Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Cung Unhyun, vũ đài chính trị của lịch sử cận đại Hàn Quốc”.

2011-11-01

Cung Unhyun, vũ đài chính trị của lịch sử cận đại Hàn Quốc”.
Vào mỗi chiều chủ nhật của tháng 4, tháng 5, tháng 9 và tháng 10 hàng năm, khu vực phường Insa lại tổ chức một hoạt động văn hóa hết sức thú vị. Một người đàn ông trong vai đại quan triều đình, khoác trên mình bộ quan phục cầu kì, ngồi trong một chiếc kiệu lớn và được khoảng 20 người trong vai lính tráng hộ tống qua các con đường. Họ đi đến đâu, tiếng nhạc truyền thống đầy mê hoặc của Hàn Quốc lại vang lên đến đó. Giữa phố xá Seoul hiện đại của thế kỉ 21 bỗng chốc xuất hiện hình ảnh xa xưa của thế kỉ 19. Đây là hoạt động tái hiện lại việc ra vào cung điện để diện kiến vua của Hưng Tuyên Đại Viện Quân Lee Ha Eung, thân phụ của vua Gojong (Cao Tông) của vương triều Joseon. Nơi đoàn quan binh khởi hành chuyến đi cũng chính là dinh thự của Hưng Tuyên Đại Viện Quân, cung Unhyun (Vân Hiện). Hôm nay, chúng ta hãy cùng đến thăm cung điện cổ kính này nhé!

[Vài nét về cung Unhyun]

Cung Unhyun tọa lạc tại phường Unni, quận Jongno, thành phố Seoul. Để đến nơi đây, du khách có thể đi tuyến tàu điện ngầm số 3, xuống ga Anguk, ra cửa số 4 rồi đi bộ thêm khoảng 50m nữa là có thể tìm thấy dễ dàng. Cung điện này không đơn giản chỉ là một dinh thự, nó còn được biết đến như là một căn cứ hoạt động chính trị của Hưng Tuyên Đại Viện Quân. Ngày nay cung Unhyun đã trở thành một trong những di tích tiêu biểu của lịch sử cận đại Hàn Quốc. Bây giờ chúng ta hãy cùng lắng nghe ông Jeong Ki-cheol, giám đốc quản lí cung Unhyun, giới thiệu chi tiết nhé! Ông Jeong Ki-cheol giới thiệu: “Cung Unhyun là di tích lịch sử quan trọng của giai đoạn cuối thời Joseon, giai đoạn quá độ từ trung cổ lên cận đại trong lịch sử. Vua Gojong lên ngôi khi tuổi đời còn quá trẻ, nên trong suốt 10 năm đầu tiên trị vì, từ năm 1863 đến năm 1873, mọi công việc triều chính đều do thân phụ là Hưng Tuyên Đại Viện Quân nhiếp chính. Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã mạnh tay trong việc đàn áp các thế lực chính trị đối đầu, đồng thời tiến hành cải cách binh vận, giáo dục, tìm kiếm nhân tài… Mọi vấn đề quốc gia đại sự đều được ông xử lí tại Lão An Đường của cung Unhyun. Song song với việc cải cách quốc gia, ông cũng thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng một cách bảo thủ, để bài trừ mọi luồng ảnh hưởng từ phương Tây như đạo Thiên chúa hay phong trào tây học…”

Vì vua Gojong lên ngôi khi chỉ mới 12 tuổi, nên Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã thay con nhiếp chính công việc triều đình. Tại cung Unhyun, ông đã cho thực hiện rất nhiều chính sách quan trọng của quốc gia. Không chỉ có thế, cũng không ít lần, nơi này từng chứng kiến việc ông dùng quyền uy để gây ảnh hưởng lên việc cải cách chính trị. Kể từ sau khi được thăng chức từ Hưng Tuyên Quân lên thành Hưng Tuyên Đại Viện Quân, dinh thự của ông cũng được mở rộng và nâng cấp hoành tráng cho tương xứng với quy mô cung điện, và đồng thời được đổi tên thành cung Unhyun. Ông Jeong Ki-cheol cung cấp thêm thông tin: “Vào thời điểm rộng nhất, cung Unhyun có diện tích khoảng 33.000m2, kéo dài từ Viện văn hóa Nhật Bản đến tận sân vận động trường tiểu học Gyodong và từ Viện văn hóa Nhật Bản đến tòa nhà công ty Samwhan ngày nay. Theo sử sách ghi chép, tường rào của cung kéo dài đến hàng trăm mét, với 4 cửa, trông không thua kém gì các cung điện của vua chúa. Thông qua đó, chúng ta biết được cung Unhyun đã từng là một nơi rất xa hoa, tráng lệ”.

Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã sống ở cung Unhyun cho đến khi qua đời ở tuổi 79 vào năm 1898. Do hậu quả của thời kì Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc và cuộc chiến tranh Triều Tiên, quy mô của cung chỉ còn lại một phần tư so với trước đây. Sau đó, cung Unhyun được các thế hệ con cháu Hoàng gia đảm trách việc quản lí. Tuy nhiên, do phát sinh những khó khăn trong quá trình quản lí nên đến năm 1993 nó được bán lại cho chính quyền thành phố Seoul. Hướng dẫn viên di sản văn hóa, Ha Jeong-hyo sẽ cho chúng ta biết thêm vài thông tin bổ ích. Hướng dẫn viên Ha Jeong-hyo nói: “Ngày nay, cung Unhyun chỉ rộng chừng 7.100m2, tức chỉ bằng một phần tư kích thước ban đầu. Hiện vẫn còn một hậu duệ của Hưng Tuyên Đại Viện Quân là nhà nghiên cứu Lee Cheong, năm nay đã 75 tuổi, đang sinh sống trong cung. Vào năm 1993, ông bán di tích này cho chính quyền thành phố Seoul với giá khoảng 7,5 triệu USD. Sau đó, chính quyền thành phố Seoul đã chi thêm khoảng 11,2 triệu USD để tiến hành tu sửa, tân trang và bảo quản. Bắt đầu từ năm 1997 cho đến nay, cung Unhyun đã trở thành một tài sản văn hóa của thủ đô Seoul”. Sau khi được chính quyền thành phố Seoul tiếp quản, cung Unhyun được mở cửa để chào đón người dân đến thăm quan. Thông qua những hiện vật cổ được trưng bày tại đây, du khách sẽ có cơ hội được tìm hiểu về văn hóa cung điện cũng như cuộc sống ngày xưa của Hàn Quốc.

[Khám phá cung Unhyun cổ kính]

Với quy mô khiêm tốn như hiện nay, khó ai có thể ngờ được rằng cung điện này đã từng là nơi diễn ra các hoạt động chính trị sôi nổi cuối thời Joseon. Những dấu vết xa hoa, tráng lệ một thời giờ đây chỉ còn lại trong kí ức. Bước vào cung Unhyun, du khách sẽ thấy một ngôi nhà dành cho ban quản lí và bảo vệ cung tá túc nằm ở bên phải. Phía sau ngôi nhà này là một khu vực có tên gọi là Lão An Đường. “Lão An Đường” có nghĩa là nơi an dưỡng khi về già. Ngôi nhà này có chiều ngang 6 gian và chiều rộng 3 gian. Nó được dùng làm nơi giải quyết các công việc triều chính trọng đại và hoạt động chính trị của Hưng Tuyên Đại Viện Quân. Hiện bên trong ngôi nhà chỉ còn miếng đệm lót ngồi, chiếc bàn sách cùng tấm bình phong 8 mảnh. Thật giản dị so với vị thế của một người quyền uy đứng sau hoàng đế. Có thể gọi Lão An Đường là vũ đài chính trị của lịch sử cận đại Hàn Quốc. Mặt khác, đây cũng chính là nơi Hưng Tuyên Đại Viện Quân trải qua quãng đời bị giam cầm của mình, kể từ sau khi bị truất quyền cho đến khi qua đời vào năm 1898.

Bây giờ chúng ta sẽ đến với ngôi nhà mang tên Lão Lạc Đường, ngôi nhà chính của cung Unhyun, thông qua chiếc cổng phía bên trái Lão An Đường. Theo lời người xưa truyền lại, nhân tài nào được Hưng Tuyên Đại Viện Quân trọng dụng đều phải bước qua chiếc cổng này để lên nhậm chức. Vì vậy, chiếc cổng này có tên là ‘Đăng Long Môn’, tức là cửa rồng bay lên. “Lão Lạc Đường” có nghĩa là nơi tìm vui khi về già. Ngôi nhà cực to và hoành tráng có 9 căn phòng này nằm ở trung tâm cung Unhyun, với chiều ngang 10 gian và chiều rộng 3 gian. Đây cũng chính nơi diễn ra hôn lễ của vua Gojong và hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành). Hướng dẫn viên Ha Jeong-hyo tiếp tục giới thiệu: “Hôn lễ của vua Gojong (15 tuổi) và hoàng hậu Myeongseong (16 tuổi) đã diễn ra tại cung điện này vào lúc 2 giờ chiều ngày 21/1/1866. Một tháng trước khi cử hành hôn lễ, hoàng hậu Myeongseong đã được gọi nhập cung để học các nghi lễ Hoàng gia. Sau hôn lễ, vua và hoàng hậu sẽ đến vấn an phụ mẫu, khi ấy nếu vua Gojong phải ở phòng to nhất, hoàng hậu ở phòng to thứ hai thì sẽ không còn nơi nào đủ rộng để vợ chồng Hưng Tuyên Đại Viện Quân nghỉ ngơi. Nghĩ vậy Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã cho xây dựng Nhị Lão Đường. Như vậy ngoài Lão Lạc Đường là nhà chính thì vợ chồng Hưng Tuyên Đại Viện Quân còn có một không gian tá túc riêng biệt khác là Nhị Lão Đường”. Để cử hành hôn lễ, hoàng gia đã phải huy động 1.641 người và 700 con tuấn mã, và tất cả đều phải đi xuyên qua cung Unhyun. Qua đó cho thấy quy mô của cung Unhyun ngày ấy to đến mức nào. Những hình nộm mô phỏng các mama tổng quản và cung nữ, cũng như các vật dụng, đạo cụ sinh hoạt trong căn phòng đã góp phần giúp cho du khách dễ dàng tưởng tượng ra những gì đã thực sự diễn ra lúc bấy giờ.

