Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Chợ ở Bắc Triều Tiên (Phần 1)

2019-02-21

© KBS

“Jangmadang”, có nghĩa là chợ hay chợ búa, là một trong những cụm từ quan trọng gắn liền với Bắc Triều Tiên ngày nay. Là hạt giống cho một nền kinh tế thị trường tại quốc gia này, “jangmadang” đã len lỏi và lan tỏa rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày của người dân miền Bắc. Hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao chợ được hình thành ở Bắc Triều Tiên và cách thức hoạt động của chúng.


Xuất hiện giữa thập niên 1990, sau thời kỳ “tháng Ba gian khổ”

Trong giai đoạn đầu, những phiên chợ không chính thức đã từng tồn tại ở Bắc Triều Tiên, gọi là chợ nông sản. Một số hàng tạp hóa không được Nhà nước cung cấp đã được mua bán tại các chợ nông sản dưới sự bao che của Chính phủ và chỉ khi nào các nông trường tập thể không mở cửa.


Tuy nhiên, chợ tư nhân đã sinh sôi nảy nở trong giai đoạn giữa-cuối thập niên 1990, khi nước này hứng chịu khó khăn về kinh tế, còn được gọi là thời kỳ “tháng Ba gian khổ”. Tình trạng thiếu thốn thực phẩm đã dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống phân phối công, đẩy người dân tới cảnh phải tự chăm lo cho chính mình và do đó “jangmadang” bắt đầu nổi lên. Người dân trở nên ngày một phụ thuộc vào chợ tư nhân vì sự tồn tại của chính họ, và chính quyền đành công nhận sự tồn tại của chợ. Sau khi Bắc Triều Tiên hợp pháp hóa “jangmadang” vào năm 2003 và cho phép buôn bán hàng hóa công nghiệp, chợ đã phát triển một cách mau chóng.


Chợ ở Bắc Triều Tiên bán rất nhiều mặt hàng, từ cây trồng, nước tương, tương đậu nành, trứng, các món ăn phụ, quà vặt và thực phẩm đã chế biến, cho tới đồ điện, quần áo, giày dép và các sản phẩm công nghệ. Thậm chí, các sản phẩm của Hàn Quốc như bánh Choco Pie, cà phê gói pha sẵn và xúc xích, cũng được buôn bán tại các chợ ở miền Bắc. Những người có thu nhập cao ở thủ đô Bình Nhưỡng thích hàng hóa sản xuất tại Hàn Quốc hơn, kể cả TV màn hình LED chất lượng cao, tủ lạnh và máy rửa bát.


Hàng hóa đổ ra chợ thông qua nhiều kênh phân phối

Hàng hóa được sản xuất bởi nhà máy hay công ty, nông sản và các sản phẩm vật nuôi do vườn nhà hay nông trại địa phương nuôi trồng, hàng buôn giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, kể cả buôn lậu, đều đổ ra các chợ ở miền Bắc. Một số nhà buôn thu mua hàng hóa ở vùng này để bán cho vùng khác khi các mặt hàng này thiếu nguồn cung. Còn những nhà buôn sỉ thì dùng ô tô hay tàu hỏa mang hàng hóa đi nhiều vùng miền để bán cho thương gia ở các chợ địa phương hay bán trực tiếp cho người mua. Thương gia ở chợ phải trả phí quầy hàng.


Một khu chợ được công nhận bởi chính quyền Bắc Triều Tiên là một tòa nhà được xây trên khoảng đất trống khá rộng. Trong đó, các quầy hàng được dựng lên và người bán hàng phải trả phí sử dụng quầy. Mỗi chợ lại có văn phòng quản lý riêng do Chính phủ điều hành, và văn phòng này đề ra quy định phí quầy hàng. Một quầy hàng từ 50-60 cm được phân cho mỗi thương gia sau khi đã trả phí. Nếu muốn giữ các quầy tại vị trí đẹp, họ phải trả thêm một khoản tiền nữa.


Ngoại tệ được ưa chuộng hơn đồng tiền trong nước

Năm 2009, chính quyền Bắc Triều Tiên thi hành một cuộc cải cách tiền tệ, tái định tỷ giá trao đổi thành 100 đồng won cũ ăn 1 đồng won mới. Mục đích chính của việc tái định giá đồng tiền trong nước là để kiềm cương nền kinh tế thị trường đang ngày một lan rộng. Nhưng cuộc cải cách tiền tệ đã phản tác dụng, lạm phát tiếp tục phi mã và dư luận trong nước ngày một xấu đi. Chính quyền đành phải giảm nhẹ kiểm soát giá cả và cho phép giao dịch thị trường. Kết quả là, trên thực tế, ngoại tệ đã được chấp nhận trong buôn bán ở chợ. Mặc dù Chính phủ giữ cho giao dịch ngoại tệ trong tầm kiểm soát, song những người đổi tiền luôn xuất hiện tại các chợ để người dân có thể dễ dàng trao đổi ngoại tệ sau khi trả phí.


Khuếch trương nền kinh tế thị trường thông qua việc mở rộng chợ

Theo Viện nghiên cứu thống nhất, thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc, năm 2016, Bắc Triều Tiên có tổng cộng 404 “jangmadang”. Toàn bộ khu vực chợ chiếm khoảng 1,83 triệu m2 và tổng số quầy hàng tại các chợ đã vượt con số 1 triệu. Khoảng 1 triệu người làm việc ở chợ, tức 5% tổng dân số nước này. Như vậy, trung bình khoảng 57.000 người thường xuyên lui tới một khu chợ. Ông Cho Bong-hyun, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế (thuộc Ngân hàng công nghiệp Hàn Quốc) cho rằng, trên thực tế, chợ chính là động lực của nền kinh tế nước này.


Theo các nhà phân tích, “jangmadang” chính là nguyên nhân vì sao Bắc Triều Tiên có thể duy trì nền kinh tế của mình bất chấp các lệnh cấm vận mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Như chúng ta thấy, chợ búa đã cấu thành một trụ cột sống còn cho nền kinh tế miền Bắc. Hãy cùng tìm hiểu về sự biến đổi của chợ ở miền Bắc trong Phần 2.

Tin mới nhất