Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Nhật Bản đề nghị Hàn Quốc tham vấn ngoại giao về vấn đề cưỡng ép lao động

Write: 2019-01-14 11:30:19Update: 2019-01-14 18:10:12

Photo : YONHAP News

Ngày 9/1 vừa qua, Nhật Bản đã đề nghị Hàn Quốc tiến hành quy trình tham vấn ngoại giao về việc Tòa án thành phố Pohang thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang của Hàn Quốc chấp thuận kiến nghị của các nạn nhân từng bị cưỡng ép lao động dưới thời thực dân Nhật, tịch thu tài sản tại Hàn Quốc của công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo của Nhật Bản.

"Tham vấn ngoại giao" là một trình tự giải quyết tranh chấp dựa theo Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật ký kết năm 1965.  Khoản 1 điều 3 của Hiệp định này quy định: tranh chấp giữa hai nước về nội dung và cách thực hiện hiệp định sẽ được ưu tiên giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Tuy nhiên, điều khoản này không đề ra thời hạn cụ thể một nước phải đưa ra câu trả lời khi có đề nghị tham vấn ngoại giao.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng để quyết định có chấp thuận đề nghị tham vấn ngoại giao của Nhật Bản hay không. Tuy nhiên, Seoul khẳng định sẽ không bị ràng buộc trong thời hạn 30 ngày như phía Tokyo đơn phương đưa ra.

Một số ý kiến nội bộ Chính phủ đang nhấn mạnh phải hết sức thận trọng khi chấp thuận đề nghị của Nhật Bản, do đó có khả năng sẽ mất nhiều thời gian để Hàn Quốc đưa ra câu trả lời.

Trong khi đó, một số ý kiến tại Bộ Ngoại giao tỏ ra không hài lòng về việc Nhật Bản đơn phương đề ra thời hạn, gây sức ép với Hàn Quốc, cho rằng đây là một hành động "thất lễ" về mặt ngoại giao. Vào năm 2011, khi đề nghị tham vấn ngoại giao về việc giải quyết vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật trong Thế chiến II, Hàn Quốc đã không đưa ra thời hạn cho câu trả lời. Một số ý kiến phân tích việc Nhật Bản đề ra thời hạn như trên nhằm lấy cớ để nhanh chóng chuyển sang các quy trình tiếp theo.

Trong Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật, nếu tranh chấp giữa hai bên không được giải quyết thông qua tham vấn ngoại giao, thì sẽ phải tìm giải pháp thông qua việc lập một Ủy ban điều đình có sự tham gia của nước thứ ba. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc thành lập Ủy ban điều đình không phải là một giải pháp hữu hiệu.

Nếu không thành lập Ủy ban điều đình thì coi như quá trình giải quyết tranh chấp theo điều 3 Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật đã thất bại. Khi đó, Nhật Bản có khả năng sẽ đưa vấn đề này lên Tòa án công lý quốc tế (ICJ).

Lựa chọn của ban biên tập