Nhị Lão Đường đã từng là nơi nghỉ ngơi của thân mẫu vua Gojong, tức phu nhân của Hưng Tuyên Đại Viện Quân. Ngôi nhà này có 7 gian chiều ngang và 7 gian chiều rộng, được làm theo cấu trúc hình vuông để ngăn chặn nam giới xâm nhập, ngoại trừ Hưng Tuyên Đại Viện Quân. Cấu trúc thú vị này chiếm được rất nhiều sự quan tâm của du khách. Hướng dẫn viên Ha Jeong-hyo giải thích thêm: “Chữ ‘Nhị’ có nghĩa là hai, còn chữ ‘Lão’ có nghĩa là già. Do đó “Nhị Lão Đường” có nghĩa là nơi sống của hai người cao tuổi đáng kính nhất trong cung, ý chỉ hai vợ chồng Hưng Tuyên Đại Viện Quân. Nền nhà cao 3 tầng, chính giữa có một khu vườn được thiết kế theo hình vuông. Một ngôi nhà theo lối truyền thống thường có phòng dành cho mama tổng quản ở phía sau, nên người ngoài có thể xâm nhập vào bên trong. Để chống kẻ lạ xâm nhập, một khu vườn đã được tạo nên ở giữa và phòng dành cho mama tổng quản đã được xây dựng ở phía đối diện. Chính điều này đã khiến ngôi nhà có được cấu trúc rất khác lạ”.

Đối diện Nhị Lão Đường là bảo tàng di sản. Bảo tàng được chia thành 18 khu, bao gồm khu hiện vật liên quan đến cung Unhyun, khu di vật của Hưng Tuyên Đại Viện Quân, khu trưng bày y phục cưới của vua Gojong và hoàng hậu Myeongseong.

[Nơi tìm về với Hàn Quốc xa xưa]

Để diện kiến vua Gojong, Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã thường xuyên đi từ cung Unhyun đến cung Gyeongbuk. Ngày nay, cứ vào mùa thu và mùa xuân, ban quản lí khu di tích lại cho tái hiện quá trình đi diện kiến vua của ông, để du khách trong và ngoài nước có dịp cùng xem và hiểu rõ hơn về cuộc sống của ông lúc bấy giờ. Những buổi biểu diễn tái hiện quá trình vào cung diện kiến chỉ được tiến hành 2 lần vào ngày Chủ Nhật. Ngoài việc đứng xem, du khách còn có cơ hội khoác lên mình chiếc áo của Hưng Tuyên Đại Viện Quân, ngồi lên kiệu và được hộ tống đi khắp cung Unhyun. Nếu được một lần trở thành đại quan, ngồi trong chiếc kiệu cao sang và có 20 người hộ tống trang trọng thì quả là không còn gì tuyệt vời hơn, đúng không các bạn?

Tại cung Unhyun vào Chủ Nhật hàng tuần còn diễn ra các buổi biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc. Giữa cung điện cổ kính và trầm mặc, những giai điệu truyền thống du dương vang vọng, như vẽ lên cả một bức tranh thu lộng lẫy bằng âm thanh.

Những giai điệu truyền thống như mang du khách quay trở về quá khứ. Đâu đó trong khu vườn là hình ảnh vua Gojong thuở thiếu niên đang chạy nhảy vui chơi. Đâu đó trong căn nhà chính là bóng dáng hoàng hậu Myeongseong đang học lễ nghi. Đâu đó vang lên quanh khu vực này là hiệu lệnh uy nghiêm của Hưng Tuyên Đại Viện Quân trước bá quan văn võ. Tất cả đều không còn hiện hữu, nhưng những câu chuyện về họ, về một thời huy hoàng của vương triều Joseon, sẽ còn sống mãi trong mỗi tia nắng chiếu xuống, từng làn gió bay qua và những tán cây tỏa bóng trong cung Unhyun. Dẫu đã trải qua một lịch sử đau thương, nhưng cung Unhyun vẫn tự hào mang trong mình những giá trị lịch sử đáng giá đến muôn đời.

Lựa chọn của ban biên tập