Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc, chiếc nôi nghệ thuật biểu diễn của xứ sở Kim Chi

2011-09-27

Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc, chiếc nôi nghệ thuật biểu diễn của xứ sở Kim Chi
Đoạn đối thoại mà các bạn vừa nghe nằm trong vở kịch “Chín gia đình trong nhà Jang Seok-jo” được phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Kim So-jin. Vở kịch kể về những câu chuyện xung quanh chín gia đình chung sống dưới cùng một mái nhà này hiện đang được công diễn tại sân khấu Dal của Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc. Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc hiện đang là địa điểm tổ chức Festival các Nhà hát Quốc gia thế giới 2011. Nơi đây được xem là chiếc nôi của nghệ thuật biểu diễn của Hàn Quốc, nơi du khách có thể thưởng thức các vở diễn hay và đa dạng trong suốt 365 ngày trong năm. Còn chần chờ gì nữa, chúng ta hãy cùng lên đường khám phá địa điểm thú vị này nào!

[Tìm hiểu vài nét về nhà hát]

Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc tọa lạc dưới chân núi Namsan, thành phố Seoul. Để đến đây, du khách có thể đi tuyến tàu điện ngầm số 3, xuống ở ga Đại học Dongguk, ra cửa số 6 và đi bộ thêm khoảng 10 phút nữa là đến nơi. Mặc dù khá vất vả để leo lên con đường dốc dẫn đến nhà hát, nhưng nhờ không khí thoáng mát dưới chân núi Namsan nên du khách dường như quên đi cảm giác mệt mỏi.

Nhà hát có tuổi đời 61 năm này luôn được xem nơi khởi đầu nền văn hóa biểu diễn của người Hàn. Bà Bang Ji-young, trưởng bộ phận quảng bá của nhà hát, giới thiệu: “Nghệ thuật biểu diễn bắt đầu du nhập vào Hàn Quốc hồi đầu thế kỉ 20. Từ ngày thành lập cho đến nay, Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc luôn giữ vai trò là cái nôi của nền nghệ thuật biểu diễn Hàn Quốc. Nhằm mục đích giữ gìn và cách tân nghệ thuật thuyền thống, hiện nhà hát vẫn thường xuyên cho ra mắt các tác phẩm độc đáo do chính 3 đơn vị nghệ thuật trực thuộc là Đoàn kịch nói Changgeuk Quốc gia, Đoàn múa Quốc gia và Dàn nhạc truyền thống Quốc gia thực hiện. Bên cạnh đó, nhà hát còn dàn dựng nhiều tiết mục, chương trình nghệ thuật đặc sắc để phục vụ người yêu nghệ thuật”.

Với lực lượng nghệ sĩ hùng hậu như vậy nên sân khấu của nhà hát thường xuyên được sáng đèn với rất nhiều chương trình biểu diễn đa dạng. Bên cạnh đó, nhà hát vẫn luôn tự hào về khả năng tự cho ra mắt các vở diễn độc quyền. Bà Bang Ji-young cho biết thêm: “Nhà hát có khả năng tự dàn dựng một tác phẩm hoàn chỉnh. Với nguồn nghệ sĩ từ 3 đơn vị trên, kết hợp với các bộ phận như âm thanh, ánh sáng… các tác phẩm độc nhất vô nhị của nhà hát vẫn đều đặn được ra mắt công chúng. Một điểm độc đáo khác của nhà hát chính là vị trí tọa lạc dưới chân núi Namsan. Đến đây bạn không những được thưởng thức nghệ thuật mà còn được cảm nhận sự lãng mạn của thiên nhiên”.

Bên trong Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc có nhiều sân khấu riêng biệt, mỗi nơi lại có một chức năng và quy mô khác nhau. To nhất là sân khấu Hae với 1500 chỗ ngồi, tiếp đến là sân khấu với 700 chỗ ngồi có cấu trúc mái vòm đầu tiên tại Hàn Quốc mang tên Haneul KB, sau đó là sân khấu Dal với 430 chỗ ngồi và cuối cùng phải kể đến sân khấu Byeol với 100 chỗ ngồi mang hình dáng của một trường quay. Tùy đặc tính của chương trình mà vở diễn đó sẽ được thực hiện ở sân khấu nào. Do đó khi đến đây, du khách sẽ có nhiều sự lựa chọn tùy theo sở thích của mình và thưởng thức chúng với chất lượng tốt nhất. Không những vậy, xung quanh nhà hát còn có chỗ nghỉ chân được gọi là “Sông ngân hà”, nơi du khách có thể tìm đến để hít thở bầu không khí trong lành của rừng xanh.

Với tuổi đời lâu năm và quy mô hoành tráng, ngoài việc là nơi biểu diễn, hàng năm nhà hát còn có vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa như Festival các Nhà hát Quốc gia thế giới, Liên hoan nghệ thuật biểu diễn thanh thiếu niên, Liên hoan âm nhạc bốn mùa… Hiện tại, nhà hát đang diễn ra Festival các Nhà hát Quốc gia thế giới, một liên hoan thường niên về nghệ thuật biểu diễn, với sự tham dự của các Nhà hát Quốc gia đến từ nhiều nước trên thế giới. Trưởng bộ phận kế hoạch biểu diễn của nhà hát, ông Im Sang-woo giới thiệu: “Festival các Nhà hát Quốc gia thế giới được tổ chức từ năm 2007 nhằm mục đích giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Chúng tôi đã mời Nhà hát Quốc gia của các nước mang những tác phẩm tiểu biểu nhất của họ đến biểu diễn. Ngược lại, chúng tôi cũng mang những tác phẩm tiêu biểu của mình sang biểu diễn tại các nước đó. Ngày nay đất nước nào cũng có một Nhà hát Quốc gia, tuy nhiên, để có được một festival như thế này thì Hàn Quốc là nước đầu tiên và cũng là duy nhất trên thế giới thực hiện. Điều đó có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Thông qua festival, mỗi ngày người yêu nghệ thuật ở Hàn Quốc sẽ có dịp được thưởng thức các tác phẩm đa dạng đến từ nhiều đất nước”. Festival năm nay diễn ra từ ngày 31/8 đến ngày 30/10, quy tụ 9 quốc gia tham dự với tổng cộng 30 tác phẩm. Tại đây, du khách không chỉ được thưởng thức các tác phẩm kinh điển của những tác giả nổi tiếng thế giới trong suốt 400 năm nay, mà còn được xem 95 tiết mục nghệ thuật đặc sắc của Hàn Quốc và quốc tế. Hiện festival đang thu hút một lượng lớn người yêu nghệ thuật tìm đến mỗi ngày.

[Bảo tàng Nghệ thuật biểu diễn]

Với trọng trách giữ gìn và duy trì văn hóa nghệ thuật cận đại của Hàn Quốc, nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập, vào năm ngoái ban lãnh đạo nhà hát đã cho khánh thành Bảo tàng Nghệ thuật biểu diễn đầu tiên tại Hàn Quốc, nơi giới thiệu đến du khách những tư liệu quý giá về quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật biểu diễn tại Hàn Quốc. Bảo tàng nằm trong cùng một tòa nhà với sân khấu Byeol với rất nhiều phòng chức năng như phòng triển lãm thường trực, phòng triển lãm đặc biệt, phòng lưu trữ, phòng giáo dục, kho bảo quản… được phân bố hợp lí ở tầng trệt, tầng 1 và tầng hầm của tòa nhà.

Đặc biệt, tại phòng lưu trữ, du khách sẽ được trực tiếp nghe âm thanh và xem các thước phim tư liệu quý hiếm. Giám đốc Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc ông Im Yeon-cheol cung cấp thêm: “Ngoài tư liệu báo chí, phòng tư liệu còn cung cấp cho du khách rất nhiều thước phim về những buổi diễn đã được thực hiện ở nhà hát. Hiện tại, chúng tôi đang có trong tay trên 6.800 cuốn phim quý, bao gồm cả những buổi diễn ở Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc và các nhà hát khác từ sau năm 1979. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ có cơ hội được xem lại những tác phẩm mình yêu thích và xem cả những tác phẩm mà trước đây họ chưa có dịp thưởng thức”.

Bước vào bảo tàng, du khách sẽ nhìn thấy ngay phòng lưu trữ nằm ở phía bên phải. Phần lớn tư liệu về các tác phẩm được thực hiện tại nhà hát sau năm 1979 đều đang được bảo quản tại đây, một trong những không gian yêu thích của người yêu nghệ thuật. Có 12 màn hình được bố trí xung quanh dành cho du khách muốn xem phim tư liệu. Ngoài ra, trong bảo tàng còn có một phòng chiếu với màn hình lớn đủ cho 10 người xem cùng lúc.

