Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Luật tự trị địa phương sửa đổi có hiệu lực từ ngày 13/1

Write: 2022-01-13 15:51:55Update: 2022-01-13 17:18:12

Luật tự trị địa phương sửa đổi có hiệu lực từ ngày 13/1

Photo : YONHAP News

Luật tự trị địa phương sửa đổi với nội dung mở rộng phân quyền tự trị cho các địa phương chính thức được thực thi từ ngày 13/1. 

Luật tự trị địa phương được sửa đổi toàn diện vào năm 2020, 32 năm kể từ sau khi được lập lần đầu vào năm 1988, với các nội dung về mở rộng sự tham gia của người dân, nâng cao năng lực và trách nhiệm của Hội đồng địa phương, nâng cao hiệu suất hành chính.

Luật tự trị địa phương mới nêu rõ nguyên lý "tự trị nhân dân" trong phần về mục đích của luật, thêm khái niệm "quyền tham gia" của người dân vào quá trình quyết định và thực thi chính sách của địa phương.

Đặc biệt, Chính phủ lập mới thêm "Luật người dân tham gia đề xuất quy định địa phương", trong đó cho phép người dân có thể đề nghị Hội đồng địa phương lập, sửa đổi hay xóa bỏ một quy định của địa phương. Độ tuổi của người dân đề xuất được hạ từ 19 tuổi xuống 18 tuổi.

Luật tự trị địa phương mới cũng thêm quy định về tên gọi hành chính "thành phố phố đặc biệt" với những thành phố lớn có trên 1 triệu dân, bao gồm thành phố Suwon, Goyang, Yongin (tỉnh Gyeonggi) và thành phố Changwon (tỉnh Nam Gyeongsang). Các địa phương này sẽ có những đặc cách trong xử lý nghiệp vụ. Chính quyền các địa phương trên kỳ vọng "thành phố đặc biệt" sẽ không chỉ dừng lại ở một tên gọi hành chính, mà sẽ giúp mở rộng thực chất quyền hạn, đặc cách về tài chính cho các thành phố.

Luật tự trị địa phương mới được thực thi sẽ giúp nâng cao tính độc lập và chuyên môn của Hội đồng địa phương, như Chủ tịch Hội đồng tỉnh, thành phố có quyền tự quyết về nhân sự trong Hội đồng, thay vì chỉ có Tỉnh trưởng, Thị trưởng mới có quyền quyết định như trước đó.

Ngoài ra, Hội đồng các địa phương có nghĩa vụ phải lập ra Ủy ban đặc biệt về đạo đức, phòng ngừa tình trạng thành viên Hội đồng lợi dụng chức vụ để thu lợi bất chính.

Luật cũng quy định về việc lập và điều hành "Hội nghị hợp tác trung ương - địa phương" có sự tham gia của Tổng thống, Thủ tướng, Tỉnh trưởng và Thị trưởng các địa phương, có chức năng như một "cuộc họp Nội các thứ hai", thẩm định về các chính sách quan trọng liên quan tới phát triển tự trị địa phương và phát triển cân bằng khu vực. 

Một quan chức Bộ Hành chính và an toàn nhận định Luật tự trị địa phương được sửa đổi toàn diện sẽ là cơ hội mới để tạo ra một bước nhảy vọt trong phân quyền tự trị địa phương.

Lựa chọn của ban biên tập