửi những lời cuối cùng cho hai người em trước ngày ra pháp trường. Cô Jeong Da-hye giải thích : "Ở đây có một bức ảnh chụp cảnh hội ngộ của ông với các em trai của mình. Vì được ứng dụng công nghệ hiện đại, bức ảnh trông như thể các nhân vật chuyển động như thật. Và âm thanh mà các bạn sắp được nghe bây giờ chính là những lời dặn dò của ông giành cho các em". Vào ngày 8/3/1910, cha xứ Willem, người từng rửa tội cho Ahn Jung-geun lúc nhỏ, đã từ Hàn Quốc sang nhà tù Lữ Thuận để thực hiện những nghi lễ cuối cùng trước khi ông bị hành hình. Gặp lại hai em là Jeong-geun và Gong-geun, ông đã không quên nhắn nhủ 6 chữ cuối cùng gửi cho gia đình và đồng bào. Du khách có thể chiêm ngưỡng những chữ này, cũng như quang cảnh hội ngộ cảm động trên tại phòng trưng bày số 3.

10 giờ sáng ngày 26/3/1910, Ahn Jung-geun đã bị xử bắn tại pháp trường và vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Trước khi chết, ông có nguyện vọng được chôn cất ở công viên Cáp Nhĩ Tân, rồi sau đó được đưa về Hàn Quốc khi đất nước thanh bình. Nhưng rất tiếc, cho đến nay người ta vẫn chưa thể tìm thấy di hài của ông. Để an ủi vong linh vị anh hùng dân tộc, chính quyền Hàn Quốc đã cho lập một ngôi mộ gió cho ông trong công viên Hyochang tọa lạc tại phường Hyochang, quận Yongsan, thành phố Seoul.

Điểm dừng chân cuối cùng của chuyến tham quan hôm nay là phòng trưng bày đặc biệt, nơi phục chế và trưng bày những bức thư pháp mà Ahn Jung-geun đã từng viết trong nhà giam. Ngoài ra, đây còn là nơi để du khách có thể tham gia vào các chương trình tương tác thú vị tại phòng trải nghiệm như : chụp ảnh cùng Ahn Jung-geun, làm kẹp sách đánh dấu trang sách… Các bạn cảm thấy như thế nào về hành trình ngược dòng lịch sử của chúng ta ngày hôm nay?

Bất kỳ một quốc gia nào từng bị thực dân đô hộ cũng đều có phong trào giải phóng dân tộc. Ở đâu có phong trào giải phóng dân tộc là ở đó có những người cách mạng sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc. Lịch sử đấu tranh của Hàn Quốc cũng tự hào có một người như thế, chính là nghĩa sĩ Ahn Jung-geun. Khi hiểu về lịch sử của một quốc gia, các bạn sẽ có được cái nhìn mới về quốc gia ấy. Cho nên, khi hiểu về con người của nghĩa sĩ Ahn Jung-geun, các bạn sẽ có được cảm nhận mới về Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập