Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Triển vọng mảng chíp bán dẫn Hàn Quốc trong năm 2024

Write: 2024-01-08 13:30:06

Thumbnail : YONHAP News

Trong quý I năm 2023, mảng kinh doanh chíp bán dẫn của hãng điện tử Samsung lần đầu tiên thua lỗ sau 14 năm. Tính tới quý III, hãng đã bị thua lỗ tới 12.000 tỷ won (9,13 tỷ USD). 

Kinh tế suy thoái, tiêu dùng các thiết bị công nghệ thông tin như smartphone giảm, khiến cho lượng đơn hàng chíp nhớ, mặt hàng chủ lực của điện tử Samsung, bị sụt giảm mạnh. Cuối cùng, gánh nặng thua lỗ khiến hãng phải cắt giảm lượng sản xuất lần đầu tiên trong vòng 25 năm, nối tiếp SK Hynix.
 
Rất may là giá thành chíp bán dẫn có sự hồi phục từ nửa cuối năm ngoái, xuất khẩu cũng đang có chiều hướng tăng. Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) kiêm Chủ tịch hãng SK Chey Tae-won tháng 12 năm ngoái nhận định rằng ngành chíp bán dẫn đang trong giai đoạn thoát khỏi "đáy".

Đặc biệt, sự gia tăng doanh thu mặt hàng bộ nhớ băng thông cao (HBM), một sản phẩm mà SK Hynix và Samsung cùng phân chia thị trường, đã giúp hồi phục kết quả kinh doanh mảng chíp bán dẫn. Nhu cầu về bộ nhớ băng thông cao đang có sự gia tăng nhanh chóng trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI).

Ở mảng chíp nhớ, doanh nghiệp Hàn Quốc được đánh giá là sẽ có thể tiếp tục duy trì được khoảng cách vượt trội so với các đối thủ khác. Nhà nghiên cứu Kim Yang-paeng thuộc Viện nghiên cứu công nghiệp Hàn Quốc cho biết nhu cầu HBM có sự gia tăng trong thời đại tăng trưởng AI, nhưng số doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này không nhiều, nên dự kiến sẽ xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh ở mảng chíp hệ thống lại vẫn đang hết sức khốc liệt.

Nhà máy sản xuất chíp bán dẫn của hãng điện tử Samsung ở Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi) có quy mô lớn nhất thế giới, diện tích gấp 400 lần sân vận động bóng đá. Samsung đang đẩy mạnh đầu tư thiết bị sản xuất, bao gồm cả nhà máy chíp bán dẫn hệ thống ở thành phố Yongin (tỉnh Gyeonggi) và tại bang Texas (Mỹ). 

Tuy nhiên, trong cuộc đua công nghệ, doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn đang đứng sau công ty số một thế giới là TSMC của Đài Loan. Bài toán đặt ra với Samsung là phải bồi dưỡng mảng thiết kế chíp bán dẫn, hiện mới chỉ chiếm thị phần ở ngưỡng 3%.

Điều kiện thiết yếu để có thể duy trì "siêu khoảng cách" với đối thủ đó là sự thách thức, đổi mới công nghệ mạnh mẽ của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng cần tới sự hỗ trợ từ Chính phủ để đối phó với những biến số địa chính trị.

Lựa chọn của ban biên tập