Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Đàm phán lần hai giữa Chính phủ và Công đoàn vận tải hàng hóa đổ bể

Write: 2022-11-30 15:12:06Update: 2022-11-30 17:01:14

Đàm phán lần hai giữa Chính phủ và Công đoàn vận tải hàng hóa đổ bể

Photo : YONHAP News

Lúc 2 giờ chiều ngày 30/11, quan chức Bộ Địa chính và giao thông và Công đoàn vận tải hàng hóa thuộc Tổng liên đoàn lao động Dân chủ Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán lần thứ hai, nhưng cuộc đàm phán đã đổ bể chỉ sau 40 phút.

Phía Công đoàn đã yêu cầu Chính phủ triển khai vĩnh viễn chế độ đảm bảo giá cước vận tải, mở rộng phạm vi hàng hóa áp dụng. Trong khi đó, Chính phủ giữ nguyên lập trường là chỉ gia hạn ba năm chế độ này, không thể mở rộng phạm vi hàng hóa áp dụng, dẫn tới cuộc đàm phán thất bại.

Mặt khác, Bộ Địa chính cùng ngày cho biết đã ban lệnh cưỡng chế quay trở lại làm việc đối với 350 tài xế xe tải chở xi măng, tương đương 14% tổng số người lao động ở lĩnh vực này.

Người lao động nhận lệnh cưỡng chế sẽ phải quay trở lại làm việc muộn nhất là đêm ngày hôm sau, nếu từ chối thực thi sẽ có thể bị xử phạt hành chính tối đa 30 triệu won (22.800 USD), tước giấy phép hoặc phạt tù tối đa ba năm.

Tuy nhiên, bất chấp lệnh cưỡng chế của Chính phủ, thiệt hại từ cuộc đình công của Công đoàn vận tải hàng hóa, hiện đã bước sang ngày thứ 7, vẫn đang tiếp tục gia tăng. Hiệp hội xi măng Hàn Quốc cho biết lượng xuất kho xi măng đã giảm xuống còn bằng một phần mười so với thông thường, tổn thất mỗi ngày lên tới 18 tỷ won (13,6 triệu USD). Do thiếu xi măng dự trữ, sản lượng bê tông tươi cũng giảm mạnh, gây trở ngại lớn tới các công trường xây dựng. 557 công trường, tương đương 59% số công trường xây dựng trên toàn quốc, đang bị gián đoạn thi công do thiếu bê tông tươi.

Giới doanh nghiệp lọc dầu cũng đang trong tình trạng báo động. Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên cho biết tính tới 8 giờ sáng ngày 30/11, có 23 trạm xăng dầu trên toàn quốc cháy hàng do thiếu nguồn cung dầu.

Trong bối cảnh trên, Bộ trưởng Hành chính và an toàn Lee Sang-min ngày 30/11 cảnh báo sẽ xử phạt đúng theo quy định pháp luật với những người lao động từ chối quay trở lại làm việc mà không có lý do chính đáng.

Trong khi đó, Công đoàn vận tải hàng hóa dự kiến sẽ khởi kiện lên Tòa án đề nghị hủy và dừng thực thi lệnh cưỡng chế của Chính phủ. 

Chính phủ ước tính hơn 7.000 người lao động (chiếm 35% tổng thành viên) thuộc Công đoàn vận tải hàng hóa đang tiến hành biểu tình tại 160 địa điểm trên toàn quốc tính đến 10 giờ sáng ngày 30/11.

Lựa chọn của ban biên tập