Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Quần thể lăng mộ Gaya của Hàn Quốc được công nhận là di sản văn hóa thế giới

Write: 2023-09-18 10:49:16Update: 2023-09-18 19:28:46

Photo : YONHAP News

Quần thể lăng mộ Gaya (Gaya Tumuli) gồm 7 di tích triều đại Gaya còn lại ở phía Nam bán đảo Hàn Quốc đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Ủy ban Di sản thế giới (WHC) thuộc UNESCO ngày 17/9 đã mở cuộc họp tại Riyadh (Ả-rập Xê-út) và đưa ra quyết định cuối cùng về việc công nhận quần thể lăng mộ Gaya là di sản văn hóa thế giới.

Quần thể lăng mộ Gaya gồm 7 khu lăng mộ được chỉ định là di sản văn hóa quốc gia, từng tồn tại từ thế kỷ thứ I đến giữa thế kỷ thứ VI, phân bố tại khu vực Yeongnam (bao gồm các thành phố Busan, Daegu, Ulsan, tỉnh Nam và Bắc Gyeongsang) và Honam (bao gồm thành phố Gwangju, tỉnh Nam và Bắc Jeolla). 

Các di tích này nằm tại các địa phương như phường Jisan thuộc huyện Goryeong (tỉnh Bắc Gyeongsang), phường Daeseong (thành phố Gimhae), phường Songhak thuộc huyện Goseong (tỉnh Nam Gyeongsang), xã Yugok và Durak của thành phố Namwon (tỉnh Bắc Jeolla).

Ủy ban Di sản thế giới đánh giá quần thể lăng mộ Gaya là bằng chứng quan trọng của việc duy trì một hệ thống tự trị độc đáo ngang hàng và tự do, hòa thuận với các nước láng giềng. Thêm vào đó, quần thể này cũng mang giá trị cao trong việc thể hiện sự đa dạng của nền văn minh cổ đại Đông Á.

Gaya (Già Da) là tên gọi chung các nước nhỏ phát triển quanh lưu vực sông Nakdong từ trước Công nguyên cho tới năm 562 sau Công nguyên, được biết đến có Geumgwan Gaya (Kim Quan Già Da) và Daegaya (Đại Già Da). Tuy nhiên, khác với những triều đại trong cùng thời kỳ như Goguryeo, Baekje và Silla thì Gaya không có nhiều tư liệu để lại. Do đó, quần thể lăng mộ Gaya được đánh giá là di tích quan trọng có thể phục hồi nền văn minh Gaya đã biến mất.

Ngoài ra, Ủy ban Di sản thế giới đã nhấn mạnh cần xây dựng hệ thống bảo tồn và quản lý 7 khu lăng mộ Gaya. 

Tính đến nay, Hàn Quốc có tổng cộng 14 di sản văn hóa, hai di sản tự nhiên được đưa vào danh sách di sản thế giới của UNESCO, kể từ khi động Seokguram và chùa Bulguk, Janggyeong Panjeon (Điện Tàng kinh bản) của chùa Haein, đền thờ Jongmyo (Tông Miếu) được công nhận vào năm 1995.

Lựa chọn của ban biên tập