Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Khoa học

Các đô thị vừa và nhỏ tại Hàn Quốc có xu hướng nóng bức hơn các đô thị lớn

Write: 2023-08-16 13:46:19Update: 2023-08-16 19:00:51

Photo : YONHAP News

Viện Khoa học khí tượng quốc gia Hàn Quốc đã công bố kết quả phân tích tài liệu quan trắc thời tiết đối với 30 thành phố lớn, vừa và nhỏ trong vòng 48 năm, từ năm 1973 đến năm 2020, cho thấy thời tiết nóng gắt ở các thành phố vừa và nhỏ đã vượt qua ngưỡng ở các thành phố lớn trực thuộc trung ương. 

Theo đó, tần số phát sinh thời tiết nắng nóng gay gắt cứ mỗi 10 năm lại tăng 1,6 ngày tại các đô thị lớn có dân số trên 1 triệu người, tăng 1,8 ngày tại đô thị vừa và nhỏ có trên 300.000 người. Trong khi đó, tại các địa phương không phải thành phố có dân số trên dưới 100.000 người thì tăng 1,1 ngày.

Mức tăng số ngày nóng bức càng thể hiện rõ hơn tại các thành phố vừa và nhỏ khi so sánh với các thành phố lớn nằm gần đó. Chẳng hạn như thành phố vừa và nhỏ Gumi tăng 2,7 ngày, nhiều hơn thành phố lớn Daegu nằm sát bên (tăng 2,2 ngày); thành phố Cheongju (tỉnh Bắc Chungcheong) tăng 1,7 ngày, cao hơn mức tăng 1,1 ngày của thành phố lớn Daejeon.

Nhiệt độ bình quân trong cùng kỳ tăng 0,38 độ C tại thành phố vừa và nhỏ, 0,36 độ C tại thành phố lớn, 0,23 độ C tại khu vực không phải đô thị, có thể thấy đô thị vừa và nhỏ có mức tăng cao nhất. Một trong những lý do khiến nhiệt độ tại các thành phố gia tăng là ảnh hưởng của việc đô thị hóa.

Nhiệt độ bình quân hàng năm trong thời gian này của 16 thành phố tại Hàn Quốc tăng 0,37 độ C 10 năm một lần, trong đó khoảng 24%-49% là do ảnh hưởng từ đô thị hóa. Đặc biệt, tỷ lệ này ở thành phố vừa và nhỏ là 29-50%, cao hơn thành phố lớn là 22-47%. Theo phân tích của Viện Khoa học khí tượng quốc gia, nguyên nhân là sự đình trệ trong tăng trưởng tại các đô thị lớn và xu thế tăng trưởng liên tục của đô thị vừa và nhỏ.

Tỷ lệ dân số tại thành phố lớn giảm dần sau khi đạt đỉnh vào những năm 1990 với 52%. Trái lại, tỷ lệ này ở thành phố vừa và nhỏ thì mới chạm mức cao nhất khoảng 31% vào năm 2015 và năm 2019. Qua đó có thể hiểu là sự tăng trưởng liên tục của đô thị vừa và nhỏ đã dẫn tới thời tiết nóng gắt.

Tuy nhiên, kết quả phân tích lần này đã không phản ánh các yếu tố khác như sự thay đổi dân số, do đó cần phải tiến hành thêm các nghiên cứu bổ sung về diện tích vành đai xanh, sự phân bố nguồn phát thải khí nhà kính hoặc việc thay đổi chính sách theo từng đô thị để có thể lập ra biện pháp đối phó với thời tiết nóng bức.

Lựa chọn của ban biên tập