Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Ủy ban Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự thảo phê chuẩn ba công ước trọng tâm của ILO

Write: 2021-02-23 16:11:28Update: 2021-02-24 00:09:58

Ủy ban Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự thảo phê chuẩn ba công ước trọng tâm của ILO

Photo : YONHAP News

Ủy ban Ngoại giao và thống nhất thuộc Quốc hội Hàn Quốc ngày 22/2 đã mở phiên họp toàn thể, thông qua dự thảo phê chuẩn ba công ước trọng tâm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) bất chấp sự phản đối của đảng đối lập Sức mạnh quốc dân. Như vậy, dự thảo phê chuẩn ba công ước ILO chỉ còn chờ được Quốc hội thông qua trong phiên họp toàn thể.

Ba công ước trên bao gồm Công ước số 29 về lao động cưỡng bức, Công ước số 87 về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức, Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Trong đó, Công ước số 29 đã được thông qua dựa trên sự đồng ý của chính giới. Hai công ước còn lại được đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đơn phương xúc tiến thông qua, trong khi các nghị sĩ đảng Sức mạnh quốc dân rời khỏi phòng họp, không tham gia phiên biểu quyết.

Nghị sĩ Kim Gi-hyeon đảng Sức mạnh quốc dân nêu lý do không tham gia biểu quyết là bởi Chính phủ không cung cấp tài liệu đầy đủ về việc các biện pháp đối phó của người lao động và giới chủ nhằm bảo vệ bản thân có đảm bảo được tính cân bằng hay không.
 
Trong khi đó, nghị sĩ Kim Young-ho (đảng Dân chủ đồng hành), thành viên cấp cao trong Ủy ban Ngoại giao và thống nhất, đề nghị đảng đối lập hợp tác với đảng cầm quyền để thông qua tiếp dự thảo tại phiên họp toàn thể Quốc hội, thay vì rời khỏi chỗ ngồi một cách vô trách nhiệm.

Trong tổng số 190 công ước được ILO thông qua kể từ sau khi thành lập vào năm 1919, có 8 công ước được phân loại là công ước trọng tâm. Hàn Quốc hiện vẫn chưa phê chuẩn 4 trong số 8 công ước này, gồm 2 công ước về vấn đề lao động cưỡng bức (công ước 29 và 105) và hai công ước về quyền tổ chức (công ước 87 và 98)

Tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc đã trình lên Quốc hội dự thảo phê chuẩn ba công ước, không bao gồm công ước 105 do cân nhắc tới tình hình chia cắt hai miền Nam-Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập