Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Đảng đối lập tẩy chay phiên họp đầu tiên Quốc hội khóa XXI

Write: 2020-06-05 14:09:14Update: 2020-06-05 18:22:12

Đảng đối lập tẩy chay phiên họp đầu tiên Quốc hội khóa XXI

Photo : KBS News

Quốc hội Hàn Quốc khóa XXI đã mở phiên họp toàn thể đầu tiên vào 10 giờ sáng ngày 5/6, đúng như cam kết của đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành. Các nghị sĩ của đảng đối lập Hợp nhất Tương lai có xuất hiện, nhưng rời khỏi phòng họp ngay trước khi tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội. 

Đại diện đảng Hợp nhất Tương lai tại Quốc hội Joo Ho-young nhấn mạnh việc tổ chức phiên họp toàn thể trong khi chính giới vẫn chưa đạt nhất trí về vấn đề thành lập cơ cấu Quốc hội là không đúng luật. Đảng Hợp nhất Tương lai chỉ tham dự để phản đối việc tổ chức phiên họp, chứ tuyệt đối không công nhận phiên họp toàn thể cùng ngày.

Đại diện đảng đối lập nhấn mạnh nếu đảng cầm quyền cho rằng có thể làm bất cứ việc gì vì đang nắm trong tay 177 ghế nghị sĩ thì Quốc hội khóa XXI sẽ không thể khởi đầu thuận lợi. Quan điểm này cũng đi ngược lại với yêu cầu của người dân là Quốc hội phải xử lý các bài toán quốc gia trên tinh thần hợp tác.

Dù thiếu đảng Hợp nhất Tương lai, Quốc hội vẫn tiến hành bầu ra Chủ tịch Quốc hội trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XXI. Nghị sĩ 6 khóa Park Byung-Suk của đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, với 191 trên tổng số 193 phiếu. Nghị sĩ 4 khóa Kim Sang-hee cũng của đảng cầm quyền được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tuy nhiên, Quốc hội đã không bầu ra Phó Chủ tịch Quốc hội còn lại, vị trí dành cho một nghị sĩ của đảng Hợp nhất Tương lai.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Luật Quốc hội sửa đổi năm 1994 đề ra thời hạn bầu bộ máy lãnh đạo, Quốc hội Hàn Quốc mở phiên họp toàn thể trong khi chính giới vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1967, phiên họp toàn thể đầu tiên của Quốc hội không có sự tham gia của phe đối lập. Khi đó, đảng đối lập Dân chủ mới đã không tham gia phiên họp với lý do không công nhận kết quả bầu cử.

Chính giới dự kiến sẽ đàm phán về vấn đề phân bổ chức vụ Chủ tịch Ủy ban thường trực Quốc hội. Tuy nhiên, cả hai phe cầm quyền và đối lập đều đang tranh giành vị trí Chủ tịch Ủy ban pháp chế và tư pháp, nên dự kiến sẽ không dễ dàng đạt được thỏa thuận.

Chính phủ đã đệ trình dự thảo ngân sách bổ sung lần ba nhằm khắc phục đại dịch COVID-19. Do đó, nếu đối đầu xoay quanh vấn đề thiết lập bộ máy lãnh đạo Quốc hội kéo dài thì sẽ là gánh nặng đối với cả đảng cầm quyền và đối lập.

Lựa chọn của ban biên tập