Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Công bố tài liệu ngoại giao về quá trình đàm phán Mỹ-Triều năm 1993 về Hiệp ước NPT

Write: 2024-03-29 16:27:35Update: 2024-04-01 11:39:59

Công bố tài liệu ngoại giao về quá trình đàm phán Mỹ-Triều năm 1993 về Hiệp ước NPT

Photo : KBS News

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 29/3 công bố 2.306 tài liệu ngoại giao (tổng cộng hơn 370.000 trang) từ hơn 30 năm trước đã được giải mật.

Hàng năm, Chính phủ Hàn Quốc công bố các tài liệu ngoại giao đã được soạn thảo quá 30 năm, để đảm bảo quyền được biết của người dân và nâng cao tính minh bạch trong hành chính ngoại giao.

Trong số các tài liệu lần này, có biên bản hai cuộc họp cấp cao tại Geneva (Thụy Sĩ) và New York (Mỹ) giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Robert Gallucci và Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kang Sok-ju, nhằm hàn gắn cuộc khủng hoảng xảy ra sau khi miền Bắc rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào tháng 3/1993.

Ban đầu, tại hội đàm Ngoại trưởng Hàn-Mỹ ngày 26/3/1993, Mỹ đưa ra lập trường sẽ không xem xét tiếp xúc cấp cao với miền Bắc, nhưng sau đó Washington đã đồng ý tổ chức hội đàm cấp cao với Bình Nhưỡng theo khuyến nghị của Trung Quốc, nhằm giành được sự ủng hộ của Bắc Kinh tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Sau đó, hai bên đã tổ chức tiếp xúc cấp chuyên viên theo đề nghị từ Bắc Triều Tiên vào ngày 7/6 cùng năm. Trong đó, miền Bắc nêu ra điều kiện sẽ rút lại tuyên bố về việc ra khỏi Hiệp ước NPT nếu Mỹ thông qua tuyên bố thượng đỉnh Mỹ-Triều có 4 nội dung chính là hỗ trợ thống nhất bán đảo Hàn Quốc, không can thiệp nội bộ, không sử dụng vũ lực trừ trường hợp tự vệ, ủng hộ tuyên bố chung phi hạt nhân hóa liên Triều. 4 ngày sau, Bắc Triều Tiên rút lại quyết định ra khỏi Hiệp định NPT, và thông qua tuyên bố chung với nội dung Mỹ sẽ không có biện pháp quân sự.

Trong cuộc tiếp xúc cấp cao lần hai diễn ra từ ngày 14-19/7/1993 tại Geneva, Bắc Triều Tiên đề xuất Mỹ hỗ trợ để nước này chuyển đổi các lò nguyên tử chạy bằng than chì đang hoạt động thành lò phản ứng nước nhẹ, thì coi như vấn đề hạt nhân được giải quyết. Miền Bắc gọi đây là "Sáng kiến Kim Nhật Thành", trong đó nước này bày tỏ ý định sẽ phá dỡ các lò nguyên tử đang vận hành, đang xây dựng, và các cơ sở liên quan tới vũ khí hạt nhân (tái xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng). Sau đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã trình bày lại kết quả này cho Đại sứ Hàn Quốc tại Geneva.

Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân đã không đạt được tiến triển nào trong cuộc tiếp xúc cấp chuyên viên Mỹ-Triều lần hai, hay trong chuyến thị sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sau đó. Quá trình thảo luận giữa hai nước Hàn-Mỹ về việc đối phó với các đề xuất từ Bắc Triều Tiên cũng không hề suôn sẻ. 

Cuối cùng, tới năm 1994, Washington và Bình Nhưỡng đạt được "Thỏa thuận Geneva" với nội dung miền Bắc đóng băng hạt nhân, đổi lại Mỹ cung cầu dầu nặng và xây dựng nhà máy phát điện chạy bằng lò phản ứng nước nhẹ cho nước này. Vậy nhưng rốt cuộc, Bắc Triều Tiên vẫn chính thức rút khỏi Hiệp ước NPT vào năm 2003.

Trong số các văn kiện ngoại giao được công bố lần này còn có tài liệu về quá trình thảo luận gay cấn giữa Chính phủ cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam với Chính phủ cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton về phương án đàm phán với Bắc Triều Tiên, thứ tự xúc tiến đối thoại Mỹ-Triều và liên Triều.

Người dân có thể tiếp cận bản gốc các tài liệu được công bố lần này tại "Phòng đọc tài liệu ngoại giao" thuộc Trung tâm Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

Lựa chọn của ban biên tập