Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Hàn Quốc đứng thứ 23 thế giới về chỉ số dân chủ

Write: 2020-01-23 09:48:50Update: 2020-01-23 19:07:11

Hàn Quốc đứng thứ 23 thế giới về chỉ số dân chủ

Photo : YONHAP News

Cơ quan phân tích kinh tế "Economist Intelligence Unit" (EIU) thuộc tạp chí The Economist (Anh) ngày 22/1 công bố "Chỉ số dân chủ (DI) năm 2019", theo đó Hàn Quốc đạt 8/10 điểm, đứng thứ 23 thế giới, tụt hai bậc so với năm ngoái.

Tương tự năm 2018, Hàn Quốc tiếp tục được phân loại là "nước dân chủ khiếm khuyết", dưới một bậc so với 22 nước thuộc nhóm "nước dân chủ đầy đủ". Cùng được xếp vào nhóm "nước dân chủ khiếm khuyết" còn có Mỹ, Nhật Bản, Israel, Đài Loan, Cộng hòa Séc.

Kể từ năm 2016, EIU đã tiến hành đánh giá mức độ phát triển của chủ nghĩa dân chủ dựa trên 5 tiêu chí là "cơ chế bầu cử và chủ nghĩa đa nguyên", "chức năng của Chính phủ", "sự tham gia chính trị", "văn hóa chính trị", và "tự do của người dân".

Ở hạng mục "cơ chế bầu cử và chủ nghĩa đa nguyên", Hàn Quốc được đánh giá cao nhất với 9,17 điểm. Hạng mục được đánh giá thấp điểm nhất là "sự tham gia chính trị" với 7,22 điểm.

Trong số các nước lớn ở châu Á, Nhật Bản đạt 7,99 điểm, xếp thứ 24 sau Hàn Quốc. Đài Loan đạt 7,73 điểm, đứng thứ 31. Ấn Độ là 6,9 điểm, xếp thứ 51 và Nhật Bản đứng thứ 54 với 6,64 điểm.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ nhận được 2,26 điểm, xếp thứ 153, thụt lùi so với năm trước là 3,32 điểm, đứng thứ 130. Tương tự năm 2018, Trung Quốc được phân loại là "thể chế chuyên chế".

Bắc Triều Tiên đạt số điểm bằng với năm trước là 1,08 điểm, xếp thứ hạng thấp nhất trong tổng số 167 nước thuộc đối tượng khảo sát.

Năm nay, Nauy (9,87 điểm), Iceland (9,58 điểm) và Thụy Điển (9,39 điểm) tiếp tục là ba nước dẫn đầu thế giới về chỉ số dân chủ. Những nước còn lại nằm trong top 10 là New Zealand (9,26 điểm), Phần Lan (9,25 điểm), Ireland (9,24 điểm), Đan Mạch (9,22 điểm), Canada (9,22 điểm). Úc (9,09 điểm) và Thụy Sĩ (9,03 điểm).

Trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển, Đức (8,68 điểm), Anh (8,52 điểm), và Pháp (8,12 điểm) lần lượt xếp thứ 13, 14 và 20. Trong khi đó, Mỹ (7,96 điểm) xếp thứ 25 và  Ý (7,52 điểm) đứng thứ 35.

Năm nay, Pháp, Chile và Bồ Đào Nha được nâng bậc phân loại vào nhóm "nước dân chủ đầy đủ". Ngược lại, Malta lại hạ bậc từ nước "dân chủ đầy đủ" xuống "nước dân chủ khiếm khuyết".

Trong tổng số 167 nước khảo sát, 76 nước (45,5%) được phân loại là thể chế dân chủ. Trong đó, 22 nước được phân loại là "nước dân chủ đầy đủ", nhiều hơn 2 nước so với năm ngoái. 37 nước là "nước thể chế hỗn hợp", và 54 nước là "thể chế chuyên chế".

Ngoài ra, EIU đã hạ điểm bình quân từ 5,48 điểm của năm 2018 xuống còn 5,44 điểm năm 2019. Đây là mức điểm thấp nhất kể từ khi cơ quan này thực hiện thống kê liên quan năm 2006.

EIU phân tích nguyên nhân là do tác động từ sự tụt lùi của dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới như Trung Nam Mỹ, miền Nam sa mạc Sahara (châu Phi), Trung Đông và Hong Kong. Những khu vực này đã xảy ra các vụ biểu tình chống chính phủ quy mô lớn để phản đối bất bình đẳng và sự áp bức của giai cấp thống trị.

Lựa chọn của ban biên tập