Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Đảng cầm quyền Nhật Bản cân nhắc yêu cầu Đại sứ Hàn Quốc về nước

Write: 2021-01-13 14:08:37Update: 2021-01-13 16:42:47

Đảng cầm quyền Nhật Bản cân nhắc yêu cầu Đại sứ Hàn Quốc về nước

Photo : YONHAP News

Báo Nihon Keizai và báo Sankei của Nhật Bản ngày 13/1 đưa tin đảng cầm quyền Dân chủ tự do của Nhật Bản đang xem xét yêu cầu Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Nam Gwan-pyo về nước, nhằm phản đối việc Tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép mua vui thời chiến. 

Theo nội dung đưa tin, ông Masahisa Sato, Trưởng Ban đối ngoại của đảng Dân chủ tự do, trong cuộc họp ngày 12/1 chỉ trích phán quyết của Tòa án Hàn Quốc đã coi thường Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật (1965), thỏa thuận Hàn-Nhật về vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui năm 2015 và nguyên tắc miễn trừ tư pháp theo luật pháp quốc tế (một quốc gia không bị xét xử bởi bất kì tòa án nào, dù là quốc tế hay quốc gia khác, nếu không có sự đồng ý của quốc gia đó). Ông này cho rằng phải xem xét yêu cầu Đại sứ Nam Gwan-pyo về nước, đồng thời khởi kiện lên Tòa án công lý quốc tế (ICJ).

Đại sứ Nam dự kiến sẽ sớm về nước khi người kế nhiệm ông là ông Kang Chang-il tới Tokyo trong tháng này.

Một quan chức Chính phủ tham dự cuộc họp trên cho biết Tokyo sẽ dựa trên những ý kiến được đưa ra tại cuộc họp để đối phó với vụ việc lần này.

Mặt khác, báo Mainichi của Nhật Bản cùng ngày đăng tải phát ngôn của một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nói rằng phán quyết lần này của Tòa án Hàn Quốc còn "sốc" hơn cả phán quyết vụ các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến trước đó.

Đó là bởi phán quyết của Tòa án Hàn Quốc trong vụ kiện của các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến là yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường, còn trong vụ kiện lần này, Tòa án lại công nhận trách nhiệm bồi thường của Chính phủ Tokyo.

Báo Mainichi cho biết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến là một vết nhơ trong lịch sử Nhật Bản, nhưng phán quyết của Tòa án Hàn Quốc đã vượt khỏi thông lệ quốc tế là nguyên tắc "miễn trừ tư pháp". Dù Tòa án Hàn Quốc đơn phương ra phán quyết thì vấn đề này cũng không thể được giải quyết, mà chỉ giúp Hàn Quốc tự cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Lựa chọn của ban biên tập