Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể Seoul

2011-09-20

Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể Seoul
Di sản văn hóa là kết quả của quá trình hoạt động văn hóa của nhân loại, được công nhận mang những giá trị về mặt văn hóa bao gồm: khảo cổ học, lịch sử học, văn học, nghệ thuật, văn hóa dân gian… Suốt lịch sử 5.000 năm hình thành và phát triển, dân tộc Hàn Quốc đã sáng tạo ra vô số di sản văn hóa, trong đó có không ít di sản văn hóa phi vật thể. Đúng như tên gọi của nó, các di sản văn hóa phi vật thể không hiện diện dưới bất cứ một hình thức hữu hình nào, cho nên để nhìn thấy và mường tượng ra chúng quả là một việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, có một nơi mà bạn có thể chiêm ngưỡng di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc một cách trực tiếp, nơi đang quy tụ 185 nghệ nhân của trên 126 loại hình văn hóa phi vật thể, đó chính là Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể Seoul, điểm đến của chúng ta ngày hôm nay.

[Giới thiệu về trung tâm]

Bắt đầu mở cửa chào đón du khách từ tháng 9/2005, Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể Seoul nằm trong khuôn viên khu nhà truyền thống Bukchon, tọa lạc tại số 53-1 phường Jaedong, quận Jongno, thành phố Seoul. Để đến đây, du khách có thể đi tuyến tàu điện ngầm số 3, xuống ở ga Anguk, sau đó đi bộ băng qua Tòa án hiến pháp và rẽ vào con đường nhỏ ngay cạnh là đến nơi. Đến đây, du khách không những được xem trực tiếp quá trình tạo ra tác phẩm của các nghệ nhân, mà còn có cơ hội được tham gia vào các lớp học thú vị. Bây giờ chúng ta hãy cùng theo chân nhà nghiên cứu Kim Min-kyeong để tìm hiểu về trung tâm nhé!

Trung tâm có diện tích rộng 132m2, vốn dĩ là một phần của khu nhà truyền thống được tái cấu trúc cho phù hợp với chức năng của trung tâm. Do đó, ngay khi vừa bước chân vào đây, du khách sẽ cảm nhận được ngay sự chật hẹp thường thấy trong các khu nhà truyền thống của Hàn Quốc, hay còn gọi là Hanok. Nhà nghiên cứu Kim Min-kyeong cho biết : "Hanok cũng là một di sản văn hóa của Hàn Quốc nên được rất nhiều du khách nước ngoài quan tâm. Họ chụp rất nhiều ảnh, thoải mái ngồi nghỉ ngơi trên sàn gỗ và tận hưởng không khí yên bình khó có thể tìm được trong các tòa nhà hiện đại. Khu vườn có trồng 88 cây nho dại, một loại nho đặc trưng của Hàn Quốc, dành cho những du khách muốn trải nghiệm cảm giác thu hoạch nho. Đến với trung tâm, các bạn sẽ được nhìn ngắm Hanok, thu hoạch nho dại, xem nghệ nhân làm các tác phẩm thủ công truyền thống, nếm thử các loại rượu nho ở đây…"

Không gian chật hẹp hóa ra lại mang đến cho du khách cảm giác thư thái và bình yên. Bây giờ chúng ta hãy nghe nhà nghiên cứu Kim Min-kyeong giới thiệu về cấu trúc của trung tâm nhé! Nhà nghiên cứu Kim Min-kyeong giới thiệu : "Trung tâm được thiết kế theo cấu trúc hình chữ Digeut trong bảng chữ cái tiếng Hàn. Đối diện chỗ chúng ta đang đứng là phòng sáng tác, nơi mỗi ngày đều có hai hoặc ba nghệ nhân trực tiếp làm các tác phẩm truyền thống. Ngoài ra, ở đây còn có phòng triển lãm, nơi hàng tháng đều có tổ chức triển lãm theo các chủ đề khác nhau. Trước khi vào đây du khách nào cũng phải cởi giày dép. Ngay bên cạnh là phòng giáo dục, nơi du khách được học về nghệ thuật vẽ tranh dân gian, thêu thùa…” "