[Phòng triển lãm Lịch sử nghệ thuật biểu diễn]

Tại tầng 1 của bảo tàng, du khách sẽ bắt gặp phòng triển lãm thường trực. Chào đón du khách đến phòng triển lãm là những tấm áp-phích của các vở diễn. Vừa đi mà vừa ngắm nhìn từng tấm áp-phích cũng thật là thú vị. Phòng triển lãm thường trực được chia thành hai phòng nhỏ hơn là phòng triển lãm Lịch sử nghệ thuật biểu diễn và phòng triển lãm Biểu diễn. Đầu tiên chúng ta hãy cùng khám phá khu vực thứ nhất của phòng triển lãm Lịch sử nghệ thuật biểu diễn qua sự dẫn dắt của giám đốc Im Yeon-cheol. Ông Im giải thích: “Nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Hàn Quốc được bắt nguồn từ các nghi lễ tạ ơn, cầu cho mùa màng bội thu trong nông nghiệp từ thời cổ đại. Nhưng phải đến thời Tam Quốc, sau đó là Goryoe và Joseon thì nó mới thật sự được phát triển. Bạn có thể bắt gặp các hình thái biểu diễn xa xưa trên các bức tranh cổ từ thời Goryeo hay trên các bức tranh Phật giáo. Du khách có thể tìm hiểu thêm về những hình thái biểu diễn này trên các màn hình được bố trí tại đây”.

Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với khu vực thứ hai để tìm hiểu xem nghệ thuật biểu diễn của Hàn Quốc đã biến đổi như thế nào trước quá trình hiện đại hóa đầu thế kỉ 20. Thứ thu hút du khách nhất tại đây chính là đoạn phim về nữ nghệ sĩ múa Choi Seung-hee, một trong những nghệ sĩ múa xuất sắc nhất mọi thời đại của Hàn Quốc. Ông Im Yeon-cheol giới thiệu: “Đoạn phim các bạn đang xem ghi lại những động tác múa tuyệt vời của nghệ sĩ Choi Seung-hee. Bà sinh năm 1911 và là một trong những nghệ sĩ múa huyền thoại trên sân khấu múa hiện đại của Hàn Quốc. Choi Seung-hee xuất thân từ trường trung học nữ Sookmyeong. Tại đây, bà đã được các giáo viên phát hiện ra tài năng. Người ta kể rằng nhiều giáo viên thậm chí đã biểu tình để thuyết phục bà sang Nhật Bản du học. Chỉ qua những lời kể như thế cũng đủ thấy tầm quan trọng của bà trong nền nghệ thuật Hàn Quốc”.

Một số du khách lại tỏ ra vô cùng thích thú với chiếc máy hát cổ vẫn còn hoạt động được trưng bày tại phòng triển lãm này. Chiếc máy hát cổ đang vang lên những giai điệu xa xưa từ những năm 1920-1930 như bài dân ca “Bến sông Nodeul” của ca sĩ Park Bu-Yong hay bài hát dùng trong vở kịch “Thổ mạc” của tác giả Yoo Chi-jin… Trong lúc hoạt động, tuy có lúc chiếc máy phát ra những âm thanh rè rè hay bỗng dưng im bặt trong phút chốc, nhưng vẫn đủ sức giúp cho du khách nhớ về giọng hát của các nghệ sĩ lừng lẫy một thời.

Khu vực thứ ba là nơi mang đậm dấu ấn của những năm 1960, thời điểm hoạt động sáng tác nghệ thuật của Hàn Quốc lên đến đỉnh cao. Nội dung trưng bày của phòng này liên quan đến nhiều câu chuyện xảy ra xung quanh các nghệ sĩ thời đó, ví dụ như Liên hoan nghệ thuật học sinh Đông Kinh (tức Tokyo, Nhật Bản) do các du học sinh Hàn tại Tokyo trước giải phóng tổ chức, phong trào “Sân khấu nhỏ” nhằm phục hưng nền nghệ thuật biểu diễn nước nhà… Cũng tại đây, du khách còn được biết thêm về lịch sử hình thành của Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc thông qua các tư liệu quý. Giám đốc Im tục cho biết: “Vào ngày 29/4/1950, Nhà hát Quốc gia Hàn quốc được khánh thành với chủ đề “Chiến tranh và hỗn độn”. Vở diễn đầu tiên ra mắt tại nhà hát là vở “Nguyên Thuật Lang” và vở diễn thứ hai là một tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc mang tên “Lôi vũ”. Mặc dù đang ở trong thời kì chiến tranh, phải dời xuống thành phố Daegu, nhưng nhà hát vẫn không ngừng hoạt động. Đây là Nhà Văn hóa Deagu, nơi đã từng là trụ sở của nhà hát năm 1952, hiện đã được dùng làm rạp chiếu phim. Còn đây là bức ảnh nữ diễn viên huyền thoại người Mỹ Marilyn Monroe chụp cùng nữ diễn viên nổi tiếng một thời của Hàn Quốc Park Seong-hee. Bức ảnh được chụp năm 1954 khi Marilyn Monroe sang Hàn Quốc biểu diễn phục vụ cho quân đội Mỹ”.

