Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Gần 3.000 nghi phạm lừa đảo tiền đặt cọc thuê nhà bị bắt giữ trong vòng 10 tháng

Write: 2023-06-08 14:09:21

Thumbnail : KBS News

Cơ quan Điều tra quốc gia thuộc Cơ quan Cảnh sát Hàn Quốc ngày 8/6 công bố kết quả đợt truy quét đặc biệt liên ngành đợt hai đối với tội phạm lừa đảo tiền đặt cọc tiền thuê nhà trọn gói (jeonse). 

Trong vòng 10 tháng từ tháng 7 năm ngoái, cơ quan này đã bắt giữ tổng cộng 2.895 nghi phạm liên quan đến các vụ lừa đảo tiền đặt cọc thuê nhà, trong đó có 288 người bị giam giữ điều tra.

Trong số các nghi phạm bị bắt giữ, có 531 người làm nghề thẩm định giá bất động sản hoặc nhân viên môi giới bất động sản. Những nghi phạm này bị nghi ngờ cố ý giới thiệu nhà cho người thuê, dù biết rõ chủ của bất động sản đó sẽ không thể trả lại tiền đặt cọc cho người thuê, hoặc cố ý thổi phồng giá thẩm định của nhà ở cho thuê bị sử dụng làm đối tượng lừa đảo tiền đặt cọc.

Đặc biệt, trong đợt truy quét tội phạm lừa đảo tiền đặt cọc thuê nhà lần này, lần đầu tiên Cảnh sát tiến hành bắt giữ 31 tổ chức tội phạm, trong đó cáo buộc với 6 tổ chức nghi ngờ phạm tội có tổ chức.

Trong số 31 tổ chức trên, có 10 tổ chức sở hữu tới hơn 10.300 căn hộ theo hình thức đầu tư chênh lệch không cần vốn (mua các căn hộ có mức giá bán và giá đặt cọc không chênh lệch lớn để mua vào, sau đó cho thuê lấy tiền đặt cọc, lấy tiền đó mua tiếp căn hộ khác); 21 tổ chức làm hợp đồng giả để chiếm đoạt 78,7 tỷ won (60,2 triệu USD) tiền đặt cọc. Một băng đảng được biết đến với tên gọi "Vua kiến trúc" đã tiến hành hàng loạt các vụ lừa đảo tiền đặt cọc thuê nhà số tiền lớn ở quận Michuhol, thành phố Incheon, chiếm đoạt 43 tỷ won (32,9 triệu USD) từ người thuê nhà. 

Nếu bị cáo buộc hành vi tội phạm có tổ chức, thì không chỉ kẻ cầm đầu mà tất cả các thành viên trong băng đảng đều bị xử mức phạt tương đương như thủ phạm chính.

Mặt khác, hơn một nửa nạn nhân bị lừa đảo tiền đặt cọc thuê nhà là đối tượng thanh niên, ngoài 20, 30 tuổi. Trong số 2.996 nạn nhân, có 35% là người ngoài 30 tuổi, 18% là người ngoài 20 tuổi.

Xét theo hình thức của nhà ở bị lợi dụng làm đối tượng lừa đảo, có 57% là căn hộ tập thể, 26% là căn hộ văn phòng (officetel).

Xét về số tiền bị thiệt hại, 33,7% nạn nhân bị thiệt hại từ 100-200 triệu won (76.560 USD đến 153.100 USD), 33,3% nạn nhân bị thiệt hại từ 50-100 triệu won (38.280 USD đến 76.560 USD).

Tòa án đã đóng băng được 5,61 tỷ won (4,3 triệu USD) lợi nhuận bất chính từ các vụ lừa đảo tiền đặt cọc thuê nhà, tăng gấp 10,2 lần so với đợt truy quét lần thứ nhất. 

Cơ quan Cảnh sát, Viện Kiểm sát, Bộ Địa chính và giao thông dự kiến sẽ công bố kết quả cuối cùng sau khi kết thúc đợt truy quét đặc biệt vào ngày 24/7 tới.

Lựa chọn của ban biên tập