Điều khiến du khách rất hài lòng khi tham quan trung tâm chính là vừa được tận mắt chứng kiến quá trình sáng tạo tác phẩm của các nghệ nhân, vừa được nghe họ giải thích về vật liệu, công cụ, đặc tính của tác phẩm… Ngoài việc trưng bày chung các di sản văn hóa phi vật thể, mỗi tháng trung tâm lại chọn một số di sản khác nhau để làm chủ đề trưng bày chính. Nhà nghiên cứu Lee cho biết thêm : "Đây là phòng sáng tác, nơi các bạn có thể xem các nghệ nhân trực tiếp làm các tác phẩm thuyền thống như đồ sơn mài, đồ gốm… Trên thực tế, có thể các bạn không được xem hết toàn bộ quá trình thực hiện, nhưng có thể hỏi nghệ nhân về bất cứ công đoạn cơ bản nào để tìm hiểu thêm".

[Tìm hiểu nghệ thuật sơn mài và nghề gốm truyền thống]

Ngày nay, phần lớn di sản văn hóa phi vật thể rất hiếm khi được sử dụng. Đó là lí do khiến nhiều du khách cảm thấy hết sức thích thú khi được tận mắt chứng kiến. Đầu tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu nghệ thuật sơn mài truyền thống của Hàn Quốc nhé! Kia là nghệ nhân sơn mài nổi tiếng Shin Jung-hyun với rất đông học sinh đang vây quanh. Tay nghề 60 năm lão luyện của nghệ nhân Shin Jung-hyun đã khiến cho tất cả du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhìn những tác phẩm sơn mài của ông như tủ quần áo, chân nến, bàn ăn… du khách không khỏi trầm trồ, thán phục. Các du khách Nhật và Mỹ tỏ ra rất thích thú khi ngắm nhìn quá trình chế tác của nghệ nhân Shin Jung-hyun. Họ liên tục thốt lên rằng “Đẹp quá!”.


Giờ là lúc đến với đồ gốm truyền thống của Hàn Quốc. Hãy cùng lắng nghe nghệ nhân làm gốm Bae Yo-seop giải thích về một chiếc bình gốm đặc biệt. Người Hàn xưa đã từng cho rằng trong chiếc bình gốm độc đáo này có tồn tại một vị thần gọi là “thần nhà” luôn bảo vệ, che chở cho gia đình họ. Thuở xưa, gia đình người Hàn nào cũng thờ một vị “thần nhà”, vị thần có thể đẩy lùi vận xui, mang đến vận may, và bảo vệ gia đình họ khỏi tà ma quỷ dữ. Để thờ thần nhà, người ta làm những chiếc bình gốm nhỏ rồi bỏ vào đó gạo mới thu hoạch mùa đầu tiên. Những chiếc bình này sau đó sẽ được đặt ở phía sân sau, trong vườn, bên cạnh hoặc phía sau chỗ để lu vại.

Nghệ nhân Bae Yo-seop cho biết đối với những thức ăn truyền thống lên men như tương ớt gochujang, tương đậu deonjang, nếu muốn giữ được đúng hương vị thì tốt hơn hết nên đựng trong đồ gốm thay vì đồ nhựa. Ông phân tích : "Dạo này mọi người thường đựng gochujang, deonjang trong đồ nhựa. Hương vị của thức ăn lên men khi được đựng trong đồ nhựa và đồ gốm có sự khác nhau. Đựng trong đồ gốm, thức ăn sẽ dễ dàng nhận được ánh sáng mắt trời, và khi đêm xuống mát mẻ là lúc quá trình lên men bắt đầu diễn ra một cách tự nhiên. Quá trình chuyển từ nóng sang lạnh và ngược lại giúp kích thích quá trình lên men và làm cho thức ăn có được đúng hương vị của nó. Khác với đồ sứ, đồ gốm có chứa các thành phần sắt như sắt đỏ, sắt vàng, sắt lục, sắt đen… Khi đem nung trên 1200 độ C, đất sét sẽ sinh ra những bọt khí nhỏ li ti và thông qua những bọt khí này thức ăn sẽ dễ dàng hấp thu được không khí bên ngoài để lên men. Đó là lí do vì sao nên đựng thức ăn lên men trong đồ gốm".