[Phòng triển lãm Biểu diễn]

Bây giờ chúng ta hãy cùng ghé qua phòng triển lãm Biểu diễn, nơi du khách có cơ hội được xem toàn bộ quá trình dàn dựng một tác phẩm. Phòng triển lãm này cũng được chia ra thành các khu vực nhỏ như phòng ý tưởng sân khấu, phòng thiết kế sân khấu, phòng nghệ sĩ… Trong đó, phòng nghệ sĩ lại tiếp tục được chia thành các khu nhỏ hơn như khu nghệ sĩ kịch nói, khu nghệ sĩ âm nhạc, khu nghệ sĩ múa… Ông Im giới thiệu thêm: “Ở phòng kịch nghệ, chúng tôi cho tái hiện không gian sáng tác của ba tên tuổi lớn trong làng kịch nghệ Hàn Quốc. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng các bản thảo viết tay, bản dịch, bằng cấp, giấy khen, thậm chí là y phục của 3 nghệ sĩ ấy. Phía này là phòng âm nhạc, nơi trưng bày các nhạc cụ, bản nhạc, đĩa hát cùng các giấy tờ khác của các nhạc sĩ hoạt động từ năm những 1940 cho đến nay. Còn đây là phòng dành riêng cho các nghệ sĩ múa, nơi các bạn có thể tìm thấy nhiều hiện vật thú vị liên quan đến các nghệ sĩ ba-lê nổi tiếng của Hàn Quốc”.

Nếu bạn là người làm những công việc liên quan đến sân khấu thì phòng thiết kế sân khấu sẽ mang đến rất nhiều điều thú vị, từ những tiểu tiết được thiết kế tỉ mỉ đến các đạo cụ đa dạng từng được dùng trên sân khấu. Ông Im Yeon-cheol cho biết: “Trước khi ra mắt một vở diễn, đòi hỏi sân khấu phải được thiết kế sao cho chân thực nhất. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp của các khâu diễn xuất, hội họa, âm thanh, ánh sáng… Cách trang trí sân khấu mà các bạn đang thấy nằm trong vở “Noises off” được làm lại của Mỹ. Còn đây là mô hình sân khấu được dùng trong một vở múa chim công của Hàn Quốc. Nó đã được thu nhỏ kích thước nhưng vẫn bám sát với nguyên bản”.

Nếu bạn nghĩ rằng thiết kế sân khấu là một công việc tuyệt vời thì nhất định không nên bỏ qua góc thiết kế sân khấu thú vị này. Tiến thêm vài bước nữa du khách sẽ đến phòng ý tưởng sân khấu, nơi trưng bày những mẫu thiết kế tuyệt đẹp dành cho sân khấu. Đã đến đây thì tại sao các bạn lại không thử khoác một bộ trang phục biểu diễn và bước lên sân khấu như một diễn viên thực thụ nhỉ? Phòng triển lãm thường trực có một góc đặc biệt phục vụ cho nhu cầu ấy của du khách.

Sau khi tham quan một vòng nhà hát và xem một vở diễn, du khách thường đi thẳng về nhà. Nhưng có một lời khuyên hữu ích dành cho các bạn đó là hãy đi dạo một lúc trong rừng núi Namsan để đầu óc được thư thái. Đó cũng là một cách giúp du khách có thể lưu giữ sâu đậm hơn những ấn tượng và kỉ niệm về Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc, chiếc nôi sản sinh nên nền nghệ thuật biểu diễn của xứ sở Kim Chi.

Lựa chọn của ban biên tập