Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Hàn Quốc lo ngại cục diện bế tắc trong quan hệ liên Triều có thể kéo dài

Write: 2019-12-13 14:46:08Update: 2019-12-13 15:56:48

Hàn Quốc lo ngại cục diện bế tắc trong quan hệ liên Triều có thể kéo dài

Photo : KBS

Viện nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia thuộc Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) ngày 13/12 công bố tài liệu phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng xấu đi của cục diện quan hệ liên Triều hiện nay.  

Theo NIS, các nguyên nhân này bao gồm hai nước Mỹ-Triều trực tiếp đàm phán, chỉ tập trung vào quan hệ song phương; sự thất vọng của Bắc Triều Tiên về vai trò trung gian, chất xúc tác của Hàn Quốc; và miền Nam chậm trễ thực thi thỏa thuận liên Triều. Viện nghiên cứu nhận định tình hình hiện nay có thể kéo dài, vì cục diện này do đích thân Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un Bắc Triều Tiên định hướng. 

Đặc biệt, tài liệu trên chỉ ra rằng việc Bắc Triều Tiên yêu cầu Hàn Quốc dỡ bỏ hạ tầng trên núi Geumgang ngụ ý miền Bắc muốn tự phát triển du lịch thay vì phụ thuộc vào hợp tác liên Triều như trước. Trong thời gian tới, khi quan hệ liên Triều cải thiện hơn, chuyển đổi phương thức hợp tác kinh tế giữa hai miền là không thể tránh khỏi.

Viện nghiên cứu nhận định trong năm sau, vấn đề nổi cộm trong quan hệ liên Triều sẽ vẫn là thúc đẩy du lịch, do Bắc Triều Tiên đang đầu tư ngân sách quy mô lớn để xây dựng ba đặc khu du lịch.

Liên quan tới đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều, Viện nghiên cứu nhận định tình trạng bế tắc hiện nay sẽ còn tiếp diễn. Bắc Triều Tiên đang tỏ ra thấp thỏm do thời hạn đàm phán nước này tự đặt ra là cuối năm nay đang tới gần. Một khi thời hạn này kết thúc, miền Bắc sẽ có thể tuyên bố về một "hướng đi mới", hoặc lấy cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ làm cớ để quy trách nhiệm làm đổ bể đàm phán cho Mỹ. Cũng có khả năng nước này sẽ lựa chọn động thái khiêu khích là phóng vệ tinh hoặc công khai vũ khí hạt nhân, tàu ngầm kiểu mới.

Viện nghiên cứu nhận định trong cuộc họp toàn thể của Ủy ban trung ương đảng Lao động miền Bắc cuối tháng này, Bắc Triều Tiên có thể sẽ thông qua đường lối chiến lược mới. Về đối nội, nước này sẽ tiếp tục tuyên truyền về định hướng tự lực cánh sinh. Về đối ngoại, miền Bắc sẽ tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị với các quốc gia thân cận như Trung Quốc và Nga. Về quân sự, có thể nước này sẽ lựa chọn con đường trở thành cường quốc hạt nhân. Nếu cuộc họp diễn ra trong bối cảnh đối thoại Mỹ-Triều vẫn chưa có bước tiến mới, có khả năng miền Bắc sẽ tuyên bố chấm dứt đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington.

Lựa chọn của ban biên tập