Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hộp trò chuyện trí tuệ nhân tạo "Iruda" sắp sửa ra mắt trở lại sau hơn một năm

Write: 2022-02-08 14:56:46

Thumbnail : YONHAP News

Hộp trò chuyện (Chatbot) trí tuệ nhân tạo "Iruda" sắp sửa được ra mắt trở lại sau hơn một năm bị dừng dịch vụ. 

"Iruda" có khả năng trò chuyện bằng văn bản với bất cứ người dùng nào cài đặt ứng dụng. Ngay sau khi ra mắt, ứng dụng đã gây được tiếng vang, với hơn 500.000 người sử dụng. Tuy nhiên, Iruda đã phải dừng hoạt động chỉ 20 ngày sau khi ra mắt, do làm dấy lên tranh cãi vì có những phát ngôn phân biệt đối xử với người đồng giới, người khuyết tật và phụ nữ, đơn vị phát triển bị chỉ trích là đã sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người dùng.

Sau hơn một năm, dịch vụ này sắp sửa được ra mắt trở lại. Công ty phát triển "Iruda" Scatter Lab đã tiến hành triển khai thí điểm dịch vụ với 8.000 người đăng ký. Đại diện phụ trách marketing của doanh nghiệp cho biết công ty đã tiến hành nhiều cải tiến, và đang thực hiện thử nghiệm đợt hai một cách thận trọng.

Trong thời gian qua, phía công ty đã lập ra các chuẩn mực về đạo đức cho hộp trò chuyện Iruda, phát triển công cụ giúp sàng lọc và phát hiện các phát ngôn hiềm khích, nên dự kiến sẽ không gặp vấn đề nào trong quá trình triển khai lại dịch vụ. Ngoài ra, công ty cũng đã xử lý thông tin cá nhân một cách chặt chẽ dưới tên giả.

Tuy nhiên, có ý kiến chỉ trích rằng Chính phủ phải ưu tiên lập chế tài pháp lý để có thể bảo vệ thông tin cá nhân do các thông tin nhạy cảm chắc chắn sẽ giúp tạo ra một cơ sở dữ liệu cực kỳ quan trọng cho các công ty, bởi các công ty phải tạo ra trí tuê nhân tạo dựa trên cơ sở dữ liệu đó.

Tính riêng thị trường trí tuệ nhân tạo nhận diện ngôn ngữ hay giọng nói trong đời sống thường nhật đang tăng trưởng mỗi năm 20%, dự kiến quy mô thị trường này sẽ vượt 40 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2025. Do vậy, có ý kiến cho rằng đây là thời điểm mà Chính phủ phải bồi dưỡng trí tuệ nhân tạo như một ngành công nghiệp cốt lõi của quốc gia, không nên siết chặt quy chế.

Giáo sư Choi Kyung-jin thuộc Khoa Luật Đại học Gacheon chỉ ra rằng Chính phủ phải phân biệt rõ lĩnh vực nào cần thắt chặt quy chế chặt chẽ, lĩnh vực nào không, để chỉ áp dụng quy chế với những lĩnh vực cần thiết nhất, nhằm phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Liên minh châu Âu (EU) đang xúc tiến dự thảo luật, với tiền đề là trí tuệ nhân tạo không nên xâm hại quyền cơ bản của con người. Trong khi đó, một số dự luật liên quan cũng đã được đề xuất lên Quốc hội Hàn Quốc nhưng chính giới vẫn chưa đạt được ý kiến nhất trí.

Lựa chọn của ban biên tập