Đối với thực phẩm lên men, ánh nắng và không khí thích hợp là những yếu tố quyết định quá trình lên men. Một yếu tố cũng quan trọng không kém chính là đồ vật dùng để đựng. Đồ gốm giúp cho quá trình lên men được dễ dàng hơn, trong khi đồ nhựa lại kìm hãm quá trình đó. Một điều thú vị nữa là hình dạng cũng như chủng loại của đồ gốm cũng khác nhau theo từng vùng miền. Nghệ nhân Bae Yo-deop cho biết : "Tùy theo mỗi vùng của Hàn Quốc mà hình dáng và chất liệu của đồ gốm sẽ khác nhau. Tỉnh Gangwon có nhiều địa hình đồi núi nên đồ gốm thường thon dài. Tỉnh Jeolla có địa hình bằng phẳng, dễ nhận được ánh sáng mặt trời nên đồ gốm thường tròn. Trong khi đó, đồ gốm của tỉnh Gyeongsang lại có phần trên khá rộng, còn đồ gốm của Seoul lại có miệng rất to". Sau khi được biết về các nguyên lí của đồ gốm, du khách không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước trí tuệ của người Hàn xưa. Đến trung tâm, du khách đã được biết thêm nhiều kiến thức bổ ích mới.

[Triển lãm thú vị theo chủ đề hàng tháng]

Ngoài nghệ thuật sơn mài và đồ gốm, tại đây du khách còn có dịp thưởng thức một loại rượu truyền thống của Hàn Quốc mang tên Tùng tiết tửu. Hôm nay nghệ nhân Lee Sung-ja sẽ tiết lộ cho chúng ta biết cách làm ra loại rượu thơm lừng này. Cô Lee Sung-ja tiết lộ : "Những loại rượu bình thường nếu cho táo tàu vào thì gọi là rượu táo tàu, nếu cho rễ hoa kết cánh vào thì gọi là rượu kết cánh… Nhưng rượu Tùng tiết tửu được làm từ một nhánh thông, sau đó đem ngâm vào rượu cùng với nước thảo dược. Nguồn gốc của loại rượu này không rõ ràng, chỉ biết rằng kể từ nửa sau của thời Joseon, nó đã được lưu hành rộng rãi. Đặc trưng của rượu là mùi hương thơm lừng. Bởi vậy, nó không đơn thuần chỉ là thức uống, mà còn được dùng như một loại dược liệu".

Chuyên ngành của cô Lee Sung-ja vốn dĩ là piano. Nhưng sau khi về làm dâu trong một gia đình có truyền thống làm rượu Tùng tiết tửu, cô đã trở thành người tiếp quản nghề gia truyền này của gia đình chồng. Đã có lúc cô thấy tiếc vì không thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp chơi đàn, nhưng hiện nay cô rất tự hào về công việc duy trì loại rượu lâu đời này của người Hàn. Cô Lee Sung-ja cho biết : "Tôi được đào tạo để trở thành một nghệ sĩ piano. Một hôm, có một người nói với tôi rằng dù tôi có đánh đàn chăm chỉ suốt ngày thì tôi cũng không bao giờ được công nhận tài năng. Nhưng nếu tôi chịu tiếp quản truyền thống gia đình thì tôi chắc chắn sẽ vô cùng tự hào được trở thành một người bảo tồn di sản dân tộc. Lúc nghe được những lời nói đó, tôi rất sốc, nhưng sau đó, tôi đã quyết định cống hiến sức mình để giữ gìn rượu Tùng tiết tửu. Rất nhiều người Hàn ngạc nhiên trước những nền văn hóa khác, ngược lại, rất nhiều người nước ngoài cũng ngạc nhiên trước nền văn hóa Hàn, đặc biệt là rượu Tùng tiết tửu, thứ họ không thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên thế giới. Tôi rất tự hào được trở thành người giới thiệu văn hóa Hàn Quốc ra thế giới".

