Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Công bố Kế hoạch Quốc phòng trung hạn 2020-2024

Write: 2019-08-14 18:00:14Update: 2019-08-14 18:00:31

Công bố Kế hoạch Quốc phòng trung hạn 2020-2024

Photo : YONHAP News

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 14/8 công bố đã lập "Kế hoạch Quốc phòng trung hạn giai đoạn 2020-2024". 

Tổng ngân sách cho kế hoạch trên là 290.500 tỷ won (xấp xỉ 240 tỷ USD), trong đó ngân sách điều hành nguồn lực chiến đấu là 186.700 tỷ won (khoảng 154 tỷ USD), ngân sách cải thiện sức mạnh phòng thủ là 103.800 tỷ won (gần 86 tỷ USD).

Điều này có nghĩa là mỗi năm, Chính phủ cần chi trên 58.000 tỷ won (gần 48 tỷ USD) ngân sách quốc phòng. Dự kiến, bắt đầu từ năm sau, ngân sách quốc phòng hàng năm sẽ vượt ngưỡng 50.000 tỷ won (hơn 41 tỷ USD). Ngân sách quốc phòng trong năm nay là 46.000 tỷ won (khoảng 40 tỷ USD).

Bộ Quốc phòng cho biết trong kế hoạch trên, Bộ đã đề ra mức tăng ngân sách quốc phòng hàng năm là 7,1%. Việc nâng ngân sách quốc phòng là nhằm giảm thiểu tâm lý bất an cho người dân về mối đe doạ hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên, bởi năm sau sẽ diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, và thời điểm Mỹ chuyển giao quyền tác chiến thời chiến cho Hàn Quốc được dự kiến vào năm 2022.

Để đối phó với mối đe doạ tên lửa đạn đạo của miền Bắc, trong vòng 5 năm tới, quân đội sẽ mở rộng khu vực phòng thủ, đẩy cao hơn nữa năng lực đánh chặn tên lửa cho hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD).

Ngoài ra, quân đội sẽ xúc tiến phát triển bom xung điện và bom xung điện từ, có thể vô hiệu hóa hệ thống điện của Bắc Triều Tiên trong tình huống nguy cấp, đồng thời xúc tiến nhập tên lửa hạm đối không SM-3 lắp cho tàu khu trục Aegis.  

Như vậy, Chính phủ sẽ chi tổng cộng 34.100 tỷ won (hơn 28 tỷ USD) ngân sách trong vòng 5 năm để đối phó với tên lửa hạt nhân và các vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Bắc Triều Tiên.

Ngoài ra, 56.600 tỷ won (gần 47 tỷ USD) sẽ được đầu tư để đảm bảo và nâng cao năng lực tác chiến cho quân đội Hàn Quốc trong vòng 5 năm, như mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại như trực thăng tấn công cỡ nhỏ, rô-bốt trinh sát cỡ nhỏ, ra-đa giám sát trên biển, cải tiến tính năng của chiến đấu cơ F-15K, nhập máy bay vận tải cỡ lớn đợt hai.

Quân đội cũng có kế hoạch đóng và triển khai thêm tàu ngầm 3.000 tấn. Đặc biệt, quân đội có kế hoạch đóng tàu vận tải cỡ lớn đa dụng (tàu sân bay hạng nhẹ 30.000 tấn), có thể triển khai cho chiến đấu cơ tàng hình F-35B cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Bắt đầu từ năm sau, Bộ Quốc phòng sẽ bắt tay vào thiết kế chiến hạm này.

Lựa chọn của ban biên tập