Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

“Nơi ăn chốn ở” của người dân Bắc Triều Tiên

2019-02-07

© KBS News

Con người có quyền được hưởng một cuộc sống thoải mái với chỗ ở ổn định, và tất cả các quốc gia trên thế giới đều nỗ lực cung cấp môi trường sống đầy đủ cho người dân nước mình. Năm 2016, tỷ lệ số hộ dân trên số nhà ở sẵn có của Hàn Quốc đạt tới 103,5%, và không gian sống bình quân đầu người là 31,2 m2. Dù vẫn còn những người nghèo sống dưới mức tối thiểu về tiêu chuẩn nhà ở, song hoàn toàn không có sự thiếu thốn về nơi cư trú tại Hàn Quốc. Vậy tình trạng nhà ở tại Bắc Triều Tiên thì sao? Hãy cùng tìm hiểu về tình hình nhà ở của người dân miền Bắc.


Hệ thống kinh tế Xã hội chủ nghĩa không công nhận quyền sở hữu nhà đất tư nhân

Bắc Triều Tiên áp dụng hệ thống chia nhà ở theo nhân khẩu. Nhà nước sở hữu nhà đất, còn người dân chỉ có quyền sống trong các ngôi nhà miễn phí được Nhà nước cung cấp và phải trả phí sử dụng. Kích cỡ và loại nhà ở rất khác nhau, phụ thuộc vào tầng lớp. “Tầng lớp cốt lõi” được cung cấp nhà ở tốt, còn những ngôi nhà với cơ sở nghèo nàn được phân cho các tầng lớp “dao động” và “thù địch”. Người dân cũng nhận được nhà khác nhau, phù hợp với công việc và địa vị của họ.


Nhà ở được phân dựa theo công việc và địa vị

Các quan chức bậc trung và cao cấp được sống trong căn hộ chung cư có 2 hoặc 3 phòng ngủ. Công nhân ở các tỉnh thành địa phương thì sống ở khu dân cư nhiều hộ gia đình gọi là “nhà ắc-mô-ni-ca”, với khoảng 36 m2 mỗi hộ. Nông dân thường được cấp nhà một hộ dân với một hoặc hai phòng ngủ. Nhưng hệ thống phân phối nhà ở trên đã và đang thay đổi.


Các cá nhân tham gia một cách không chính thức vào việc xây dựng nhà ở

Theo một nghiên cứu năm 2015 của Viện đất đai và nhà ở Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên có thể cung cấp nhà ở cho khoảng 60-70% dân số nước mình. Miền Bắc đã phải hứng chịu nạn thiếu hụt nhà ở nghiêm trọng trong thập niên 1980, khi thế hệ bùng nổ dân số ở nước này bắt đầu kết hôn. Khó khăn lớn về kinh tế giữa thập niên 1990 (thời kỳ “tháng Ba gian khổ”) đã dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống phân phối nhà ở và thực phẩm. Bởi hệ thống phân phối bị sụp đổ, người dân Bắc Triều Tiên đã hình thành thị trường, chợ búa vì sự tồn tại của chính họ. Chính quyền không còn lựa chọn nào khác ngoài công nhận thị trường, vốn đã phát triển mau chóng.


Chính phủ miền Bắc cũng không thể nào đáp ứng được nhu cầu về nhà ở tăng vọt. Điều này cho phép các doanh nghiệp nhà nước xây dựng và phân phối nhà ở, và những doanh nghiệp trên đã bán một số nhà cho các cá nhân một cách không chính thức nhằm đảm bảo được nguồn vốn cần thiết. Qua đó, người dân được phép tham gia vào việc xây dựng nhà ở.  Sự thay đổi này đã tạo ra thị trường bất động sản tại miền Bắc.


Thị trường bất động sản trỗi dậy, kèm theo hiện tượng bán phá giá

Ở Bắc Triều Tiên, nhà cửa được xây dựng theo nhiều cách. Nhà nước có thể chịu trách nhiệm cung cấp vật liệu xây dựng và trả chi phí liên quan. Nhưng nhà cửa cũng có thể được xây thông qua cả đầu tư công và tư nhân, hoặc chỉ thông qua đầu tư cá nhân dưới danh nghĩa doanh nghiệp xây dựng. Phát triển bất động sản vẫn là bất hợp pháp tại miền Bắc. Nhưng năm 2013, những doanh nghiệp mới đã xuất hiện với mục đích thu hồi vốn từ các cá nhân để cung ứng nhà ở. Đổi lại, các nhà đầu tư tư nhân nhận được nhà, và sau đó mua đi bán lại.


Giao dịch trên đã khiến giá nhà tăng vọt và xuất hiện hiện tượng đầu cơ bất động sản. Theo văn phòng tại Thượng Hải của Cơ quan thúc đẩy thương mại-đầu tư Korea, giá một ngôi nhà nghỉ dưỡng sang trọng ở Bình Nhưỡng là 8.000 USD mỗi m2. Thị trường bất động sản đang lớn mạnh một cách mau chóng tại các thành phố lớn ở miền Bắc, như Nampo, Gaesung và Chongjin. Theo đó, các “điểm nóng” bất động sản cũng xuất hiện.


Phố Ryomyong (thủ đô Bình Nhưỡng), khu vực trường học... được ưa chuộng hơn cả

Các “điểm nóng” bất động sản ở Bắc Triều Tiên bao gồm những địa điểm với nhiều tòa chung cư cao cấp, như tòa nhà 82 tầng trên phố Ryomyong, thủ đô Bình Nhưỡng, được xây dựng năm 2017. Những địa điểm được ưa thích cũng bao gồm khu vực trường đại học, nơi chủ nhà có thể kiếm ra tiền bằng cách cho sinh viên thuê phòng. Sinh viên Bắc Triều Tiên phải ở trong ký túc xá trừ phi sống gần trường. Nhưng trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, việc duy trì hoạt động của ký túc xá ngày một khó hơn với các trường, dẫn tới số lượng sinh viên ở nhà trọ tăng lên. Nhiều người dân miền Bắc cũng có xu hướng sống trong những khu vực gần các Đại sứ quán và chợ.


Kỳ vọng về thị trường nhà ở năng động tại miền Bắc thông qua hợp tác kinh tế liên Triều

Trong quá trình vượt qua các khó khăn về kinh tế, thị trường bất động sản đang mau chóng lớn mạnh ở miền Bắc. Nếu xu thế này tiếp tục, thị trường nhà ở có thể cực thịnh, thông qua một sự kết hợp giữa nguồn lao động của Bắc Triều Tiên với nguồn vốn và kỹ thuật của Hàn Quốc. Vì mục tiêu trên, nền kinh tế khép kín của miền Bắc trước tiên nên đi theo con đường cải cách và mở cửa, dựa trên các nguyên tắc kinh tế.

Tin mới nhất