Rượu Tùng tiết tửu hiện đang được trưng bày tại phòng triển lãm bên trong trung tâm. Mỗi tháng trung tâm lại cho trưng bày các tác phẩm đa dạng của hai hoặc ba di sản văn hóa phi vật thể như: nghệ thuật thắt nút, thêu thùa, làm diều… Chủ đề triển lãm của tháng này là rượu Tùng tiết tửu và đá ngọc bích. Bây giờ chúng ta hãy cùng theo chân nhà nghiên cứu Kim Min-kyeong tìm hiểu về triển lãm nhé! Nghiên cứu Kim Min-kyeong giải thích : "Vì tháng 9 có Tết trung thu, nên chủ đề của phòng triển lãm tháng này là rượu Tùng tiết tửu, loại rượu truyền thống của Hàn Quốc, và đá ngọc bích. Rượu Tùng tiết tửu là loại rượu đặc trưng của Seoul, được làm từ hoa, các loại dược thảo và đặc biệt là thông với hương thơm quyến rũ. Ngoài ra, thông còn có ý nghĩa tượng trưng cho sự chính trực nên được các học giả rất yêu thích. Phải mất khoảng một tháng mới ủ được rượu và nó thường được làm và thưởng thức vào mùa xuân hoặc mùa thu. Tại đây các bạn sẽ có cơ hội được nếm thử hương vị tuyệt vời của loại rượu này".

Nhắc đến đá ngọc bích, mọi người liền nghĩ ngay đến một loại đá quý sang trọng và đắt tiền. Tuy nhiên, đá ngọc bích được trưng bày tại đây không phải dưới hình thức là đá quý, mà là một loại vật liệu để làm ra đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Bình thường không phải ai cũng có cơ hội được tham dự một triển lãm như thế này. Nghiên cứu Kim Min-kyeong tiếp tục giới thiệu : "Ngọc bích là loại đá quý thường được sử dụng làm đồ trang sức người Hàn vô cùng yêu thích, vì nó tượng trưng cho 5 yếu tố trong âm dương ngũ hành. Người Hàn đã biết sử dụng ngọc bích từ thời đồ đá và sử dụng nhiều nhất là trong thời Tam Quốc. Ngoài nhẫn ngọc bích, kẹp tóc ngọc bích, vòng cổ ngọc bích… ở đây còn trưng bày các vật dụng thủ công mĩ nghệ khác cũng được làm bằng đá ngọc bích như bàn chải, đá mài mực, tem…"

Tháng 6 vừa qua, một chi nhánh của Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể Seoul đã được mở gần Donhwamun của cung Changdeok (Xương Đức) với tổng quy mô 633,22m2. Tòa nhà 6 tầng bao gồm 1 tầng hầm này có rất nhiều phòng chức năng như: phòng triển lãm, phòng sáng tác, phòng hội thảo… Dù mới mở cửa chưa được bao lâu, nhưng nơi đây đang trở thành một trong những địa điểm thu hút du khách nước ngoài nhất. Nghiên cứu Kim Min-kyeong cho biết : "Tại tầng một của trung tâm Donhwamun du khách sẽ được xem 25 loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác nhau như: nghệ thuật sơn mài, nghệ thuật khảm trai, nghệ thuật chế tác đá ngọc bích, nghệ thuật thắt nút, nghệ thuật vẽ tranh dân gian… Từ tầng 2 đến tầng 4 có các phòng sáng tác, mỗi phòng do một nghệ nhân đảm trách công việc chế tác tác phẩm để giới thiệu cho du khách. 80% du khách của trung tâm là người nước ngoài. Đến đây mọi người không phải mất tiền mà còn được xem, thực hiện cũng như thưởng thức rất nhiều điều thú vị".

Trừ ngày thứ Hai, đến với Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể Seoul vào các ngày còn lại trong tuần, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, du khách sẽ được thưởng lãm những tác phẩm văn hóa phi vật thể tại phòng triển lãm, cũng như có cơ hội được tham dự vào 12 buổi hội thảo khác nhau về di sản. Bên cạnh đó, du khách còn được tận mắt xem các nghệ nhân tự tay tạo ra các tác phẩm tuyệt vời. Khác với các di sản văn hóa hữu hình, các di sản văn hóa phi vật thể đều được giữ gìn và duy trì qua đôi tay của các nghệ nhân. Nếu bạn muốn cảm nhận được sự khéo léo của đôi tay tài hoa và sự sáng tạo của các nghệ nhân, những người đã và đang nối tiếp truyền thống của Hàn Quốc, thì sẽ không có nơi nào lí tưởng bằng Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể Seoul.

Lựa chọn của ban biên tập